Lê Diễn Đức
Sau những ồn ào của ngày 30 tháng Tư, của một bên là nhà
nước cộng sản Việt Nam (CSVN) với các bài ca “giải phóng” ầm vang trong
không gian đỏ rực của cờ và khẩu hiệu, và một bên khác cũng không kém
phần sôi động, không chỉ bao gồm người Việt tị nạn ở nước ngoài, mà cả
nhiều người trong nước, với những suy tư, uất hận, xót xa - tạm lắng
xuống…
Nhưng chỉ là thứ tĩnh lặng giống như sau cơn động đất trên một khu vực nằm ở giao điểm đứt gãy của tầng địa chất.
Người ta quay lại với mảnh đất vẫn còn nóng bỏng và khó có thể yên ổn một sớm một chiều: Văn Giang-Hưng Yên.
Trước hết là hội nghị bàn về giải quyết khiếu kiện và tiếp dân
sáng thứ Tư ngày 2/5 với sự có mặt của Thủ tướng CS Nguyễn Tấn Dũng.
Trong khi báo chí lề đảng gần như bị bịt miệng về bi kịch Văn
Giang, hội nghị này đã đuợc bộ máy tuyên truyền thả công suất tối đa
những thông tin đầy mị dân và dối trá tới công chúng.
Những gì ông Nguyễn tấn Dũng phát biểu trong hội nghị với tôi không
chút mảy may nào đáng tin cậy nữa. Ông ta như thế nào tôi đã từng chứng
minh khó ai bắt bẻ được qua một số bài viết trên RFA Blog, như “Màn diễn PR tệ hại của Thủ tướng về vụ án Tiên Lãng” hay “Từ ngu rực rỡ đến dối trá huy hoàng!”.
Nguyễn Khắc Hào, Phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên, khuôn mặt “Tiên lãng” mới, nói rằng, "đã
có sự móc nối chặt chẽ với những phần tử chống đối ở nước ngoài. Các
thông tin thậm chí còn được tường thuật tại chỗ, từng giờ, để tuyên
truyền xuyên tạc, dàn dựng những video clip giả để vu khống, bôi nhọ
chính quyền", theo Vienamnet ngày 2/5.
Rất ngẫu nhiên, cái tên “Khắc Hào” khiến tôi nghĩ ngay đến nickname
"Cường Hào" dành cho ông ta. Chính xác bất ngờ. Ngôn ngữ mà ông ta sử
dụng trong cuộc hội nghị đã bị nhà văn Nguyễn Quang Lập gọi là “thứ ngôn ngữ té re như trôn trẻ, kinh lắm”!
"Cường Hào" không những trơ tráo, mà còn ngu xuẩn đến mức không ý
thức được sự dối trá của mình ngay lập tức sẽ bị lòi ra cái đuôi đê
tiện!
Videoclip giả là cái cụ thể nào? Hãy chứng minh cho công luận thử
xem! Trong một cuộc họp lớn như thế, có thể chiếu lên màn hình, cho giới
báo chí và người tham dự thấy sự giả mạo (nếu có) một cách dễ dàng bằng
kỹ thuật IT cơ bản.
Còn xuyên tạc? Videoclip chỉ là một trong muôn vàn tư liệu, từ hồ
sơ khiếu nại của bà con, đến hình ảnh chụp tại chỗ, nhân chứng sống ngay
tại hiện trường hôm xảy ra bi kịch.
Người ta đặt câu hỏi: Giả sử kẻ cướp xông vào nhà của "Cường Hào",
liệu ông ta chịu im mồm, hay là nếu có cơ hội sẽ hô hoán lên để mọi
người ứng cứu, hoặc ít nhất đánh động để kẻ cướp chùn tay? Hay là cần
phải có ai đó xúi dục, móc nối mới hô hoán?
Ngày hôm nay chỉ cần một chiếc iPhone, thậm chí điện thoại di động
bình thường, ai cũng có thể liên lạc với thế giới bên ngoài. Trong cái
bên ngoài ấy, đặc biệt giới báo chí truyền thông, người dân chẳng cần
quan tâm ai là “phần tử chống đối” hay không, cứ phải la ầm ĩ lên nhà có
cướp đã. Đây là phản ứng tự vệ tự nhiên.
Bản chất bị lột trần
Hắt mọi bê bối từ những tội lỗi do mình gây ra sang phía "lực lượng thù địch”, "những phần tử chống đối ở nước ngoài”,
là bài học thuộc lòng cũ rích, bỉ ổi của các chế độ độc tài, chứ không
riêng CSVN. Nhà cầm quyền tin rằng bộ máy tuyên truyền độc quyền sẽ có
tác dụng. Nhưng tiếc thay, trong thời đại Internet, nếu họ lừa bịp được
một số nào đó, thì sớm muộn cũng sẽ bị phanh phui.
