Monday, July 17, 2017

Trần Trọng Kim và những kẻ sợ sự thật

Ngày 26.6.2017, báo chí Việt Nam đưa tin cuốn hồi ký “Một Cơn Gió Bụi” (Kiến văn lục) của nhà sử học Trần Trọng Kim (1883-1953) đã bị nhà cầm quyền trong nước thu hồi. Cuốn hồi ký này đã xuất bản lần đầu tiên năm 1949, được nhà xuất bản Vĩnh Sơn ở Sài Gòn in lại năm 1969. Đầu năm 2017, nhà xuất bản Hội Nhà văn liên kết với Nhà Sách Phương Nam cho in lại và phát hành.
   Sau đầu đề của cuốn “Một Cơn Gió Bụi”, chúng ta thấy có ba chữ “Kiến văn lục” được ghi vào trong ngoặc đơn, có nghĩa là ghi chép những chuyện mắt thấy tai nghe, ngày nay gọi là hồi ký.
 
SỢ SỰ THẬT LỊCH SỬ
 
Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, giải chích rằng ngoài một số nội dung không phù hợp, cuốn sách còn được xuất bản không đúng theo đề tài đã trình lên Cục. Nhà xuất bản Hội Nhà văn đăng ký “Một Cơn Gió Bụi” thuộc thể loại thơ văn nhưng cuốn sách thực chất là hồi ký. Nói trắng ra là nhà cầm quyền không cho phát hành vì Sợ Sự Thật lịch sử.
 
 Image result for Hình Trần Trọng Kim
 
Hình Chính phủ Trần Trọng Kim 1945
 
Sử gia Trần Trọng Kim có cuốn “Việt Nam sử lược” nổi tiếng, được viết năm 1919, phát hành năm  1921, gồm hai tập. Đến năm 1951 nhà xuất bản Tân Việt Hà Nội in lại Tập I và năm 1971 Trung Tâm Học Liệu của Bô Giáo Dục VNCH in lại Tập II. Chúng tôi thấy đây là một cuốn lịch sử Việt Nam đầu tiên được viết theo phương pháp sử học của Tây phương, có nội dung khách quan, chính xác, biết tôn trọng sự thật.
 
Từ năm 1945 đến nay, kể từ khi cuộc chiến tranh ý thức hệ phân chia Việt Nam thành hai chiến tuyến, không bên nào còn viết lịch sử theo phương pháp sử học, tức viết theo sự thật nữa. Hầu hết đều viết theo ý thức hệ của phe mình với định hướng “TA THẮNG ĐỊCH THUA”. Ngay cả các cổ sử cũng đã được cắt xén hay chế biến lại cho phù hợp với mục tiêu mình muốn, mặc dầu lịch sử Việt Nam đã có đến 1000 năm nô lệ giặc Tàu, 100 năm nô lệ giắc Tây, 30 năm nội chiến từng ngày…!
 
Cuốn hồi ký Một Cơn Gió Bụi của Trần Trọng Kim gồm 12 chương, mỗi chương kể về một giai đoạn trong cuộc đời tác giả, gắn chặt chẽ với bối cảnh lịch sử Việt Nam từ năm 1942 đến 1948. Ông nói lên những suy nghĩ của mình về các sự kiện lớn xảy ra trong nước trong giai đoạn đó. Sau khi Nhật lật đổ Pháp ngày 9.3.1954, ông được vua Bảo Đại cử ra thành lập chính phủ do ông làm Thủ tướng, rồi cuộc Cách mạng tháng Tám xảy ra, Việt Minh cướp chính quyền và Hoàng đế Bảo Đại thoái vị…
 
Trong bản do Vinh Sơn ở Sài Gòn in năm 1969, ở trang 75 nói về chuyện Hồ Chí Minh được Tàu và Mỹ giao cho đem một số người từ Tàu về Việt Nam lập cơ sở chống Nhật, có đoạn viết:“Trong số 22 người ấy có một nữ đảng viên tên Đỗ Thị Lạc là người sau này có đứa con gái với Hồ Chí Minh. Vể sau người ta nói khi về đến địa hạt Bắc Giang, có ba đảng viên trong 22 người ấy bị giết vì không chịu theo cộng sản”. Đoạn này đã bị cắt bỏ trong bản của Phương Nam in 2017.
 
Diễn Đàn Sinh Viên Việt Nam nêu ra ở Chương 12 có đoạn ông Trần Trọng Kim viết về chủ nghĩa cộng sản như sau: “Cái chủ nghĩa cộng sản về đường luận thuyết cũng có điều bảo thủ như là muốn chữa những điều bất công trong xã hội, nhưng về đường kinh tế, thì lại áp chế quá, làm lắm điều hà khốc và dùng những thủ đoạn quỷ quyệt giả dối, khiến người ta mất lòng tin cậy. Ðem cái bất công bình nọ mà phá cái bất công bình kia thì dù có thắng lợi đi nữa, cũng không chắc đã vững bền.”
 
Viết như thế làm sao không bị Đảng thu hồi?
 
Trước khi đề cập đến nạn ngăn chận, cách xén và chế biến lại lịch sử của cả hai bên chiến tuyến từ năm 1945 đến nay, chúng tôi xin nói qua vài nét về sử gia Trần Trọng Kim.
 
VÀI NÉT VỀ SỬ GIA TRẦN TRỌNG KIM
 
Trần Trọng Kim sinh năm 1883 tại làng Kiều Linh, xã Đan Phố, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình Nho giáo. Từ nhỏ ông học chữ Hán, năm 1897 ông theo học tại Trường Pháp-Việt Nam Định. Năm 1900, ông thi đỗ vào Trường Thông ngôn và tốt nghiệp năm 1903. Năm 1904, ông làm Thông sự ở Ninh Bình. Năm 1905, ông qua Pháp học trường Thương mại ở Lyon, rồi học ở Trường thuộc địa. Năm 1909 ông vào học trường Sư phạm Melun, tốt nghiệp ngày 31.7.1911.
 
Trở về nước, ông lần lượt dạy Trường trung học Bảo hộ, Trường Hậu bổ và Trường nam Sư phạm. Ông giữ nhiều chức vụ trong ngành giáo dục như Thanh tra Tiểu học (1921), Trưởng ban Soạn thảo Sách Giáo khoa Tiểu học (1924), dạy Trường Sư phạm thực hành 1931, Giám đốc các trường nam tiểu học tại Hà Nội (1939)… Ông cũng viết nhiều sách về sư phạm và lịch sử như: Sơ học An Nam sử lược (1917), Sư phạm yếu lược (1918), Việt Nam Sử lược (1919), Truyện Thúy Kiều chú giải (1925), Quốc văn giáo khoa thư và Việt Nam văn phạm (cùng Bùi Kỷ, Nguyễn Mạnh Tường) (1941).
 
Ngày 9.3.1945, Nhật đảo chính Pháp với khẩu hiệu “Châu Á của người Á Châu” và trao quyền cho Bảo Đại. Ngày 11.3.1945, triều đình Huế tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, khôi phục chủ quyền Việt Nam. Sau khi tìm kiếm ông Ngô Đình Diệm không được, Hoàng Đế Bảo Đại đã giao cho ông Trần Trọng Kim thành lập chính phủ. Nội các Trần Trọng Kim ra mắt tại Huế ngày 17.4.1945 do ông làm Thủ Tướng. Ngày 7.4.1945, Hoàng đế Bảo Đại đã ký dụ số 5 chuẩn y thành phần nội các Trần Trọng Kim và ngày 12 tháng 5 giải thể Viện Dân biểu Trung Kỳ. Tháng 6 năm 1945, chính phủ Trần Trọng Kim đặt quốc hiệu là Đế quốc Việt Nam, quốc thiều là bài “Đăng đàn cung“; quốc kỳ có “nền vàng hình chữ nhật, giữa có hình quẻ Ly màu đỏ thẫm“.
 
Flag of the Empire of Vietnam (1945).svg
Hình cờ Quẻ Ly
 
   Quẻ Ly là quẻ thứ 30 trong trong Kinh Dịch. Sở dĩ ông chon cờ quẻ Ly vì quẻ Ly ứng với phía Nam của đồ hình, tạo thành trục Bắc – Nam là Khảm – Ly. Quẻ Ly còn mang ý nghĩa là quốc kỳ của nước phương Nam. Nhà Nho không quên Kinh Dịch được!
 
Ngày 2.9.1945 Nhật đầu hàng Đồng Minh. Ngày 17.8.1945 Bảo Đại gởi điện văn cho Tổng Thống Mỹ Truman và các quốc gia đồng minh xin giúp Việt Nam xây dựng độc lập và hòa binh. Cũng trong ngày đó, Bảo Đại kêu gọi các nhà ái quốc ra giúp nước. Tổng Hội Công Chức biểu tình ở Hà Nội ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim.
 
