Wednesday, January 21, 2015

Công nhận Việt Nam Cộng hòa để khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa




41 năm nay, Hoàng Sa là một nỗi đau nhức nhối trong tâm khảm người Việt Nam. Làm thế nào để giành lại Hoàng Sa?

 Đó là câu hỏi đau đáu của mỗi người VN yêu nước. Để giành lại HS về đất mẹ, điều này vô cùng khó khăn. Nhưng không phải vì thế mà buông xuôi, theo kiểu đời này không đòi được thì đời sau con cháu sẽ đòi. Lối nói đó nhằm phủi trách nhiệm và bao biện cho thái độ lần lữa trong việc đòi lại chủ quyền của Đất nước. 

   Bằng chứng để chứng minh Hoàng Sa (và cả Trường Sa) là của Trung Quốc gần như không có, ngoài mấy lý lẽ cù nhầy như trên đảo có xương của người Hán cùng với mấy mảnh gốm sứ được tìm thấy… Lập tức, TC bị VN phản bác lại: Gò Đống Đa cũng có rất nhiều xương người TQ, chẳng lẽ Thăng Long cũng là đất của TQ sao? Câu đáp trả rất sắc sảo đó làm cho TC cay cú và rụt chuyện xương xẩu, sành sứ lại. 
Ngược lại, xét về lịch sử, bằng chứng của VN rất chắc chắn, đó là nhà nước Việt Nam kể từ thời Nguyễn đã liên tục thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo này cho đến tận khi bị TC cưỡng chiếm.
Về lý lẽ và bằng chứng cụ thể để khẳng định hai quần đảo nói trên của VN là việc của các học giả, các nhà ngoại giao và nhiều bài viết đã trình bày nên xin không nhắc lại.
Bây giờ TC chỉ có thể bám nhằng lấy công hàm của ông Phạm Văn Đồng ký ngày 14/9/1958 và loa lên rằng, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã công nhận HS, TS là của TQ. Cho đến nay, về phía chính phủ VN chưa bao giờ bác bỏ công hàm (công thư) của ông Phạm Văn Đồng mà lý giải theo hướng khác. Một trong những lý lẽ đó là công hàm chỉ nói VN tôn trọng hải phận 12 hải lý của TQ chứ không hề nhắc đến HS, TS nên không thể suy diễn thành VN công nhận HS, TS là của TQ. Cách lý giải này có vẻ như đúng với câu chữ trong công hàm mà ông PVĐ đã cân nhắc. Những giải thích khác như quan hệ đặc thù, bối cảnh lịch sử… xem chừng khó thuyết phục. 
Nhưng có một lý lẽ thuyết phục nhất mà gần đây, báo chí Việt nam đồng loạt đưa ra, đó là: Trong thời điểm 1958, hai quần đảo HS, TS thuộc quyền quản lý của Nhà nước Việt Nam Cộng Hòa. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không quản lý nên không có quyền xác nhận hai quần đảo đó là của TQ. Tức là, người ta không thể cho cái mà không có trong tay. 
Có lẽ Đại đoàn kết là tờ báo đầu tiên đưa ra luận điểm này, với bài “Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam” (20/07/2011)
Bài báo viết “theo Hiệp định Genève 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Trong thời điểm đó, dưới góc độ tài phán quốc tế, thì Chính phủ VNDCCH không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền tại hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế”
Vào thời điểm TC đem giàn khoan HD 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN (tháng 5/2014), báo chí VN phản công rầm rộ. Nhiều tờ báo dẫn lại đọan trích trên của Đại Đoàn Kết hoặc dựa theo luận điểm này để bác bỏ sự suy diễn của TC cho rằng Công hàm 1958 đã công nhận HS và TS là của TQ. 
Còn báo điện tử của Chính phủ viết:
"Chính quyền VNCH, theo Hiệp định Genève 1954, đã liên tục thực thi chủ quyền lâu đời của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước cũng như bằng việc triển khai chủ quyền thực tế trên hai quần đảo này. Đỉnh cao của sự khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là trận hải chiến quyết liệt của Hải quân VNCH chống lại sự xâm lược của tàu chiến và máy bay Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974".
Ông Trần Công Trục nguyên trưởng ban Biên giới của Chính phủ trong chương trình thời sự 19 giờ ngày 22/5/2014 của đài VTV1 giải thích:
“Các bạn hãy nhớ rằng tuyên bố của chúng ta vào thời kỳ 1958 nghĩa là cái lúc mà hai miền Bắc, Nam được hiệp định Genève ký kết năm 1954 phân chia quyền quản lý cho 2 nhà nước với tư cách là chủ thể trong quan hệ quốc tế là Việt Nam dân chủ cộng hòa và Việt Nam Cộng Hòa. Quần đảo Hoàng Sa của chúng ta nằm dưới vĩ tuyến 17 thuộc quyền quản lý của VNCH với tư cách là chủ thể trong quan hệ quốc tế theo hiệp định Genève, Và vì vậy, mọi tuyên bố, mọi hành vi của VNCH có giá trị pháp lý thay mặt Nhà nước VN quản lý vùng đất ấy còn VNDCCH chúng ta không trực tiếp quản lý. Vì vậy cho dù tuyên bố đó như thế nào thì giá trị pháp lý trong quan hệ quốc tế không có. Cho nên TQ họ muốn dùng tất cả mọi lý lẽ để nói rằng chúng ta thừa nhận thì đấy hoàn toàn là sự bịa đặt”.

 
Không phải ngẫu nhiên mà báo chí VN thừa nhận vấn đề này mặc dù đó là thực tế. Nó được đưa ra trong bối cảnh chủ quyền của Đất nước bị đe dọa tới mức không thể chấp nhận được nữa.
 
Như vậy, Chính thể Miền Nam Việt Nam từ 1954 (đến 1975) trong những năm gần đây đã được nhìn nhận là một Nhà nước có chủ quyền, là một chủ thể trong quan hệ quốc tế
 
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại như thế thì chưa đủ cơ sở pháp lý cho cách nhìn nhận này. Điều cần làm tiếp theo là nâng vấn đề này lên thành quan điểm quốc gia, chứ không thể chỉ để cho báo chí hoặc một ông “nguyên” nào đó phát biểu. Đó là, Bộ Ngoại giao phải ra tuyên bố dưới góc nhìn này và các nhà lãnh đạo cao nhất cần lên tiếng. Đồng thời, phải tuyên dương công trạng và cư xử bình đẳng đối với các anh hùng, tử sĩ đã hy sinh khi bảo vệ Hoàng Sa cũng như đối với gia đình họ.
 
Và đương nhiên, những từ ngụy quân, ngụy quyền, lính ngụy...  phải vĩnh viễn mất đi trong báo chí và lối nói thường ngày.
 
Làm những việc này, quả thật là rất khó khăn đối với Đảng CSVN và Nhà nước VN vì những vấn đề đặt ra tiếp theo như công nhận thể chế Việt Nam Cộng hòa và như vậy, bản chất của cuộc chiến tranh 1955 – 1975 cũng phải xác định lại cho đúng với thực chất, chứ không phải là cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước như trước nay vẫn tuyên truyền.
 
Mặc dù thế, nhưng nếu biết đặt lợi ích Dân tộc, lợi ích của Đất nước lên trên hết thì những việc làm đó không phải là điều không thể.
 
19/1/ 2015

Nguyễn Tường Thụy

No comments:

Post a Comment