Thursday, April 16, 2015

Thấm thoát đã 40 năm

   Thấm thoát đã 40 năm trôi qua! 40 năm dân tộc Việt Nam từ  Nam chí Bắc tiếp tục sống  dưới ách cai trị của đảng Cộng Sản Việt Nam!

     Sau khi cưỡng chiếm miền Nam, CS đưa tất cả quân cán chính VNCH vào trại cải tạo, áp dụng chế độ vô sản chuyên chế, biến đất nước trở thành một nhà tù vĩ đại, biến Việt Nam thành quốc gia bần cùng và nghèo đói nhất trên thế giới.
 Nếu năm 1985, Mikhail Gorbachev không nhận thấy sự trì trệ của chế độ CS và thực hiện hai chính sách nhằm cứu nguy: Glasnost cho phép người dân có tiếng nói chỉ trích chính quyền;  Perestroika, cải đổi cơ cấu hay cải cách nền kinh tế, thì CSVN chắc chắn cũng tiếp tục theo đuổi chính sách toàn trị.
.Theo chân quan thầy Liên Xô, Đại Hội 6 CSVN năm 1986 quyết định thực hiện chính sách “Đổi Mới”. Nguyễn Văn Linh cũng phỏng theo Glasnost của Gorbachev cho phép người dân có thể làm kinh tế cá thể và một số văn nghệ sĩ được cho phép có thể lên tiếng chỉ trích những tệ nạn của cán bộ.
      Cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, phong trào đấu tranh cho Dân Chủ và Tự Do ở Đông Âu, các nước trong Liên  Bang Xô  Viết nhân cơ hội thất bại của Perestroika vùng lên đấu tranh cho độc lập và tự do. Chế độ CS cáo chung từ Ba Lan, Hung Gia Lợi lần lượt lan đi khắp nơi. Trong tình thế biến chuyển nhanh chóng đó, lực lượng đấu tranh cho dân chủ VN lại chưa hội đủ sức mạnh để  bắt kịp thời cơ. CSVN lại nhanh chóng nhận ra tình thế mới, một mặt tiếp tục chính sách “đổi mới” kinh tế, một mặt khai trừ những thành phần cấp tiến trong đảng, siết chặt bàn tay kềm kẹp đối với  mọi sự chống đối. Đại Hội 7 CSVN, tháng 6 năm 1991, Mười Cúc- Nguyễn Văn Linh bị loại trừ khỏi chức vụ Tổng Bí Thư.  Một đảng viên lâu năm, ít học là Đỗ Mười được đưa lên thay thế. Đại Hội 7 CSVN, lại mô phỏng theo chính sách của CS Trung Hoa, lấy cái gọi là “chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh” làm lý thuyết chỉ đạo để xây dựng cái gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. CSVN cũng giương chiêu bài “ổn định để phát triển”, “đề phòng diễn biến hòa bình”, thẳng tay thanh trừng mọi đảng viên đã nhận ra sai lầm của chủ nghĩa CS, muốn cải cách thật sự, và siết chặt bàn tay đàn áp với mọi thành phần chống đối trong nước.
     Gần 3 thập niên được CS thay đổi chính sách kinh tế, bộ mặt Việt Nam dĩ nhiên cũng  thay đổi rất nhiều. Nhiều “Việt kiều” không ngại miệng ca ngợi sự thay đổi này. Dĩ nhiên, những người này đã không sao giờ chịu khó suy nghĩ nếu đất nước không do CSVN cai trị thì ngày nay đã như thế nào!
 Từ khi thực hiện chính sách đổi mới và mở cửa, CSVN đã nhận được hàng trăm tỷ mỹ kim viện trợ phát triển (ODA) của các nước và các cơ quan phi quốc gia. Số tiền ODA được các nước chấp thuận cho Việt Nam vừa dưới hình thức vay nhẹ lãi và không hoàn trả trong thập niên 90 lên con số trên 25 tỷ, từ năm 1993 tới năm 2012 con số ODA lên gần 80 tỷ.  Riêng năm 2013 là  7 tỷ và năm 2014 là 5 tỷ.   Là một nước đông dân, công nhân rẻ, Việt Nam rất được các công ty ngoại quốc chú ý. Mặc dầu hệ thống hành chánh phiền nhiễu và kỳ quặc của CSVN làm nhụt chí, nhiều công ty đã phải di chuyển khối tài chánh sang nước khác,  số tiền ngoại quốc đầu tư trực tiếp vào Việt Nam (FDI) trong năm 2013 còn trên 22 tỷ, tăng 35% so với năm 2012.  
