Hà Minh Thảo (Danlambao) - Khi đọc bài "Quốc tế đánh giá cao quan hệ toàn diện Việt Nam-Mỹ" trên Vietnamplus.vn
ngày 26.07.2013, chúng tôi được biết, do chuyến công du Hoa kỳ của Chủ
tịch nước Trương Tấn Sang, Việt Nam và Hoa kỳ tuyên bố nâng tầm quan hệ
hai nước lên thành đối tác chiến lược toàn diện đã thu hút được sự chú ý
của giới quan sát. Tác giả đã giới thiệu nhận định của hai chuyên gia
sau đây:
1) Cố vấn cấp cao Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế Enrnest Bower
cho rằng quan hệ Việt Mỹ trong tương lai có thể đạt những tiến bộ trên
nhiều mặt từ kinh tế tới an ninh, là bước đi đưa hai nước trở thành đối
tác chiến lược toàn diện trong tương lai, và đây là ‘ngày đẹp nhất’
trong quan hệ hai nước;
2) Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, một chuyên gia về chính trị quan hệ quốc tế
Đại học George Mason (Virginia - Hoa kỳ), đánh giá một tiến trình hợp
tác thực chất ở mức ‘toàn diện’ sẽ giúp cả Hoa kỳ và Việt Nam cùng đạt
được mục tiêu ‘duy trì ổn định và hòa bình trong khu vực’.
Thêm vào đó, báo chí nhà nước đều đồng loạt hoan hô cuộc công du này là
một ‘chuyến đi thành công mỹ mãn’. Đây không điều lạ khi, ngày
09.01.2013, tại Hội nghị Ban Tuyên giáo toàn quốc bàn về tổng kết công
tác 2012 và kế hoạch năm 2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải đồng
ý với Thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn là, thay vì
các đài, báo và toàn bộ bộ máy tuyên truyền ‘lề đảng’ với 17.000 nhà
báo, trên 800 báo, đài do ‘tiền dân đóng thuế’ trang bị với cơ sở và
phương tiện hiện đại, nhưng không ‘định hướng được thông tin’ theo hướng
lãnh đạo muốn mà đã để cho một số blog điện tử độc lập ở trong và ngoài
nước nắm chủ động, chiếm mất ‘trận địa’.
I. Công du trong danh dự
Chính quyền Eisenhower đã gởi lời mời Tổng thống Ngô Đình Diệm công du
chính thức Hoa kỳ được từ năm 1955. Quốc gia này hai lần đã lập lịch
trình tiếp đón nhưng, ngay khi còn là Thủ tướng, ông Diệm quá bận rộn
với quốc sự sau chiến tranh và bị Pháp đô hộ. Nỗ lực tiếp đón và an cư
lạc nghiệp cho 860 ngàn đồng bào di cư tìm tự do từ miền Bắc, sau khi
đất nước bị chia đôi, là một thành quả vượt bực của ông Diệm và Chính
phủ.
Rời Sài gòn ngày 06.05.1957, ông Ngô Đình Diệm và chỉ gồm 7 thành viên
đáp phi cơ đến Honolulu hôm sau, 21 phát đại bác nổ vang chào mừng. Tổng
thống Eisenhower đặc biệt cử Bộ trưởng Ngoại giao John Foster Dulles
đến đón và mời phái đoàn Việt Nam Cộng hòa cùng đáp phi cơ riêng Tổng
thống Mỹ Columbine III để bay đến thủ đô. Đến Los Angeles, Thị trưởng ở
đây ra đón và trao chìa khóa vàng cho ông Diệm. Một buổi yến tiệc được
tổ chức với dao, muỗng, nĩa bằng vàng để thiết đãi. Đến phi trường quốc
gia Andrew (Washington), Tổng thống Việt Nam được chính Tổng thống Hoa
kỳ tiếp đón ngay tại cầu thang phi cơ.
Đồng thời, 21 phát đại bác nổ
vang long trọng chào đón Nguyên Thủ Quốc gia Việt Nam. Theo Wikipedia,
dọc theo đại lộ từ phi trường vào thủ đô, khoảng 50.000 người đứng hai
bên vệ đường để vẫy tay chào tổng thống Ngô Đình Diệm.
