Tổ Quốc trên hết
Wednesday, June 27, 2012
Ông Võ Tử Đản viết lên về "Tội ác của Bùi Tín
Thưa quý vị, Tôi Võ Tử Đản viết lên về "Tội ác của Bùi Tín cựu đại tá Cộng sản"
Kính thưa quý đồng hương tị nạn cộng sản:
Thưa quý vị,
Chắc hẳn một số trong quý vị đã đọc được tin về buổi nói chuyện vào cuối tuần này tại San José của ông Bùi Tín, cựu đại tá quân đội nhân dân Việt cộng, cựu Phó tổng biên tập báo Quân Đội Nhân Dân Việt cộng, được thông báo dưới hình thức Thư mời của một nhóm 7 người đứng tên tổ chức.
Ông Bùi Tín, một nhân vật không lạ với cộng đồng Việt tị nạn cộng sản tại hải ngoại và càng không xa lạ đối với tôi, Võ tử Đản, một cư dân tại San José, California. Không xa lạ, bởi vì, gia đình tôi là nạn nhân trực tiếp của ông Bùi Tín, 65 năm trước, khi ông ta ở lứa tuổi 19, 20 và là Đại đội trưởng đơn vị dịch hậu Việt cộng trong vùng Triệu Phong và Hải Lăng. Gọi là dịch hậu nhưng hoạt động chính của đám quân này là phục kích ám sát, giết người vô tội bị cộng sản kết án phản động. Thời gian này, Bùi Tín vừa mới được thâu nhận làm đảng viên cộng sản chưa đầy một năm nên đã “hừng hực” (ngôn ngữ của Bùi Tín trong Hoa Xuyên Tuyết) xông pha lập công với Đảng, bằng những hành động giết người không gớm tay.
Bùi Tín giết người đúng như “chỉ thị” của đàn anh Tố Hữu trong câu thơ, “Giết, giết nữa bàn tay không ngừng nghỉ…”!
Câu chuyện ông Bùi Tín giết cha tôi, ông Võ Bào, hai người chú tôi Võ Sỏ, Võ Liêu và một số người dân Quảng trị vào năm 1947-48, tôi đã viết lại với đầy đủ chi tiết và phổ biến 10 năm trước đây. Cho đến bây giờ, mặc dầu tuổi đời đã 82, tôi vẫn không bôi xóa được cảnh tượng ghê rợn, thê thảm trong một đêm trăng nhiều mây mù của trung tuần tháng 3 năm 1947, tại làng Nại Cửu, xã Phong La (nay là xã Triệu Đông), quân Triệu Phong. Ông Bùi Tín, với đôi mắt rực lửa căm thù, dùng báng súng Sten đập mạnh vào người ông thân sinh tôi 5 lần đến gục ngã, sau khi 2 tên tự vệ của Bùi Tín dùng mã tấu chém xối xả vào thân, vào mặt. Biết cha tôi đã chết, Bùi Tín dùng chân đá xác ông xuống sông Vĩnh Định, nơi này cách chỗ cư ngụ của cha tôi khoảng 100 thước. Máu cha tôi đã loang chảy khắp bến đò ngang! Toàn thân tôi tê liệt, đứng như trời trồng, khi chứng kiến cảnh tượng dã man này và bất lực nhìn cha mình gục chết trong hận uất! Câu nói của Bùi Tín trước khi hành quyết cha tôi vẫn còn vang vang trong đầu:
“Tao là Bùi Bằng Tín (Bùi Tín) con Bùi bằng Đoàn, từ Quảng Ngãi ra đây mà mày còn làm nô lệ lần thứ hai."
Cho đến chết, tôi không bao giờ quên câu nói và thái độ của kẻ sát nhân Bùi Tín. Trong lúc hăng say với “chiến công” giết người không một phương tiện tự vệ tối thiểu, Bùi Tín đã đã sung sướng, mãn nguyện hô to tên mình và tên kẻ sinh ra mình như một vòng hoa chiến thắng cho dòng họ Bằng đoàn! Y cũng đã xảo quyệt che đậy xuất xứ của đơn vị mình bằng nhóm từ “từ Quảng Ngãi ra đây”! Sau này, tôi được biết, thảm hoạ xãy đến cho cha tôi là vì ông là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Ý thức được bổn phận người trai thời loạn, cha tôi đã tích cực tham gia vào các tổ chức chống thực dân Pháp và cũng đã góp nhiều công sức cho công cuộc cách mạng mùa Thu, trong thời kỳ phôi thai. Khi tổ chức Việt minh ló đuôi chồn cộng sản qua hành động tiêu diệt các phần tử thuộc các đảng phái Quốc gia, ông thân sinh tôi đã dứt khoát từ bỏ trở về với các hoạt động của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Vì vậy, Bùi Tín đã lên án cha tôi “mày còn làm nô lệ lần thứ hai”!
