Tổ Quốc trên hết
Sunday, August 25, 2013
Trở Ngại Của Người Việt Nằm Ngay Trong Chính Mình
Gần đây, ông Lê Hiếu Ðằng, một đảng viên cộng sản 45 năm tuổi đảng, đã có bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” đăng trên trang Bauxite Vietnam, và những bài trả lời phỏng vấn (“Lê Hiếu Ðằng: Cần cho lập thêm các đảng đối lập với đảng Cộng sản Việt Nam,” RFI), (“Luật gia Lê Hiếu Ðằng: ‘Một xã hội dân sự mạnh mới mong huy động được sức mạnh của toàn thể dân tộc để chống lại bành trướng Bắc Kinh,’” Bauxite Vietnam)…
Qua đó, ông Lê Hiếu Ðằng công khai nói về việc đảng cộng sản đã phản bội lý tưởng cách mạng, phản bội nhân dân, phản bội những người góp phần xây dựng nên chế độ trong đó có ông, cũng như việc cần thiết phải dân chủ hóa, đa nguyên đa đảng để cứu đất nước thoát khỏi tình thế bế tắc và nguy cấp hiện tại.
Ông kêu gọi thành lập đảng Dân Chủ Xã Hội để công khai đấu tranh với đảng cộng sản.
Tiếp lời ông Lê Hiếu Ðằng, ông Hồ Ngọc Nhuận trong bài “Phá xiềng,” kêu gọi mọi người đứng vào hàng ngũ đảng Dân Chủ Xã Hội “để tính toán nợ nần với quá khứ lịch sử, với dòng tộc, với chính mình; giũ sổ với đảng cầm quyền toàn trị; mở một trang mới cho tương lai dân tộc.”
Ông Lê Hiếu Ðằng và ông Hồ Ngọc Nhuận đều là những đảng viên cộng sản kỳ cựu, từng nắm giữ những chức vụ, vị trí quan trọng trong bộ máy của nhà cầm quyền.
Trước đó nữa, ông Lê Hiếu Ðằng là một trong các “lãnh tụ” sinh viên trong phong trào đấu tranh tại Sài Gòn và các đô thị Miền Nam trước 1975, ông Hồ Ngọc Nhuận là dân biểu đối lập thời VNCH, giám đốc chánh trị chủ bút nhật báo Tin Sáng.
Do đó, không có gì khó hiểu khi lời kêu gọi của hai ông được cả nhà cầm quyền, các đảng phái chính trị khác cho tới người dân trong và ngoài nước chú ý.
Phản ứng của nhà cầm quyền bộc lộ qua việc “lệnh” cho báo chí “lề đảng” tung ra hàng loạt bài đánh vào ông Lê Hiếu Ðằng trên báo Quân Ðội Nhân Dân, Ðại Ðoàn Kết, Nhân Dân… Báo Quân Ðội Nhân Dân còn mở cả mục “Dư luận phê phán tác giả Lê Hiếu Ðằng” về “Kiến nghị lỗi thời, nhận thức sai lệch.”
Như hầu hết những bài viết đứng về phía đảng và nhà nước cộng sản, những luận điểm trong các bài viết trên cũ rích, mà người dân đã phải nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần.
Nào đâu cứ phải có nhiều đảng là có dân chủ, đa nguyên đa đảng đã chắc gì sẽ mang lại tốt đẹp hơn hay chỉ tổ rối loạn, hãy nhìn các nước láng giềng “mất ổn định” ra sao, mùa Xuân cách mạng ở các nước Ả rập đã mang lại điều gì hay chỉ tranh giành quyền lực đẫm máu…
Nào đảng cộng sản có công đánh thắng Pháp, Mỹ, thống nhất đất nước, đem lại độc lập tự do cho dân tộc, cũng là đảng duy nhất đã đưa đất nước vượt qua bao nhiêu gian khó thời bình, cho nên đảng cộng sản có quyền tiếp tục lãnh đạo đất nước, v.v…
Và cũng như những bài viết trước đây, “nhân dân” luôn luôn được vơ vào mà không hề được hỏi ý kiến, chẳng hạn, nhân dân Việt Nam không cần đa nguyên đa đảng, nhân dân đã chọn lựa đảng cộng sản là đảng duy nhất cầm quyền, chọn lựa con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội…
Có lẽ không cần phải đập lại những luận điệu nói lấy được này nữa bởi đã có nhiều bài viết trả lời lại, đăng trên trang Bauxite Vietnam, Ba Sàm, Dân Luận…
Thời đại hiện nay đã khác, người dân không còn bị bưng bít thông tin như trước để khi đảng cộng sản nói gì họ cũng tin, cũng nghe theo.
Cộng với thực trạng đáng buồn của đất nước sau gần 40 năm thống nhất, những gì diễn ra trên thế giới từ sự sụp đổ của Liên Xô và khối XHCN ở Ðông Âu, xu hướng dân chủ hóa không thể cưỡng lại trên toàn cầu…
Tất cả đã khiến cho những luận điệu ngụy biện của “đảng ta” trở nên không còn lọt tai nổi, và rõ ràng là từ lâu nay trên mặt trận truyền thông, lý luận, “đảng ta” đã hoàn toàn thất bại thảm hại, từ đội ngũ bồi bút trên báo đảng cho tới đám dư luận viên trên mạng.
