TRUYỀN GIÁO |
Tôi còn nhớ, thuở ấy vì cha mẹ mất sớm, tôi phải sống dưới sự chăm nom của người Cậu, anh ruột của Mẹ tôi, nhưng Cậu tôi lại là một Linh Mục, nên tôi luôn được gởi vào các trường nội trú.Chỉ những khi Hè về, hay những ngày nghĩ Tết tôi mới được về sống gần bên Cậu thôi. Cậu tôi là Cha Sở một xứ Đạo, nằm vùng ngoại ô thành phố Đà Nẵng. Vì là một làng rặt người Công giáo, nên Cậu tôi xem Giáo xứ ấy như là gia đình riêng của mình. Những ngày ở bên Cậu, tôi mới thấy Cậu tôi bận bịu suốt ngày. Từ việc nhà thờ, đến việc trong thôn, trong xóm, việc ruộng nương, hoa màu, cho đến từng việc bất hòa với lối xóm, việc dựng vợ gã chồng, việc gia đình lục đục, cha mẹ con cái xung khắc nhau … tất cả họ đều nhờ đến cha Sở giải quyết. Tôi không biết rỏ Giáo xứ ấy có bao nhiêu gia đình ? Mà nguyên một cái làng rộng lớn như thế, Cậu tôi biết rất rỏ từng bụi tre của mỗi nhà, bụi tre này thuộc nhà ai, và ai là người đã trồng nên bụi tre ấy. Nhà nào bao nhiêu đứa con ? Học hành, làm ăn ra sao? Cậu tôi đều biết rỏ. Vì am hiểu tường tận như thế, nên mọi chuyện to nhỏ trong Giáo xứ họ đều cậy nhờ đến Cậu, không cần đến Chính quyền. Bên lỗi cũng như bên không lỗi, họ cứ đưa vào Nhà thờ cho Cha giải quyết là mọi việc đâu vào đó êm thắm cả làng. Họ sống như thế với ông suốt quãng đời dài 47 năm qua bao thế hệ trong gia đình một cách bình an trên vùng đất hiền hòa của Giáo xứ Cồn Dầu.(từ 1954 đến 24/8/2001) Giáo xứ Cồn Dầu lọt ngay giữa, chung quanh là những làng lương dân. Nhìn vào bức hình trên, quí vị sẽ thấy rỏ một con đường nối liền xóm nhà thờ và xóm nghĩa trang. Sau lưng xóm Nhà thờ là làng Trung Lương và sau lưng xóm Nghĩa trang là làng Lỗ Giáng. Trước năm 1975 những làng quanh giáo xứ Cồn Dầu đều mất an ninh. Họ thường xin trú ngụ qua đêm ở Giáo xứ Cồn Dầu. Cứ độ 5g chiều dân làng ở Trung Lương, Lỗ Giáng trong diện tuổi lao động, họ đều khăn gói vào Giáo xứ Cồn Dầu ngũ nhờ, sáng hôm sau mới trở về làng để lao động, kẻ thì công nhân, người thì làm ruộng … Nhiều năm trong chiến tranh, họ mang ơn giáo xứ Cồn Dầu đã cưu mang họ, thân thiện với họ và gần gũi họ như anh em cùng làng, không ai còn phân biệt lương, giáo. Vào mùa lũ lụt tháng chín tháng mười như hôm nay, họ đưa nhau vào Cồn Dầu chạy lũ. Họ ghé vào những nhà có gác cao xin trú lại, hay vào ngay trong nhà thờ có ông Cha lúc nào cũng sẵn sàng đón tiếp họ. Trong cơn hoạn nạn “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” giáo dân Cồn Dầu luôn san sẽ cho họ, giáo dân hưởng được điều gì họ cũng có được điều đó không khác gì giáo dân. Vì thế dân các vùng lân cận rất quí mến dân Cồn Dầu cũng như ông Cha nhà thờ Cồn dầu. Các Sư Thầy những Chùa quanh đó cũng cảm mến cái tình đồng bào với nhau, mà năng lui tới thăm hỏi cha Sở và đàm đạo cùng nhau rất thân tình. Và cũng nhiều người Lương dân ấy đã trở thành giáo dân của Cồn Dầu. Tôi còn nhớ có một Đại Đức làng bên, vẫn thường ghé thăm Cậu và luôn được Cậu tôi mời tham dự các buổi Lễ long trọng của nhà thờ. Ông rất đau buồn khi nghe tin Cậu tôi qua đời, và Ông cũng cố lặn lội đến thăm viếng, đưa tiễn Cậu tôi đến nơi an nghĩ cuối cùng. Suốt bao nhiêu năm trôi qua. Cái Đạo trong con người của giáo dân Cồn Dầu đã làm cho những lương dân ấy tin tưởng và quí trọng họ, tôi tin rằng cái tình nghĩa của giáo dân Cồn Dầu vẫn không phai mờ trong cuộc sống của những người dân quê vùng lân cận ấy cho đến bây giờ. Nếu sự đời không đảo điên thì cuộc sống cứ mãi yên bình như thế. Trong cách sống đùm bọc và chia sẻ, giáo dân Cồn Dầu cũng đã làm được việc Rao Giảng Tin Mừng đến với các dân Ngoại. Giáo dân Cồn Dầu không ai chú tâm đến việc đó, nhưng chính những việc nhỏ nhặt thường ngày trong cuộc sống ấy, họ đã làm sáng danh Chúa mà họ không hay biết. Họ đã làm cho các dân ngoại quanh họ hiểu như thế nào là người Công Giáo. Ánh Sáng Đức Tin chưa chiếu soi vào tâm trí họ, nhưng trong lòng họ rất tin tưởng những người Công Giáo, họ không sợ người Công Giáo nói dối, họ không sợ người Công giáo bất tín, hay tham lam.. Như thế cũng là thành công lớn cho người có bổn phận mang sứ vụ Truyền giáo đến cho mọi người . Một Giáo xứ đạo đức như thế mà phải mất đi. Một ngôi Làng nằm ngay trong vùng Truyền Giáo rất thuận tiện như thế mà phải xóa sổ. Giáo dân vì muốn giữ lại làng mạc yên bình của Cha Ông để lại, của Giáo xứ thân yêu gắn bó bao đời mà nhận biết bao tai ương, khốn khó. Có người phải chết, có người phải tù tội đòn roi, có người phải bỏ xứ ly hương … Và lại chuẩn bị đem ra Tòa xử vì tội cố ý giữ gìn lại Xóm Đạo, giữ gìn lại Quê hương, Làng xóm. Sao Giáo Hội không cố gắng tìm mọi cách để giữ lại Giáo xứ Cồn Dầu ? Sao ta không có biện pháp nào để gìn giữ lại Giáo xứ tốt đẹp ấy ? Một địa điểm thuận lợi, là tâm điểm cho những nơi mà ta “Có nghĩa vụ tạo môi trường cho Tin Mừng được truyền đạt tới và từ đó Tin Mừng được lan tỏa ra” như lời Đức Phaolô VI dạy bảo ? Sao ta không cùng nhau thắp ngọn nến cầu nguyện, xin Chúa giữ lại Cồn Dầu và xóa tan đi nỗi bất hạnh cho giáo dân Cồn Dầu? Đó phải chăng không phải là mục đích Truyền Giáo? là nơi không cần phải gieo vải hạt Giống Tin Mừng của Chúa nữa? Mà mọi người đành im lặng làm ngơ để cho những cái đang có cũng bị tước đi. Những công sức của người gieo vải bao đời, đến mùa thu hoạch cũng lặng im cho thú rừng tràn về dày phá ? Vậy thì nhiệm vụ Gieo Trồng, Thiên Chúa giao phó lại cho ta là điều gì? Là nằm đó chờ sung rụng ? Hay đứng trên bục thật cao mà đọc Lời Chúa thật to thì hạt giống Tin Mừng ấy cứ tự đâm chồi nảy lộc, sinh sôi nảy nở, cho ta mùa thu hoạch dồi dào để ta tha hồ mà gặt hái ?.... Trả lời sao với Chúa đây ??? Chủ Nhật Truyền Giáo 2010 27/10/2010 Ngày Đáng Ghi Nhớ của GX Cồn Dầu KH |
No comments:
Post a Comment