       Dân tộc Việt Nam là một dân tộc thông minh, cần cù. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia dồi dào tài nguyên. Về dầu hỏa, mỗi năm xuất cảng được khoảng 7 đến 8 tỷ mỹ kim,  gạo trên 3.2 tỷ, cà phê 3.4 tỷ, áo quần 2.5 tỷ. … Tổng số tiền việt kiều gởi về nước trong vòng 30 năm qua, có thể cũng khoảng 100 tỷ mỹ kim. Với số tiền rất lớn từ viện trợ ODA, FDI, Việt kiều..cộng với tài nguyên và vốn liếng trong nước, Việt Nam đáng lẽ phải phát triển vượt bực, phát triển nhanh và rất ổn định. Thế nhưng, chính sách kinh tế theo cái gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” của CSVN đã chèn kéo và làm trì trệ, bỏ mất nhiều cơ hội để đưa đất nước thật sự tiến lên.
Một mặt muốn ngoại quốc đầu tư, một mặt muốn bảo vệ quyền lợi các xí nghiệp quốc doanh, cũng như không chịu mau chóng thay đổi thủ tục làm việc, trong sáng trong pháp luật đã làm con số đăng ký đầu tư vào Việt Nam mỗi năm mỗi giảm. 
CSVN vì bảo vệ chế độ không chịu thực tâm cải cách đã đánh mất nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam, thì mỗi năm, đất nước phải chi ra những món tiền khổng lồ để nuôi dưỡng các xí nghiệp quốc doanh. Xí nghiệp quốc doanh là gánh nặng vĩ đại của nền kinh tế VN. Trên 60% là thua lỗ. Quốc doanh nợ ngân hàng nhà nước, là số nợ “hỏi trời đòi ai”, nhưng chắc chắn đó là mồ hôi nước mắt của người dân Việt Nam đã phải đem ra nuôi dưỡng những “sản phẩm” của chế độ. Đến năm 2004, dưới sức ép của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu và các nước, CS đã bắt đầu cổ phần hóa các xí nghiệp quốc doanh. Tuy nhiên, trong khi giải tư được một số xí nghiệp, thì CS lại tăng cường tầm vóc hoạt động của những xí nghiệp quốc doanh còn lại,  tăng cường đặc quyền đặc lợi để khai thác các ngành điện, than đá, dầu hỏa, điện thoại, hàng không, hải sản, đá quý, vàng, sắt thép… 
    Hiện giờ trước sức ép của ASEAN, của Liên Âu và Hoa Kỳ, Cộng sản Việt tuyên bố mạnh mẽ cổ phần hóa, nhưng trên 400 công ty được dự định cổ phần hóa trong năm 2015, không có công ty ngoại quốc nào muốn mua cổ phần.
Vì bảo vệ đặc quyền của chế độ và đảng, CSVN đã bỏ mất ODA, bỏ mất FDI, lấy xương máu của dân nuôi dưỡng xí nghiệp quốc doanh, thì sự tham nhũng của CSVN cũng đã đưa hàng nhiều chục tỷ mỹ kim lọt vào túi riêng của đảng viên, cán bộ.   Hầu như tất cả các dự án, công trình đầu tư và xây dựng tại Việt Nam đều bị ăn chận. Gần 30% số tiền lọt vào túi riêng của đảng viên, cán bộ CS, ngoài tiền biếu xén, thủ tục, cửa quyền, còn đánh cắp vật liệu, làm dối. Nhiều cây cầu vừa xây xong đã sập! Nhiều đoạn đường vừa khánh thành đã hư!  Nhiều đê đập khởi công đầu năm, cuối năm đã bị lũ lụt cuốn trôi! 

