Sunday, July 1, 2012

Phỏng vấn Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ về Lời kêu gọi biểu tình ngày chủ nhật 1.7.2012


"Chủ nhật tới đây, 8 giờ sáng chúng tôi đi ra tòa Tổng Lãnh sự Trung Quốc ở đây nhờ họ chuyển văn thư gửi cho ông Đại sứ Trung Quốc ở ngoài Hà Nội. Đồng thời đi tham dự các cuộc biểu tình, mà dự ở đâu, địa điểm nào thì không thể nói trước được... Thanh niên là tương lai của dân tộc, nước nào, dân tộc nào cũng thế thôi. Bây giờ họ xuống đường biểu tỏ lòng yêu nước mà phải giấu kín, không dám gọi nhau, không dám rủ nhau, hẹn nhau chỗ đó chỗ kia như đi ăn trộm. Có thấy nhục không? Tương lai đất nước, lo cho đất nước mà phải như thế à? Biểu tình cũng phải giấu diếm, mặc áo mưa mà đi. Có tủi hổ với thế giới không?... Giáo Hội chủ trương ngày chủ nhật tới đây mà các vị đi tham gia đông đảo đừng sợ gì, đừng lo gì. Ai cản đâu thì mình ngồi đó, là bởi vì mình biểu tình đây là để bày tỏ nguyện vọng tha thiết với nhà nước phải bảo vệ đất nước này. Truyền thống bốn nghìn năm văn hóa. Thời đại văn minh đây không lẽ mình cúi đầu chịu đầu hàng à? Để cho người Trung Quốc họ thống trị Việt Nam à? Không được!" Hòa thượng Thích Quảng Độ.

Thông tín viên Ý Lan tại Paris đã có một buổi phỏng vấn với Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ về Lời kêu gọi biểu tình ngày chủ nhật 1.7.2012.

Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách 

Ỷ Lan: Kính bạch Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ. Hôm qua Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế loan tải Thông bạch của Đức Tăng Thống kêu gọi đồng bào các giới tham gia cuộc biểu tình ngày chủ nhật 1.7 này để phản đối sự xâm lấn của Trung Quốc vào lãnh hải Việt Nam. Vì sao phải biểu tình, bạch Đức Tăng Thống? 

Đức TT Thích Quảng Độ: Là bởi vì mình không còn có một phương tiện nào để bày tỏ nguyện vọng cũng như tâm tư của người dân đến Nhà nước. Thành ra phải nhờ phương tiện biểu tình. Biểu tình để bày tỏ ý nguyện của mình, ý nguyện thiết tha bây giờ là phần nhiều ai cũng thấy, đó là tình trạng mất còn của đất nước, đang lấn chiếm dần dần càng ngày càng tăng thêm. 

Ngay ở trên đất liền thì bây giờ ta đã thấy từ Lạng Sơn đến Cà Mau tất cả cơ sở như miền Bắc, họ đã cho người Trung Quốc thuê rừng, miền Trung thì họ cho khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, ở miền Nam họ cho thuê đất trồng khoai, trồng rau, v.v… Ngay ở tỉnh Bình Dương kế Saigon đây người Tàu đã mở Trung tâm như Chợ Lớn ngày xưa, nhưng bây giờ rộng lớn hơn, gồm 150 nghìn dân trên đất liền như thế.

Ngoài biển thì Hoàng Sa, Trường Sa bao nhiêu năm nay ai cũng biết rồi. Họ đã thành lập một thành phố Tam Sa, tức họ đặt cơ sở chính của thành phố đó ở đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tất cả những cái đó là nguy cơ mất nước đến nơi. Mà trông vào Nhà nước này thì thực sự chưa có dấu hiệu gì họ lo lắng về chuyện đó. 

Do đó, chủ nhật tới đây, 8 giờ sáng chúng tôi đi ra tòa Tổng Lãnh sự Trung Quốc ở đây nhờ họ chuyển văn thư gửi cho ông Đại sứ Trung Quốc ở ngoài Hà Nội. Đồng thời đi tham dự các cuộc biểu tình, mà dự ở đâu, địa điểm nào thì không thể nói trước được. 