Hiện tại, ngoài tôi ra còn có hai nhân chứng đã mắt thấy, tai nghe lời kết án và hành động sát thủ dã man của Bùi Tín. Họ vẫn còn sống, ông Võ Di ở tại làng Nại Cửu và ông Trần Cận (một trong 6 tên tự vệ đã cùng đi với Bùi Tín đêm hôm đó) ở tại Thị xã Đông Hà, Quảng trị.
Mấy hôm trước đây, qua một cá nhân thuộc nhóm 7 người đứng ra tổ chức buổi nói chuyện, Bùi Tín đánh tiếng mời tôi đến tư gia một vị trong Ban tổ chức để gặp mặt hầu giải quyết mối thù giết cha ngày xưa. Ở tuổi 85, Bùi Tín thật sự sám hối chăng? Bùi Tín muốn gặp tôi để tha thiết van xin tha tội trong muộn màng?
Tôi không nghĩ vậy, vì từ tuổi thanh niên cho đến ngày nay, ý thức hệ cộng sản đã trở thành hơi thở luân lưu trong buồng phổi Bùi Tín, đã trở thành một loại hồng huyết cầu trong máu, chảy qua tim và ngược lên khối óc Bùi Tín. “Cứu cánh biện minh cho phương tiện”, người cộng sản dùng câu châm ngôn này để giết người, cướp của và tình cảm hối hận không bao giờ xuất hiện trong tư duy của chúng. Vì vậy, tôi đã từ chối.
Lần thứ hai, tôi lại được đánh tiếng mời lên đài phát thanh để khơi lại vết thương lòng sau bao năm vẫn còn rỉ máu. Để chi vậy? Để ông Bùi Tín có cơ hội “đấu khẩu” với tôi? Tuy đã già, tôi vẫn chưa đến độ lú lẫn để quên cá nhân ông Bùi Tín là một người sống bằng miệng lưỡi và ngòi bút. Chính miệng lưỡi đã đưa ông lên đài danh vọng trong hàng ngũ quân đội nhân dân Việt cộng; ông cũng đã từng theo học tại các trường đào tạo cán bộ tuyên truyền từ Đông sang Tây trong thế giới các nước cộng sản.
Kiến thức ông Bùi Tín đã được trang bị tận răng với những thủ đoạn và mánh lới gian xảo trong tuyên truyền của người cộng sản Quốc tế. Thử hỏi, một người cán bộ hành chánh Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) cấp thấp như tôi làm sao có đủ kinh nghiệm và khả năng để tranh luận với một cán bộ tuyên truyền đã thành tinh như Bùi Tín? Hơn thế nữa, nhân chứng cuộc thảm sát cha tôi ở hai phía vẫn còn tại thế và việc kiểm chứng không là chuyện thiên nan, vạn nan, trong thời đại chúng ta. Vì vậy, tôi đã không nhận lời tham dự cuộc tranh luận.
Tôi không bao giờ tin rằng ông Bùi Tín đã thức tỉnh và đã sám hối về những hành động giết người không chùn tay, mấy mươi năm trước, trong đó có cha tôi. Việc gặp mặt ông Bùi Tín để ông ấy có cơ hội “thanh minh, thanh nga”, hoặc nói lên lời tạ lỗi bâng quơ, đối với tôi không phải là sự việc cần thiết trong lúc này.