     Giới lãnh đạo CSVN hầu như đều lớn tiếng đối với tham nhũng, gọi tham nhũng là quốc nạn, kêu gọi chống tham nhũng. Thế nhưng, nếu duyệt qua thành phần lãnh đạo CSVN từ lâu nay, hầu như không ai là người không tham nhũng, đánh cắp tài sản quốc gia. Đỗ Mười là người sau khi làm Tổng Bí Thư đã có thể biếu 1 triệu mỹ kim cho một công tác xã hội. Con rể của Mười là một trong những triệu phú đỏ, chủ nhân của rất nhiều bất động sản. Con trai Võ Văn Kiệt là chủ nhân khách sạn Plaza và Ty-Top Beach. Phạm Văn Khải hiện là chủ nhân của nhiều đất đai, nhiều khách sạn ở Sai Gòn và Hà Nội. Cha con Nguyễn Tấn Dũng đang nắm  trong tay 20 doanh nghiệp lớn trong nước. Hầu như tất cả tất cả thành phần lãnh đạo đảng CS hiện nay đều là tỷ phú, triệu phú. CS nhận hàng tỷ tiền viện trợ để giảm nghèo đói cho Việt Nam, nhưng  nông thôn và cao nguyên hiện nay vẫn còn hết sức nghèo nàn.  Theo chỉ số tham nhũng thế giới năm 2014, Việt Nam đứng hạng thứ 110 trong bảng danh sách.
Chỉ có một chế độ tự do và dân chủ mới có thể đưa đất nước và dân tộc ta tiến bộ đúng với tiềm năng và khả năng của dân tộc. Chỉ có chế độ dân chủ và tự do, luật pháp nghiêm minh mới có thể chận đứng sự đục rỉa tài sản quốc gia của CS hiện nay. 
    Từ 75 đến nay, đã 40 năm, 40 năm dân tộc mặc tình bị CS bóp méo, vo tròn. Không cáo chung được chế độ này, mọi công dân lương hảo Việt Nam đều có tội đối với tiền nhân và lịch sử.
Nhìn phiến diện sự thay đổi tại Việt Nam, sự giao dịch của CSVN với quốc tế, cũng như hiện tượng phản kháng của một số trí thức hay cựu đảng viên CS trong nước, rất nhiều người tin tưởng chế độ CSVN phải sớm được cáo chung! Dĩ nhiên, với trào lưu văn minh nhân loại hiện nay, một chế độ như chế độ CSVN sẽ không thể tồn tại với thời gian.
      Tuy nhiên, kinh nghiệm lịch sử và quy luật đấu tranh cho thấy, khi chưa hội đủ sức mạnh đấu tranh, thì sự tranh đấu không thể mang lại kết quả mong muốn. Việc giật sập các chế độ CS ở Đông Âu, hay cáo chung các chế độ độc tài mới đây, thế giới đã chứng kiến sức mạnh của People’s power. Nhưng sức mạnh quần chúng không có nghĩa là hoàn toàn tự phát mà phải có sự hướng dẫn và tác động. Sức mạnh dân chúng Ba Lan không thể qui tụ nếu không có Nghiệp Đoàn Đoàn Kết. Sức mạnh của dân chúng Tiệp Khắc không thể qui tụ nếu không có tổ chức Hiến Chương  77 và Nghị Hội Công Dân.  Dân chúng Hung Gia Lợi không thể đứng lên biểu tình đòi độc lập và tự do nếu không được chính đảng CS Hung phát động. 
      Bức tường Bá Linh không thể bị giật sập nếu tổ chức Liên Hiệp Tả Phái không thể hấp dẫn đảng viên Đông Đức và tổ chức Tân Nghị Hội không được thành lập, hay không có sự hậu thuẫn của 4 triệu tín đồ Tin Lành. Sức mạnh quần chúng như bão thác, nhưng sức mạnh quần chúng luôn luôn phải được tác động từ một hay nhiều tổ chức cán bộ, một đội ngũ hoạt động tích cực.
      Trong những  năm qua, điều lạc quan là đã nghe rất nhiều tiếng nói phản kháng trong nước. Khởi đầu là những văn thi sĩ như Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Bùi Ngọc Tấn..., trí thức có Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang...., đảng viên cao cấp như Hoàng Minh Chính, Trần Độ.... và tiếng nói phản kháng trong nước mỗi ngày mỗi  mạnh hơn, đông hơn. Phát triển internet là cơ hội cho các blogger đối kháng nói lên tiếng nói. Các mạng xã hội như Facebook đang được đông đảo người trẻ trong nước nói lên nỗi bất mãn. Phong trào “Tôi không Thích đảng CS”, phong trào chống chặt cây xanh Hà Nội thể hiện tinh thần người dân trong nước đang lên rất cao.  Nhưng điều mà chúng ta nhận thấy rõ rệt là những tiếng nói này vang rất mạnh ở hải ngoại, ngược lại trong nước vẫn bị CSVN cô lập với đồng bào. Tiếng nói chống đối trong nước, đau thay! nhiều khi đã bị CS dùng để trao đổi, thỏa mãn những đòi hỏi, yêu cầu Hà Nội phải tôn trọng nhân quyền để được ký hiệp ước thương mại hay nhận viện trợ! Cầm tù bị thế giới lên án, cho đi ngoại quốc hay thả ra nhưng canh chừng cẩn mật là sách lược của CSVN.