Trong tình hình này, dưới chế độ hà khắc như thế này, rất ít người dám làm. Họ rất muốn đấy, nhưng không dám đứng lên đề xướng hay kêu gọi, thì Giáo Hội từ trước đến giờ vẫn cứ phải chịu đựng bao nhiêu khó khăn rồi, coi như cũng quen rồi. Người ta nói quốc gia hưng vong thất phu hữu trách, đất nước lâm nguy thì người dân thường cũng phải trách nhiệm, có bổn phận đối với dân tộc, đất nước. Do đó, Giáo Hội đã kêu gọi trong toàn dân nếu ai mà còn tha thiết lo âu đến tương lai dân tộc, ở Hà Nội, ở Huế, ở Saigon, càng tham gia đông càng mừng, càng tốt cho dân tộc. Mục đích biểu tình là như thế. 
ĐỪNG SỢ! 

Ỷ Lan: Bạch Hòa Thượng, thông thường người ta bảo chư Tăng Ni chỉ nên lo tu hành, không nên dính tới chính trị. Biểu tình là một hình thức chính trị. Vậy có phải Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đang có chủ trương “làm chính trị” khi kêu gọi xuống đường biểu tình, bạch Đức Tăng Thống? 

Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ tại Thanh Minh Thiền Viện. RFA file Screen capture. 

Đức TT Thích Quảng Độ: Toàn dân bị chế độ độc tài toàn trị, thì họ sợ nhất là chính trị. Cho nên mình làm cái gì có tính cách chính trị là họ vu cáo ngay là người tham vọng chính trị lật đổ chính quyền. Nhưng biểu tình ở đây rất thông thường. Biểu tình Giáo Hội chủ trương ngày chủ nhật tới đây mà các vị đi tham gia đông đảo đừng sợ gì, đừng lo gì. Ai cản đâu thì mình ngồi đó, là bởi vì mình biểu tình đây là để bày tỏ nguyện vọng tha thiết với nhà nước phải bảo vệ đất nước này. Truyền thống bốn nghìn năm văn hóa. Thời đại văn minh đây không lẽ mình cúi đầu chịu đầu hàng à? Để cho người Trung Quốc họ thống trị Việt Nam à? Không được!

Còn cái làm chính trị nó khác. Cái đó, trách nhiệm đó nhà nước phải lo. Giữ giặc, bảo vệ đất nước, giữ ở ngoài biển, trên bộ, đấy là trách nhiệm nhà nước. Người dân chỉ nhắc nhở thế thôi. Chứ đừng thấy người dân biểu tình là lo người ta cướp chính quyền của các vị. Làm sao cướp được? Một quân đội như thế, những nhà tù như thế, mạng lưới Công an như thế, làm sao mà lật đổ các vị? Chính quyền trong tay các vị. Người dân đây chỉ có mỗi một phương tiện duy nhất là xuống đường để bày tỏ ý hướng mình thôi. 

Những poster của người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội vào ngày 21 tháng 8 năm 2011. AFP photo

Báo chí bây giờ không được nói. Báo chí trong lề phải mới được nói. Nói trái thì người ta dập đi, mà lề phải toàn ca tụng nhà nước giàu có, hạnh phúc. Tăng Ni ở đây cũng trên hết, trước hết, là một người dân của một nước đã, tức là một thành viên trong một đất nước gồm có chín mươi triệu dân đây. Trước hết và trên hết, mỗi một vị Tăng Ni là một công dân, mà đã là công dân phải có cái nghĩa vụ đối với đất nước, đối với tổ quốc, đối với đồng bào. 

Thế bây giờ mình tu thì cứ tu. Nhưng mà đến cái tình trạng này mình phải xuống đường biểu tỏ tinh thần cũng như tâm huyết của một người dân, chứ không là tư cách một vị sư. Tâm huyết của một người công dân Việt Nam chuyển đến nhà nước để nghe tiếng nói đó, hiểu thấu được tình trạng đó, để mà lo việc nước. Chứ đâu phải biểu tình đòi lật đổ. 

Ông sư, Tăng Ni có hai bàn tay trắng có gì mà phải lo?

