Vào tháng 7 năm canh tuất (1010), vua Lý Thái Tổ (trị vì 1010-1028) đời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La, và ngài đổi tên Đại La thành Thăng Long. Tính cho đến nay, danh xưng Thăng Long được chẳn một ngàn năm. Nhà nước cộng sản Việt Nam (CSVN) dự tính tổ chức Lễ kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long vào ngày thứ Sáu 1-10-2010 (24-8 Canh Dần).
Ngày dương lịch và âm lịch nầy không phải là ngày dời đô, cũng không phải là một ngày trọng đại trong lịch sử Việt Nam. Ngày 1-10 là ngày quốc khánh của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ). Như thế nói trắng ra, vì nhu cầu chính trị, CSVN mượn Lễ kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long để tập họp dân chúng, mừng quốc khánh cộng sản Trung Quốc (CSTQ).
Đây không phải là lần đầu vì nhu cầu chính trị, CSVN sử dụng thủ thuật này. Khi mới cướp chính quyền năm 1945, Hồ Chí Minh đã một lần sáng kiến ra cách thức nầy để lấy lòng viên cao ủy Pháp tại Đông Dương là đô đốc Georges Thierry d’Argenlieu.
Nguyên theo tối hậu thư Potsdam ngày 26-7-1945, tại Việt Nam giải giới quân đột Nhật ở nam vĩ tuyến 16 là quân đội Anh và ở bắc vĩ tuyến 16 là quân dội Trung Hoa Quốc Dân Đảng (THQDĐ). Sau khi theo quân Anh, tái chiếm miền Nam Việt Nam, Pháp thương lượng với THQDĐ đưa quân ra Bắc. Sợ bị tiêu diệt, Hồ Chí Minh vội vàng ký với Pháp thỏa ước Sơ bộ ngày 6-3-1946, theo đó Pháp thừa nhận Việt Nam là một quốc gia tự do (état libre), có chính phủ riêng, nghị viện riêng và tài chính riêng trong Liên Bang Đông Dương (LBĐD) và trong Liên Hiệp Pháp (điều 1); Việt Nam sẵn sàng tiếp đón quân đội Pháp đến thay thế quân đội Trung Hoa để giải giáp quân đội Nhật (điều 2).
Thỏa ước Sơ bộ hoàn toàn trái ngược với lời thề chống Pháp của Hồ Chí Minh khi trình diện chính phủ vào ngày 2-9-1945. (Đoàn Thêm, 1945-1964: Việc từng ngày, Hai mươi năm qua, California: Nxb. Xuân Thu tái bản không đề năm, tr. 13.) Thỏa ước Sơ bộ bị dân chúng và các đảng phái chính trị theo chủ trương dân tộc phản đối.
Sau khi thương thuyết với THQDĐ, cao uỷ Pháp tại Đông Dương, đô đốc D’Argenlieu, mở cuộc kinh lý khu vực phía bắc vĩ tuyến 16 từ ngày 14-5-1946. D’Argenlieu đến Vạn Tượng (Vientiane, Laos) ngày 17-5-1946, đến Hà Nội chiều ngày 18-5-1946. Trên danh nghĩa, D’Argenlieu là cao uỷ, đại diện chính phủ Pháp tại LBĐD. Việt Nam là một quốc gia trong LBĐD. Vậy D’Argenlieu là nhà lãnh đạo hay quốc trưởng của Việt Nam và là cấp chỉ huy của Hồ Chí Minh. Theo nghi thức ngoại giao, để đón tiếp quốc trưởng, nhà cầm quyền Việt Minh phải treo quốc kỳ (cờ đỏ sao vàng) trong ba ngày để đón D’Argenlieu, nhưng VM nói là để mừng sinh nhật Hồ Chí Minh là ngày 19-5, tránh làm cho dân chúng phản đối chuyện đón quan chức Pháp.
Ngày sinh nhật nầy có nhiều câu hỏi cần được đặt ra.
1) Nhiều tài liệu cho thấy Hồ Chí Minh nhiều lần ghi năm sinh khác nhau, không chính xác.
