Wednesday, November 30, 2016

Máu nào quý hơn?


Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao viếng Lãnh tụ Fidel Castro tại Đại sứ quán Cuba ở Hà Nội, ngày 28/11/2016.Để quốc tang Fidel Castro một ngày, chính quyền Việt Nam muốn thể hiện cho nhân dân Việt Nam và cả thế giới thấy tình hữu nghị giữa hai nước, tình cảm trước sau như một với một lãnh tụ đã tuyên bố “vì Việt Nam Cu Ba sẵn sàng hiến dâng đến cả máu của mình” trong cuộc chiến về ý thức hệ giữa 2 miền khi Trung Quốc, Liên Xô chống lưng phía Bắc, Mỹ chống lưng phía Nam. Do vậy, nếu nói chính xác thì là “vì miền Bắc Việt Nam”.
  Điều này có thể hiểu và thông cảm được nếu chính quyền Viêt Nam cũng làm những việc rất đáng làm như sau:
1. Hàng năm nên dành một ngày tưởng niệm mấy trăm ngàn nạn nhân vô tội đã bị giết hại trong cuộc cải cách ruộng đất từ 1953-1956. Ai đó có thể nói trong một biến cố lịch sử thì xương máu vô tội là thường nhưng hãy nhớ rằng cuộc cải cách điền địa do ông Ngô Đình Diệm làm trong cùng một thời gian không có ai bị giết và được báo chí phương Tây ca ngợi một trong những thành tựu của thế kỉ 20.
2. Một ngày tưởng niệm cho hàng trăm ngàn thuyền nhân Việt Nam đã bỏ mạng, bị hãm hiếp cướp bóc bởi hải tặc và ngư dân biến thành hải tặc của Thái Lan, bởi bão tố, đói khát đến nỗi phải ăn thịt đồng loại đã chết để tồn tại.
Có kẻ nói đấy là do họ tự bỏ đi, họ phải chịu. Đấy là một kiểu nói rũ bỏ trách nhiệm. Tại sao những con người biết chắc là gặp nguy hiểm thông qua tin tức những người đi trước, qua BBC, VOA mà vẫn quyết bỏ quê hương để dấn thân ra đại dương mù mịt? Mà việc này đã diễn ra nhiều năm.
Tôi không dám nêu ra một ngày tưởng niệm những nạn nhân đã bị chết trong những trại cải tạo sau năm 1975, bởi điều này có thể là không thể và quá khó với những tư duy thù hận, “địch ta” của những người cộng sản. Hãy nhớ rằng khi cuộc nội chiến Bắc Nam của Mỹ kết thúc năm 1865, tổng thống Lincoln đã cho những người lính miền Nam trở về nhà như những người dân bình thường. 
Khi anh em một nhà đánh nhau, không có bên thắng, bên thua mà cả dân tộc thua.
Việc ngược đãi những người đã cầm súng cho Việt Nam Cộng Hoà là câu chuyện lịch sử, nhắc lại để tránh những hành xử phi nhân đạo cho tương lai. Giả sử nếu có một sự thay đổi chính trị nào đó thì chúng ta cũng nên hành xử văn minh, tất cả cùng nhau xây đắp một tương lai tươi sáng, thay vì dẫm vào vết xe đổ của thù hận, sỉ nhục và giết chóc man rợ. Máu của người Việt đã đổ quá nhiều trong u mê, vậy hãy tránh điều ấy trong từng ứng xử của hiện tại.
Vậy các ông đã quyết làm quốc tang cho Fidel Castro, là những người cầm quyền, các ông bắt gì dân chẳng phải theo, nhưng đừng quên những bài học lịch sử đau đớn hàng triệu lần kia. Những bài học mà máu của người Việt đã quằn quại trong từng luống cày, đã nhuộm đỏ cả biển Đông, đã làm lương tri của hàng triệu người Việt chết trong câm lặng và sợ hãi.
Đừng mang súng đạn và nhà tù ra dọa dẫm những tiếng nói của lương tri. Hãy nhìn thực trạng đau khổ, hãy nhìn chỗ đứng của chúng ta trên thế giới, xem chúng ta đã sánh vai được với những cường quốc nào? 
Người dân Việt Nam bước ra thế giới có dám ngẩng cao đầu không? 
Khi người cầm quyền chinh phục được nhân tâm của dân chúng, ấy là khi đất nước đi lên thịnh vượng, còn trấn áp bằng súng đạn và nhà tù thì đường đi sẽ đầy trúc trắc.
Tôi tự hỏi mình có đa cảm quá không khi nhỏ nước mắt viết những dòng này? Có lẽ tôi là người đa cảm, do vậy mà tôi không thể làm người cộng sản được chăng?
30-11-2016

No comments:

Post a Comment