Và nghịch lý thay, chính những người đang sống trong chế độ và gắn
bó với nó đã công khai tố cáo sự dối trá của nhà cầm quyền, thậm chí
thách thức tranh luận nếu như lãnh đạo ĐCSVN chơi trò lấy thịt đè người,
nhưng ngay cả trong trường hợp như thế cũng không sợ (lời của ông Lê
Hiều Đằng). Tôi nêu một số ví dụ điển hình.
- Bà Lê Hiền Đức, công dân chống tham nhũng nổi tiếng:
"Đảng CS và Nhà nước CHXHCNVN thừa nhận ở VN, hệ thống văn bản
quy phạm pháp luật về đất đai rất chồng chéo, rắc rối, có nhiều thiếu
sót và mâu thuẫn nhau. Nhưng ai là tác giả của chúng? Chính là họ. Ai
được hưởng lợi từ chúng? Cũng chính là họ".
"Cuộc cách mạng mà lớp người chúng tôi đã tham gia 60-70 năm
trước nay đã bị phản bội một cách trắng trợn, triệt để. Công hữu, sở hữu
toàn dân chỉ là chiêu bài để tư hữu hoá, tư nhân hoá, biến của chung
thành của riêng".
"Qua việc "tích cực", "hăng hái" tham gia các vụ cưỡng chế, thu
hồi đất đai đối với người dân, những lực lượng mang danh "Uỷ ban nhân
dân", "Công an nhân dân", "Quân đội nhân dân", "Viện kiểm sát nhân dân",
"Toà án nhân dân"... ở VN đã nghiền nát, phá sạch, đốt sạch chữ "nhân
dân" trong cái tên của chúng".
"Đã sống qua thời VN còn chịu ách cai trị của phong kiến, ách đô
hộ của thực dân, phát-xít, đã hoạt động hậu địch trong kháng chiến, đã
xem phim ảnh, nghe kể lại hoặc trực tiếp chứng kiến hàng trăm, hàng ngàn
vụ chính quyền "của dân, do dân, vì dân" cưỡng chế, thu hồi đất đai,
nhà cửa, tài sản đối với người dân dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, song
tôi chưa bao giờ thấy người dân bị đàn áp một cách man rợ đến như thế,
với quy mô lớn như thế"!
- Luật gia Lê Hiếu Đằng, cựu đại biểu Hội đồng Nhân dân TP HCM:
"Nhà nước đã dung túng cho các chính quyền địa phương giải tỏa,
đền bù đất đai của dân với giá rẻ mạt, hay nói thẳng ra là làm tay sai
cho các chủ đầu tư, bọn làm giàu bất chính cướp đất của dân". “Lịch sử
ơi, sao ngươi chơi trò trớ trêu và cay đắng quá vậy. Ta đi chống chế độ
cũ đàn áp nhân dân, nay ta lại gặp cảnh cũ như là trong cơn ác mộng!”.
- Huỳnh Nhật Tấn, cựu Phó giám đốc Trường Đảng tỉnh Lâm Đồng:
"Tôi có lỗi với dân tộc. Chính cái hăng hái, nhiệt huyết của tôi
đã góp phần dựng nên chế độ độc tài hiện nay, đã vô tình đem lại sự đau
khổ hiện nay".
- Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, cựu đại biểu Quốc hội CHXHCNVN:
“Người thắng trận này không phải nhân dân
Dân là vậy
Chỉ thắng trong trận cuối
Nhưng chính quyền nhân dân thất bại
Khi tấn công những người mình nhân danh”.
- Nhà văn Phạm Đình Trọng, đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam:
“Đất đai là nơi chỉ ra rõ nhất bản chất một nhà nước. Nhà
nước ứng xử với đất đai như ở Tiên Lãng, Hải Phòng, như ở Văn Giang,
Hưng Yên mà tự nhận là nhà nước của dân, do dân, vì dân thì đó là sự giả
dối. Đất đai đã làm băng hoại đạo đức xã hội, phá nát kỉ cương phép
nước. Vì đất đai, quyền lực ngang nhiên chà đạp lên pháp luật, vất bỏ
đạo đức làm người, coi thường cả đạo lí xã hội”.
"Gây nên công phẫn cho dư luận là mức độ đàn áp của lực lượng
cưỡng chế, qua những hình ảnh được phổ biến rộng rãi trên mạng, nhất là
cảnh cả chục người cầm dùi cui thi nhau đánh đập dã man một nông dân tay
không, theo kiểu đánh đòn thù, chứ không phải là khống chế một thành
phần “quá khích”.
