Saturday, May 21, 2016

Khó dự đoán hủy hay không lệnh cấm bán vũ khí cho VN

 Một nhóm dân biểu của Hạ Viện Hoa Kỳ vừa gửi thư cho ông Obama đề nghị duy trì lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam vì quốc gia này thiếu thiện chí về nhân quyền.
 

Phi cơ tuần thám P-3 Orion, một trong những thứ Việt Nam mong sớm có nhưng chưa thể mua từ Hoa Kỳ. (Hình: Lockheed Martin)
Thư do dân biểu Alan Lowenthal soạn và 18 dân biểu khác của cả Dân Chủ và Cộng Hòa ký tên ủng hộ, nhấn mạnh, cải thiện tình trạng nhân quyền nên là điều kiện bắt buộc trước khi Hoa Kỳ hủy bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam.
Các dân biểu đưa ra đề nghị vừa kể nhận định, chính quyền Việt Nam vẫn thẳng tay trong việc đàn áp những người vận động cho nhân quyền, cho tự do tôn giáo. Họ không chỉ bị tống giam mà còn là nạn nhân của bạo hành. 
Bà Loretta Sanchez, một dân biểu liên bang cũng vừa loan báo, theo đề nghị của bà, một đạo luật về quốc phòng mà Hạ Viện vừa thông qua đã xác định, việc gia tăng quan hệ quân sự với Việt Nam phải dựa vào việc Việt Nam có cải thiện nhân quyền hay không.
   Việt Nam là một yếu tố quan trọng trong kế hoạch chuyển trọng tâm chiến lược của Hoa Kỳ sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và bởi hàng loạt hành động đáng ngại của Trung Quốc ở Châu Á nói chung, cũng như Biển Đông nói riêng. 
Giới quan sát thời sự từng dự đoán, ông Obama sẽ tuyên bố hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam để giúp Việt Nam nâng cao khả năng tự vệ, thay đổi tương quan thực lực giữa Việt Nam và Trung Quốc. 
Mới đây, khi trò chuyện với AP, ông Marvin Ott, một chuyên gia quốc phòng, giải thích thêm về vai trò quan trọng của Việt Nam trong chiến lược của Hoa Kỳ. Theo đó, dẫu cho nhiều quốc gia ven Biển Đông có thể trở thành đối tác quân sự của Hoa Kỳ nhưng Indonesia thì không có tranh chấp trực tiếp về chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc. 

    Trong số những quốc gia trực tiếp tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông thì Malaysia và Brunei không sẵn sàng đối đầu, quân đội của Philippines - một đồng minh của Hoa Kỳ - thì quá yếu kém, chỉ còn Việt Nam là yếu tố khả dĩ. 
Tuy nhiên, đến nay việc phát triển quan hệ an ninh, quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nhằm ngăn chặn khả năng Trung Quốc kiểm soát toàn bộ Biển Đông, chi phối khu vực Đông Nam Á, vẫn gặp trở ngại vì chính quyền Việt Nam không cải thiện tình trạng nhân quyền. 
Năm 2014, Hoa Kỳ chỉ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam để giúp Việt Nam nâng cao năng lực phòng vệ trên biển. Trong khi nếu lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam được hủy bỏ hoàn toàn, tương quan thực lực giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ khác hoàn toàn. 
Gần đây, tuyên bố của một số viên chức hữu trách trong chính phủ Hoa Kỳ cho thấy, dự đoán tổng thống Hoa Kỳ sẽ hủy bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam khi đến thăm Việt Nam có thể sẽ không chính xác. 
Hồi đầu tháng này, ông Tom Malinowski, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ về Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Ðộng, cho biết nhân quyền vẫn là trọng tâm trong quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam. 

 

Xin mời xem thêm video: Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế nói về chuyến đi của Obama
Còn ông Daniel Russel, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ về Đông Á-Thái Bình Dương, cho rằng mục tiêu chính của việc ông Obama đến thăm Việt Nam là nhằm khẳng định một Việt Nam vững mạnh, an toàn, thịnh vượng và độc lập, tôn trọng giá trị nhân quyền phổ quát, tôn trọng pháp quyền không chỉ đáp ứng lợi ích của dân chúng Việt Nam mà còn đáp ứng lợi ích của Hoa Kỳ. 
Ông Russel nói thêm, Hoa Kỳ vẫn duy trì quan điểm là việc hủy bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam sẽ phụ thuộc vào chuyện Việt Nam có đạt các tiêu chuẩn nhân quyền phổ quát hay chưa cũng như các tiến bộ trong cải tổ luât pháp của Việt Nam như thế nào. 
Mới đây, ông Ben Rhodes, phụ tá cho cố vấn của tổng thống về An Ninh Quốc Gia, xác nhận ông Obama sẽ thảo luận với chính quyền Việt Nam về việc hủy bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. Trong khi đó, ông Daniel Kritenbrink, cố vấn của tổng thống về Châu Á, tiếp tục khẳng định với báo giới, nhân quyền vẫn là yếu tố quan trọng trong bất cứ quyết định nào liên quan đến việc bán hay không bán vũ khí. 
Cũng vì vậy, hủy hay không hủy lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam trở thành vấn đề khó dự đoán. Người ta chỉ có thể tin rằng, chuyến thăm Việt Nam của ông Obama sẽ khiến quan hệ quốc phòng, an ninh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam chặt chẽ hơn. (G.Đ)

VIỆT NAM (NV) -


 

No comments:

Post a Comment