Dầu đã bước qua lứa tuổi “thất thập cổ lai hi”, tôi vẫn không quên bổn phận của một người dân đối với tình trạng lầm than của đất nước -Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Điều cần thiết hiện tại là chúng ta nên cùng nhau nhận định kỹ những hành động đã, đang và sắp làm của ông Bùi Tín. Bởi vì hiện tại, ông ấy đang đi “du thuyết” và buổi nói chuyện sắp tới tại San José là một cơ hội cho ông ta hòa điệu với chuyến đi của Ủy viên trung ương đảng Đào Ngọc Dung, trong tiến trình “triển khai” Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Nghị quyết 36 của Việt cộng, với một ngân khoản to lớn, được đem ra thực thi tại hải ngoại mấy năm nay, mà đối tượng chính là các cộng đồng tị nạn cộng sản khắp năm châu. Hệ lụy của Nghị quyết 36 là tình trạng Lục Súc Tranh Công.
Những khuôn mặt đội lốt Quốc gia ngày trước, nay đã hiện nguyên hình, tranh nhau ca tụng, nâng bi con người và chế độ cộng sản tại Việt nam. Bọn người này đã tạo ra một tình trạng hỗn mang trong các cộng đồng người Việt. Trên phương diện văn hóa, một số cây viết tên tuổi, qua báo chí và sách vỡ, đã muối mặt ca tụng giao lưu để chỉ xin bố thí cho đặc ân được in sách trong nước! Về phía văn nghệ, văn gừng, việc bao thầu, cổ suý cho sự xâm nhập ồ ạt các đoàn văn công đã được hệ thống hóa, chưa kể sự trơ trẻn của đám xướng ca vô loại vượt biên, vượt biển tránh họa cộng sản năm nào, nay lại trở về đóng vai trò văn công, hót những lời ca ve vuốt đám cán ngố.
Thậm chí có em lại bán cả tư cách, ca hát, múa may, nhảy nhót, hầu hạ đám Việt cộng tép riu tại các sứ quán Việt cộng. Trên phương diện sinh hoạt cộng đồng, miếng mồi Nghị quyết 36 đã tạo ra tình trạng tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân, giữa đoàn thể với đoàn thể và trò ma mỵ được áp dụng qua thủ đoạn mua chuộc, vu khống, bôi bẩn và chụp mũ…May mắn thay, lòng kiên trì, sắt son trong công cuộc chống cộng của đa số đồng bào đã giúp cho chính nghiã Quốc gia vẫn còn tồn tại và ngọn cờ vàng ba sọc đỏ vẫn còn ngạo nghễ tung bay trên các đường phố hải ngoại trong các lần lễ lạc.
Trở lại trường hợp Bùi Tín, có người cho rằng hành động chà đạp lên hay xé bỏ đi thẻ đảng viên cộng sản của Bùi Tín đủ chứng tỏ y đã “thức tỉnh” và việc chống đối đám cầm quyền cộng sản tại Việt nam là điều đáng được ca tụng. Đúng, Bùi Tín bằng ngoài bút đã viết ra những chỉ trích tội ác và sai lầm của đám cán bộ lãnh đạo hiện tại và trước đây; tuy nhiên, các sự kiện Bùi Tín đưa ra đều đi sau những tố giác của các nhà đấu tranh trong nước.
Bùi Tín có “thức tỉnh” không? Chắc chắn là không. Hành động xé thẻ đảng viên cộng sản không có gì là ghê gớm cả, vì thẻ đảng được ấn ký bởi những con người mà Bùi Tín chống đối và bọn người này luôn cả Bùi Tín, sau khi chiếm miền Nam, đã bôi mặt đá nhau ra gì vì tranh giành miếng đỉnh chung!
Nếu Bùi Tín “thức tỉnh” thật sự thì đã không cho ra đời hai tác phẩm Hoa Xuyên Tuyết, Mây Mù Thế Kỷ, biểu hiện cái đỏm dáng của một người rơm và lồng vào đó là lời ca tụng chế độ miền Bắc, lăng nhục miền Nam kéo dài cả ngàn trang!
Cũng như Dương Thu Hương “tôi không bao giờ từ bỏ đội ngũ người cộng sản” (Tự bạch Về Tiểu Thuyết Vô Đề), Hồ Chí Minh vẫn là thần tượng muôn đời của Bùi Tín, của bọn người tự xưng là “người cộng sản thức tỉnh, phản kháng”!
Nếu thật sự thấu hiểu được sự tàn độc và nguy hại của ý thức hệ cộng sản đối với dân tộc, thái độ gọi là “thức tỉnh” của Bùi Tín đã khác đi chứ không vênh váo, tự đắc trong bao năm nay. Và hơn ai hết, Bùi Tín đã không cùng với đám trí thức “chồn lùi”, trong đó có Bùi duy Tâm, Trần văn Ân, kêu gọi xóa bỏ hận thù, góp công xây dựng đất nước, khi chân ướt chân ráo đến San Francisco năm 1991.
