Sunday, November 15, 2015

Cùng nhau vượt qua bi kịch chung


  Chiếc giày vải hiệu Vans màu da cam, loại giày tất cả trẻ em ở đây đều mang, nằm lẻ loi trên góc phố Paris - vừa minh chứng cho bạo lực khủng bố đã gây ra ở thành phố này và cũng vừa biểu tượng sức mạnh đoàn kết cả Paris quyết tâm tiến thẳng về phía trước.
        Choáng ngợp trước một trong những cuộc tấn công khủng bố tàn bạo nhất ở Châu Âu đương thời, với ít nhất 120 người chết, chưa ai có thì giờ thu dọn chiếc giày đẫm máu chủ nhân đã bỏ lại phía sau. Nhưng nó đánh dấu địa điểm của một trong rất nhiều nghĩa cử nhân ái mà đã ban sức mạnh và hy vọng cho người dân ở đây: Café Royal, nơi tối qua nhân viên của quán nhanh chóng dẹp hết tất cả tách dĩa trên bàn để chào đón tất cả những người bị thương giữa cuộc khủng bố chưa từng có.
    Khi người Pháp đánh giá cuộc biến động đánh dấu đêm bạo lực nhất của nước Pháp kể từ thời Đệ nhị Thế chiến-với những vụ đánh bom tự sát và bắn giết đồng loạt trên khắp sáu địa điểm, bao gồm tại nhà hát, sân vận động bóng đá, nhà hàng nổi tiếng, và đường phố đầy những quán bar và café đông khách vào đêm tháng Mười Một ấm áp - họ giờ đây thề sát cánh bên nhau, thể hiện sức mạnh cộng đồng mà đã biểu lộ ngay từ lúc các cuộc tấn công phối hợp bắt đầu.

“Chúng tôi mỗi người thường đều có cuộc sống riêng của mình,” Elisabeth Grenier, ở đối diện bên kia đường với Café Royal và tối qua đã nhìn thấy hàng chục thanh thiếu niên lê bước vào cửa quán để trú ẩn, nói. “Nhưng vào những lúc như thế này chúng tôi ở bên nhau. Nhờ thế chúng tôi có sức mạnh để cùng bước tới.”

Chưa đến một năm kể từ khi thủ đô Pháp bị chấn động trước cuộc tấn công táo bạo vào tạp chí châm biếm Charlie Hebdo và vào siêu thị Do Thái khiến 17 người chết dưới tay những kẻ Hồi giáo cực đoan. Lúc ấy một cuộc biểu tình rất lớn mà thu hút những nhà lãnh đạo thế giới đã nói lên sự đoàn kết về tinh thần. Tinh thần ấy đã xuất hiện gần như tức thì vào tối qua.

Người Paris nhờ đến các mạng xã hội để giúp đỡ và được giúp đỡ. #PorteOuverte, hay “Mở Cửa”, nhanh chóng thịnh hành trên Twitter trong những tin nhắn như tin nhắn của Florian Duretz, người đã gởi tin nhắn, "Gởi mình tin nhắn về nơi an toàn ở Canal Saint Martin. Nhớ là an toàn nhé.” Tin nhắn của anh được hồi đáp 406 lần.

Khi chỗ ở của những kẻ tấn công còn chưa biết và các vụ bắn nhau diễn ra lóe sáng liên tục trên những màn hình điện thoại thông minh và máy truyền hình, các tài xế taxi đón khách, đưa khách về nhà an toàn mà không lấy tiền hay chỉ lấy nửa giá bình thường. Bạn bè không ở nhà lúc ấy thì ghé vào nhà người bạn nào sống gần nơi họ nhất, rất nhiều người ở lại suốt cả đêm trong nhà của những người xa lạ.

Bà Grenier, mà họ của tên bà không đúng vì bà miễn cưỡng cho biết tên thật, nói bà đã mở cửa khi nghe tiếng khóc và náo loạn ở bên ngoài cầu thang. Hai sinh viên ở trên tầng hai đã bước ra ngoài ban công, kêu gọi người ta vào nhà, và mở cửa căn hộ mình cho những người bị thương hay cho bất kỳ ai cần nơi tá túc. Ba người đầy máu me và một người không có giày liền vội vàng bước vào.

Ở quán pizza cuối đường, người chủ tên Jean,cũng từ chối cho biết họ của ông, đã mở cửa cho những ai không thể đi về nhà và cung cấp thức ăn miễn phí cho tất cả những ai ở lại vì quá sợ. Một phụ nữ trẻ gõ cửa sổ xin vào. Chị ở lại cho đến 1 giờ rưỡi sáng.

Những hàng tít trên báo hôm nay ở Pháp đều nhấn mạnh đến cảm giác sửng sốt, nhưng cũng nhấn mạnh đến sự quyết tâm.

Tờ báo thiên hữu Le Figaro tuyên bố: “Chiến tranh ở trung tâm Paris”. Bài xã luận trên tờ Liberation thiên tả viết “hành vi khủng bố dã man” đã vượt quá “lằn ranh lịch sử”.

“Không thể nào mà không gắn những sự kiện đẫm máu này với chiến trận diễn ra dữ dội ở Trung Đông. Pháp đang đóng vai trò của mình ở đấy. Pháp phải tiếp tục thực hiện không do dự vai trò của mình.” Laurent Joffrin viết trong bài xã luận.

Ngoài 100 nạn nhân bị sát hại, khoảng 200 người bị thương.

Biến cố chết chóc nhất diễn ra ở nhà hát Bataclan, nơi nhóm nhạc rock Mỹ đang chơi trước hơn 1.000 khán giả - và cũng gần một cách đáng ngại nơi xảy ra cuộc tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo.

Trong năm qua, những người đến viếng đã để lại những bó hoa và nến trên đường Richard Lenoir để tưởng niệm những nạn nhân Charlie Hebdo. Bây giờ, nhà hát Bataclan ở ngay đầu đường ấy hiện giờ bị rào chắn lại.

Cảnh sát không cho phép người đi bộ dừng lại. Một phụ nữ khóc công khai khi đạp xe ngang qua cảnh tượng này. Rose Ferreira vốn đã cảm thấy quá quen với cảnh bạo lực của Charlie Hebdo. “Lần này tôi nghe nhiều tiếng nổ,” bà nói. Và rồi người bạn gọi điện cho bà khuyên bà cứ ở yên đấy đừng đi đâu cả.

“Thật khủng khiếp, khủng khiếp,” bà nói. Bà gọi để chắc chắn con cái đã trưởng thành của bà đang ở nhà. Nhưng hôm nay bà đi thăm chính người bạn đã liên lạc với bà. “Chúng tôi không thể ở trong nhà. Đó không phải là giải pháp, cho dù hôm nay tôi cứ nhìn qua nhìn lại hai bên mình,” bà nói.

Nhưng tối qua, những người lỡ đường không những chỉ được láng giềng mà ngay cả những người hoàn toàn xa lạ mở cửa đón vào nhà. Một nhà hàng cho dồn tất cả khách hàng với nhau ra phía sau nhà hàng theo lệnh của chủ. Hôm nay nhiều nhà hàng mở cửa lại và hy vọng trở lại bình thường phần nào.

Tuy nhiên, Café Royal đóng cửa. Kế bên chiếc giày vải hiệu Vans là những chiếc găng tay và vỉa hè ố máu.

Tấm bảng trên cánh cửa quán ghi “Hôm nay, thứ Bảy 14 tháng Mười Một, đóng cửa bất thường.”

NguồnBáo Christian Science Monitor số ra ngày 14/11/2015. Tựa đề của người dịch. Tựa đề nguyên tác tiếng Anh “Attacks in Paris: In face of mass tragedy, French summon spirit of community”.



 

No comments:

Post a Comment