Trong khi nhà cầm quyền thông qua mạng lưới báo chí quốc doanh ra sức đả kích ông Lê Hiếu Ðằng, ông Hồ Ngọc Nhuận vì sợ mất ngôi vị độc tôn lãnh đạo đất nước, thì từ phía những người chống Cộng, cũng xuất hiện nhiều dư luận đả kích trên một số diễn đàn, báo chí độc lập.
Phần lớn nhắm vào “lý lịch, nhân thân” của hai ông. Phản ứng này người ta từng thấy đối với những người bị gọi là “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản” như hai ông Lê Hiếu Ðằng, Hồ Ngọc Nhuận, những người “thân Cộng” trước năm 1975 như ông André Menras, tên Việt là Hồ Cương Quyết, hay những người từng là cộng sản “gộc” như Ðại tá Bùi Tín chẳng hạn.
Bất kể bây giờ những con người như vậy đã thức tỉnh ra sao, những người chống Cộng cực đoan thường không tin vào sự thực lòng của họ.
Người Việt mình vốn có thói nghi kỵ, chia rẽ sâu sắc mà nguyên nhân là từ thực trạng đất nước bị chia cắt bao nhiêu năm, cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn diễn ra quá lâu, cộng thêm những chính sách sai lầm nghiêm trọng của chế độ cộng sản sau ngày thống nhất.
Từ đó ngay trong một số người gọi là dân chủ, đang đấu tranh vì một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước cũng có những đặc tính không khác gì nhà cầm quyền cộng sản: chụp mũ, bôi nhọ, vu khống…
Nếu như nhà cầm quyền hở chút lại vu khống những người dân chủ là phản động, là thế lực thù địch, thì những người chống Cộng cực đoan cũng sẵn sàng chụp mũ cho người khác là Việt Cộng hoặc “chim mồi,” “cánh tay nối dài”… của Việt Cộng.
Trên con đường dài đấu tranh đòi lại tự do dân chủ, đoàn kết là điều quan trọng trước tiên. Bất cứ ai chỉ cần nhận ra hoặc không hài lòng với đảng cộng sản, với chế độ, muốn thay đổi, là đủ để cùng chí hướng.
Khi đã xác định dân chủ hóa, đa nguyên đa đảng là cần thiết thì việc thành lập càng nhiều đảng càng có sự cạnh tranh. Việt Nam rồi sẽ có những chính đảng trong đó đa phần là cựu đảng viên cộng sản, có đảng đa phần là người dân trong nước, có đảng đa phần là người Việt ở hải ngoại…
Tất cả cùng một mục tiêu chung là vì một nước Việt Nam tự do, dân chủ, pháp trị, tam quyền phân lập. Sau này khi đảng cộng sản đã bị lật đổ hoặc tự diệt vong, đất nước đã thay đổi về mặt thể chế chính trị, lúc đó người dân sẽ chọn lựa đảng cầm quyền thông qua hình thức bầu cử.
Việc cần thiết phải thành lập các đảng đối lập để đấu tranh công khai với đảng cộng sản, buộc đảng cộng sản phải thay đổi đã đành, mà còn để chuẩn bị nhân sự, chuẩn bị quá trình chuyển giao quyền lực sau này.
Kinh nghiệm gần nhất từ đất nước Myanmar, đảng đối lập Liên Minh Quốc Gia Vì Dân Chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi có cơ hội tham gia vào bộ máy cầm quyền từ cuộc bầu cử Quốc Hội 2012. Nếu một ngày nào đó bà Aung San Suu Kyi có lên làm tổng thống thì cá nhân bà và đảng của bà đã có kinh nghiệm trong việc điều hành đất nước, sẽ không xảy ra những rối loạn đáng kể.
Ngược lại, các nước Ả Rập sau khi Cách Mạng Hoa Lài thành công, lật đổ chế độ độc tài thì việc khủng hoảng nhân sự, khủng hoảng về kinh nghiệm điều hành lãnh đạo đất nước đã dẫn đến rối loạn, nội chiến như hiện nay.
Bước chuẩn bị là tốt cho cả những người đấu tranh vì dân chủ lẫn nhà cầm quyền. Nếu nhà cầm quyền ngay từ bây giờ không chấp nhận một sự cạnh tranh chính trị lành mạnh mà cứ thẳng tay đàn áp để nắm giữ quyền độc tôn lãnh đạo, thì khi tình thế tức nước vỡ bờ diễn ra, chính họ sẽ phải chịu số phận không có đường lui trước tiên.
Vì tương lai, vận mệnh sống còn của đất nước, dân tộc, con đường dân chủ hóa là không thể đảo ngược.
Vấn đề bây giờ là cùng nhau suy nghĩ, đóng góp vào tiến trình đó một cách êm thấm và tích cực, trong đó nguyên tắc đầu tiên là tôn trọng sự khác biệt của người khác, học để có văn hóa tranh luận, học để hành xử một cách dân chủ.
Nói như ông Lê Hiếu Ðằng, những việc đã qua hãy để cho lịch sử phán xét, đây là lúc cùng hành động, hướng tới tương lai.
Việt Nam, do số phận đặc biệt, cộng thêm việc đã từng nhỡ tàu bao nhiêu lần trong quá khứ, càng cần phải thay đổi trước Trung Quốc.
Bởi khác với Trung Quốc, Việt Nam, nếu đảng cộng sản còn tiếp tục cầm quyền thì chắc chắn sẽ mất nước vào tay Trung Quốc.
Song Chi
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment