Friday, November 7, 2014

Trách nhiệm của từng người dân với quốc thể

Trong vài ngày qua, chuyện chàng thanh niên 28 tuổi, tên Phạm Văn Thoại đi du lịch ở Singapore, mua chiếc Iphone 6 tặng bạn gái và bị chủ cửa hàng lừa đã gây xôn xao dư luận ở cả Singapore và Việt Nam. Xung quanh sự việc này đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau nói về “quốc thể”. 
 

Tính đến thời điểm hiện tại, sự việc đã đi đến hồi kết. Anh Thoại cho biết anh đã chấp nhận phần giúp đỡ 550 USD từ một doanh nhân và đã mua một chiếc điện thoại khác bằng số tiền này. "Tôi đã bị lừa mất 550 USD, vì vậy, tôi sẽ chỉ nhận đúng 550 USD của những người tử tế và tôi chỉ nhận như vậy, không hơn. Tôi biết ơn đối lòng tốt của bạn nhưng tôi chỉ muốn nhận đúng số tiền mà mình đã mất", anh Thoại nói.
Trước đó, ngày 05.11.2014, một “chiến dịch” gây quỹ đã được một người tên Gabriel Kang phát động trên trang Indiegogo.com để góp tiền mua tặng một chiếc iPhone 6 khác để gởi về Việt Nam cho anh Thoại. Chưa đầy 12 tiếng sau, số tiền quyên góp đã lên tới 10,828 USD. Cửa hàng Mobile Air, nơi đã “lừa” anh Thoại đã tạm thời đóng cửa, người chủ đã đi lánh nơi khác vì áp lực phản đối của người dân Singapore.

    Người phát động cuộc quyên góp nói trên là ông Gabriel Kang, là chủ một cửa hàng công nghệ nhỏ. Anh cho biết: “Tôi làm việc này không bởi động cơ chính trị, không dính líu đến cảnh sát cũng như các cơ quan du lịch hay tổ chức nào khác. Bởi vì tôi là một công dân Singapore dù không giàu, không nghèo nhưng tôi cảm thấy mình cần phải hành động, và bạn cũng sẽ vậy. Chúng ta không phải là đất nước của những kẻ cắp và lừa đảo”.
Gabriel bày tỏ sự bức xúc của mình và đã chứng tỏ là ông không hề nói suông khi công khai video ghi lại quy trình đóng góp và hóa đơn thanh toán. Gabriel đã chọn một chiếc iPhone 6 bản 128GB màu xám trị giá 1.288 đôla Singapore để gởi về Việt Nam cho anh Thoại.
Qua câu nói “Chúng ta không phải là đất nước của những kẻ cắp và lừa đảo”, ai cũng có thể cảm nhận được rằng ông Gabriel đang xấu hổ và bức xúc trước hành động của người chủ cửa hàng Mobile đã làm với anh Thoại, cũng như với những trường hợp khác bị cửa hàng này lừa gạt. Việc vận động quyên góp để bù đắp cho anh Thoại theo như ông Gabriel là để bảo vệ “lòng tự tôn dân tộc”, thể diện quốc gia trong mắt các du khách quốc tế và cũng là nghĩa cử cao đẹp giữa con người với con người.

    Nhìn người mà ngẫm đến ta, khách du lịch nước ngoài sau khi tới Việt Nam đã “1 lần đến, không bao giờ trở lại”, bởi chính những con người làm du lịch, nhiều người dân Việt đã làm xấu đi hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam. Những hình ảnh lôi kéo, giành giật khách du lịch, “mua rẻ, bán đắt” cho khách nước ngoài ; dịch vụ du lịch thiếu tính chuyên nghiệp, không có tầm nhìn dài hạn, làm ăn chộp giựt ; các tệ nạn trộm cắp, cướp giật, móc túi tràn lan đến độ chính quyền đã phải phát tờ rơi cảnh báo khách du lịch là những ấn tượng khó phai nhòa trong lòng mỗi vị khách khi rời khỏi Việt Nam.