Hôm sau, thay mặt đồng bào, Tổng thống Ngô Đình Diệm nhận danh dự đọc
diễn văn tại Lưỡng viện Quốc hội Hoa kỳ, trước các Dân biểu và Thượng
nghị sĩ Liên bang. Số lãnh đạo Á châu được hưởng niềm hãnh diện này chỉ
được đếm trên các ngón tay. Nhân dịp này, Tổng thống Ngô Đình Diệm cám
ơn Nhân dân Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam: "Trong một thời gian kỷ lục, nhờ sự
hy sinh của toàn dân chúng tôi và sự trợ giúp của quý quốc, Việt Nam Tự
do đã thắng được tình trạng hỗn loạn do chiến tranh và Hiệp định Genève
gây ra, hoàn thành cuộc phục hưng xứ sở và ổn định tình thế để 860 ngàn
người di cư có thể dự vào nền kinh tế chung với 13 triệu đồng bào khác.
Tiếp theo, ông Diệm giải thích nền tảng chính trị của mình:
"Đứng trước những khối kinh tế và chính trị cấu thành những áp lực
lớn lao luôn uy hiếp chúng tôi, Dân tộc tôi cảm thấy hơn các Dân tộc
khác sự cần thiết phải xây dựng đời sống chính trị của mình dựa trên một
căn bản rõ rệt và vững chắc và phải triệt để hướng tất cả các giai đoạn
liên tiếp của sự hoạt động chúng ta vào con đường tiến bộ dân chủ ngày
càng sâu rộng phải có căn bản duy linh, với Nhân Vị trong thể chất cũng
như trong cố gắng để đạt tới mức toàn thiện, toàn mỹ về các phương diện
lý trí, đạo đức và thiêng liêng. Chúng tôi xác nhận lòng tin vào giá trị
tuyệt đối của con người có thiên mạng bất diệt và sẵn có phẩm giá từ
khi xã hội được tạo thành. Dân chủ không phải chỉ là hạnh phúc vật chất,
lấy mạnh hiếp yếu. Nhưng bản chất Dân chủ là nỗ lực lâu dài để tìm thấy
những phương tiện chính trị hầu đảm bảo cho mọi công dân có quyền phát
triển tự do và chủ động tối đa trách nhiệm về đời sống tinh thần."
Tổng thống Diệm lưu lại Washington trong bốn ngày để gặp gỡ Tổng thống
Hoa Kỳ, các nhân viên cao cấp Bộ Ngoại giao và những chính khách Mỹ đã
từng giúp đỡ Việt Nam. Ngoại trưởng Dulles và các phụ tá đã đến thăm và
hội kiến với ông Diệm tại Dinh Blair House. Sau khi ông Diệm rời Thủ đô,
Tòa Bạch ốc phát hành một văn kiện ca ngợi ‘Những thành quả đáng kể của
Việt Nam Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của ông’. Tại New York, Tổng thống
được Thị trưởng và Nhân dân thành phố tiếp đón long trong (Ticker Tape
Parade) như đã từng tổ chức để vinh danh các Tướng thắng trận Thế chiến
hay các phi hành gia không gian từ Mặt Trăng trở về. Tổng thống Việt Nam
cũng đã đến nhiều Tiểu bang khác để cám ơn các cá nhân và hiệp hội tôn
giáo đã giúp đỡ để thành công việc định cư đồng bào tị nạn tìm Tự do.
... Năm 1960, theo Nghị quyết Đại hội III Đảng Lao động Việt Nam, Mặt
trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (Việt cộng) được thành lập ngày
20.12.1960 để đánh phá Việt Nam Cộng hòa và giết đồng bào. Dựa lý do
chống Việt cộng, Tổng thống John F. Kennedy đòi đem lính chiến Mỹ vào
Việt Nam, nhưng ông Diệm từ chối vì Việt Nam sẽ mất chính nghĩa và xã
hội bị băng hoại. Bởi thế, nhà nước Mỹ tìm cách lật đỗ Chính phủ ông
Diệm và cơ hội đã đến khi, vì một lệnh về treo cờ Đạo và Quốc kỳ, Phật
giáo cho rằng Tổng thống vi phạm Tự do Tôn giáo. Do đó, ngày 01.11.1963,
các Tướng lãnh nhận tiền của Mỹ để đảo chính Chính phủ hợp pháp và, hôm
sau, tàn sát Tổng thống dân cử và em trai Ngô Đình Nhu. Họ loan báo
trên Đài Phát thanh Sài gòn: hai ông tự tử. Sự nói láo này không được đa
số người dân tin, nên sự tín nhiệm bị mất từ đó. Sau đó, ngày
22.11.1963, Tổng thống Kennedy bị bắn chết. Kẻ chủ mưu lẫn nguyên nhân
cái chết đều không tìm ra.
