Monday, January 14, 2013

Chế độ máu, xua dân lênh đênh giữa đời .






“... Đã là thành phần nhập cư bất hợp pháp, cho dù đi bằng đường Cỏ, đường Bãi hay đường hàng không, số phận của họ đều gian nan và gặp nhiều thách đố như nhau...” 

Một số phụ nữ Việt đang ở trong rừng Grande Synthe, vì chế độ CSVN đưa đẩy họ đến cuối đường, đành phải chấp nhận sống ngoài lề nhân loại, và trong hy vọng đổi đời mong manh. Ảnh: Huỳnh Tâm. 

Vào lúc 16 giờ 30 chiều, chúng tôi có mặt tại một khu rừng thuộc thành phố Grande Synthe, tỉnh Nord, vùng Nord-Pas de Calais, cực bắc nước Pháp. Khi ấy bầu trời đã ngả qua màu xám. Đứng ngoài bìa rừng gió thổi lất phất, vạt bào khua động phành phạch, cái lạnh khác thường của gió vàng, nó lùa đến xé da, tuy chưa đến đông nhưng trong rừng đã có khí hậu khó chịu. 

Chân cứ bước theo gió vào rừng sâu, như một nhân tìm ngãi lủi thủi chiều tà không thấy hoàng hôn, đường mòn khúc khuỷu, lắm bùn lầy lội, chân trước bước bám vào sình non, chân sau bị kéo lại dìm xuống sình già. Đã vào rừng giờ khắc này thì bất chấp hiểm nguy, cho dù có gặp mafia lao động bất hợp pháp người Afghanistan, Iraq hay Czech… chúng tôi cũng không nhũn bước. Khi quyết định chọn khu vực này để làm phóng sự, chúng tôi chấp nhận nếu mất tất cả. 

Người Việt Nam trong khu rừng này. 

Vừa vào tới cửa rừng Grande Synthe, một thoáng rợn người hiện ra như để hù doạ những kẻ non gan. Chúng tôi vội vã rẽ qua con đường mòn nằm bên cánh rừng phía trái, đi hơn ba trăm thước thì thấy hiện ra trước mặt những túp lều sơ sài bằng nhựa vải màu xanh dương, nơi tạm trú của những người Việt nhập cư bất hợp pháp. Cảnh sống của họ thật là xơ xác, vào lán phải đi qua một bãi sình lầy lớn, không khác gì bãi sình của đàn trâu khớp sừng chọi nhau. 

Cũng may, chúng tôi gặp lại một số người, trước đây đã từng ở khu rừng Téteghem không xa lắm. Tay bắt mặt mừng và cùng nhau giới thiệu, việc sơ giao không cản trở tình đồng hương. Nhưng người tổ trưởng (Công an) là một gã hướng dẫn đi đường Cỏ (trồng cần sa) thuộc tổ chức đưa người lao động bất hợp pháp, y không hài lòng về sự hiện diện của chúng tôi. Lập tức chúng tôi tìm mọi cách để tiếp cận và cho họ biết "đêm nay chúng tôi ở lại cùng nhảy xe với Anh, Chị, Em". 


Họ cùng ngó nhau rồi nói: "Quí cô chú không nhảy xe trong đêm nay được đâu, ở đây không phải là rừng Téteghem. Chúng cháu không bảo vệ được chính mình, thậm chí còn phải khom lưng, nhắm mắt trước người Czech để qua bãi xe! Bây chừ có đến hai người lạ mặt xuất hiện ở đây vào giờ này (17giờ) quả là khó cho chúng cháu, đề nghị quí cô chú bỏ ý định nhảy xe tối nay, nếu quí cô chú quyết định nhảy xe thì người Czech, Afghanistan hay Iraq sẽ vào đây đánh đập và phá lán của chúng cháu". 

Ngồi tại lều lán trong rừng Grande Synthe, suy nghĩ về đời bạc như vôi. Ảnh: Huỳnh Tâm. 