“Lũ ác ôn
Lăm lăm gậy gộc
Náo loạn nghĩa trang
Đạp hồn liệt sĩ
…
Lồng lộn dã thú
Nhằm mặt, chúng đấm
Nhè đầu, chúng vụt
Trút căm thù bằng cú đá tung chân
Đánh cho đã cơn ghiền man rợ
Đỡ bứt rứt tim đen mưng mủ
Vừa tận trung với chủ
Vừa thỏa thú côn đồ”
- Nhà văn Thuỳ Linh, Phó giám đốc Hãng phim truyền hình VFC:
“Người họ chiến thắng là ai? Là những người nông dân cố sống
chết bám lấy thửa ruộng của mình dù chỉ có gậy gộc, mũ bảo hiểm loại rẻ
tiền. Trận đánh “đẹp mặt” của kẻ biết dùng tiền, quyền vào đúng chỗ,
đúng lúc để bắt những người nông dân rời bỏ ruộng vườn”.
“Lửa thiêu đốt ngút trời tiếng khóc xé vành môi bà mẹ chị em tôi
những người bán mặt cho đất bán lưng cho trời để kiếm hạt thóc nuôi con
khôn lớn đi đánh giặc giữ nước giữ làng. Giờ Làng Nước có rồi nhưng Đất
lại bị đưa vào cuộc bán buôn kiếm chác của những kẻ chức quyền tham lam
vô độ vô nhân”.
“Lửa đã cháy và máu đã đổ không phải từ ngoại xâm mà từ những
người họ hay gọi là đồng chí. Ôi người dân quê tôi lam lũ nhiều đời sẽ
còn bị bần cùng tới khi không còn nước mắt để khóc, không còn máu để
chảy trong huyết quản. Ngày mai những thân phận người không còn được bú
mớm dòng sữa Đất Mẹ sẽ vất vưởng ra thành phố lay lắt kiếm sống qua
ngày. Những kiếp sống tàn đời không biết đến ấm no”.
Tại sao?
Tác giả Nguyễn Ngọc Già nói: “Với
giá đền bù rẻ mạt không bằng nửa tô phở bò Kobe trị giá 650 ngàn đồng
mà đám trọc phú ăn sáng hàng ngày, Văn Giang-Hưng Yên đã đẩy người nông
dân vào tận cùng nỗi bi hận, phẫn uất nhất trong lịch sử "người cày có
ruộng" hôm nay. Nộ khí xung thiên của hàng ngàn người dân vẫn đang bốc
cao tận trời xanh! Tại sao giới cầm quyền Văn Giang-Hưng Yên nhẫn tâm
đến điên dại và mù quáng vì tiền như thế?!”.
Từ Văn Giang về, ngày 2/5, Đặng Phương Bích cho
hay nhờ chuyến “thị sát” mà biết được người ta đã bứng những cây cổ thụ
từ rừng già nguyên sinh về một vùng đất phù sa màu mỡ, phì nhiêu, quanh
năm mượt màu xanh sinh thái, để xây dựng một kiểu sinh thái khác có tên
“Ecopark”! Chỉ những tay tài phiệt điên rồ của Việt Nam hôm nay mới có
hành động như thế.
Đọc bài của Phương Bích tôi không ngạc nhiên, bởi vì từ lâu tôi đã biết cách chơi ngông này tại Việt Nam.
Vào đêm giao thừa 1999-2000 tôi được anh bạn “Thái tử” mời tham dự
cuộc vui ăn nhậu và hóng gió tại bến “Nghinh Phong” nằm trên bờ sông
Bạch Đằng, thuộc Thủ Thiêm, nhìn sang phía bên kia sông là khách sạn
Majestic. Khách mời từ Sài Gòn qua đây phải đi vòng hoặc được đưa đón
bằng canô riêng. Lúc bấy giờ Thủ Thiêm vẫn là xứ sở nhà quê.
Đây là một khu đất mênh mông, khép kín, được chia ra những lô dành
riêng xây biệt thự, đã có các khu giải trí như sân bóng rổ, bóng chuyền,
tenis, nhà sàn uống trà, phòng truyền thống, nơi biểu diễn nghệ thuật,
v.v… Trong khu có máy phát điện và được đội bảo vệ chuyên nghiệp canh
giữ.
Bằng xe golf tôi được dẫn đi giới thiệu một số nơi. Tôi trầm trồ
thán phục khi nhìn thấy dọc đường có rất nhiều loại cây cối của ba miền
Bắc-Trung-Nam và cả vùng cao nguyên. Đất từ mọi nơi được mang về đây để
trồng các loại cây thích ứng. Công trình này tuy ở tầm cỡ nhỏ hơn
Ecopark, nhưng thật vĩ đại! Không biết người ta đã chôn bao nhiêu tấn
tiền để thay đất tại vùng lầy này!