    Ngay trong ngày hôm qua, đến cả Tổng Lãnh sự Pháp tại Sài Gòn, ông Emmanuel Ly Batallan đã bị Công an, mật vụ mặc thường phục của CSVN tấn công giữa ban ngày, đông người. Đó là chuyện giữa người Việt với người nước ngoài, còn người Việt với người Việt, đó là một vấn đề có thể nói rằng “tự dân mình giết dân mình”.

     Hàng ngày, những người buôn bán vì lợi nhuận, buôn lậu hàng hóa giá rẻ, độc hại từ Trung Cộng về Việt Nam bán cho người dân. Người nông dân thì chăn nuôi, trồng trọt có sử dụng các hóa chất kích thích tăng trưởng, phun tẩm các loại thuốc bảo quản độc hại có xuất xứ từ Trung Cộng. Những bê bối về chế biến thực phẩm bẩn, kém chất lượng. Ứng xử giữa người Việt với nhau trong đời sống hàng ngày được lột tả trên truyền thông trong nước: cướp, giết, hiếp, các giá trị đạo đức đảo lộn, ...

    Còn chính quyền CSVN với hồ sơ nhân quyền bị đánh giá yếu kém, có nhiều vi phạm. Với người nông dân, chuyện cưỡng chế đất, “phân lô bán nền” diễn ra như cơm bữa, khiến người nông dân khốn cùng. Với người kinh doanh, muôn vàn loại thuế, phí, sách nhiễu từ các loại cơ quan thuế vụ, quản lý thị trường, công an, các cấp chính quyền, làm ăn lương thiện rất khó sống. Tệ tham nhũng tràn lan ở mọi ngành, mọi cấp.
Một đất nước, với những người lãnh đạo làm gương chỉ biết chăm lo cho quyền lợi trước mắt của mình mà bỏ rơi đi lợi ích lâu dài cho dân tộc, cho quốc gia, đánh mất đi lòng tự tôn dân tộc, thể diện quốc gia, cũng chẳng ai để tâm đến chuyện người nước ngoài đang nghĩ gì về người nước mình thì làm sao có thể “khá” lên được !
 
Chuyện anh Thoại quỳ sụp xuống để van nài chủ cửa hàng trả lại tiền không đáng không đáng lên án, không có gì ảnh hưởng đến “quốc thể”, bởi đơn giản anh ta đã hành động theo bản năng của mình để mong vớt vát lại số tiền vất vả làm ra ở nơi “đất khách quê người” và anh ta “đơn thương độc mã”. Điều đó còn hơn gấp vạn lần nhiều kẻ không biết quý trọng đồng tiền mà người dân vất vả làm ra, đóng thuế nuôi chúng, nhưng chúng lại nhẫn tâm phung phí, tham ô, tham nhũng, làm điều bất chính, bất lương. Và cũng hơn gấp vạn lần những kẻ mang danh đi “công du” thực chất là đi xin tài trợ, vay tiền, khất nợ để mang về Việt Nam ăn chia trong các dự án.
Như lời Nguyên Tổng Giám mục Giáo phận Hà Nội, Ngài Giuse Ngô Quang Kiệt đã từng nói năm 2008, khi tiếp xúc với chính quyền Hà Nội về vấn đề tranh chấp đất đai tại Tòa Khâm sứ: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ !”. Câu nói trên đã bị cắt xén, lợi dụng để bôi nhọ Ngài. CSVN đã cố tuyên truyền rằng Ngài có những lời lẽ “xúc phạm”, đi ngược lại lợi ích của đất nước, của dân tộc. 
Tấm hộ chiếu xác định tư cách công dân, sống trong 1 chế độ chính trị, gắn liền với chính thể, chứ không liên quan đến đất nước hay dân tộc.
 Nhà cầm quyền CSVN đã cố đánh đồng khái niệm “Nhà nước” với “đất nước” và “dân tộc”, cũng như “yêu nước” và phải yêu chế độ CSVN, yêu CNXH – thật là trơ trẽn. Chế độ CSVN đã làm gì để người dân phải  “nhục nhã” khi cầm passport ra nước ngoài ?

Nhật Nam / SBTN

No comments:

Post a Comment