Sunday, January 27, 2013

NHẠC SĨ PHẠM DUY QUA ĐỜI TẠI VIỆT NAM

 
Tin Saigon - 

     Nhạc sĩ Phạm Duy đã qua đời lúc 2 giờ 45 phút ngày hôm nay tại một bệnh viện ở Saigon, Việt Nam, hưởng thọ 92 tuổi. Cái chết của người nhạc sĩ này gây nhiều bất ngờ cho người trong giới dù trước đó nhạc sĩ này từng nhiều lần ra vào bệnh viện do tuổi già. 
     Cái chết của ông đến sau người con trai lớn là nam ca nhạc sĩ Duy Quang chỉ gần một tháng. Trước đó người nhà giấu tin Duy Quang mất vì sợ Phạm Duy buồn và ảnh hưởng đến sức khỏe vốn đã rất yếu của ông. Nhưng khi biết tin, Phạm Duy không quá đau buồn vì ông biết con trai bệnh và sẽ không qua khỏi nên đã chuẩn bị sẵn tâm thế để đón nhận. Nhạc sĩ Phạm Duy cảm thấy được an ủi hơn khi con trai mất trong tình cảm yêu thương của khán giả, bạn bè và người thân.

Tuổi cao sức yếu, thời gian qua Phạm Duy vài lần vào bệnh viện cấp cứu rồi lại xuất viện khi sức khỏe có dấu hiệu phục hồi. Khoảng 2 tuần trước khi qua đời, ông còn có thể đi dạo được. Những người gần gũi ông giai đoạn cuối đời đều nhận xét khoảng một tuần trước khi mất, ông còn trao đổi thư từ qua email với bạn bè và thân hữu. Gia đình đã đưa ông vào bệnh viện 115 trong 3 ngày qua để cấp cứu nhưng ông đã trút hơi thở cuối cùng. Hiện người nhà ông đang làm thủ tục để chuyển thi hài người nhạc sĩ tài hoa về nhà lo an táng. Chăm sóc ông những ngày cuối đời có con trai Duy Cường luôn túc trực cùng với một vài người thân. Hiện chưa biết gia đình sẽ dự trù an táng ông như thế nào, SB-TN sẽ theo dõi để biết thêm chi tiết và gửi đến quý khán thính giả xa gần.


Nhạc sĩ Phạm Duy sinh ngày 5 tháng 10 năm 1921, tên thật Phạm Duy Cẩn là một nhạc sĩ, ca sĩ, nhà nghiên cứu nhạc của Việt Nam. Ông được coi là một trong những nhạc sĩ lớn có công trong việc xây dựng nền tân nhạc Việt Nam. Sự nghiệp sáng tác của ông với số lượng tác phẩm đồ sộ và đa dạng về thể loại, trong đó có những bài đã trở nên rất quen thuộc với người Việt. Ngoài sáng tác, Phạm Duy còn có nhiều công trình khảo cứu về âm nhạc Việt Nam có giá trị. Ông cũng từng giữ chức giáo sư nhạc ngữ tại trường Quốc gia Âm nhạc Saigon.

Nói về âm nhạc Phạm Duy, mỗi người đều có những nhận định riêng nhưng điều không thể phủ nhận ông là một trong những tượng đài, biểu tượng âm nhạc nhận được nhiều tình cảm của công chúng.


     Nhiều nhà phê bình, nhiều người đã viết về ông và giòng nhạc của ông. Ông cùng với gia đình sang Mỹ tỵ nạn và định cư vào năm 1975, tiếp tục sáng tác và sinh hoạt trong một thời gian dài. Đến năm 2005, ông làm nhiều người bất ngờ và bất mãn khi tuyên bố sẽ về Việt Nam sống an hưởng tuổi già. Tại Saigon, ông bán hết bản quyền nhạc của ông cho công ty Phương Nam để đổi lấy một căn nhà và sống tại đây.

Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam vẫn gây khó khăn cho những tác phẩm của ông và chỉ cấp phép biểu diễn cho một số những ca khúc, kể cả những bài trong tập Đạo Ca gồm 10 bài cũng chỉ có 8 bài được cho phép phổ biến. Tuy nhiên những buổi trình diễn nhạc của ông cũng được tổ chức ở nhiều nơi và thu hút được một số những khán giả ái mộ dòng nhạc của ông trước đây. Tại hải ngoại nhiều người chống đối việc ông về Việt Nam và cho rằng ông đã phản bội lại lý tưởng của người tỵ nạn, một số những bài ca quen thuộc của ông được sử dụng trong những buổi sinh hoạt cộng đồng cũng vì thế mà bị rút ra và thay thế bằng những nhạc phẩm khác.



    
Sau thời gian điều trị các bệnh về tim, gan, gút, nhạc sĩ Phạm Duy đã trút hơi thở cuối cùng vào chiều nay 27.1 tại phòng cấp cứu Bệnh viện 115, TP.HCM, thọ 92 tuổi. Nhạc sĩ Phạm Duy tên thật là Phạm Duy Cẩn, sinh ngày 5.10.1921, tại phố Hàng Cót, Hà Nội.
Ông được xem là một trong những nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc VN với số lượng nhạc phẩm đồ sộ cũng như đa dạng thể loại (nhạc cách mạng, nhạc quê hương, nhạc tình đôi lứa, trường ca, rong ca, đạo ca, thiền ca, tâm ca…). Cùng với sáng tác, ông còn có nhiều công trình khảo cứu về âm nhạc VN có giá trị.
Sau năm 1975, Phạm Duy sang sinh sống tại Hoa Kỳ. Đến tháng 5. 2005 ông chính thức trở về Việt Nam định cư. Nhiều ca khúc của ông cũng dần được cấp phép phổ biến trở lại như Mùa thu chết, Giọt mưa trên lá, Tạ ơn đời, Tiễn em, Đi đâu cho thiếp theo cùng (đến nay khoảng 60 bài)…

Mới đây nhất là 8 ca khúc trong 10 bài của tập Đạo ca vừa được cấp phép biểu diễn. Song, tâm nguyện cuối đời của ông, từng được ông chia sẻ trên giường bệnh, là “phát hành cuốn phim tài liệu Phạm Duy – nhạc và đời” đến nay vẫn chưa thành…
Cha của nhạc sĩ Phạm Duy là nhà văn Phạm Duy Tốn. Vợ của ông là ca sĩ Thái Hằng nhưng bà đã qua đời vào năm 1999. Các con của ông cũng là những ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng như con trưởng là ca sĩ Duy Quang (vừa qua đời vào tháng 12.2012), ca sĩ Thái Hiền, Thái Thảo, nhạc sĩ hòa âm Duy Cường…
Đến cuối đời vẫn miệt mài sáng tác


Nhạc sĩ Phạm Duy – Ảnh: Thiên Hương



Cách đây không lâu, khi tìm gặp nhạc sĩ Phạm Duy vào đúng dịp sinh nhật của ông (ngày 5.10.2012), vị nhạc sĩ lão làng này khiến chúng tôi khá bất ngờ vì sức khỏe dẻo dai và sự minh mẫn của ông.
Nhạc sĩ cho biết 30 năm ở ngoại quốc tưởng chừng đã khiến ông cạn kiệt nguồn cảm hứng. Thế nhưng từ khi trở về Việt Nam, ông “như sống lại” với những ý tưởng và cảm hứng dào dạt để cho “ra lò” gần 40 tác phẩm mới.
Ông khoe đã hoàn thành 10 bài Hương ca, 10 bài phổ nhạc từ thơ Bích Khê mang tên Dị khúc đồng thời hoàn tất Truyện Kiều với 37 khúc, dài gần 3 tiếng đồng hồ. Những tác phẩm này đều đang trong quá trình xin cấp phép để phát hành rộng rãi.
Ngoài ra, khi đó nhạc sĩ Phạm Duy cũng cho biết đang thực hiện một quyển sách tập hợp các kinh nghiệm mà ông học hỏi được trong suốt 30 năm ở xứ người, cũng như toàn bộ những tinh hoa ông chắt lọc được trong hành trình đến với âm nhạc.
Đồng thời, ông còn dự định phát hành quyển sách mang tên Vang vọng một thời viết về xuất xứ, hoàn cảnh ra đời của các ca khúc.
“Tôi mắc bệnh… nghiện làm việc dù sức khỏe đã không còn được như xưa. Lúc trước tôi ngồi 5 tiếng trước máy vi tính, giờ thì chỉ 2 tiếng thì phải nghỉ tí rồi mới làm tiếp được”, nhạc sĩ Phạm Duy tâm sự khi gặp chúng tôi vào dịp sinh nhật của ông năm vừa rồi.
Vào khoảng tháng 11.2012, nhiều nguồn tin cho biết sức khỏe nhạc sĩ Phạm Duy đã suy giảm rất nhiều.
Khi đó, Thanh Niên Online đã lập tức liên lạc với ông. Qua điện thoại, người nhạc sĩ già vẫn tỉnh táo và trả lời rành rọt rằng: “Tôi bị bệnh tim tái phát, nằm viện được gần một tuần thì xin bác sĩ về nhà vì nằm viện tốn kém quá…”.
Khi ấy chỉ vừa xuất viện được ít ngày, vẫn phải nhờ đến xe lăn để di chuyển nhưng nhạc sĩ Phạm Duy đã liền bắt tay vào công việc soạn nhạc. Trong mail gửi cho bạn bè thân hữu, ông viết: “Moa đã ra viện. Lại làm việc như thường”.
Từng “hỏi gở” nhạc sĩ Phạm Duy về sự ra đi, khi ấy ông cười bảo: “Tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện tôi sẽ chết vì tôi sẽ không bao giờ chết được cả. Tôi có chết đi chăng nữa thì nhạc của tôi vẫn sẽ hiện hồn trên môi những người ca hát. Vậy thì làm sao tôi chết được? Còn cái chết xác thịt thì ai cũng phải chết thôi. Tôi sống đến giờ cũng hơi lâu rồi…”.
Theo TNOnline

2 comments:

  1. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  2. Một ngôi sao chợt tắt ..:((
    Nhờ Chế độ Dân chủ Tự Do của Viêt Nam Cộng Hòa , chúng ta mới có những nhạc phẩm tuyệt vời do Pham Duy sáng tác..
    Nếu Pham duy ở lại Miền Băc , thì thân phận ông sẽ bị đày đọa như nhà thơ Hữu Loan ,cũng như khá nhiều Văn Nghệ sĩ miền Bắc trong vụ Nhân văn giai phẩm..

    ReplyDelete