Chiều ngày 02.11.1963, Hồ Chí Minh, sau khi đọc điện tín báo tin, đã
mừng và nói với một khách đến thăm: "Ông Diệm là địch thủ ghê gớm của
Bác. Nay ông đã bị loại rồi, thì chiến thắng chắc chắn sẽ về với ta".
Khi chính thức bình luận, ông nói: "Ông Diệm là người yêu nước theo cách
của ông ấy". Xin mời đọc ‘Bài học yêu nước qua tấm gương Ngô Đình Diệm’ tại
để
biết sự thật này: khác biệt về hầu hết mọi phương diện. Ông Hồ đã từng
mời ông Diệm tham chính ngày 15.01.1946. Khi ông Diệm bị Việt Minh bắt
tại Tuy Hòa - Phú Yên và bị giải ra Hà Nội để giam giữ tại Tuyên Quang
nhưng được trả tự do theo lệnh ông Hồ năm 1946 và mời ông giữ chức Bộ
trưởng Nội vụ. Vì ông Diệm muốn được rõ các bí mật việc điều hành quốc
sự, nên sự tham chính bất thành. Hai ông quá biết nhau, ông Diệm đã
khẳng khái hỏi: "Tại sao ông giết anh tôi?" (Ngô Đình Khôi và con, Ngô
Đình Huân). Đó là câu hỏi của một người thật can đảm khi trong tay không
một tấc sắt trước ông Hồ đang đầy uy quyền và dưới tay hắn có cả một
nhóm du côn tàn bạo giết người.
Sau khi ông Diệm chết, những điều tiên đoán của ông về đoàn quân viễn
chinh Mỹ trên Đất Việt đã trở thành sự thật.
Ngày 30.04.1975, đúng như
lời ông Hồ nói trên, cộng sản Bắc Việt thôn tính miền Nam và thống nhất
Đất Nước do họ đã cấu kết với thực dân Pháp chia cắt ngày 20.07.1954
bằng tính mạng của hàng triệu đồng bào vô tội Việt Nam và còn đang tiếp
tục… để xây dựng xã hội chủ nghĩa trên Quê Hương.
II. Công du trong hấp tấp
Từ ngày 19 đến 21.06.2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã công du
Trung quốc và lãnh đạo hai nước đã ra Tuyên bố chung Việt-Trung, gồm 8
điểm với 298 lần nhất trí theo Tàu cộng. Ngày 11.07.2013, Nhà Trắng mời
ông Sang viếng Hoa Kỳ từ ngày 23 đến 27.07.2013. Cuộc họp thượng đỉnh
Việt-Mỹ không có tính cách khẩn cấp lúc này khi Tổng thống Barack Obama
phải tập trung vào việc chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20, được tổ
chức tại St. Peterburg (Nga) ngày 05 và 06.09.2013, nhất là việc có họp
riêng với Tổng thống Nga Vladimir Putin hay không vì ông này tìm cách
bảo vệ nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden bị cáo tội phản quốc đang
lưu trên lãnh thổ Nga (ngày 07.08.2013, Tổng thống Obama ông đã hủy cuộc
họp đã lên kế hoạch vào tháng tới với Tổng thống Nga Vladimir Putin,
một quyết định ngoại giao hiếm hoi). Ngoài ra, ông Obama còn phải đối
đầu với Viện Dân biểu do đảng Cộng hòa đối lập kiểm soát trong vấn đề
ngân sách và phải thu hút sự tín nhiệm của cử tri liên bang cho ứng cử
viên tới cho kỳ bầu Tổng thống năm 2016. Tại nước Cờ Hoa, việc tranh cử
không đơn giản như ở các nước độc đảng Việt Nam hay Tàu quốc.