2) Riêng trong đơn xin vào Hội Tam Điểm (Franc-Maçonnerie) vào đầu năm 1922, Hồ Chí Minh, lúc đó có tên là Nguyễn Ái Quốc, ghi trong phiếu cá nhân rằng ông sinh ngày 15-2-1895. (Jacques Dalloz, “Les Vietnamiens dans la Franc-Maçonnerie coloniale”, Revue française d’Histoire d’Outre-mer, 3ème Trimestre, Paris: Société Française d’Histoire d’Outre-mer, 1998, tr. 105.) Vậy tại sao bây giờ lại đổi ngày sinh thành 19-5.
3) Trước đó, Hồ Chí Minh không đề cập đến sinh nhật, thì tại sao nhân cuộc viếng thăm của D’Argenlieu lại có chuyện sinh nhật Hồ Chí Minh?
Vì các lẽ đó, dư luận cho rằng Hồ Chí Minh ngụy tạo sinh nhật để treo cờ, nhằm đón tiếp D’Argenlieu. Tuy nhiên, nếu treo cờ để đón đại diện Pháp thì Hồ Chí Minh sợ dân chúng phản đối và kết tội phản bội vì lúc đó tinh thần chống Pháp của dân chúng rất cao, nên Hồ Chí Minh vì nhu cầu chính trị, mượn cớ treo cờ mừng sinh nhật để tránh sự bất bình của dân chúng. Cần chú ý, ngày 19-5 là ngày ra mắt công khai mặt trận Việt Minh năm 1941 ở Pắc Bó, Cao Bằng.
Trường hợp sửa đổi ngày kỷ niệm vì nhu cầu chính trị thứ hai là ngày thành lập đảng CSVN. Vào ngày 6-1-1930, Hồ Chí Minh, lúc đó lấy tên là Lý Thụy, với tư cách là đại biểu của Đệ tam Quốc tế Cộng sản (ĐTQTCS), đứng ra thành lập đảng CSVN tại Hồng Kông. Ngoài những tài liệu Tây phương, tài liệu cụ thể về ngày thành lập đảng là “Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ II của đảng” do Hồ Chí Minh trình bày ngày 11-2-1951. Trong mục thứ hai tiểu đề “Đảng ta ra đời”, Hồ Chí Minh xác định: “Ngày 6-1, Đảng ta ra đời.” (Bài nầy được đăng trong sách do Hồ Chí Minh viết, Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Hà Nội: Nxb. Sự Thật, 1976, tt. 97-120; và được đăng lại trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Hà Nội: Nxb. ChínhTrị Quốc Gia, 2000, tt. 153-176.)
Như thế, rõ ràng ngày thành lập đảng CSVN là ngày 6-1-1930. Xin kèm theo đây một tài liệu kỷ niệm thành lập đảng CSĐD năm 1948. (Chú ý câu mở đầu: Chính đảng của công nhân Đông Dương thành lập vào ngày 6-1-1930.) (Trích: Chính Đạo, Hồ Chí Minh, con người và huyền thoại, tập 1, in lần thứ hai, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1997, tr. 247.)
Tuy nhiên, về sau tại Đại hội III đảng Lao Động (tức đảng CSVN) ở Hà Nội từ 5 đến 10-9-1960, Bộ chính trị Trung ương đảng Lao Đông yêu cầu Đại hội thông qua quyết định thay đổi ngày thành lập đảng là 3-2-1930, vì “các đồng chí Liên Xô cho biết ngày đó mới đúng theo tài liệu lưu trữ của Liên Xô.” (Nguyễn Minh Cần, Đảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào cộng sản quốc tế, Nxb. Tuổi Xanh, không đề nơi xuất bản, 2001, tr. 74.)
Năm 1960, do nhu cầu chính trị, đảng Lao Động sửa ngày thành lập đảng theo lệnh của Liên Xô, nhưng cho đến nay, Liên Xô sụp đổ 20 năm rồi, đảng CSVN vẫn chưa chịu sửa lại cho đúng ngày thành lập, mà vẫn bắt học sinh học tập sai ngày, và đảng viên kỷ niệm sai ngày thành lập đảng CSVN.