       Đối kháng trong nước hiện chưa trở thành lực lượng hay tổ chức mạnh, thì ở hại ngoại tổ chức, lực lượng, đảng phái lại rất nhiều. Trăm hoa đua nở. Tuy nhiên, nếu tự hỏi các lực lượng này có đáp ứng được nhu cầu tranh đấu, càng ngày càng mạnh, càng qui tụ được khả năng, có thể phát triển ở hải ngoại và tài trợ, phát triển trong nước hay không? Câu trả lời có lẽ cũng phải đau lòng.
Mặc dù sự đấu tranh, tinh thần chống Cộng của đồng bào Việt Nam hải ngoại rất cao độ. Các công tác chống Cộng như xuống đường biểu tình, gởi thỉnh nguyện thư cho dân biểu, nghị sĩ Hoa Kỳ, hay chính phủ các quốc gia tự do đã được đồng bào hải ngoại liên tục thực hiện. Gây rất nhiều khó khăn cho CS. Tuy nhiên, không thể không thừa nhận cộng đồng hải ngoại trong nhiều năm qua cũng đã thể hiện những phân hóa trầm trọng. Một vài thành phố có tới 2, 3 Hội Đồng Đại Diện Cộng Đồng. Sự tố cáo người này Cộng sản, người kia thân Cộng, bắt tay với Cộng sản đã liên tục làm Cộng Đồng xào xáo không ngừng. 

