Friday, February 22, 2013

Hệ lụy của một dự án thiếu tầm nhìn và không tỉnh táo

Bauxite Việt Nam
images 

     Ngày 18/2/2013, trang Bauxite Việt Nam đăng tải bài “Có chút hy vọng mong manh nào cho alumina Tân Rai” của nhà báo Lê Trung Thành – tác giả của phóng sự 6 kỳ mang tựa đề “Chuyện chưa biết nhiều về Dự án bauxite Tây Nguyên” đăng trên BVN trong tháng 11/2011.
Bài báo phân tích chân xác sự suy thoái của ngành công nghiệp nhôm toàn cầu, giá nhôm giảm liên tục mấy năm nay ảnh hưởng đến các tập đoàn sản xuất nhôm một thời lừng lẫy. Sản phẩm alumin của Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (VINACOMIN) ở Tổ hợp bauxite Tân Rai chuẩn bị chào hàng ra thị trường thế giới ngay lập tức phải hứng chịu thảm cảnh giá nhôm tuột dốc thê thảm. So sánh giá thành xuất xưởng tại Tân Rai và giá chào bán cho Trung Quốc và Malaysia, một tấn alumin sẽ bị lỗ thấp nhất 40-50 USD.

Ngày hôm sau, ngày 19/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với tỉnh Bình Thuận. Tại đây, ông chính thức tuyên bố dừng Dự án xây dựng cảng Kê Gà – một mắt xích quan trọng của Dự án bauxite Tây Nguyên do chính ông duyệt năm 2007 – vì xét thấy không có hiệu quả kinh tế.
Và rất kịp thời, các báo Thanh niên, Người lao động, Dân trí, Pháp luật TPHCM, Tuổi trẻ,… cùng nhiều trang mạng đã có nhiều bài viết về những hệ lụy của việc dừng Dự án cảng Kê Gà đồng thời phân tích những sai lầm nghiêm trọng của Chính phủ, của Bộ Công thương, của Vinamin trong việc lập lấy được và triển khai lấy được Dự án bauxite Tân Rai, Nhân Cơ.

Nhiều chuyên gia kinh tế như Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, bà Phạm Chi Lan… đã nêu rõ quan điểm của mình, đề nghị tạm dừng triển khai Dự án để giảm bớt thiệt hại vì sẽ thua lỗ lớn nếu cứ cố tình tiếp tục “đâm lao phải theo lao”.
Ý kiến của các chuyên gia lần này, không khác biệt với những kiến nghị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của một số cá nhân chuyên gia khai khoáng, và của hàng ngàn nhân sĩ, trí thức, nhiều nhà khoa học, xã hội học, dân tộc học trong và ngoài nước cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân đã đồng ký tên vào các bản Kiến nghị tháng 4/2009 và các Thư ngỏ liên tiếp trong tháng 4, tháng 5 (7/5/200917/5/2009) do GS. Nguyễn Huệ Chi, nhà giáo Phạm Toàn và GSTS. Nguyễn Thế Hùng khởi xướng… nhằm đánh động dư luận cả nước cũng như gửi tới các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội để đưa ra một lời cảnh báo mạnh mẽ về nguy cơ thua thiệt vô cùng lớn trên cả bốn phương diện: 1. An ninh quốc phòng; 2. Môi trường sinh thái; 3, Nền văn hóa cổ Tây Nguyên; 4. Kinh tế, giúp cho những ai nắm giữ quyền lực nhưng chưa đến nỗi mất tỉnh táo, hoặc bị thao túng bởi một thế lực bên ngoài nào đó, kịp thời thức ngộ và tránh cho đất nước một sự trả giá nặng nề.

   Kết quả thì sao?
     Những gì ông Đoàn Văn Kiển phân bua, coi đây là một ván bạc 5 ăn 5 thua, và với tư cách “nhà cái” thì cứ đánh cược tính mạng và tài sản nhân dân vào ván bạc cái đã, thôi ta không cần nhắc lại làm gì. Nhưng lời lẽ gay gắt của người có tên Lê Dương Quang trong một hội nghị sát trước kỳ họp Quốc vào tháng 5/2009, nói xưng xưng rằng ý kiến phê phán của giới trí thức đối với Dự án bauxite Tây Nguyên là “rất kém xây dựng, hoàn toàn dựa trên các thông tin sai lệch”, thậm chí “dựng chuyện, trầm trọng hóa, thậm chí mang tính kích động và bị các tổ chức phản động lợi dụng.”, thì hẳn không ai có thể quên.

      Cũng không ai có thể quên được cùng với mấy Kiến nghị nóng hổi nói trên, trang Bauxite Việt Nam đã ra đời như một đòi hỏi chính đáng, tập hợp tiếng nói của những người nhiệt tâm với đất nước, lên tiếng phản biện thẳng thắn, sát sườn đối với những bước đi có thể nói là phiêu lưu của những người đứng đầu Đảng và Nhà nước lúc bấy giờ – vừa tự động ký tắt với nhà cầm quyền Trung Quốc xúc tiến xây dựng nhanh các nhà máy khai thác alumin ở Tân Rai và Nhân Cơ không đếm xỉa đến luật pháp quy định ai mới là người có đủ tư cách để ký, lại vừa ngấm ngầm chia nhỏ dự án thành từng gói nhỏ để khỏi phải đưa ra trình Quốc hội, cốt thực thi Dự án cho nhanh – và cũng hết sức thẳng thắn khi lên tiếng nhắc nhở kịp thời những hành vi không phù hợp đạo đức truyền thống, như thái độ bất nhất, coi thường lời can gián của một bậc thầy như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khiến dân chúng không khỏi ngỡ ngàng, ảnh hưởng rất bất lợi đến tâm lý và hành vi đạo lý trong xã hội…

     Sau mấy tháng hoạt động hết mình như thế, cái giá phải trả mà người trong cuộc cũng như công luận trong ngoài nước không thể nào tin, ấy là người điều hành trang Bauxite Việt Nam đã bị công an thẩm vấn suốt 22 ngày liền, ngay sau cái Tết Âm lịch năm 2010, mặc dù cuối cùng phải thừa nhận ông là một người yêu nước. Còn chính trang mạng – tiếng nói yêu nước mà ông được anh em ủy nhiệm điều hành – thì bị phong tỏa và đánh sập không phải một mà đến hai ba lần.

   Bây giờ đây, khi một thảm họa lớn về kinh tế nối tiếp vụ Vinashin và vụ Vinalines đang lởn vởn như mây đen ở phía chân trời, không hiểu ông Lê Dương Quang có định nói lại một lời cho sòng phẳng với dân chúng và trí thức, về lời phát biểu không thể định danh khác đi là hung hăng của mình cách đây hơn 3 năm rưỡi hay không. Và những cấp cao hơn ông ta nữa, liệu đã tính đến những lời xin lỗi trước Quốc hội về “trách nhiệm chính trị” của mình hay không. Nhưng còn quan trọng hơn, và thiết thực hơn, theo chúng tôi nghĩ, đó là những người chủ chốt đóng vai chủ trương, chỉ đạo và điều hành Dự án bauxite ở Tây Nguyên cần sớm xem xét một cách cầu thị không phải chỉ phương diện kinh tế đã và sẽ thua lỗ như thế nào của dự án này, mà đồng bộ cả bốn mặt đã nêu trong các Kiến nghị phản biện Dự án bauxite Tây Nguyên năm 2009, để thấy đất nước ta đã, đang và sẽ thiệt hại to lớn – những thiệt hại không thể lường tính hết nguy cơ ghê gớm – đến thế nào.

    Và cũng từ những hậu quả nhãn tiền nhìn thấy từ những gì đã triển khai trong ba năm qua, việc kịp thời dừng lại để tránh cho đất nước một vụ Vinashin trong ngành khai khoáng trong gang tấc cố nhiên là cần kíp. Song cũng cần kíp không kém, có lẽ còn là ở chỗ, cần đánh giá lại toàn diện quan điểm dùng người của các vị, khiến các vị đang ngày càng trở nên cô lập.

     Các vị đã nhất mực nghi ngờ, cảnh giác một cách thiếu căn cứ với trí thức, vô hình trung tự mình đẩy những người hết lòng với dân với nước và muốn đem trí tuệ cống hiến cho đất nước, soi tìm cho đất nước một con đường đúng, thành những người đối lập ảo với các vị. Và không cần nói cũng rõ, là kết quả của chủ trương “cảnh giác chính trị” lạ lùng ấy đã làm các vị đâm ra mất minh mẫn, vì chẳng còn mấy trí tuệ, nên việc gì các vị tiến hành cũng… nói như dân gian, “đâm quàng vào bụi”, để lại cho toàn dân những gánh nặng tày đình. Vụ bauxite chỉ mới là một dẫn chứng thôi, còn bao nhiêu vụ khác cũng quan trọng ngang hoặc còn hơn vụ bauxite mà trí thức đã từng cảnh báo, chẳng hạn: đừng nên mê muội trước kẻ thù truyền kiếp là bọn Đại Hán Trung Cộng, vì một thứ không có thực hoặc đã bị chính chúng xóa bỏ trong thực chất là chuyện “ý thức hệ”, chỉ đưa lại chút lợi cỏn con là duy trì lợi ích của một nhúm nhỏ mà đánh mất đi quyền lợi to lớn muôn đời của Tổ quốc, đẩy cả nước ta đến hiểm họa mất nền độc lập tối thiêng liêng mà tổ tiên giữ được hàng ngàn năm nay; hoặc nữa, cũng đừng vì quyền lợi ích kỷ của một tổ chức đang suy thoái trong thực tế mà khăng khăng tìm mọi xảo ngôn này khác để quyết giữ lại bằng được những điều trong bản Hiến pháp vốn đã không còn phù hợp với xu thế phát triển của cả dân tộc này, nó tất yếu sẽ gây ra những tấn kịch không thể nói là tốt đẹp cho chính Đảng Cộng sản và cho cả dân tộc chúng ta.

      Trên đây là những gì có thể tạm gọi là bài học thiết thực mà chúng tôi chân thành gửi đến các vị, mong mỏi các vị hãy nghiêm túc rút ra qua một cuộc thử nghiệm không thành công về kinh tế khi các vị khăng khăng bỏ ngoài tai những lời can gián chân thành của trí thức và quần chúng.
Cũng theo yêu cầu của nhiều người gửi e-mail tới chúng tôi, để bạn đọc xa gần nhớ lại và tìm lại tài liệu về quá trình phản biện dự án bauxite Tây Nguyên, từ nay, BVN sẽ lần lượt đăng lại các bản Kiến nghị đã gửi đến các cấp có thẩm quyền cũng như đã công bố trên các trang BVN phiên bản cũ – nay đã là những trang mạng xấu số – trong năm 2009, cùng một số bài quan trọng khác trong hơn ba năm rưỡi qua, đồng thời cũng sẽ hệ thống hóa những bài viết khác về bauxite kể từ năm 2009 đến nay và làm đường link giúp quý bạn tìm đọc chúng, mà do dung lượng trang mạng có hạn nên không thể đăng lại được.

No comments:

Post a Comment