Chẳng những đổi ngày vì nhu cầu chính trị, mà cũng vì nhu cầu chính trị, CSVN còn sửa luôn lịch để tạo sự bất ngờ trong cuộc tổng tấn công miền Nam Việt Nam vào năm 1968. Nguyên sau khi Bộ chính trị Trung ương đảng Lao Động (CSVN) quyết định sẽ tổng tấn công miền Nam vào dịp Tết Mậu Thân, chính phủ Bắc Việt ra quyết định số 121/CP ngày 8-8-1967, cho Nha Khí tượng thay đổi âm lịch, theo đó tháng chạp năm đinh mùi trong lịch mới ở Bắc Việt không có ngày 30 (âm lịch), trong khi ở Nam Việt có ngày 30 (âm lịch). Điều đó có nghĩa là Tết Bắc Việt Nam đến trước Tết Nam Việt Nam một ngày.
Việc đổi âm lịch nầy có hai điểm đáng ghi nhận:
1) Nha Khí tượng Hà Nội xác nhận việc đổi âm lịch không theo tính toán của những nhà khoa học lịch pháp, mà theo quyết định của nhà cầm quyền Hà Nội, tức việc đổi âm lịch có tính cách chính trị. (“Lời giới thiệu của Nha Khí tượng” Hà Nội, trong sách Lịch thế kỷ XX , Nxb. Phổ Thông, Hà Nội, 1968.)
2) Việc đổi âm lịch không được thông báo trước mà chỉ cho dân chúng Bắc Việt biết khi in lịch cho dân chúng sử dụng vào đầu năm 1968, nghĩa là chỉ còn hơn một tháng là đến Tết âm lịch năm mới (mậu thân). (Điều nầy được xác nhận trong “Lời nói đầu” hoặc “Lời giới thiệu” của các lần xuất bản về sau nầy; ví dụ lần xuất bản thứ nhì (1977), thứ ba (1982), và thứ tư (1991). Như thế, phải chăng Hà Nội muốn giữ bí mật việc đổi âm lịch để chuẩn bị cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân?
Việc đổi âm lịch đúng ngày mồng Một Tết Mậu Thân ở ngoài Bắc trùng hợp vào dịp tổng tấn công ở miền Nam Việt Nam, khiến về sau người ta nghi ngờ đây không phải là sự ngẫu trùng, mà đây là một âm mưu có tính toán để đánh lừa Nam Việt Nam và thế giới về lệnh tấn công của Hồ Chí Minh tại Hà Nội vào ngày mồng Một Tết Mậu Thân, 24 giờ đồng hồ tức trước Tết ở miền Nam Việt Nam.
Chẳng những Hồ Chí Minh mà các học trò của ông cũng học theo Hồ Chí Minh đổi ngày vì nhu cầu chính trị. Hồ Chí Minh chết ngày 2-9-1969. Ngày 2-9 là ngày quốc khánh của Bắc Việt cộng sản. Vì vậy, Bộ chính trị đảng Lao Động liền quyết định công bố cho dân chúng biết ngày chết của Hồ Chí Minh là ngày 3-9-1969. Lần nầy nhiều người biết chuyện Hồ Chí Minh chết, đảng Lao Đông không thể “lấy thúng úp tai voi” mãi, nên sau năm 1975, đảng CSVN đành phải điều chỉnh trở lại ngày chết của Hồ Chí Minh là 2-9, trùng với ngày quốc khánh của chế độ CSVN.
Quả thật các đảng viên CSVN rất thuộc bài vở của Hồ Chí Minh. Nay thủ thuật ra lệnh cho dân chúng treo cờ để mừng sinh nhật chủ tịch, lại được đảng CSVN tái ứng dụng lần nữa, dùng lễ kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long để tập họp dân chúng Việt Nam mừng quốc khánh CHNDTQ.