    Các Đảng phái quốc gia, từng có quá trình đấu tranh lâu dài với CS từ trong nước, như Việt Quốc, Đại Việt.. tự hào có  nhiều kinh nghiệm với CS. Tuy nhiên, bốn chục năm qua, các  đảng này đã phân thành nhóm, thành phe, lơ thơ tơ liễu, đầu bạc thì nhiều, đầu xanh thì ít!  Thấm thoát bốn chục năm trôi qua. Nếu nói “thất thập cổ lai hy” thì cái tuổi  65 của chúng tôi cũng là cái tuổi “gần đất xa trời”. Thực tế cũng đã quên trước quên sau….khả năng nhanh nhẹn cũng lụn bại rất nhiều. Bao nhiêu năm lăn lộn với “đảng” có lẽ niềm vui cũng nhiều, thì niềm đau cũng không ít. Nói đến đảng, nói đến đấu tranh là tổ chức, là thực lực, là đội ngũ.. Một đội ngũ phân hóa, khảng tảng, ngày càng rời rạc, co cụm…. là niềm đau bất tận vậy!
     Bốn chục năm đi qua, bốn chục năm dân tộc Việt Nam tiếp tục cam chịu gông cùm CS. Một tay chúng vơ vét của dân, một tay chúng ăn cắp của công..Vì bảo vệ quyền lợi giai cấp thống trị, chúng đã không từ mọi thủ đoạn cản trở, ngăn chận bước tiến của dân tộc. 
  Làm sao lật đổ chế độ CS phải được coi là bổn phận thiêng liêng của mọi công dân Việt Nam.

     Với thời gian đã trôi qua, các nước CS quan thầy Hà Nội đã cáo chung từ lâu, nhưng CSVN vẫn còn tồn tại! Có lẽ vào cái mốc thời điểm 40 năm này, những người chống Cộng và quan hoài với đất nước cũng nên dành một chút thời gian để ngẫm nghĩ về mình. Chúng ta đã đấu tranh tích cực hay tiêu cực? Với cái mốc này, chúng ta cũng phải tự hỏi đấu tranh chỉ biểu tình, đả đảo tố cáo CS ở hải ngoại có phải là hình thức đấu tranh hữu hiệu, có khả năng buộc CSVN phải thay đổi chế độ hay không? Trên 4 triệu người Việt ở hải ngoại, riêng Hoa Kỳ 1.8 triệu người, chúng ta có thể hãnh diện là một cộng đồng thiểu số đầy khả năng hội nhập và thành đạt ở xứ người. Nhưng mấy chục năm qua, ngoài những hình thức đấu tranh có tính cách quần chúng ở hải ngoại, chúng ta đã có tổ chức, đã qui tụ thành những lực lượng có khả năng có thể triển khai những chiến lược và chiến thuật đúng đắn đối đầu và với CS hay chưa? Chúng ta đã làm được gì để từng bước tác động cho thế quật khởi của toàn dân trong nước?

     Chúng tôi có thể chủ quan, nhưng quy luật đấu tranh xưa nay cho thấy rằng đấu tranh không có tổ chức và lãnh đạo, thì cuộc đấu tranh khó thể đem lại kết quả. Chính nghĩa tất thắng cũng là một quy luật. Cuộc chiến đấu chống đô hộ của quân Minh là chính nghĩa, nhưng những cuộc đấu tranh trước khi Lam Sơn khởi nghĩa đã thất bại liên tiếp vì không có lãnh đạo và tổ chức. Tinh thần Dân Chủ và Tự Do chắc chắn sẽ chiến thắng chế độ độc tài. Chế độ CSVN sẽ phải bị cáo chung là việc đương nhiên, nhưng lúc nào, khi nào, ở thế hệ chúng ta, hay con em chúng ta? 
    Có lẽ nếu thế hệ những người đã từng tham gia đảng phái trong nước, gia nhập quân đội, chính quyền VNCH, ngày hôm nay, nếu cùng tự kỷ,  cùng nhau nhìn lại,  cùng nhau đoàn kết, siết chặt tay nhau trong một nỗ lực cấp thiết, tạo khả năng tài trợ và tác động trong nước thì may ra còn cơ hội tự hào góp phần cáo chung chế độ. Ngược lại, nếu vẫn chỉ xuân thu nhị kỳ, phất phơ cho có mặt ở hải ngoại ... thì  cáo phó là con đường chắc chắn, còn cáo chung chế độ CSVN có lẽ chỉ còn trông chờ ở thế hệ khác.

   Huệ Vũ
Bài viết được tác giả gởi đến SBTN
(Các bài viết trong mục Blog thể hiện quan điểm riêng của tác giả)



No comments:

Post a Comment