Một người cao niên trạc tuổi hơn ngũ tuần cho biết: "Đó là lời chân thành. Tôi nghĩ rằng quí vị quá mạo hiểm. Tôi đã lỡ lầm đến rừng này hơn hai mươi ngày rồi, chứng kiến cảnh đời phức tạp, không đơn giản như xã hội bình thường và đã chứng kiến tính man rợ của người Czech v.v... nhất là khi đối xử với phụ nữ quá tàn bạo. Mỗi đêm các cô đi qua bãi xe tải thì phải mất (màu hồng) như vậy không biết bao nhiêu lần như thế? Người phụ nữ ở đây lắm gian truân, họ hy vọng đến được Anh Quốc mới biết sống còn từ hơi thở và vinh nhục cuối cùng! Còn nam giới thì bị chúng tuột quần để kiếm tiền, thậm chí còn bị đánh đập nữa. Tuy thấy người Czech chỉ có năm người nhưng khi đụng chuyện thì không biết từ đâu kéo đến hơn năm mươi người, họ bao vây chúng tôi không khác nào chuẩn bị chiến tranh. À, tôi nghe người ta nói những năm sau 1975 hải tặc Thái Lan hiếp dâm, cướp của, giết người vượt biển, tuy nhiên có lẽ ở đây khủng khiếp nhiều hơn đối với người vượt biển năm xưa. Hiện nay chúng em phải từng giờ chịu sức ép, đe dọa mạng sống trước người Czech, Afghanistan, Iraq!" 

Một thanh niên để tóc dài chấm phủ tai cho biết: "Có nhiều chuyện tranh chấp cũng do người Việt mình, tranh giành bến đổ xe tải trên lộ trình qua Anh quốc, và từ đó mafia Việt Nam nhờ bọn Czech can thiệp, thanh toán người Việt, do đó có hai người trong rừng này mất tích. Hiện nay chúng em không thể ứng phó được với người Czech, Afghanistan, Iraq vì sợ đối đầu với họ tức vô tình tạo cớ cho cảnh sát Pháp đến bắt, bởi mình là người di cư bất hợp pháp, sống tạm trong rừng chờ cơ hội qua Anh quốc, cho nên "có tật giật mình" là vậy đó. 

Một thanh niên ở rừng Téteghem, nay đến rừng Grande Synthe để đổi hướng đi, cho biết: "Chúng em bị bọn đi đường Bãi ăn hiếp cho nên khổ sở với người Czech đó ạ!". 

Chúng tôi nghe những Anh, Chị, Em trong rừng nói tiếng lóng (đường Cỏ và đường Bãi) nhưng chưa hình dung được lý lẽ của hai danh từ tiếng lóng trên, liền hỏi: 

- Vậy thì em cho biết đường Cỏ và đường Bãi khác nhau ở điểm nào? 

- Thưa chú, khác nhiều lắm ạ. Tổ chức đi đường Cỏ giá khởi hành chỉ 1.500 euro, từ Việt Nam đến Trung Quốc rồi vào biên giới nước Nga bằng xe ô-tô và xe lửa; từ biên giới Nga đến Moscow phải trả thêm 2.500 euro nữa; từ Moscow đến rừng này phải trả 2.000 euro. Lộ trình này người ta đưa đi bằng xe thùng gỗ ở ngoài có lớp carton. Em đi đến đâu thì bên nhà phải trả tiền vay của ngân hàng đến đó. Họ tổ chức như vậy là để chia ra nhiều kỳ thế chấp, như hôm nay cầm sổ đỏ, ngày mai bán ruộng vườn và ngày kia v.v... Em và tất cả anh chị ở đây không biết đường dây tổ chức của họ. Mỗi chặng đường họ thay đổi người đưa đón bằng xe thùng, nói chung mỗi chặng đường họ thay đổi người mới. Họ chở em đến đây cũng vào một đêm khuya thế này, rồi bảo: "Đi theo bìa rừng sẽ có đồng hương tiếp đón". Trong lòng em chơ vơ và hồi hộp lắm! Ở đây cũng có kẻ trong tổ chức, với nhiệm vụ phân phát mỗi người 2 euro một ngày, đôi khi tổ chức đưa người liên lạc với em là có vấn đề. Nếu em muốn đến Anh quốc bằng đường Bãi thì phải trả thêm đến 3.000 euro, nhà em hết tiền cho nên phải tự mình nhảy xe vận tải để vào Anh quốc, có nhiều người cũng đi đường Cỏ mà phải trả khoảng 13.000 euro. Ý nghĩa của Cỏ là tiếng lóng (Cần Sa). Đường Bãi phải trả trước từ 15.000 euro đến 20.000 euro, khởi hành bằng máy bay từ Việt Nam đến nước Nga, rồi từ nước Nga đến Anh quốc bằng ô-tô. Nói chung đường Cỏ hay đường Bãi cũng đi trồng Cỏ, lúc đầu nào ai biết trồng cỏ là gì đâu, cứ tưởng đi lao động, trồng cỏ công nghiệp v.v... 

Tổ chức đưa người lao động, hứa khi vào được Anh quốc thì có người đón liền, liên lạc qua điện thoại di động, đi trồng Cỏ công nghiệp hưởng lương 5.000 euro mỗi tháng, như vậy cháu chỉ làm hai tháng là có vốn lẫn lời. Không biết chú ở Pháp làm việc bao nhiêu mỗi tháng, có lẽ lương cao hơn cháu nhiều lắm phải không? 

Rất nhiều người Việt Nam lao động bất hợp pháp đặt câu hỏi như thế với chúng tôi. Câu trả lời phải rất tế nhị vì nói đúng sự thật sẽ làm họ thất vọng, bức xúc trước cảnh đời thê thảm này, chúng tôi chỉ biết thở dài, và giải thích một khía cạnh nhỏ về lương bổng lao động tại Châu Âu. Sau cùng chúng tôi đành nói thực về lương bổng hằng tháng của chúng tôi để họ hiểu và có một ít khái niệm về lao động tại Âu Châu. 

Được họ tín nhiệm và thân thiện nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy có một cái gì không thật trong lòng họ, như có một mô đất đắp trong tim, bởi lời nói của họ có nhiều nghi vấn. Chẳng hạn những chuyện kể về cảnh hiếp dâm trong rừng Téteghem mà không có chứng cứ. Càng khó tin hơn bởi họ sử dụng họ tên, tuổi tác, và nơi sinh quán không đúng sự thật, ngay từ lúc khởi hành, họ lưu trữ hồ sơ giả ấy trong đầu, chính họ, mới biết họ là ai, dù ông trời hay người nào đi nữa cũng không bao giờ biết được sự thật về đời tư của họ. Nếu có biết chăng thì phải về bên kia thế giới! Tuy vậy, khi nghe những người này nói về hoàn cảnh của họ, ai cũng động lòng nhưng rất khó biết lời nào là thực, lời nào là giả. Những người lao động bất hợp pháp này đã trả cho những tổ chức mafia buôn bán người từ Việt Nam sang đây với giá trung bình từ 7.000 đến 20.000 euro, nhưng không bảo đảm sẽ được làm thủ tục nhập cảnh vào Anh Quốc. Chính vì thế, từ khi rời khỏi Việt Nam đến nay họ sống như những kẻ bên lề xã hội. 

Ngoài ra còn có một số người đi du lịch trá hình, từ Việt Nam đến Pháp bằng đường hàng không chỉ mất từ 800 đến 1.100 euro, sau đó có người đưa đón họ đến cảng Calais, chờ cơ hội vào Anh Quốc. Số người này cũng không may mắn gì hơn. Họ được đưa vào tạm trú trong công viên Parc Saint Pierre, ngoài trung tâm thành phố Calais, miền Bắc nước Pháp. Đây là một khu vực đầy bất trắc vì là khu tạm cư của những di cư bất hợp pháp đến từ Iraq, Afghanistan, cộng hoà Czech. Đã có ba người Việt Nam mất tích vì tranh giành phần ăn của họ. Sinh hoạt của người nhập cư bất hợp pháp tại Parc Saint Pierre quá phức tạp không an toàn, chưa qua được Anh quốc đã chết ở nơi này! 

Mỗi ngày người Việt nhập cư bất hợp pháp phải sống nhờ phần ăn, do các bếp lưu động của hội từ thiện tư nhân người Pháp tặng, phải đến từ lúc 2 giờ trưa, chờ 6 giờ chiều để lấy đồ ăn vì người quá đông phải đi sớm. 

Cũng ở trên bãi biển này, có nhiều người liều mạng, nằm cạnh phà biển hay lởn vởn quanh bến, chờ cơ hội nhảy lên phà để tìm đường cứu khổ... Cặp mắt của họ như bị thôi miên, cứ nhìn đăm đăm về một hướng chân trời xa xăm, ở bên kia xứ sương mù (Anh quốc). 

Đã là thành phần nhập cư bất hợp pháp, cho dù đi bằng đường Cỏ, đường Bãi hay đường hàng không, số phận của họ đều gian nan và gặp nhiều thách đố như nhau. Hiện nay tại Grande Synthe, trong cánh rừng trái có mười bảy người Việt nhập cư bất hợp pháp, với thân thể khắc khoải, tinh thần sa sút và sự minh mẫn của trí tuệ bị hao mòn. Họ hoàn toàn thiếu thốn mọi vật dụng tối thiểu để sinh hoạt hằng ngày, gia tài của họ chỉ duy nhất là bộ áo quần, chân đi giày đã hả mồm, lết bết theo số phận. 

Đúng 18 giờ 40 phút, chúng tôi di chuyển qua cánh rừng bên phải và hứa với những người tạm trú trong cánh rừng bên trái sẽ trở lại đúng 20 giờ để cùng nhau sinh hoạt bên bếp lửa. Vì đây là giờ chuẩn bị dùng cơm, mọi người đều ăn thật no-nê để lấy sức đi đường Cỏ. Trong đêm nay có mười hai người chia thành bốn tốp nhảy xe. Cũng nên biết, trong cánh rừng bên trái này có năm người Czech dựng lều cách lán Việt hơn 300 mét, họ chờ người Việt đi qua để bắt đóng mãi lộ. 

Cánh rừng Grande Synthe bên phải ngập nước, do những đêm trước mưa tầm tã, càng vào sâu càng khó đi. Đường rừng chỉ một màu đen trước mặt, rừng không lớn thế mà xa vô tận. Chân đi gập ghềnh, rẽ qua nhiều đường mòn, lồng ngực hơi se lại, lúc này dù có hối hận cũng đã muộn màn. Trong đầu đã biết sợ bảo chân bước nhanh. Không bao lâu sau, chúng tôi thấy khói bếp lửa của lán thứ hai. Đến gần chào hỏi và được biết ở đây là đường Bãi. Cảnh lán trại hoang sơ chỉ còn hai người, một thanh niên độ tứ tuần người tỉnh Hà Giang và một ông già độ ngoài lục tuần người Nghệ An. 

Đã ngoài 60, vẫn lên đường hy sinh cho vợ và con. Dẫu biết rằng cuộc đổi đời này bằng tính mạng treo mành đổi lấy cái chi-chi chưa biết trước. Cụ đã 14 lần nhảy xe vận tải không được như ý, vì rừng chưa chấp nhận xóa tên Cụ !! Ảnh: Huỳnh Tâm. 

Ông già lục tuần cho biết ông đã phải trả cho đầu nậu hết 20.000 euro để có mặt tại đây: "Tôi hy sinh tính mạng và gia tài để đổi lấy tương lai cho hai ái nữ tuổi mười bốn, mười lăm nhưng đời không được như ý, rồi ở trong rừng này hơn tháng mà còn bị bệnh nữa!". Rồi ông lại oà lên khóc như tiếng chim kêu cuối cùng! 

Người trung niên gốc Hà Giang cho biết: "Cứ hai tháng một lần lên quận 16 Paris để chơi". Chúng tôi thừa hiểu người trung niên này là (Công an) một thành viên mafia phụ trách đường Bãi tại cánh rừng bên phải Grande Synthe. Anh ta nói thường về quận 16 Paris có nghĩa là về để nhận chỉ thị. Cũng nên biết quận 16 Paris là nơi toạ lạc Toà đại sứ Việt Nam (địa chỉ chính xác là số 62 rue Boileau, 75016 Paris). Sự tiết lộ này cho thấy có một đường dây đưa người từ quận 16 Paris về đây hay từ rừng Grande Synthe về lại quận 16 Paris (nếu đường dây bị bể). Người trung niên chủ lán đường Bãi không chút ái ngại cho chúng tôi biết: "Muốn đi suôn sẻ thì phải trả tiền cao, có người đưa kẻ đón bằng xe. Hôm nay chỉ còn lại một người vì bệnh cho nên chưa đi được". 

Chúng tôi cũng không ái ngại nói: 

– Đường dây đưa người của quý anh chúng tôi đã biết, lúc trước đường Bãi đưa người về Paris 16, tạm trú trong những đường hầm xe điện ngầm tại Paris 13 (Metro Tolbiac) hiện nay ông bạn chuyển người từ rừng Grande Synthe đến thị trấn Lognes (một thị trấn phía đông, cách Paris 30 km) chứ không còn đến Paris 16 nữa, người trung niên gốc Hà Giang chỉ nhìn chúng tôi không phản ứng. 

Sau khi đã thu thập đầy đủ tin tức cần thiết, chúng tôi giã từ lán này để ra về. Không ngờ người trung niên Hà Giang này giới thiệu thêm một lán mới lập cách đây ba ngày, hiện có ba mươi người cả nam lẫn nữ. 

Chúng tôi hăng hái chuyển mình đi nhanh, chỉ mười phút sau là thấy những túp lều vải nhựa xanh mới của lán thứ ba. Những người này vừa dùng cơm tối xong và chuẩn bị nhảy xe vào lúc 22 giờ đêm. Vừa đến nơi, chúng tôi liền tranh thủ thời gian để gợi chuyện nhảy xe và quan sát hình hài của họ. Trước nhất, những người này ở lứa tuổi từ ba mươi đến ngoài sáu mươi, họ mới đến cho nên còn năng động lắm. Khuôn mặt của mỗi người để lộ sư hăng hái. Vì chưa hề nhập cuộc thất bại, họ ăn nói lớn tiếng trông rất hào khí. Phần đông những người ở lán này đi bằng đường Cỏ, khởi hành từ Việt Nam qua Trung Quốc, rồi đến nước Nga, trạm trung chuyển là Pháp Quốc, từ đây họ mới nhảy xe đi sang Anh Quốc. 

Một người ngũ tuần gốc Hà Tĩnh thở dài cho biết: "Đường Cỏ tuy rẻ tiền nhưng nguy hiểm vô cùng, nhất là gặp thổ phỉ của Trung Quốc và Nga tại biên giới Yichun-Heihe. À, chặng đường từ Việt Nam đến Trung Quốc đi bằng tàu hoả và ô-tô. Lúc đầu có 20 người cùng đi, khi đến biên giới Nga, tôi không biết lý do nào mất tích 6 người, sau đó đến Moscow chỉ còn lại 4 người, cuối cùng chỉ một mình tôi đến đây. Một trong 3 người ở lại Nga cho tôi biết, tình cờ gặp người anh con Bác đi cùng chuyến, lúc đầu tưởng là đi Âu Châu lao động, nhưng không ngờ anh ấy đi bán nội tạng cho người Trung Quốc. Hỏi ra mới biết anh ấy đã lấy 30.000 USD và trao hết cho Bác trai để nuôi các anh em còn lại, không biết bây giờ anh ấy còn sống hay đã chết! Như vậy có đến 10 người ở lại Trung Quốc". 

Người thanh niên tỉnh Đắc Lắc ngồi trước bếp lửa nói: 

– Em hận chế độ cộng sản này lắm, ở không được phải liều lĩnh bỏ xứ ra đi. Em phải bán gia tài của mẹ cha, chỉ hy vọng có được cuộc sống bình an. Em đã nhảy xe mỗi đêm mà không được, cứ đến Calais là phải quay đầu về rừng! 

Đêm nay có một số người không đi nhảy xe, vì ba ngày trước sương gió đã thấm sâu vào thân xác nên sức khỏe rất bấp bênh. Họ tiếp chúng tôi bên bếp lửa và tâm sư về cuộc đời không định hướng tương lai. 

Cứ mỗi đêm từng lớp người đến rừng, rồi lớp khác đi, đúng 22 giờ đêm, những tuổi thanh xuân khát vọng đổi đời chuẩn bị từ giã bếp lửa, và hy vọng không trở lại rừng Grande Synthe. Trong tôi động lại tình đồng hương, khi chết tôi sẽ đem theo hình ảnh bi khúc này: Huỳnh Tâm. 

Vì chúng tôi đã hẹn đúng 20 giờ trở lại lán cánh rừng bên trái, nên phải đành tạm biệt Anh, Chị, Em bên lán thứ ba. Chúng tôi được biết còn một lán thứ tư nằm sâu trong rừng có 20 người Việt ở đó, chúng tôi rất tiếc đã không viếng thăm họ được. Khi ra về, trời tối đen như mực bút pháp, hết biết đường đi phải nhờ một người trong lán đưa ra đường lớn trong rừng. Ra khỏi khu rừng bên phải, chúng tôi lần bước một lúc mới đến khu rừng bên trái. Về lại lán thứ nhất, xem đồng hồ đã trễ hẹn 10 phút. 

Khát vọng sống, vượt qua tranh chấp. 

Hiện nay trong rừng Grande Synthe có 4 sắc dân tạm trú gồm Việt Nam, Afghanistan, Iraq và Czech, tổng cộng khoảng 85 người. 

Những tổ chức đưa người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp lập ra bốn lán chứa người, một lán đường Bãi, và ba lán đường Cỏ. Tổ chức đường Bãi qui mô hơn nhờ bàn tay mafia quốc tế, trước đây họ có một trại tại Parc Saint Pierre gần bến tàu Calais. Nhiều tổ chức của chính quyền VN đưa người đi lao động (đường Bãi đường Cỏ) để rồi cướp sổ đỏ, cướp ruộng vườn dưới hình thức thế chấp tài sản qua những ngân hàng của Việt Nam. Họ là bàn tay bạch tuộc, xoè ra khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam, và sau đó chuyển đến Trung Hoa, Nga, Đức, Ba Lan, Tiệp, Pháp và Anh Quốc, nơi nào họ cũng bí mật đặt cơ sở nhà kho chứa người. 

Ngoài ra còn có một lán đường Cỏ trong rừng Téteghem cạnh thành phố Dunkerque, miền Bắc nước Pháp, và một lán đường Bãi trong rừng Angres thuộc thành phố Angres. Có bao nhiêu lán trại là có bấy nhiêu tổ chức đường dây khác nhau, đưa người lao động bất hợp pháp. Tuy mỗi tổ chức có qui định riêng nhưng đều áp dụng luật giang hồ chung (cá lớn nuốt cá bé, cá nước nào sống nước đó). 

Cùng là người nhập cư bất hợp pháp như nhau, nhưng người Afghanistan, Iraq và Czech tung hoành như chốn không người, bọn hung đồ xâm nhập vào lán của người Việt Nam để trấn lột. Năm trước đã xảy ra những vụ thanh toán nhau giữa người Czech, Iraq, Afghanistan và Việt Nam tại Parc Saint Pierre, thành phố Calais. Ba người Việt Nam đã chết không tìm thấy xác, trong những cuộc xô xát này. 

Ngoài ra tổ chức đưa người lao động hoạt động rất đa dạng, vô nhân đạo, như buôn bán nội tạng, và thai nhi cho người Trung Quốc. Hoạt động của nhóm đường Cỏ vô trách nhiệm đối với thân chủ, nhiều người đã chết trên các lộ trình nhập cư bất hợp pháp vào Anh Quốc, đó là trường hợp của anh Nguyễn Văn Mạc tử nạn trên xa lộ A 16, 2 thanh niên Việt mất tích trong rừng Grande Synthe, và 6 thanh niên khác đi đường Cỏ bị mất tích tại vùng biên giới giữa Trung Quốc và Nga còn nhiều nữa chúng tôi chưa tiện công bố. 

Cũng nên biết, rừng Grande Synthe trong tỉnh Nord chia ra làm hai cánh, phải và trái, hay bắc và nam. Người Việt Nam có mặt trong rừng này trước người Czech, Afghanistan và Iraq. Họ biết người Việt mang theo nhiều tiền, cho nên các nhóm người Czech, Afghanistan và Iraq chia nhau trấn giữ điểm trọng yếu hai cánh rừng, người Czech bao thầu cánh rừng Bắc, người Afghanistan và Iraq cánh rừng Nam. Hai góc rừng huyết mạch này là nơi ra vào của của bãi xe tải lớn nhất của thành phố Grande Synthe. Cộng đồng người Czech, Afghanistan và Iraq trong khu rừng này là những nhóm nhập cư bất hợp vào đất Pháp từ lâu đời nhưng không thành công, nay họ xoay qua tống tiền những người đồng cảnh ngộ để kiếm sống, người Việt Nam trở thành nạn nhân, khốn khổ với chúng, đi đổi đời phải vơ vét hết tiền của gia đình để hy vọng vào được đất Anh hành nghề trồng cỏ với lương 5.000 euro mỗi tháng [1]. Những đám thổ phỉ này gặp người Việt Nam như trúng số lớn, họ trấn lột người Việt bằng cách đếm đầu người rồi buộc nộp mãi lộ. Những phụ nữ Việt không may bị họ bắt giữ ban ngày khi băng qua rừng một mình phải chịu hình phạt giải quyết sinh lý. Ai chống lại họ sẽ bị đàn áp dã man. Những nhóm di dân bất hợp pháp này dám tấn công người Việt, vì biết rằng người Việt không có bản lĩnh chống cự, vì đổ bể cảnh sát Pháp sẽ can thiệp và trục xuất họ về nước. Có lẽ vì sống lâu dưới sự kềm kẹp của chế độ CS, cho nên họ đã mất đi quyết tâm chống lại bất công, và chỉ còn lại tâm lý cam chịu. Tình trạng của những nhóm người đi đường Cỏ và đường Bãi, nhất là phụ nữ, rất là thê thảm, vì họ có thể bị người Czech, Afghanistan và Iraquân cưỡng dâm bất cứ lúc nào. 

Đêm kinh hoàng. 

Trở về cánh rừng bên trái, lán vắng thưa người, chỉ thấy ba người ngồi bên bếp lửa. Người trưởng lán đứng lên biến vào bóng tối, chỉ còn lại chúng tôi với một nam, một nữ, trạc tuổi ngoài 50. Không cần giới thiệu, chúng tôi biết hai người này mới đến lán. Đúng vậy, hai người này cho biết họ vừa đến 30 phút. Cùng thời điểm này, bên lán đường Bãi cũng có thêm một người mới gia nhập. Xem ra đường Cỏ đường Bãi, đêm nào cũng tấp nập tiếp nhận "lính" mới. 

Máy quay phim và máy ghi âm của chúng tôi không bỏ qua một cơ hội nào. Vừa ngồi xuống bếp lửa, chúng tôi để máy ngang tầm người liền thu hình và ghi âm. Tức thì người đàn ông đứng lên đi chỉ vài bước, biến mất trong bóng đêm, chỉ còn lại người phụ nữ. Chúng tôi tự giới thiệu, và đôi lời xã giao với người phụ nữ nói giọng Huế, hỏi ra mới biết cô này có gia đình ở gần quán cơm Âm Phủ. 

Câu chuyện đường Cỏ từ xứ Huế đến rừng Grande Synthe đang bắt đầu phỏng vấn, bỗng có hai người y phục cảnh sát Pháp tiến vào lán. Đèn pin xỉa thẳng vào mặt chúng tôi, nói bằng tiếng Anh. Chỉ mới hai điểm căn bản này thôi, chúng tôi biết đây không phải cảnh sát Pháp, bởi cấm kỵ nhất của cảnh sát Pháp là không rọi đèn pin vào mặt người đối diện, và khi hành sự trong khu vực có người ngoại quốc phải nói tiếng Pháp. 

Không nói ra, chúng tôi cũng biết đây là hai người Czech giả dạng cảnh sát Pháp để vào làm tiền người Việt. Khi biết họ là ai, trong lòng chúng tôi bỗng lạnh vì những bất trắc có thể đến bất cứ lúc nào. Lúc này người phụ nữ xứ Huế biến mất tự bao giờ và cũng không ai để ý. Hai người Czech bảo chúng tôi đưa máy quay phim và máy ghi âm cho họ. Đương nhiên chúng tôi có ít nhiều phản ứng, trong rừng khuya trước đe doạ khôn lường, cuối cùng chúng tôi chấp nhận xoá bỏ bộ nhớ trong máy ghi âm và trao phim cho họ. Hai người Czech cách li chúng tôi mỗi người một hướng để kiểm tra phim và băng ghi âm. Một người Czech yêu cầu tôi đi theo họ vào căn cứ an toàn của họ. Vừa đi vừa sợ, nếu xảy ra điều gì không may cho tôi trong khu rừng sâu ai sẽ vào can thiệp! Nhưng tôi đã kềm được nỗi sợ hãi. Nhờ 10 ngày trước tôi đã có suy nghĩ nếu đi công tác đêm trong rừng, gặp phải người xấu đành chịu thua bỏ chạy là thượng sách, vì chính Cảnh sát Pháp còn không dám vào rừng giờ này. 

Tuy nhiên trước khi vào rừng chúng tôi đã báo cho Cảnh sát Pháp biết, đêm nay công tác tại rừng Grande Synthe và chúng tôi cam đoan: "Sẵn sàng chấp nhận mọi hiểm nguy, kể cả nếu có sẩy thân trong rừng Grande Synthe". Nhớ lại lời cam đoan; trong giờ phút căng thẳng này, tôi tự nhủ, nếu bỏ mạng ở đây thì cũng vui thôi! 

