Tuesday, October 21, 2014

Hồ Chí Minh quay trong Ðèn Cù




1 
   Ðèn Cù của Trần Ðĩnh được bán ở Hà Nội với giá 600 ngàn đồng mỗi cuốn; tương đương 25 đô la là giá bản in bán ở Mỹ. Một blogger nổi tiếng kể chuyện chính cô đi mua được một cuốn Ðèn Cù bên lề đường, và được bớt, chỉ phải trả 400 ngàn. Hai cuốn Bên Thắng Cuộc của Huy Ðức cũng được in chui và dân Việt Nam nô nức tìm mua. Vô tình, các ông Huy Ðức và Trần Ðĩnh đã giúp cho nhiều người thêm công việc làm và gia tăng lợi tức. Trong đó chắc phải có nhiều anh chị em công an; vì những vụ làm ăn chui, từ ngành in sách lậu đến buôn bán ma túy, nếu không được công an bảo kê thì ai làm ăn gì được?
Hiện tượng Ðèn Cù cho thấy người dân Việt vẫn khao khát muốn thêm biết thêm sự thật. Ðảng Cộng Sản Việt Nam không muốn dân đọc Ðèn Cù, nhưng họ vẫn cho cán bộ văn hóa mở chiến dịch chỉ trích, quảng cáo cho cuốn sách.

Tuần này, một nhà báo mới từ Anh quốc gọi phỏng vấn tôi về cuốn Ðèn Cù. Nhờ ông là một nhà báo giỏi theo dõi sát, biết rõ dư luận ở Việt Nam hơn, nên nghe ông đặt câu hỏi tôi được nghe mấy thắc mắc của độc giả trong nước về cuốn sách. Thí dụ, có người phê bình rằng Trần Ðĩnh nhớ nhầm về năm, tháng diễn ra trận đánh ở Núi Hồng. Tác giả có thể nhớ nhầm lắm. Một nhà văn ngoài 70 tuổi mới bắt đầu viết kể chuyện đời mình; đến lúc gần 85 tuổi mới cho in, chắc phải có lúc nhớ lẫn lộn. Chính tôi viết mục này, cũng có khi ghép ngày tháng nọ vào một biến cố kia, hoặc nghĩ đén tên người này mà đánh máy thành tên người khác. Ðáng lẽ ra một tác giả như Trần Ðĩnh phải có hai ba thư ký, mỗi người phụ trách tìm tài liệu kiểm soát lại xem trí nhớ của mình có chính xác không. Khi soạn cuốn Ðứng Vững Ngàn Năm, tôi cứ ước mình là một giáo sư đang dạy môn lịch sử. Giáo sư có thể mướn sinh viên tra cứu tài liệu giúp mình! Các em chỉ cần theo lời giáo sư chỉ dẫn mà đi tìm trong thư viện, coi cái gì ông thầy nói đúng, cái gì không chắc chắn. Sẽ tránh được khối chỗ lầm. Ngoài tiền công được nhà trường trả, cuối năm thầy còn cho thêm điểm. Vì ngay việc tìm tòi tài liệu cũng giúp cho các em hiểu biết thêm về nghề nghiên cứu.
Cho nên, nếu trong Ðèn Cù có những chi tiết không đúng, hoặc không chắc chắn, thì chúng ta cứ chờ có người dẫn ra các chứng cớ xác thực hoặc các nguồn đáng tin hơn.
Nhưng ông Trần Ðĩnh không viết lịch sử. Ðóng góp quan trọng của ông không phải là những chứng liệu sử học, mà là kinh nghiệm sống, của một cá nhân đã quan sát và ghi lại những gì thấy chung quanh mình. Nhờ thế mà người đọc bây giờ cũng như các thế hệ sau được biết thêm, hiểu thêm về lịch sử nước ta trong hơn nửa thế kỷ. Tác giả có thể nhớ nhầm vài chi tiết, không quan trọng; vì độc giả biết còn nhiều người sẽ viết về cũng những năm tháng đã qua.
Chẳng hạn, Trần Ðĩnh kể chuyện ông Hồ Chí Minh đã cải trang, tới coi cuộc đấu tố bà Nguyễn Thị Năm, một địa chủ có nhiều công nuôi các cán bộ chủ chốt của đảng Cộng Sản trong nhiều năm, trước khi bị Cộng Sản gán tội địa chủ và đem giết một cách tàn nhẫn. Có người trong nước, chuyên nghiên cứu lịch sử đảng Cộng Sản, nói rằng Trần Ðĩnh viết không đúng. Vì ông ta không bao giờ thấy một tài liệu nào trong lịch sử đảng ghi về sự kiện này.
Nghe xong, tôi phải cố nhịn không bật cười, vì kính trọng cuộc phỏng vấn nghiêm trang của một đồng nghiệp. Nếu ông bạn không gọi sang từ London sang, mà gặp riêng nhau ở chỗ khác, thì nghe kể có người nêu nghi vấn trên chắc tôi đã hỏi ngay, cho cả hai cùng cười: Phán như thế, tức là ông ta muốn nói chỉ những gì do ban nghiên cứu lịch sử đảng Cộng Sản viết thì mới là sự thật, đảng không nói gì tức là bịa, phải không? Nhưng nhịn được cười, tôi đã trả lời rằng: Chuyện ông Hồ có đến xem cuộc đấu tố bà Nguyễn Thị Năm hay không, điều đó không quan trọng lắm. Ðối với lịch sử, điều quan trọng là: “Giết hay Không Giết?”
Nếu chỉ căn cứ vào lịch sử chính thức của đảng Cộng Sản Việt Nam thì trong đời tư của Hồ Chí Minh không hề có nhân vật nào tên là Nông Thị Xuân, Ngay cả bà vợ Tăng Tuyết Minh cưới nhau ở Quảng Châu cũng không được phép hiện diện trên trái đất, như ký giả Kim Hạnh làm chứng. Cô chỉ đụng tới chuyện đó là bị cách chức ngay. Nhưng các chi tiết trong cuộc đời Hồ Chí Minh, như chuyện ông đã đổi tên bao nhiêu lần; ông bị Stalin nghi là không thật sự cộng sản; hoặc đời sống tình dục của ông thế nào, ông người Nghệ An thật hay là một người gốc Hẹ, vân vân; những chi tiết đó cũng không cần bàn nhiều quá. Ðối với nhân vật lịch sử này, điều quan trọng nhất là ông ta đã làm gì để cho nước Việt Nam bây giờ phải sống trong một xã hội đạo lý suy đồi, tham nhũng nhơ bẩn, kinh tế lạc hậu, thua kém các nước chung quanh?
Ông Ðoàn Duy Thành, nguyên phó thủ tướng chính phủ Hà Nội, khi bàn về những sai lầm của cuộc “Cải Cách Ruộng Ðất,” đã kết luận rằng nó “đã để lại hậu quả lâu dài cho dân tộc, cho đất nước, là sự hận thù, sự lừa dối, xảo trá, vu khống như: tố điêu, ép cung, bịa chuyện… gây tai họa cho bao gia đình, làm nát đi những truyền thống tốt đẹp về gia đình, họ hàng, làng xóm, mà cha ông ta đã dày công xây dựng hàng nghìn năm.” Với thành tích phá ruỗng nền tảng đạo đức của ông cha, thì chuyện đời tư ông Hồ ra sao, ông có mấy vợ hay nhân tình, đều chỉ là chuyện nhỏ.
Bên cạnh tội phá hủy di sản tinh thần dân tộc, ông Hồ còn dựng lên một guồng máy chuyên chế, dành độc quyền kinh tế và chính trị riêng cho đảng mình; chính bộ máy đó gây nên tình trạng chậm tiến cho dân tộc. Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn nhận xét: “Khi cầm quyền, cụ Hồ đã để cho chính phủ của cụ tạo ra nhiều tiền lệ cầm quyền độc đoán, nhẫn tâm, phi dân chủ hay dân chủ giả hiệu, có thể nói lớn đến mức mà vết hằn sâu của nó đến nay vẫn còn hiện rõ trong cả hệ thống chính quyền hiện thời.” Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn không cần phải kể chi tiết. Riêng cảnh bao người dân lương thiện bị bắt vào trong đòn công an rồi chết cũng đủ thấy di sản của chế độ do Hồ Chí Minh dựng lên kinh hoàng thế nào.

    Trước những tội lớn trong cuộc Cải Cách Ruộng Ðất, chúng ta thấy những chi tiết, như Hồ Chí Minh có đi xem cuộc đấu tố bà Nguyễn Thị Năm hay không, chẳng còn quan trọng nữa! Ðiều quan trọng là: “Giết hay Không Giết?” Về những cuộc đấu tố giết oan mấy trăm ngàn “địa chủ,” cựu Ðại Tá Phạm Quế Dương nhận xét: “Cụ Hồ… kêu gọi ‘Tuần Lễ Vàng’ để lấy tiền. Ðáng lẽ, ông phải cảm ơn người ta mà ông quay lại đánh người ta. Chuyện đó đáng để lịch sử lên án.” Ðảng Cộng Sản bây giờ vẫn hô hào “học tập đạo đức cách mạng” của của Hồ Chí Minh, chắc họ không nhớ ông Hồ giải nghĩa đạo đức cách mạng là gì. Ông nêu đức tính duy nhất cho các đảng viên học tập, là phải hoàn toàn theo lệnh đảng, đảng bảo làm gì thì cứ thế làm theo. Chế độ độc tài gây ra bao tai họa cho dân tộc. Trong thế giới loài người bây giờ còn ai muốn trẻ em học thứ đạo đức đó hay không?
Nghĩ lại, thì vị nào trong ban nghiên cứu lịch sử đảng đã nêu ra nghi vấn trên chắc chỉ nói cho xong bổn phận của mình thôi, chưa chắc ông ta đã nghĩ kỹ trước khi lên tiếng. Khi biết Ðèn Cù mới xuất bản, chắc ông Tô Huy Rứa đã ra lệnh cấp dưới phải mở ngay một cuộc càn quét để tiêu diệt uy tín của cuốn sách và tác giả. Những vị “ăn cơm chúa múa tối ngày” bèn làm theo chỉ thị. Thế là, mỗi ông mỗi bà được phát Ðèn Cù đem về đọc, bới lông tìm vết thấy chỗ nào đánh được thì đánh. Viết xong, nộp bài cho đủ chỉ tiêu; sau đó mới ngồi đọc lại, cười khúc khích với nhau. Làm việc như vậy cho nên mới có người đưa ra thứ lý luận “chuyện này ban nghiên cứu lịch sử đảng không nói gì cả, tức là nó không có thật.” Nói như vậy, mà không cần biết người dân nghe sẽ bật cười như thế nào! Họ biết dân sẽ cười bể bụng, nhưng không quan tâm. Vì đằng nào cũng vậy, lâu nay dân Việt Nam còn tin những gì họ viết đâu mà mình phải cố gắng tìm tòi, suy nghĩ, hại sức khỏe?
Ðó cũng là cách suy nghĩ và làm việc của quý vị đã mở cuộc triển lãm về“Cải Cách Ruộng Ðất,” rồi phải đóng cửa ngay. Ðó cũng là tác phong của mấy ông bà làm cuốn phim lịch sử chỉ có hai ba người mua vé vào coi.
 Hôm qua, thành phố Hà Nội mới tổ chức kỷ niệm 60 năm “Ngày Giải phóng Thủ đô” với hơn 3500 quan chức đại biểu tham dự tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Một bạn đọc từ trong nước cho tôi biết hơn 30 chỗ bắn pháo hoa tưng bừng. Trước đó mấy ngày, mấy ông bà “lãnh đạo” đã cải chính về tin hủy bỏ bắn pháo hoa vì dân than phiền tốn tiền vô ích. Ðã lỡ mua pháo rồi, tiền hối lộ của nhà bán pháo đã bỏ túi rồi, làm sao hủy bỏ được? 
Dân Hà Nội có một đêm coi pháo bông thỏa thích, vừa coi vừa chửi. Nhưng quý vị “lãnh đạo” đâu cần biết thằng dân nó nói cái gì!

     sao họ hành động như vậy? Vì họ biết ngày tan hàng rã ngũ đang tới gần, ngày càng gần hơn. Tiếp tục “múa tối ngày” như trong cái đèn cù, còn được ngày nào hay ngày đó.

Ngô Nhân Dụng


No comments:

Post a Comment