Monday, October 31, 2016

Có nên cổ vũ rộng rãi cho lễ Halloween ở Việt Nam?

Lễ hội Halloween 31/10
(ĐSPL) – Du nhập từ phương Tây vào Việt Nam, hiện lễ hội Halloween đang thẩm thấu dần vào văn hóa Việt Nam thông qua giới trẻ ở các thành phố lớn.
1 Nguồn gốc lễ Halloween và biểu tượng của nó
Halloween không phải là lễ hội, dạ hội hóa trang. Đó là chữ viết tắt của chữ All halow’s Evening – đêm trước ngày “Các Thánh”. Về ý nghĩa, ngày Halloween được xem là ngày “Các vong hồn”.
Theo báo giao thông, truyền thuyết Ireland kể rằng có một người tên Jack vốn rất keo kiệt bủn xỉn, không giúp đỡ người nghèo mà còn chơi thân với một con quỷ. Có lần, con quỷ vào quấy phá dân làng, bị người dân cầu cức các tu sĩ đem vật Thánh yểm bùa, nhốt con quỷ lại. Jack nhận ra con quỷ đó thân thiết với mình nên đã tìm cách tháo bùa giúp con quỷ thoát thân. Để trả ơn cứu mạng, quỷ hứa là sẽ không bắt hồn Jack xuống Địa ngục. Sau đó, Jack chết vì một tai nạn, linh hồn anh ta không thể lên Thiên đàng vì làm nhiều điều ác, cũng không thể xuống Địa ngục vì lời hứa của con quỷ nên cứ lang thang đói lạnh trong tăm tối. Quỷ thương bạn nên lấy một ít than từ Địa ngục bỏ vào trong ruột quả bí ngô đưa cho Jack để sửi ấm. Jack đã đục thủng vài lỗ trên quả bí ngô để thông gió và giữ lửa, từ đó ngọn lửa trong chiếc đèn bí ngô cứ theo Jack và trở thành biểu tượng của Halloween.
Có nên cổ vũ rộng rãi cho lễ Halloween ở Việt Nam? - Ảnh 1

Quả bí ngô Halloween là nơi cho kẻ giúp quỷ trú ngụ trên dương gian.

Người Celt (Ireland cổ đại) bắt đầu năm mới vào ngày 1/11. Trước đó một ngày, người ta làm lễ vinh danh vị thủ lĩnh quá cố Samhain và người ta cũng cho rằng Samhain sẽ cho phép “Các vong hồn” được trở về dương thế vào đêm hôm đó.
Trong ngày Halloween, những người nghèo sẽ đi “khất thực cô hồn”, và họ sẽ được người giàu bố thí cho quà bánh gọi là “bánh vong hồn” để họ cúng và cầu nguyện cho các vong hồn đã khuất. Dần về sau, trẻ em mặc những bộ đồ rách rưới, đeo mặt nạ ma quỷ, xách những chiếc lồng đèn bí ngô đi quanh xóm và nói “ Trick or Treat” ( đại ý: nếu không muốn chúng tôi quấy phá thì hãy cho chúng tôi cái gì đó). Người ta sợ bị “Trick” nên sẽ vui vẻ “Treat” bằng bánh kẹo, trái cây. Việc nhiều người hóa trang ma quỷ, xách lồng đèn bí ngô sẽ giúp cho các vong hồn dễ dàng trà trộn vào đó mà vui chơi thỏa thích trong cả ngày hôm đó.
2. Khác biệt văn hóa
Nếu nói Halloween là ngày dành cho các vong hồn được trở về dương thế để vui chơi thì lễ rằm tháng 7, hay còn gọi là lễ Xá tội vong nhân của người Việt Nam, lại là ngày mọi người cúng dường và tụng kinh siêu độ ban phước cho các cô hồn chưa được siêu thoát, còn lảng vảng ở trên trần gian.
Có nên cổ vũ rộng rãi cho lễ Halloween ở Việt Nam? - Ảnh 2

Giới trẻ Việt Nam hào hứng với lễ hội Halloween.