Ngày 23.07.2013, phi cơ đưa Chủ tịch nước Việt Nam và đoàn đại biểu cấp
cao (khoảng 300 người, gồm nhiều tướng công an để giải thích sự tôn
trọng Tự do Tôn giáo) đã đáp xuống sân bay Andrew, thủ đô Washington,
ông Trương Tấn Sang chỉ được ông David Shear, Đại sứ Hoa kỳ tại Hà nội,
đón tiếp không đại bác, thảm đỏ, quốc kỳ và đội quân danh dự…
Các nghi
lễ quá sơ sài so với dân biểu đối lập Miến điện Aung San Suu Kyi, được
Mỹ đón tiếp bởi một Thứ trưởng Ngoại giao, trước đó không lâu.
Ông Sang
cũng không được lưu ngụ tại dinh Quốc khách mà phải thuê phòng ở khách
sạn.
Lý do là vì chức vụ Chủ tịch nước của ông không do dân cử trong một
chế độ đàn áp người dân. Hiện có hơn 160 người vô tội bị giam giữ và
đang gia tăng trong năm 2013. Hậu quả, do ngụ tại khách sạn Marriott
Wardman Park Hotel, ông Sang và phái đoàn đã phải chứng kiến cảnh thú
vị:
"Sáng 24.07.2013, bà Lý Lệ Hoa, một ‘dân oan’ bị trấn đoạt đất đai ở
Việt Nam, đã sang tận Mỹ để trưng biểu ngữ và chính mình trao bức thư
khiếu kiện tới tận tay vợ ông Trương Tấn Sang khiến nhân viên đôi phía
Mỹ-Việt đều bối rối ra sức ngăn cản, nhưng không thành công vì bà Hoa là
khách hàng của khách sạn.
Ngày 24.07.2013, Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry mời Chủ tịch nước và
phái đoàn tham dự bửa ‘working lunch’ (làm việc khi ăn trưa) tại Bộ
Ngoại giao. Chủ và khách chỉ nhắc cho nhau những lời lẽ xã giao và kỷ
niệm đã qua hơn những dự kiến tương lai. Ngày 25.07.2013, tại tòa Bạch
cung, Tổng thống Hoa kỳ Barack Obama đã tiếp và họp kín với Chủ tịch
nước Việt Nam Trương Tấn Sang và hai bên đã đưa ra Bản Tuyên Bố Chung
gồm 9 điểm với 3 điều quan trọng:
1. Hợp tác chính trị và ngoại giao tức lập quan hệ đối tác toàn diện
Việt Nam-Hoa kỳ trao đổi cấp cao cũng như sự liên lạc ở tất cả các cấp.
Tổng thống Mỹ ủng hộ một Việt Nam độc lập, chủ quyền, thịnh vượng và hội
nhập vào cộng đồng quốc tế. Chủ tịch Việt Nam hoan nghênh sự tăng cường
hợp tác của Hoa Kỳ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhằm góp phần
vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.
2. Quan hệ thương mại và kinh tế, nhị Vị cam kết đi đến kết luận một
quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tiêu chuẩn cao, một cách
toàn diện, thỏa thuận càng sớm càng tốt trong năm nay, để tạo việc làm
tại Hoa kỳ, Việt Nam, và các nước thành viên khác.
3. Thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, hai lãnh đạo thấy cần có đối thoại
thẳng thắn và cởi mở để hiểu biết nhau và thu hẹp về những khác biệt về
nhân quyền và tầm quan trọng bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền.
Đọc 3 điểm đó, chúng ta có thể nghĩ để được Chính phủ Hoa kỳ ký kết và
Quốc hội chuẩn nhận ‘lập quan hệ đối tác toàn diện Việt–Mỹ’ và ‘gia nhập
TPP’ hay không đều tùy thuộc Việt Nam có ‘bảo vệ và thúc đẩy nhân
quyền’ hay không. Sau phiên họp, trước báo chí, tại phòng Bầu dục, Tổng
thống Obama có nhắc ông Trương Tấn Sang: "Hoa kỳ tiếp tục tin tưởng tất
cả chúng ta đều phải tôn trọng những vấn đề như tự do phát biểu, tự do
tôn giáo, tự do hội họp." (the United States continues to believe that
all of us have to respect issues like freedom of expression, freedom of
religion, freedom of assembly). Như vậy, ông Trương Tấn Sang chỉ nhận
được những hứa hẹn với điều kiện thực thi nhân quyền.