Đảng CSVN mừng quốc khánh CSTQ là noi gương chính trị của Hồ Chí Minh, vì Hồ Chí Minh là đảng viên đảng CSTQ. Sau đây là lời tự bạch của Hồ Chí Minh trong bài “Cách mạng Trung Quốc và cách mạng Việt”, viết nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập đảng CSTQ (1/7/1921 – 1/7/1961). Hồ Chí Minh kể rằng: “Riêng về phần tôi, trong hai thời kỳ, tôi đã có vinh dự hoạt động trong đảng Cộng sản Trung Quốc. Đến Quảng Châu hồi 1924-1927, tôi vừa theo dõi phong trào cách mạng trong nước ta,vừa tham gia công việc đo đảng Cộng sản Trung Quốc giao phó… Tôi được tham gia việc dịch tài liệu nội bộ và việc “tuyên truyền đối ngoại”, tức là viết bài về phong trào công nông cho một số báo bằng tiếng Anh. Lần thứ hai tôi đến Trung Quốc (cuối năm 1938) vào thời kỳ kháng chiến chống Nhật. Là một người binh nhì trong “Bát lộ quân”, tôi làm chủ nhiệm câu lạc bộ của một đơn vị ở Quế Lâm. Sau đó, được bầu làm bí thư của chi bộ (kiêm phụ trách nghe rađiô) của một đơn vị ở Hành Dương…” Cũng trong bài viết trên, Hồ Chí Minh đã mô tả “mối quan hệ giữa cách mạng Trung Quốc và cách mạng Việt Nam thật là: Trăm ơn, ngàn nghĩa, vạn tình,/ Tinh thần hữu nghị quang vinh muôn đời!” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2000, tt. 366-367.)
Người sáng lập và lãnh đạo đảng CSVN có vinh dự hoạt động trong đảng CSTQ thì đảng CSVN mừng kỷ niệm quốc khánh CSTQ là chuyện không mới. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh và đảng CSVN mang ơn đảng CSTQ (“Trăm ơn, ngàn nghĩa, vạn tình…”) và muốn trả ơn như thế nào, đó là chuyện của CSVN, chứ không phải là ơn nghĩa của Trung Quốc đối với dân tộc Việt Nam. Dân tộc Việt Nam, ngay từ trước một ngàn năm Thăng Long, từ thời Hai Bà Trưng cho đến bây giờ, đã có quá nhiều kinh nghiệm xương máu với tập đoàn lãnh đạo bá quyền Bắc Kinh.
Không thể vì ơn nghĩa giữa hai đảng mà CSVN phản quốc, bán đứng Việt Nam cho CHNDTQ. Vào cuối thế kỷ 20, đảng CSVN đã ký liên tiếp hai bản hiệp ước dâng đất dâng biển cho CHNDTQ trước sự phẫn nộ của dân tộc Việt.
Đó là Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc, ký tại Hà Nội ngày 30-12-1999, nhượng cho Trung Quốc ải Nam Quan lịch sử, một nửa Thác Bản Giốc, nhiều cao điểm quân sự trọng yếu dọc biên giới phía bắc nước ta; và Hiệp ước phân định lãnh hải, ký tại Bắc Kinh ngày 25-12-2000 làm cho Việt Nam mất vào tay Trung Quốc khoảng 10,000 Km2 hay khoảng 8% mặt biển Vịnh Bắc Việt.
Nay một lần nữa, Thăng Long, cựu đô trong khoảng 8 thế kỷ của dân tộc Việt Nam, bị đảng CSVN đưa ra làm phẩm vật hiến tế, để mừng quốc khánh của CHNDTQ. Các nhà cầm quyền Trung Quốc đã bao lần đem quân xâm lược Việt Nam và giày xéo cố đô Thăng Long. Trung Quốc là một đại họa thường trực cho dân tộc Việt Nam từ thời cổ đại cho đến ngày nay.
Mượn chuyện kỷ niệm ngàn năm Thăng Long để mừng quốc khánh CHNDTQ là một điều hoàn toàn trái ngược với truyền thống lịch sử của cựu đô Thăng Long và lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Dân tộc Việt Nam vốn HIẾU HÒA, KHÔNG GÂY HẤN VỚI TRUNG QUỐC, NHƯNG SẴN SÀNG CHỐNG TRẢ TẤT CẢ NHỮNG CUỘC XÂM LĂNG CỦA TRUNG QUỐC.
Vì thế, người Việt Nam không chấp nhận và phản đối mạnh mẽ hành vi nhục nhã của nhà cầm quyền CSVN, vì nhu cầu chính trị, mượn lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long để mừng quốc khánh CHNDTQ.
(Toronto, 5-9-2010)
Tác giả: Trần Gia Phụng
No comments:
Post a Comment