Nhưng lo nhất là đồng nghiệp của tôi đang bị bọn người Czech bao vây trong rừng cách tôi khoảng 400 thước, không biết đồng nghiệp của tôi sẽ đối phó thế nào để thoát thân ? 

Trên đường vào khu an toàn của chúng, một hình ảnh đau thương dội vào cặp mắt của tôi. Cách đó 10 thước, tôi rùng mình nhận ra phần dưới của một thân thể lõa lồ trắng ngà của người phụ nữ xứ Huế mà khi nãy tôi đã gặp đang bị những tên người Czech cưỡng dâm một cách hung bạo. Cảnh tượng thật bất ngờ và đau lòng, tôi bực mình trong bất lực. Nhưng uất nhất là thấy gã hướng dẫn (Công an VN) của lán đường Cỏ cùng đứng với gã người Czech đang ép người đàn ông trung niên mới đến lán nộp mãi lộ. Chưa đầy một giờ, hai người "lính" mới này đã thấy quan tài và nước mắt đang đổ lệ, khu rừng tội lỗi Grande Synthe này mãi mãi là một nơi đáng nguyền rủa. 

Không thể lầm lẫn, chính gã hướng dẫn đường Cỏ này đã báo với nhóm người Czech để dâng hai cống phẩm mới và sự hiện diện của chúng tôi trong rừng. 

Sau khi người Czech kiểm tra cuộn phim của chúng tôi và không thấy có gì đặc biệt, gã người Czech hỏi: "Có phải ký giả không ? Có phải cảnh sát không?". Chúng tôi chỉ trả lời: "Đi thăm viếng thân nhân, tiếp tế lương thực và ở lại đêm với thân nhân". Một người Czech khác đến gần, bảo tôi đưa tay lên cho họ khám xét. Khi đụng phải con dao găm của tôi vắt ngang lưng quần, gã này vội rút tay lại. Quả thực tên này nhát gan, mò thấy dao găm là sợ, hắn bảo người Czech đứng bên đưa tôi đi gấp. Chưa biết tình thế sẽ ra sao, tôi tự nghe con dao găm thầm cười: "Dao vàng bỏ đãy kim nhung, biết rằng quân tử có dùng ta đâu". 

Về đến lán của người Việt, tôi vẫn còn thấy người Czech đang chất vấn đồng nghiệp của tôi. Chỉ nghe họ nói tiếng Czech, tôi không hiểu gì. Sau một hồi trao đổi lẫn nhau, hai người Czech liền bỏ đi. Lúc này đồng nghiệp của tôi lanh tay gọi điện thoại báo tin cho tổ công tác biết sự tình. Hai người Czech khi nãy vào lại lán mời chúng tôi ngủ qua đêm trong rừng tại khu vực của họ. Chúng tôi cảm ơn và từ chối lời mời của những người Czech. Hơn 21 giờ đêm, chúng tôi ra khỏi rừng. 

Một ngày làm việc trong rừng Grande Synthe rất ngộp thở. Chúng tôi đã trải qua nhiều thử thách và chứng kiến bao cảnh đau thương. Vừa ra đến cửa rừng, chúng tôi mới biết mình vô sự và bình an, thế mới biết nhục thể chưa mất. Tâm hồn chúng tôi như bay bổng trên không. 

Chính lúc này chúng tôi mới nghe tiếng gọi của bao tử, nó đang la làng, vì cả ngày không ăn và làm việc căng thẳng, chúng tôi rủ nhau vào nhà hàng ăn bù, và đúc kết chuyến đi. Phần phương tiện cho công tác rất thành công, tất cả tư liệu phóng sự ghi âm và hình ảnh vẫn còn nguyên vẹn, tuy người Czech có tịch thu, nhưng đó chỉ là những tư liệu giả. 

Sáng mai chúng tôi tiếp tục hành trình đến rừng Angres thuộc thành phố Angres, tỉnh Pas de Calis, phía bắc nước Pháp. Ở đó có 80 người Việt nhập cư bất hợp pháp đang chờ cơ hội để vượt biên sang Anh.

Còn tiếp.... 


Chú thích:

[1] Thực tế mỗi người trồng Cỏ chỉ nhận được mỗi tháng 300 euro không đủ sống ở Âu Châu. Người ngoại quốc vô gia cư, đến Pháp ăn mày, mỗi tháng kiếm được ít nhất 450 euro, mới gọi đủ lây lất qua ngày.

No comments:

Post a Comment