III. Những suy nghĩ
1. Hấp tấp. Video cuộc tiếp xúc với báo chí của hai ông Obama và Sang
cho thấy: Ở phút 12, khi Chủ tịch Sang đang nói phát biểu thì Tổng thống
Obama đưa tay vào túi áo và rút một mảnh giấy ra đọc. Sau đó, phút 16,
ông kéo cổ tay áo sơ-mi để xem đồng hồ, ngụ ý nhắc giờ ông Sang đã ‘nói
lâu quá'.
2. Thật vậy, ông Sang đã ‘nói lâu quá' khi ông cảm tạ Chính phủ Hoa kỳ
về sự chăm sóc hết sức chu đáo đối với người Mỹ gốc Việt hàng chục năm
qua’. Điều này thật dư thừa khi khoảng 2.000 người này đang biểu tình
phản đối ông và nhà nước cộng sản đang đàn áp dã man và bỏ tù đồng bào
vô tội trong nước. Hơn nữa, tại Hoa kỳ, không có chuyện ‘hồng hơn
chuyên’, cũng không cần ‘thủ tục đầu tiên’ hay ‘ô dù’, nên những ai có
khả năng đều được trọng dụng và, nhờ đó, nước Mỹ luôn có một nền kinh tế
cường thịnh.
Muốn Việt Nam được tiến bộ hơn, người cộng sản đang cầm
quyền nên noi theo các quốc gia tiền tiến khác để mọi công dân có chuyên
môn được góp phần phục vụ Đất Nước và đồng bào. Như vậy, Việt Nam có
thể thiết lập ‘hợp tác chính trị và ngoại giao’ và ‘quan hệ thương mại
và kinh tế’ với bất cứ nước nào mà vấn đề nhân quyền không bị đặt ra.
3. Tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cho rằng người Mỹ
gốc Việt biểu tình chống ông Sang đến Hoa kỳ vì ‘chút hận thù cuối
cùng’ hay ‘chỉ vì đồng tiền’ đã làm rõ bộ mặt xấu xa của cán bộ phụ
trách về người Việt hải ngoại. Những người này đã bỏ tài sản cho cán bộ
cộng sản thu lấy để đi tìm tự do, dù nguy hiểm trên biển cả. Chiếm và ăn
hết tài sản bỏ lại, chúng lại cướp đất đai, hoa lợi của đồng bào.
Trường hợp điển hình:
Đỗ Văn Ca dẫn công an đi cướp thủy sản do công sức
gia đình Anh Đoàn Văn Vươn nay đã được thăng Tướng. Mong các ông Hoàng
Duy Hùng, HO Nguyễn Đạt Thành… nên nghĩ lại về nhân cách của Nguyễn
Thanh Sơn, để đừng gây lầm lẫn nơi đồng bào.
4. Thời Việt Nam Cộng hòa, khi người dân bị viên chức hành chánh vượt
quyền thì họ có thể tìm đến Dân biểu đơn vị để xin can thiệp. Ngày nay,
thời xã hội chủ nghĩa, các Đại biểu Quốc hội không làm nhiệm vụ này nữa
do vì họ không được cử tri bầu mà chỉ sợ Đảng không tín nhiệm, nhất là
đối với những dân oan và người tù vô tội. Do đó, các nạn nhân này phải
nhờ sự giúp đỡ của các dân cử ngoại quốc. Khả năng lập pháp của họ rất
kém nên các điều khoản 79, 88, 258...
Bộ luật hình sự đang bị các Tổ
chức Nhân quyền Quốc tế và các Dân cử làm luật nhiều Cơ quan Lập pháp
thế giới chỉ trích. Đảng cộng sản đã tạo nên những hình ảnh không đẹp
này cho Đất Nước và Dân Tộc Việt Nam trên chính trường Thế giới.
No comments:
Post a Comment