Như vậy lễ Halloween về ý nghĩa và hình thức hoàn toàn khác với văn hóa Việt Nam bởi nó gắn liền với quan niệm tôn giáo, quan niệm nhân sinh khác biệt

Nó không thật phù hợp với văn hóa truyền thống tin vào luật nhân quả, luân hồi của người Việt Nam. 
Halloween cùng với sự hóa trang người sống thành ma ghê rợn, vốn là điều tối kị đối với người Việt Nam bởi họ quan niệm rằng những hình nộm trang trí thành người chết sẽ dễ bị “nhập hồn” hoặc giống như trù úm gặp xui xẻo vậy.

Tuy nhiên về một ý nghĩa nào đấy thì nó cũng vẫn mang tính nhân văn chứ không chỉ đơn thuần là lễ hội rùng rợn kinh dị như nhiều biến tướng hiện nay.
3. Lạm dụng Halloween
Thanh niên đã từng đăng bài cho biết, dù đã du nhập vào Việt Nam nhưng lễ hội Halloween chỉ xôm tụ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM... Nếu như ở các trường học hay các trung tâm ngoại ngữ, học sinh - sinh viên xem lễ hội Halloween như một dịp để sáng tạo nghệ thuật, tham gia các trò chơi lành mạnh, giao lưu học hỏi thì tại những quán cà phê, quán bar, vũ trường, club..., Halloween thường hay bị biến tướng thành một đêm kinh dị, ma quái khác thường nhằm câu khách.
Có nên cổ vũ rộng rãi cho lễ Halloween ở Việt Nam? - Ảnh 3

Halloween trở thành cơ hội kinh doanh đồ kinh dị.

Tại nước ta, Halloween gần như được hiểu thuần túy là một lễ hội hóa trang ma quỷ, nên càng về sau, người ta càng cố gắng tạo những hình nộm, mặt nạ hoặc trang điểm sao cho càng rùng rợn, ma quái càng tốt. 
 Chính vì không hiểu hết tính nhân văn trong lễ hội Halloween mà các bạn trẻ càng lúc càng sa đà vào những hình ảnh ma quái liêu trai, phản cảm thậm chí là kích động bạo lực; không có lồng đèn bí ngô, không có quà bánh ban phát cho trẻ nhỏ mà thay vào đó là máu me, chết chóc…
Có nên cổ vũ rộng rãi cho lễ Halloween ở Việt Nam? - Ảnh 4
Có nên cổ vũ rộng rãi cho lễ Halloween ở Việt Nam? - Ảnh 5

Những hình ảnh quá máu me kinh dị này làm người ta quên đi ý nghĩa nhân văn của Halloween.

Có lẽ do mang thêm dụng ý thương mại, nên Halloween ở Việt Nam ngày càng cổ vũ cho hình thức bạo lực máu me. 
Các dịch vụ ăn theo mùa này như bán trang phục, mặt mạ, hóa trang, vẽ mặt… mọc như nấm sau mưa. Tri thức trực tuyến năm nào cũng đăng những hình ảnh các nam thanh nữ tú trang điểm  kinh dị khiến “trẻ em khóc thét” gây ách tắc đường phố ở Hà Nội, TP HCM vào mỗi dịp lễ hội Halloween. Thậm chí trên các diễn đàm người ta còn tổ chức bình phẩm đánh giá Halloween ở đâu “chất” hơn. Những đâu ít máu me kinh dị sẽ bị cho là “nhạt”.
Thiết nghĩ chúng ta cần phải tổ chức tuyên truyền để những cảnh trên không nên lan rộng. Nói như GS. Trần Ngọc Thêm, giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và ứng dụng ĐH KHXH & NV TP.HCM thì cần phải tổ chức tuyên truyền để lễ hội này chỉ nên xảy ra trong phạm vị hẹp của một số nhóm người chứ không mang tính đại chúng và rộng rãi như hiện nay.
 Phải làm sao cho mọi người hiểu đúng về lễ hội này và có hình thức thể hiện phù hợp thay vì lạm dụng nó để đầu cơ trục lợi.

MINH MINH (Tổng hợp



No comments:

Post a Comment