Lúc đó Việt Minh có một toán quân khoảng 100 người do Võ Nguyên Giáp chỉ huy ở Cao Bằng đang được toán “Deer Team” (Toán Con Nai) của Mỹ do Đại Tá Allison K. Thomas cầm đầu huấn luyện và trang bị để chống Nhật. Thấy thời cơ đã đến, ngày 19.8.1945 Việt Minh đưa toán quân này về Hà Nội cướp chính quyền. Ngày 22.8.1945 Việt Minh tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời. Ngày 25.8.1945 vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị và chính phủ Trần trọng Kim bị giải tán.
 
Khi các nhà lãnh đạo các đảng phái quốc gia bị Việt Minh truy bắt, Trần Trọng Kim đã đi lưu vong ở nước ngoài. Sau nhiều năm tháng ở Quảng Châu và Hồng Kông, ngày 6.2.1947, ông trở về Sài Gòn và sống tại nhà Luật Sư Trịnh Đình Thảo. Năm 1948, ông qua Nam Vang và sống với người con gái. Sau đó, ông lại trở về Việt Nam sống thầm lặng và mất tại Đà Lạt vào ngày 2.12.1953, thọ 71 tuổi.
 
BÔI ĐEN HAY CẮT XÉN SỰ THẬT LỊCH SỬ
 
Cuốn “Việt Nam sử lược” của sử gia Trần Trọng Kim gồm 2 tập, Tập I có 280 trang và Tập II 396 trang, nhưng nội dung khá đầy đủ và chính xác, ít nhân vật viết sử sau đó theo kịp. Cả hai phe có ý thức hệ đối nghịch đều sợ sự thật: một phe tìm cách bôi đen, còn một phe cắt xén bớt các sự thật mà họ cho rằng “không thích hợp”.
 
1.- Phe tìm cách bôi đen lịch sử
 
Có thể nói Đảng CSVN không viết lịch sử, chỉ viết các tài liệu tuyên truyền để đánh lừa quần chúng. Họ rất cay cú với cuốn Việt Nam sử lược và cuốn hồi ký Một Cơn Gió Bụi của Trần Trọng Kim. Họ cho rằng đó chỉ là “các quan điểm sử học thực dân phong kiến trong một số sách lịch sử do bọn bồi bút thực dân biên soạn, mà tiêu biểu là cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim” (Khoa học lịch sử Việt Nam trong mấy chục năm qua). Họ cho rằng chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật với mục tiêu biện minh cho chuyện Việt Minh cướp chính quyền năm 1945. Viện trưởng Viện sử học Trần Huy Liệu đã từng viết: “Chính phủ bù nhìn gắn liền vận mạng của nó với phát xít Nhật, đặc biệt là phát xít Nhật trong lúc giẫy chết. Vì vậy nó ra đời cũng chỉ có chiều hướng đi xuống, chết yểu và sống nhục”. Họ đưa ra một số sự kiện để chứng minh lập luận của họ, nhưng chỉ là ngụy biện
 
2.- Tìm cách cắt xén hay che dấu sự thật lịch sử
 
Một sinh viên Việt Nam khi làm tiểu luận đã cố gắng vẽ lại cuộc đời của anh hùng Lê Lợi mà anh tìm thấy được trong các sách ở các nhà sách và thư viện tại Mỹ, nhưng khi nạp vào thì giáo sư bảo đó chỉ mới là một nữa sự thật. Anh nhờ tôi xem lại. Tôi lật xem có “Tờ tấu cầu phong” của Lê Lợi hay không thì không thấy. Tôi mở cuốn “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim ra và bảo anh ta đọc đi. Anh ta rất ngạc nhiên và hỏi tại sao các sách nói về vua Lê Lợi bán trên thị trường lại không nói đến chuyện đó? Thì ra các “sử gia” sợ rằng nói lên sự thật sẽ mất hình ảnh oai hùng của Lê Lợi nên đã bỏ đi.
 
Lúc đầu Lê Lợi mượn danh nghĩa nhà Trần để cầu phong với tên Trần Cao. Đoạn chính của tờ biểu này đã viết như sau:
 
«Khi vua Thái-tổ-cao-hoàng-đế mới lên ngôi, tổ-tiên tôi là Nhật Khuê vào triều-cống trước nhất, bấy giờ ngài có ban thưởng, phong cho tước vương. Từ đó nhà tôi vẫn nối đời giữ bờ cõi, không bỏ thiếu lễ triều-cống bao giờ.
 
«Mới rồi nhân họ Hồ thoán-nghịch, vua Thái-tông Văn-hoàng-đế đem quân sang hỏi tội. Sau khi đã dẹp yên rồi, ngài có hạ chiếu tìm con-cháu họ Trần để giữ lấy dòng dõi cúng tế. Bấy giờ quan tổng-binh Trương Phụ tìm chưa được khắp, đã xin đặt làm quận huyện.
 