Hai chữ chính trị rất thông thường, đâu có gì mà nguy hiểm như độc tài họ quan trọng hóa ra. Họ bảo vệ cái độc quyền chính trị của họ. Vậy công việc của một nhà nước, bổn phận, nghĩa vụ của một nhà nước đối với các việc nước, việc dân là phải sửa sang cái đất nước, việc dân ấy, cho ngay thẳng chính đáng. Đấy chính trị là thế thôi, chứ đâu phải Tăng Ni xuống đường để làm cái gì. Còn làm chính trị là phải lập đảng, như thế mới là làm chính trị. Còn người dân không biết cách nào, làm thế nào, trước vận nước như thế, nó ngổn ngang, nguy hiểm như thế, thì chỉ còn biết cách xuống đường bày tỏ như thế để dùng cái đó mà nói với nhà nước, dùng đôi chân để nói với nhà nước. Đâu có mưu đồ chính trị gì mà sợ. 

Thành ra nhân đây tôi kêu gọi đừng sợ chính trị. Nó là con ngáo ộp. Nhà nước này muốn độc quyền dùng con ngáo ộp làm chính trị. Hễ ai làm chính trị họ bỏ tù, công an bắt bỏ tù này khác. ĐỪNG SỢ! 

Chính là chính đáng, trị là sửa sang. Ai làm chính trị phải sửa sang đất nước đó cho đàng hoàng, đẹp đẽ, tự do, hạnh phúc. Thật sự nếu làm chính trị đi nữa, thì nó là nền chính trị đạo đức, có gì đáng ngại, có gì phải lo. 


Thời đại này không thể độc tài phát xít được nữa, mà phải là một chế độ dân chủ. Tất cả các chế độc độc tài, phát xít sẽ lần lượt đi vào bảo tàng viện hết. 

Như vậy, nếu lúc này đang là lúc nguy hiểm thù trong giặc ngoài, mà nhà nước tìm cách mở rộng cái hoạt động chính trị ra để cho mọi người tham gia, tất cả đại diện các thành phần trong đất nước, trong khối dân tộc tham gia để giúp việc duy trì nên độc lập mà đã tốn bao xương máu mới đạt được đây. 

Cuộc biểu tình tại Hà Nội sáng Chủ nhật 27-11-2011, để ủng hộ việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Quốc hội soạn thảo luật biểu tình, vừa mới bắt đầu đã bị công an trấn dẹp. Courtesy NXDblog. 

Cái thế đảng Cộng sản, một mình đảng Cộng sản không làm được đâu. Cộng sản còn kẹt cái lý tưởng Xã hội chủ nghĩa, Cộng sản chủ nghĩa, rồi thêm vào đó “16 Chữ Vàng, 4 Tốt” thành ra ngại không làm được. Bởi thế cho nên phải nhờ cái sức hỗ trợ của toàn dân, là những người tha thiết, yêu nước nhất, là giới thanh niên, sinh viên, là trụ cột, rường cột của quốc gia trong tương lai, thì phải để cho họ tham gia. Phải khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động chính trị trong lúc này.

Sau các ông có qua đời đi rồi, họ lãnh đạo đất nước chứ ai. Thanh niên là tương lai của dân tộc, nước nào, dân tộc nào cũng thế thôi. Bây giờ họ xuống đường biểu tỏ lòng yêu nước mà phải giấu kín, không dám gọi nhau, không dám rủ nhau, hẹn nhau chỗ đó chỗ kia như đi ăn trộm. Có thấy nhục không? Tương lai đất nước, lo cho đất nước mà phải như thế à? Biểu tình cũng phải giấu diếm, mặc áo mưa mà đi. Có tủi hổ với thế giới không? 

Ỷ Lan: Bạch Đức Tăng Thống, được biết ngoài Thông bạch kêu gọi biểu tình nói trên, Đức Tăng Thống còn có văn thư phản đối gửi tới ông Khổng Huyễn Hựu, Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội. Điều này đúng không? Nếu đúng, xin Đức Tăng Thống có thể tiết lộ cho thính giả Đài Á Châu Tự Do nội dung đề cập trong văn thư nói trên? 

Đức TT Thích Quảng Độ: Vâng văn thư đó thì có. Nhưng nội dung thì ở đây tôi không thể nói hết được đâu, mà cũng không tiện nói bây giờ. Xin cô Ỷ Lan thông cảm. Chỉ có cái bức thư đó là có, ngày hôm nay đã chuyển đi rồi. 

Ỷ Lan: Xin cám ơn Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ đã dành cuộc phỏng vấn cho Đài Á châu Tự do. 

Ỷ Lan Phóng viên Đài Á châu Tự do tại Paris.

No comments:

Post a Comment