Nguyễn Chí Đức - Thực
chất đây không phải là góp ý của tôi đối với bản Hiến Pháp 1992 mà là
tôi góp ý cho ĐCSVN. Thực tế đa số đại biểu Quốc Hội nước CHXHCNVN cũng
là đảng viên của ĐCSVN. Tôi đã từng là đảng viên của Đảng này nên tôi
hiểu chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng là tuyệt đối, là nhất quán
trên mọi phương diện, gạt bỏ mọi thao thức từ trái tim mình...
*
*
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
ĐỘC LẬP – TỰ DO – HẠNH PHÚC
***
THƯ GÓP Ý CHO BẢN HIẾN PHÁP 1992
THEO TINH THẦN CHỦ NGHĨA DÂN TỘC
Kính gửi : các cấp lãnh đạo xxx
Đồng kính gửi : các cấp lãnh đạo xxx
Tôi tên là : Nguyễn Chí Đức
Nhân viên : xxx
Nơi làm việc : xxx
Theo công văn số 593/VNPT-VP của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và công văn của đơn vị ta về việc “lấy ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến Pháp 1992”
đối với các cán bộ công nhân viên, tôi hồ hởi viết những dòng tâm huyết
này xin đi thẳng vào vài vấn đề chính. Những điều viết dưới đây là
những suy nghĩ của tôi bấy lâu nay, nếu có gì phật ý lãnh đạo cũng như
trái với đường lối chủ trương hiện nay của Đảng cầm quyền tức là Đảng
Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) xin xem đó là chuyện rất bình thường đối với
vấn đề tự do tư tưởng:
I – GÓP Ý CHO BẢN HIẾN PHÁP 1992
1) Về lời nói đầu:
Theo đánh giá của tôi qua tìm hiểu các tài liệu và tham khảo một số bài
viết của các nhân sỹ-trí thức là quá đề cao ĐCSVN và cố chủ tịch Hồ Chí
Minh, đặc biệt là chủ nghĩa Mác-Lê Nin. Trong khuôn khổ bài viết này,
tôi không thể trích đăng, liệt kê ra những lời nói đầu súc tích, cô đọng
Hiến Pháp của các nước trên thế giới cũng như bản Hiến Pháp 1946 là bản
Hiến Pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Hơn nữa, trong khi lịch sử 4000 năm văn hiến của dân tộc Việt còn có
biết bao công lao của các tiền nhân. Nếu đề tên Hồ Chí Minh vào lời nói
đầu thì bắt buộc phải liệt kê đủ danh sách các anh hùng dân tộc, các
danh nhân trong quá khứ, đặc biệt phải liệt kê cả các vua Hùng đã có
công dựng nước vào trong bản Hiến Pháp. Vậy thì bản Hiến Pháp có khác gì
việc tóm tắt biên niên sử của dân tộc Việt Nam?
Nhìn ra thế giới, hiện nay còn những nước nào ghi chủ nghĩa Mác-Lê Nin
vào Hiến Pháp của nước họ ko? Ngay tại chính quốc của những nước xuất
khẩu, khai sinh chủ nghĩa Mác-Lênin như Đức, Nga họ có còn ưa chuộng và
cổ súy chủ nghĩa Cộng Sản nữa hay không hay phải suy nghĩ ngược ngược
lại?
Vậy tôi đề nghị không nhắc đến Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác-Lê nin vào
lời nói đầu. Từ đề nghị này hiển nhiên cũng không được phép nhắc đến
ĐCSVN vào lời nói đầu.
2) Điều 11:
Chuyển Điều 11 đưa lên trở thành điều đầu tiên của bản Hiến Pháp mới.
Theo quan điểm của tôi “đảng phái chỉ là nhất thời, dân tộc mới là vạn đại”,
các tổ chức chính trị, các chính khách dù hoạt động với mục đích gì,
chủ trương ra sao tối hậu cũng phải vì quyền lợi Quốc Gia.
3) Điều 4:
Theo các nhà khoa học trong vũ trụ (quan sát được) có hơn 80 tỷ thiên hà với ước tính một nghìn tỷ tỷ ngôi
sao. Hệ mặt trời và trái đất nơi có loài người sinh sống chỉ là sự hiện
diện cực kì bé nhỏ trong vũ trụ. Trên trái đất có biết bao chủng loài
thực vật, động vật. Bản thân loài người là một động vật cao cấp cũng đa
dạng về sắc tộc, tiếng nói, chữ viết, nền văn hóa, tín ngưỡng-tôn giáo
và ngay cả cùng một sắc tộc cũng có sự khác biệt về cách sống, suy nghĩ
tùy hoàn cảnh, địa lý thậm chí trong cùng một gia đình thì anh-em cũng
đã khác biệt rồi chứ đừng nói đến xã hội. Giải thích điều này tôi muốn
nói vấn đề đa nguyên, đa dạng là vấn đề tự nhiên và không ai có thể ngụy
biện cho mục đích độc tôn, nhất nguyên luận.
Vì con người sống và trao đổi-giao lưu, tạo ra chiến tranh-hòa bình...
nên xã hội loài người từ đó mới nảy sinh các chủ thuyết chính trị, tôn
giáo rất đa dạng. Những người sáng lập các chủ thuyết ở thời điểm họ
sống đều cao vọng về việc cải tạo xã hội, cải tạo con người hướng
thượng, phát triển theo hướng văn minh hơn, sống yêu thương với nhau.
Việc ưu ái chỉ duy nhất một chủ thuyết chính trị, một chính đảng nào đó
bất luận với mục đích nào vào bản Hiến Pháp là trái với quy luật xã hội
đang diễn ra trên thế giới nói chung và thực tế tình hình chính trị tại
Việt Nam và đương nhiên trái với qui luật tự nhiên mà tôi đã sơ lược
trình bày ở trên.
(Không thể lấy ý chí của 4 triệu người để áp đặt ý chí chung của 86
triệu người còn lại nếu không có sự đồng thuận và trưng cầu dân ý bằng
bỏ phiếu trên toàn lãnh thổ Việt Nam)
Vậy tôi đề nghị:
Điều 4 nói riêng và tất cả các điều khác nói chung không được ưu ái, ám
chỉ cho riêng ĐCSVN. Còn công lao (và cả sai lầm) của Đảng này với dân
tộc Việt Nam thì đã đang và sẽ được ghi vào lịch sử nước nhà. Ngoài ra
đã có những viện bảo tàng, tượng đài-nghĩa trang, văn học dân gian
truyền miệng ghi công đức của các anh hùng, liệt sỹ tham gia kháng chiến
kiến quốc qua các thời kỳ dù theo Cộng Sản hay phi Cộng Sản.
Còn nếu những người nắm quyền lực quyết tâm giữ nguyên điều 4 thì tôi đề nghị phải sửa mục số 2&3 :
Gốc : “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân…”
Sửa : “Các đảng phái, phong trào chính trị gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân…”
Gốc : “Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiếp Pháp”
Sửa : “Các đảng phái, tổ chức, phong trào chính trị hoạt động trong khuôn khổ Hiến Pháp”
4) Điều 9, 10:
Nên gom tất cả các điều này cùng với Điều 4 vào làm một mối về việc qui
định chung cho các tổ chức chính trị, nghiệp đoàn, các hoạt động xã hội,
dân sự nói chung.
5) Điều 13:
Tên nước : CỘNG HÒA VIỆT NAM
Trong thực tế sau 1946, ở miền Bắc tên nước là Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa. Còn miền Nam từ 1955-1975 là Việt Nam Cộng Hòa, bên cạnh đó còn một
lực lượng thân Cộng Sản xưng danh là Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Sau
khi đất nước thống nhất thì tên nước được đổi thành Cộng hòa Xã hội Chủ
nghĩa Việt Nam.
Tên nước dù có đổi đi, đổi lại vẫn dính đến 2 từ “Cộng Hòa” và nước Việt
Nam. Vậy tôi đề nghị đổi tên nước là “Cộng Hòa Việt Nam” còn nếu để tên
cũ vừa dài, vừa không đúng với thực tế của xã hội mà vừa không được
lòng dân cũng như trong giao thiệp quốc tế.
Bản thân chúng ta kể cả người đảng viên của ĐCSVN cũng không thoải mái
với 2 từ “Cộng Sản”. Ví dụ: nếu ai đó là đảng viên của ĐCSVN thì họ tự
hào là Đảng Ta chứ có ai dám nói, vinh dự là người Cộng Sản đâu? Chính
quyền hiện nay là chính quyền Cộng Sản đâu?
Trong khi rõ ràng trên danh nghĩa chúng ta đang phấn đấu tiến tới thiên
đàng theo chủ thuyết Cộng Sản. Nhưng lý thuyết này còn xa xôi, mơ hồ,
mông lung làm sao!
Quốc Ca: bỏ bài hát Tiến Quân Ca
Lời bài hát này rất sắt máu, man rợ không phù hợp với hoàn cảnh xã hội
hiện nay và xu thế hợp tác, toàn cầu hóa trên toàn thế giới. Hơn nữa,
nói một cách thành thực bài hát này giai điệu không hay và hợp lý như
bài “Việt Nam, Việt Nam” của cố nhạc sỹ Phạm Duy hoặc bài Quốc Ca của nước Việt Nam Cộng Hòa (đã mất).
Bài Quốc Ca phải thể hiện tinh thần nhân bản, xây dựng đất nước, nêu bật
tinh thần bất khuất, quật cường của dân tộc ta trong việc chống giặc
ngoại xâm cũng như đề cao tình yêu đồng bào, hòa hiếu, quê hương Việt
Nam.
