Friday, April 7, 2017

Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh thăm hỏi cha Phêrô Phan Văn Lợi

17522559_10209164608537115_2127741216842384120_n
  Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh và Bề trên Đan viện Thiên An, cha Antôn Nguyễn Văn Đức thăm hỏi và vấn an vị linh mục kiên cường – cha Phêrô Phan Văn Lợi, tại tư gia, vào ngày 04.04.2017. 
**
    Sáng 04-04, khoảng 9g, đang ngồi làm việc trong phòng, tôi bỗng nghe có tiếng ồn ở cổng. Chạy ra thì thấy hai tu sĩ đan viện Thiên An đang bị mấy tay côn đồ chính trị (tên gọi mới của anh Nguyễn Tường Thụy đối với những công an hành xử bạo lực vô luật pháp) mặc thường phục, chặn lại không cho vào.
Mở cổng đi ra, tôi thấy ngay một chiếc xe hơi bốn chỗ đậu gần nhà. Hai đan sĩ cho biết muốn mời tôi lên đan viện dùng cơm trưa nhưng công an không cho. Tôi hỏi chúng:

– Các anh chặn tôi có giấy tờ, có lệnh lạc gì không?
Tên mặt mày bặm trợn ngang nhiên đáp:
– Không cần giấy tờ, chỉ có lệnh miệng! (Như kiểu nói xưa rày của nhiều tay cán bộ và công an VC: “Miệng tao là luật pháp!). Ông từ lâu nay phản động, chống lại nhà nước, nên không được đi mô cả.
Tôi đáp:
– Nè, muốn quy kết phản động và quản thúc thì phải đúng luật pháp. Phải ra tòa, phải xét xử, phải có kết luận công minh của tòa. Chứ các anh chỉ nói miệng, lại không mặc sắc phục, không đeo bảng tên khi hành sự, dùng vũ lực với nhân dân, thì đúng là một bọn côn đồ! Về nói với cấp trên là phải làm việc đường hoàng, đúng pháp luật.
Hai đan sĩ cũng nói thêm vào:
– Pháp luật là phải có văn bản! Pháp luật là phải có văn bản!
Tên khi nãy dịu giọng:
– Lần này tôi cho phép các thầy vào thăm ông Lợi, nhưng chỉ được thăm thôi.
Tôi trừng mắt nhìn hắn:
– Này, anh có quyền chi mà cho phép hay không cho phép? Quyền của nắm đấm hả? Tôi nói cho các cậu hay nhé. Trong lòng các cậu biết rõ chuyện này là bất công, sai luật, nhưng chỉ vì phận sự mà làm thôi. Các cậu nên bỏ cái nghề thất đức này đi, kẻo để lại hậu quả tai hại cho con cái sau này.
Thấy đôi co với đám tiểu yêu chỉ biết mù quáng vâng lệnh cũng chỉ vô ích, cả ba chúng tôi vào nhà nói chuyện một lúc rồi hai thầy dòng đành phải từ giã.
Ban chiều, khoảng 3 giờ, có một thầy khác gọi điện từ đan viện Thiên An, báo cho tôi biết sắp được đón một vị khách đặc biệt: Đức Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh, nguyên chủ chăn Giáo phận Kontum, nay đã nghỉ hưu, và hiện đang ở thăm đan viện.
Tôi vừa vui mừng vừa hồi hộp được đón vị lãnh đạo tinh thần Công giáo mà lâu nay là một cái gai trước mắt nhà cầm quyền, và từ ngày xảy ra thảm họa Formosa, luôn có mặt tại các điểm nóng (y như Đức nguyên Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt), luôn đến vấn an các linh mục và giáo dân nạn nhân của Formosa và của nhà cầm quyền, chẳng hạn cha Đặng Hữu Nam, cha Trần Đình Thục, giáo dân Đông Yên… Nhưng tôi cũng lo là chẳng biết công an có chặn đường ngài không.
Khoảng 3g30, Đức Cha Oanh đi bộ từ ngoài đường và ung dung bước vào nhà tôi, có sự tháp tùng của cha Bề trên đan viện Thiên An, 3 thầy dòng và hai nhân viên một nam một nữ của Truyền thông Tin Mừng Cho Người Nghèo. Dĩ nhiên cũng có sự hiện diện của công an bên ngoài. Tôi thưa:
– Việc Đức Cha và các thầy đến thăm con hôm nay là một ơn Chúa lớn lao trong Mùa Chay này.
Chúng tôi nói chuyện thân tình vui vẻ với nhau trong nửa giờ đồng hồ. Tôi hỏi Đức Cha về các chuyến đi ủy lạo của ngài và nói đó là một tấm gương cho các vị chủ chăn khác. Tôi cũng hỏi cha Bề trên Thiên An (cuộc gặp giữa chúng tôi tại dòng hôm tháng 10-2016 có đăng trên trang FB này) về chuyện nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế đang để cho người ta giết dần rừng thông của đan viện bằng cách rạch sâu vào thân cả ngàn cây thông để gọi là lấy mủ (lẽ ra chỉ được rạch vỏ thôi). Chuyện này đã bị tố cáo trên trang Tin Mừng Cho Người Nghèo hôm 14-03-2017. Đức Cha cũng hỏi tôi về hiện tình sức khỏe và công việc. Tôi cho biết là sau ngày viếng thăm Đan viện trở về, tôi bị canh phòng ngặt hơn và đã nhiều lần bị chặn không cho ra khỏi nhà. Chẳng biết Thứ Năm Tuần Thánh tới (13-04), công an có để cho tôi đến nhà thờ Phủ Cam để đồng tế Lễ Dầu với các linh mục khác không ?!?