Nhóm người gọi là trí thức này là nhóm đầu tiên mạnh miệng đưa ra quan điểm, hủy bỏ lá cờ Quốc gia nền vàng ba sọc đỏ. Chúng bị đồng bào hải ngoại chống đối mãnh liệt nên đã thụt vòi. Trong khi đó Bùi Tín lại hổ trợ cho ý tưởng bệnh hoạn này ở trang 54, trong Mây Mù Thế Kỷ:
“ Ngay một số trí thức từng ở trong chính quyền miền Nam (cở Trần văn Ân, Bùi duy Tâm –chú thích của người viết) cũng tỏ ra phủ nhận bộ máy lãnh đạo của chế độ VNCH trước đây và phủ nhận cả lá cờ vàng ba sọc đỏ. Nhiều người trước kia đã là viên chức cao cấp trong chính quyền miền Nam đã nói với tôi: ‘Chúng tôi muốn quên lá cờ vàng ba sọc đỏ ấy đi vì nó tiêu biểu cho một chế độ quan liêu, quân phiệt, tham nhũng và thối nát, chúng tôi không muốn thừa nhận lá cờ ấy.” (!)
Bùi Tín cũng đã lăng nhục Quân Lực VNCH bằng những giòng chữ ở trang 32, trong Mây Mù Thế Kỷ:
“... Trước nhân dân và cả nước Việt Nam, trước dư luận quốc tế, quả thật là có quá nhiều khó khăn, khi muốn dành cho quân đội ấy (QL/VNCH –chú thích của người viết) những chữ “yêu nước”, “chính nghiã” khác với Quân Đội Nhân dân Việt Nam (cộng sản-chú thích của người viết)…”
Tôi trích hai đoạn văn của Bùi Tín trong Mây Mù Thế Kỷ như là phần kết của bài viết này; đồng thời, cũng xin được gửi đến 7 người đứng ra tổ chức buổi nói chuyện cho Bùi Tín hai câu hỏi:
“Trong số quý vị cũng có người đã từng, hoặc là cựu quân nhân, cựu cán bộ, cựu công chức thuộc hai chế độ Cộng hoà miền Nam, quý vị nghĩ gì về những lời bôi bác của Bùi Tín đối với tập thể quân đội đã đem máu xương đánh đổi hai chữ Tự Do cho miền Nam trong suốt 30 năm (1945-1975) và sự an bình, hạnh phúc cho quý vị và gia đình hôm nay, nơi xứ người?
Quý vị nghĩ gì về nhân vật quý vị mời đến để học hỏi về tình hình đất nước và thế, lực đảng CSVN lại là kẻ đã phỉ báng lá cờ mà hoặc cha ông, anh em, bạn bè của quý vị đã đổ máu xương để bảo vệ?”
Dĩ nhiên, tôi biết là mình sẽ không nhận được câu trả lời thoả đáng, trừ khi, theo mơ ước của tôi, quý vị đang “giăng bẩy” một tên “ngụy thức tỉnh” trong chiếc nôi chính trị của người Việt tị nạn cộng sản tại Thung Lũng Hoa Vàng.
Nếu quý vị muốn được cập nhật về tình hình đất nước hằng ngày, muốn biết “Thế và Lực” của bọn cướp Việt cộng hiện tại, không gì mau chóng và ít tốn kém bằng theo dõi các Mạng lưới điện toán toàn cầu.
Qua đó, không cần phải tốn tiền mời tên sát nhân Bùi Tín làm thầy dùi, đưa quý vị vào mê hồn trận, quý vị cũng biết được thái độ nô lệ của tập đoàn cộng sản đối với móng vuốt xâm lăng của đám Chệt phương Bắc, tình trạng hành hung dân oan đi khiếu kiện đòi lại đất hương hỏa, thảm cảnh của những nhà tu hành bị đàn áp…
Cuối cùng, xin lưu ý quý vị, chúng ta đã bước vào Thế kỷ thứ 21 và đang ở vào Thời kỳ Tin Học!
Trân trọng kính chào,
Võ tử Đản
San José ngày 19 tháng 6 năm 2012
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment