Wednesday, April 18, 2012

Làm một nẻo, nói một đàng

Trong bài nói tại Trường Đảng Cao cấp Nico Lopez ở Cuba của ông Nguyễn Phú Trọng có đoạn phản ánh đúng sự thực:
“Chúng ta thừa nhận rằng, chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học – công nghệ. Nhiều nước tư bản phát triển, trên cơ sở các điều kiện kinh tế cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước”.
Chủ nghĩa tư bản dẫu còn nhiều khuyết tật nhưng tự bản thân đã và đang không ngừng điều tiết để hoàn thiện hơn. Còn nhiều điều phải xem xét, bàn bạc nhưng, điều này thì khẳng định được:
Chủ nghĩa xã hội như đã và đang thấy ở Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Cu Ba … thì không thể nào bằng được chủ nghĩa tư bản; trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai (nếu nó không tự diễn biến hòa bình, không sụp đổ để hóa thân).
Cũng trong bài nói trên có một đoạn nghe hùng hồn, lưu lóat nhưng, rất sai thực tế:
Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, chứ không phải cạnh tranh thắng – thua vì lợi ích vị kỷ của cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn và hủy hoại môi trường.
    Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội.
  Đó cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Hồ Chí Minh, Phiđen Caxtrô và nhân dân hai nước chúng ta đã lựa chọn và đang kiên trì, kiên định theo đuổi ”.
Hãy so sánh giữa nói và làm qua mỗi câu trong đoạn trên:
    Nói:
         Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người.
  Thực tế:
    Bọn quyền chức của ĐCSVN thiết lập hệ thống mafia, lợi dụng sự ngoan cố mập mờ trong chủ trương “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, cướp ruộng đất của dân, thí cho họ mấy đồng đền bù rẻ mạt rồi phù phép bán lấy lời hàng chục, hàng trăm lần. Dân kêu oan, không cấp nào chịu giải quyết, kéo lên Trung ương, không những bị bỏ vạ bỏ vật đầu đường cuối phố mất hết phẩm giá, mà còn bị đánh đập, bị tống giam rất tàn tệ, bất kể là thương bệnh binh hay bà mẹ Việt Nam anh hùng … Nào phải chỉ là hiện tượng đơn lẻ, đã hàng nghìn vụ, đã hàng vạn người bị đầy ải trên khắp đất nước trong suốt mấy chục năm qua. Trước thảm cảnh ấy các vị lãnh đạo vô cảm không hề thấy đau lòng để gấp rút sửa sai trong đường lối, chủ trương (nói quanh co thì là sửa lỗi hệ thống) mà vu cho những người biểu tình khiếu kiện là thế lực thù địch.
   Nói:
   Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội.
Thực tế:
          - Tiền gửi trẻ mỗi tháng ở lớp mẫu giáo của con các đại gia (8 triệu đồng/tháng) bằng hai mươi tháng tiền ăn của học sinh nội trú ở vùng sâu vùng xa (4 trăm ngàn đồng/tháng)
         - Bát phở sáng của tư bản đỏ (bẩy trăm nghìn đồng) gấp trăm lần suất ăn trưa của một công nhân làm việc trong nhà máy (bẩy nghìn đồng).
         - Dân ốm vào bệnh viên chen chúc ba người một giường đơn, ốm mà phải nằm cả ở gầm giường; quan chức cao cấp của Đảng mỗi người một phòng đầy đủ tiện nghi, hơn cả tư bản. Bệnh viện của dân Việt Nam tồi tàn hơn nhà tù tư bản rất nhiều.
- Chênh lệch thu nhập của ngay cả viên chức nhà nước cách đây ba bốn chục năm chỉ hàng chục lần, nay lên tới mấy trăm lần (Cô nuôi dạy trẻ ở nông thôn lương 500 000 đồng/tháng; tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước trên trăm triệu đồng/tháng). Chưa kể tham nhũng.
Nói:
   Chúng ta cần một xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, chứ không phải cạnh tranh thắng – thua vì lợi ích vị kỷ của cá nhân và các phe nhóm.
  Thực tế:
            - Các giá trị tiến bộ: tự do, dân chủ đều bị hạn chế hoặc tước đoạt. Không có tự do ngôn luận, không được tự do phản biện mà chỉ được tự do ca ngợi Đảng. Không có bầu cử tự do mà chỉ được bầu người do Đảng cử …
             - Nhân ái gì mà công an giang thẳng chân đạp vào mặt người đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn biển đảo, ngay giữa công chúng Thủ đô.
       - Đoàn kết sao được khi ông Tổng Bí thư ĐCSVN lúc nào cũng, ở đâu cũng ra rả: kẻ thù, thế lực thù địch …
       - Vì lợi ích (được giữ quyền cai trị) của Đảng (chỉ là một phe nhóm trong đại khối dân tộc), người ta áp đặt điều 4 vào Hiến pháp, vu cho các phe nhóm khác là kẻ thù. Không cần cạnh tranh mà Đảng mặc nhiên tạo thế thắng tuyệt đối với tất cả các phe nhóm khác của dân tộc.
 Nói:
     Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn và hủy hoại môi trường.
  Thực tế:
  - Trước cách mạng Tháng Tám, thời Pháp cai trị, diện tích rừng Việt Nam còn 14 triệu ha, che phủ 43% diện tích lãnh thổ. Khi Mỹ và chính quyền Sài Gòn còn quản lý một phần lãnh thổ, mặc dù có rải chất độc mầu da cam, diện tích rừng che phủ vẫn còn 34%. Nay … chỉ còn không đầy 25% !
   - Cả nước có 2 360 con sông và kênh rạch. Từ ngày làm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, 10 000km2 trong số đó đã bị ô nhiễm nặng. Một số kênh rạch hầu như đã bị bức tử! Chất lượng nước ảnh hưởng đến sức khỏe người bị xếp thứ 80 trên thế giới.
   - Không khí ở các đô thị Việt Nam bị xếp trong tốp 10 nước bẩn nhất thế giới.
   - Việt Nam đất chật người đông nhưng trong quy hoạch năm 2009 có tới 166 sân gôn, nhiều sân gôn ngự trị cả trên bờ xôi ruộng mật. Cho đến nay nhiều sân không người chơi gôn mà chỉ cỏ dại và biệt thự hoang phế.
    - Đuổi dân đi để lấy đất làm khu công nghiệp, nhưng trong số 100 000ha đã được quy hoạch, có đến 50% bị bỏ hoang.
   Nói:
   Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có.
Thực tế:
  - Trong Quốc hội, người của Đảng chiếm 90%, số người Việt Nam ngoài Đảng (chiếm 96% dân số) chỉ được 10% đại biểu.
  - Lời tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Công an là thanh kiếm (sẵn sàng chọc tiết ai?) và lá chắn (ngăn ai?) của Đảng, chứ không phải để bảo đảm trật tự an toàn cho xã hội, bảo vệ cuộc sống yên bình cho nhân dân.
    - Quân đội chỉ trung với Đảng, dân mà nổi dậy thì dân là kẻ thù phải được tắm máu Thiên An Môn. (Nhiệm vụ chính yếu của quân đội không phải để bảo vệ đất nước, bảo toàn lãnh thổ, lãnh hải, chống xâm lược, xâm lấn)
    - Trời cũng phải được giành cho một thiểu số giàu có (về quyền lực). Mỗi độ xuân về phải mừng Đảng trước rồi mới được mừng xuân.
*
Kết luận: Tôi không thể làm tổng bí thư ĐCSVN vì không thể trâng tráo như thế.
Hà Nội 12 tháng 4 năm 2012 
© Nguyễn Thanh Giang

No comments:

Post a Comment