Đức cha Micae, cha Bề trên Antôn và phái đoàn chụp hình lưu niệm với cha Phêrô Phan Văn Lợi.
Đức cha Micae, cha Bề trên Antôn và phái đoàn chụp hình lưu niệm với cha Phêrô Phan Văn Lợi.

   Đưa Đức Cha và đoàn tùy tùng ra khỏi cổng, tôi đi thêm vài bước để tiễn ngài thì có hai công an đeo khẩu trang xông lại, đẩy tôi lui. Đây là lần đầu tiên tôi thấy chúng bịt mặt. Tôi liền “giới thiệu” chúng với Đức Cha và mọi người, rồi nói:
– Mấy cậu là công an thì phải công khai hành động. Đừng có chùng lén, làm nhục chế độ đó! Cất khẩu trang đi!
Thấy chúng cự nự, một tên còn nói đây là “quyền” của chúng, tôi xông tới giật được khẩu trang của một tên. Các điện thoại và iPad đã hoạt động nãy giờ liền chĩa vào nó. Hy vọng sẽ có người đưa lên mạng cho bà con thưởng lãm.
Tôi trở vào nhà, để Đức Cha và đoàn người ra đường cái.
Hai an ninh trẻ mặc thường phục đeo khẩu trang ngăn cản cha Phêrô tiễn Đức cha Micae, cha Bề trên Antôn và phái đoàn ra về.
Hai an ninh trẻ mặc thường phục đeo khẩu trang ngăn cản cha Phêrô tiễn Đức cha Micae, cha Bề trên Antôn và phái đoàn ra về.
Viên an ninh trẻ tính ra tay hành hung cha Phêrô khi ngài yêu cầu tháo bỏ khẩu trang, nhưng các Đan sĩ đã nhanh tay vồ lấy cánh tay của viên an ninh này.
Viên an ninh trẻ tính ra tay hành hung cha Phêrô khi ngài yêu cầu tháo bỏ khẩu trang, nhưng các Đan sĩ đã nhanh tay vồ lấy cánh tay của viên an ninh này.
Nửa giờ sau, từ nhà Hưu dưỡng (thuộc tòa Tổng giám mục Huế), cha Nguyễn Văn Lý điện thoại hỏi tôi xem Đức Cha có bị gì không. 

   Tôi trả lời là an toàn. Cha Lý cho hay: ban sáng, sau khi không chở tôi được, các thầy Thiên An đã qua Tòa TGM mời và chở cha Lý cùng cha Giải lên dòng dùng bữa với Đức Cha cùng đan viện. Tiếc là cha Giải đang vắng mặt nên cha Lý đi một mình. Cha Lý còn cho biết thêm: Đức Cha trên đường xuống phi trường về lại Sài Gòn đã ghé thăm cha đó. Đúng là một tâm hồn mục tử!
Tôi biết từ nay mình sẽ bị chặn cổng dài dài, như đã bị chặn từ năm 2001 đến năm 2005.
   
   Tường trình ngày 06-04-2017, Giỗ Tổ Hùng Vương (10-03 âm lịch), những vị đã mở con đường sống cho Dân tộc, và cũng là ngày kỷ niệm một năm thảm họa Formosa, biến cố mở đường chết cho toàn thể Đồng bào.
“Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3” (Ca dao xưa).
“Nhớ ngày mồng 6 tháng 4, “Fóc-mô” xả độc, ngất ngư dân mình” (Ca dao nay).
 
GNsP (07.04.2017)Lm Phê-rô Phan Văn Lợi
 



No comments:

Post a Comment