6) Điều 70:
Gốc: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng Sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân…”
Sửa: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân…”
Thực ra còn nhiều nội dung tôi muốn trình bày nhưng vượt quá chuyên môn
sâu của tôi về những lĩnh vực đang gây ra bất cập trong xã hội, khiếu
kiện, bất công như đất đai, tôn giáo, nông dân, tài chính, tòa án… nên
tôi e rằng sẽ khiếm khuyết nếu cứ muốn trình bày dài lê thê. Hơn nữa
thời hạn nộp bản góp ý trên danh nghĩa đã hết hạn vì lý do chậm trễ nào
đó mà tôi không rõ lý do nên tôi không thể suy nghĩ cho thấu đáo các vấn
đề khác ngay lập tức.
II – GÓP Ý CHUNG CUỘC:
Thực chất đây không phải là góp ý của tôi đối với bản Hiến Pháp 1992 mà
là tôi góp ý cho ĐCSVN. Thực tế đa số đại biểu Quốc Hội nước CHXHCNVN
cũng là đảng viên của ĐCSVN. Tôi đã từng là đảng viên của Đảng này nên
tôi hiểu chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng là tuyệt đối, là nhất
quán trên mọi phương diện, gạt bỏ mọi thao thức từ trái tim mình.
Hiện nay, ĐCSVN là đảng đang cầm quyền cho nên mọi vấn đề tồn vong của
dân tộc phụ thuộc chủ yếu vào Đảng này. Trong quá khứ, ĐCSVN có những
công lao trong công cuộc giải phóng dân tộc, đưa vị thế Việt Nam có tên
trang trọng trên bản đồ thế giới sau gần một thế kỷ bị ngoại bang đô hộ,
can dự tính đến 1975. Điều này tuy còn có nhiều ý kiến tranh luận nhưng
cá nhân tôi phản đối quyệt liệt nếu ai có ý định lợi dụng “đục nước thả
câu” làm chia rẽ, ly khai dân tộc chứ không phải vấn đề học thuật, lịch
sử. Nhưng rõ ràng tôi nhận thấy đến thời điểm này chủ thuyết Cộng Sản
đã lạc hậu, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Những tiến bộ, thành
công trong kinh tế, quản lý xã hội hiện nay ở Việt Nam chẳng có liên
quan gì đến Chủ nghĩa xã hội, chủ thuyết Cộng Sản cả.
Vậy hà cớ gì chúng ta còn khăng khăng bám vào để làm gì? Nói dối nhau và làm khổ nhau ra?
Vậy nên chăng ĐCSVN nên đổi tên trở lại Đảng Lao Động Việt Nam như giai
đoạn 1951 cho đỡ bị dự ứng đối với nhân dân trong nước và trong giao
thiệp quốc tế?
Mặt khác trên cơ sở Đảng Lao Động này, cũng với những tinh hoa, anh tài
đang có sẵn thì soạn ra một cương lĩnh, chủ thuyết hài hòa giữa dân tộc,
thời đại với những chế tài chống chuyên quyền, độc đoán nhằm đưa người
tài lên làm lãnh đạo ngay trong chính nội bộ đảng mình. Nếu Đảng Lao
Động thành thực có tinh thần Quốc Gia, yêu nước tôi tin rằng họ sẽ không
gây cản trở, chèn ép đối với những nhóm/tổ chức/đảng có chủ trương vì
dân nghèo, chống áp bức bất công ra đời.
(Dĩ nhiên lộ trình và quá trình mở rộng chính trị, tự do báo chí, tôn
giáo, lập đảng phải bàn thảo và chung tay của nhiều giai tầng trong xã
hội trên tinh thần hòa hợp, tôn trọng, cảm thông lẫn nhau.)
Chia sẻ chút quyền lợi khiêm tốn của mình đối với những tổ chức chính
trị khác trong thời đại mới có nghĩa là ĐCSVN đã lập một đại công mở ra
một trang sử, bước ngoặt mới cho dân tộc. Còn nếu ĐCSVN bằng mọi giá vẫn
chủ trương chuyên chính, kiểm soát tất cả xã hội bằng công cụ truyền
thông, công an-bộ đội và các nguồn lợi của đất nước thì dĩ nhiên Đảng
này vẫn cầm quyền tuyệt đối nhưng làm chậm sự phát triển của xã hội,
băng hoại nhiều giá trị văn hóa-truyền thống của dân tộc đặc biệt làm
kiệt quệ sức mạnh dân tộc để có thể tự vệ trước kẻ thù truyền kiếp là
Trung Quốc đã đang lăm le thôn tính trên nhiều mặt như kinh tế, văn hóa,
biển đảo.
Xin chân thành cảm ơn các quí lãnh đạo các cấp đã nhận và đọc bản góp ý này của tôi!
Hà nội, ngày 1/3/2013
Người viết thư góp ý
(đã ký tên và gửi đi đến nơi có thẩm quyền)
No comments:
Post a Comment