«Nguyên tôi lúc trước vì trong nước có loạn, chạy trốn vào xứ Lão-qua, cũng là muốn để tìm chốn yên thân mà thôi, không ngờ người trong nước, vẫn quen thói mọi, nhớ đến ân-trạch nhà tôi thủa trước, lại cố ý ép tôi phải về, bất-đắc-dĩ tôi cũng phải theo…
 
«Dám xin Hoàng-thượng ngày nay lại theo như lời chiếu của vua Thái-tông Văn-hoàng-đế, tìm lấy con cháu họ Trần, nghĩ đến cái lòng thành vào triều-cống trước nhất của tổ-tiên tôi ngày xưa, mà xá cái tội to như gò núi ấy, không bắt phải cái phạt nặng bằng búa rìu, khiến cho tôi được nối nghiệp ở xứ nam, để giữ chức triều-cống…”
 
Vua nhà Minh bấy giờ là Tuyên-tông xem biểu biết rằng giả dối, nhưng cũng muốn nhân dịp ấy để thôi việc binh, bèn đưa tờ biểu cho quần-thần xem, mọi người đều xin hòa. Minh-đế sai quan Lễ-bộ thị-lang là Lý Kỳ đưa chiếu sang phong cho Trần Cao làm An-nam quốc-vương, bỏ tòa Bố-chính, và triệt quân về Tàu.
 
Lần thứ hai, lấy lý do con cháu nhà Trần không còn ai nên Lê Lợi xin phong vương cho chính mình. Tờ biểu đã viếr:
 
“Thần Lê Lợi, tri phủ phủ Thanh-hóa thuộc ty Bố-chính Giao-chỉ, sợ hãi cúi đầu kính dâng lời:
 
“Thần trộm thấy lúc đại quân mới bình định, có chiếu tìm lập con cháu họ Trần cho phụng thờ tôn tự. Bấy giờ các quan Đô Bố Án chưa kịp tìm kiếm khắp nơi, chỉ hỏi thổ nhân nói tâu rằng con cháu họ Trần đều bị họ Hồ tru diệt, không còn ai có thể kế tập…
 
Tự biết ngẩng đầu lên là phạm phép; nhưng lo không có chỗ để đặt mình. Có đau phải kêu, ấy thực tình người tất thế; biết lỗi thì đổi, đã xin lượng thánh cũng dung. Rỏ máu giải tình; kêu trời xin mệnh. Kính thấy Hoàng đế bệ hạ, trời che đất chở, nhật chiếu nguyệt soi. Tựa biển chừa, tựa xuân sinh, lượng bao dung gồm cả như may đi, như mưa rắc, ân cởi mở khắp tràn. Tất tôn tiền vương mà chọn kẻ nối thờ; tất dựng diệt quốc mà nối dòng đã tuyệt. Tất như Hán Võ lấy việc bỏ Luân-đài mà nhận lỗi; tất như Đường Thái lấy việc đánh Cao-ly mà ăn năn. Lỗi thì xá, tội thì tha, lòng hiếu sinh rộng mở; binh được thôi, dân được nghỉ, việc yển vũ  sớm bàn.
 
“Thực lòng quy thuận; hết sức tỏ trung. Dâng biểu xưng thần, dám nguyện hầu phiên trọn chức; sợ trời thở lớn, chỉ xin tiểu quốc hết thành. Thần kẻ dưới hèn mọn, xiết nỗi trông trời ngóng thánh, cảm kích lo sợ, dâng biểu kính tâu, tỏ lời trần tạ.”
 
Tờ biểu của vua Quang Trung, dưới tên là Nguyễn Quang Bình, do Ngô Thời Nhậm viết, còn bi thảm hơn tờ biểu do Nguyễn Trãi viết cho Lê Lợi nhiều, nhưng cả hai tờ biểu đó đã biểu hiệu cho chính sách ngoại giao khôn khéo của cha ông chúng ta, tránh cho Việt Nam thoát khỏi chiến tranh tàn khóc. Nó được ghi lại trong cổ sử và sử gia Trần Trọng Kim đã chép lại cho con cháu biết, tại sao các “sử gia” hai bên lại tìm cách che dấu?
 
Robert A Heinlein nói:
 
Một thế hệ ngoảnh mặt lại với lịch sử là một thế hệ không có quá khứ – và cũng không có tương lai”. (A generation which ignores history has no past — and no future).
 
Nếu quá khứ chỉ được xây dựng bằng những huyền thoại thì tương lai cũng chỉ là những chuyện hoang đường.
 
Ngày 13.7.2017
 
Lữ Giang

No comments:

Post a Comment