Vào một hôm khác, đi xe với anh bạn “Thái tử” này, ngồi ghế phía
sau là một vị tướng an ninh. Hai người nói chuyện về quy hoạch xây dựng
khu đô thị Thủ Thiêm tương lai.
Trong câu chuyện với vị tướng, anh bạn có lúc nói to rằng làm gì
thì làm, đ... được để con đường nào đi qua khu đất của em. Nhưng tao
thấy người ta vẽ trên bản đồ rồi, vị tướng nói. Thì bắt chúng nó vẽ lại,
bẻ cong đường đi, anh bạn nói cả quyết!
Bến “Nghinh Phong” giờ này chắc chắn là kho bạc vô giá vì Thủ Thiêm
là khu đô thị đang phát triển, có cầu và đường hầm xuyên sông nối với
trung tâm Sài Gòn, đúng với dự tính của anh bạn tôi cách đây 12 năm!
Đây là lời đáp của tôi cho câu hỏi “tại sao?” của tác giả Nguyễn Ngọc Già.
Trên đất nước Việt Nam của thời kinh tế thị trường man rợ và hoang
dã, bằng tiền và quyền lực người ta có thể bẻ ngoặt từ con đường đến
công lý.
Văn Giang còn lại cái gì?
Và vì thế, khó có gì ngăn cản được Ecopark, trừ phi tự nó phá sản
như Vinashin. Nhưng khu đất tuyệt vời, cách trung tâm thủ đô Hà Nội chỉ
hơn 10 cây số, rất ít có khả năng này. Một đàng bỏ tiền ra mua những con
tàu nát và đầu tư bạt mạng vào đủ thứ, một đàng bản thân đất là tiền,
chỉ cần biết cách khai thác, sử dụng, lôi kéo đầu tư nước ngoài.
Tôi không tin rằng, những tay tài phiệt trong dự án Ecopark kém cỏi
hơn anh bạn “Thái tử” của tôi với tầm nhìn viễn kiến cho 10 hay vài
chục năm sau.
Người dân Văn Giang mấy hôm nay đang đi gom những mảnh hài cốt,
không chắc là của tổ tiên của dòng tộc họ, vì hàng chục ngôi mộ đã bị
máy ủi và máy xúc đảo lộn để làm con hào ngăn cách khu dân cư và khu đất
đã bị cưỡng chế - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện chứng kiến tận mắt, cho
biết.
"Văn Giang chiều trắng đất" - Ảnh Nguyễn Xuân Diện
“Dự án tàn độc và hủy diệt” với những tòa nhà ngang dọc dành cho lớp người giàu có nào đấy, sẽ mọc lên trong “những
tiếng kêu rùng rợn của những hồn ma từ thiên cổ hiện về đòi đủ bộ xương
cốt, ruộng vườn hương hỏa, mồ hôi, nước mắt, cả máu và cuộc sống an
lành cho con cháu”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện viết.
Và trong tâm hồn của “những người dân lành muôn đời chỉ biết cày cấy”,
sẽ không bao giờ nguôi ngoai tiếng nổ của đạn và hình ảnh những khuôn
mặt người dạ thú, cùng tiếng than vãn xé ruột của thân phận những người
lương thiện, thấp cổ bé miệng bị lừa gạt, bị phản bội bởi chính những
người mà họ đã đi theo, cống hiến quên mình.
Kết luận
Tuy nhiên, trong lịch sử của nhân loại có rất nhiều trường hợp các
Ác lấn át, chà đạp lên cái Thiện, nhưng không cái Ác nào tồn tại vĩnh
viễn.
“Bên cạnh nỗi buồn thương, tôi lại vững tin với thái độ quyết tâm giữ đất của người dân nơi đây” – Phương Bích viết.
"Mâu thuẫn giữa người dân với kẻ rắp tâm ăn cướp đất đai, tài
sản của họ đã lên tới đỉnh điểm, đã tới mức không thể dung hoà. Trong
cuộc đấu tranh giữ lấy đất, giành lại đất, có thể nhân dân phải tạm lui
bước vào lúc này, lúc khác, tại nơi này, nơi khác, song chắc chắn họ sẽ
thắng, như bao đời nay vẫn thế! “Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ “ - Thuyền bị lật mới biết sức dân như nước. Cứ cái đà này thì ngày ấy chẳng còn xa..." - Cụ Lê Hiền Đức tin như thế. Và tôi cũng tin như thế!.
Ngày 3 tháng 5 năm 2012
© 2012 Lê Diễn Đức – RFA Blog
No comments:
Post a Comment