Thực chất là một văn bản sáo mòn, hô khẩu hiệu, thùng rỗng kêu to với những ngôn từ cũ rích, sử dụng vào bất kỳ giai đoạn nào cũng hợp lý, vẫn thường được soạn dẵn cho các nhà lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam (ÐCSVN).
Một văn bản đầy tính mị dân, giả dối, không hơn không kém.
Khi nó về lĩnh vực nông nghiệp, ông thủ tướng nói:
“Ðột phá trong quản lý nông nghiệp bắt đầu từ khoán 10 đã đưa Việt Nam từ thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản hàng đầu thế giới (…)Thực hiện đường lối đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, đóng góp to lớn vào thành tựu trung của đất nước”.
Vào ngày 17 tháng 11 năm 2007, trong phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc Hội, Bộ Trưởng Nông Nghiệp Cao Ðức Phát nói rằng: “Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo mà hàng năm vẫn còn hàng trăm nghìn đồng bào chỉ được ăn cơm khi ngày lễ, ngày Tết, khi bị ốm”, theo tờ điện tử VNExpress.
Bi kịch trên kéo dài triền miên. Hơn 6 năm sau, khi ông thủ tướng hoa chân múa tay khoe “thành tích” thì cùng lúc 11 tỉnh xin cấp gạo cứu đói vào dịp Tết Giáp Ngọ này.
11 tỉnh gồm Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Kom Tum.
Không riêng các tỉnh miền Trung vừa trải qua trận lụt chưa từng thấy, mà các tỉnh vùng cao vào dịp Tết Nguyên Ðán và giáp hạt 2014 cũng lâm vào tình trạng thiếu ăn.
Thiếu đói diễn ra không chỉ vào năm nay. Trong năm 2011, tỉnh Thanh Hóa có tới 93.283 hộ (241.558 nhân khẩu) thiếu đói lương thực, theo số liệu tổng hợp của Sở Lao Ðộng Thương Binh và Xã Hội Thanh Hóa.
Trong khi đất nông nghiệp bị cưỡng bức thu hồi cho các dự án đầu tư, sân golf… khiến nông dân mất ruộng, thì từ nhiều năm nay người nông dân vẫn phải đối mặt với nghịch lý khác là xuất khẩu nhiều nhưng không có lãi, thu không đủ bù chi, dẫn đến tình trạng bỏ ruộng.
Tổng chi phí cho một sào ruộng (khoảng 500 m2) từ tiền cày, bừa, phân, thuốc trừ sâu, tuốt, chuyên chở… vài năm gần đây giá chỉ 5 ngàn đến 5, 5,5 ngàn đồng/kg, cộng lại đã suýt soát tiền bán lúa. Nông dân gần như trắng tay sau một thời gian dài đổ mồ hôi. Ðấy là chưa nói đến thiên tai như hạn hán hay lũ lụt. Nhiều hộ thà bỏ không ruộng còn hơn là vất vả gieo trồng để cuối cùng cũng không thu được lời lãi gì.
Ở các huyện Quảng Xương, Hậu Lộc, Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa có tới 1,037 hộ bỏ hoang đất ruộng lúa chiếm 67 héc ta, để đi làm nghề phụ.
“Trung bình một sào ruộng được mùa đạt 3 tạ lúa, trừ mọi chi phí công cày, phân bón, thuốc cỏ, thuốc sâu… may ra chỉ còn lãi được 100-200 ngàn đồng/sào/vụ. Vụ nào lúa dưới 3 tạ thì coi như lỗ. Ði làm công nhân mưa không tới mặt, nắng không tới đầu, công việc cũng không đến nỗi vất vả một tháng cũng kiếm được 2.5-3 triệu đồng”, chị Nguyễn Thị Thu, công nhân tại nhà máy may Ivory trên địa bàn huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, cho biết, theo tờ VietNamNet.com ngày 15 tháng 8, 2003.
Trong khi đó, nông dân tỉnh Quảng Nam cũng bỏ hoang nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp, mặc dù đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, do quá trình đô thị hóa. Nguyên nhân là do tình hình sản xuất kém hiệu quả, chi phí sản xuất cao, mùa màng thất bát, sâu bệnh, chuột bùng phát… Ðặc biệt là thiếu nước tưới phục vụ sản xuất đối với vụ hè thu hàng năm.
Một vấn đề khác là phát triển thủy điện ào ạt, đặc biệt ở miền Trung, bất chấp gây tác hại cho môi sinh trong khi nông dân phải di dời vào các khu tái định cư.
Ở Phú Yên nơi có nhiều công trình thủy điện, tỷ lệ hộ nghèo trên 60%, có xã trên 80%, còn ở khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ có tỷ lệ hộ nghèo đạt đỉnh 89.58%.
Trong 5 năm qua, thống kê ở 20 tỉnh, thành phố đã có 298,093 lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, nhưng chỉ có 177,894 lao động có việc làm. Theo Bộ Nông Nghiệp việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp đã tác động đến đời sống của trên 627,000 gia đình, 95,000 lao động, 2.5 triệu nhân khẩu nông nghiệp. Trung bình mỗi hộ bị thu hồi đất ở có 1.5 lao động không có việc làm, mỗi ha đất nông nghiệp bị thu hồi có tới 13 lao động mất việc làm phải chuyển đổi nghề nghiệp.
Nghèo đến mức không ngóc đầu lên nổi và tình trạng thất nghiệp đang là một trong những vấn đề xã hội bức xúc nhất ở nông thôn Việt Nam. Người nông dân phải bỏ lại sau lưng đất đai, ruộng vườn, nhà cửa, di chuyển đến nơi tha phương cầu thực. Ðời sống ngày một khó khăn hơn vì thiếu đất sản xuất và những bất cập trong công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư.
Trong việc xuất khẩu và tiêu dùng lúa gạo có một nghịch lý: Nông dân làm ra lúa và bán lúa tại ruộng, nhưng hiệu quả lãi lỗ của họ lại bị quyết định bởi những “giao dịch mua bán” của một số ít doanh nghiệp đi “ký kết” với nước ngoài.
Hệ thống tiêu thụ lúa gạo dường như bị quản lý độc quyền bởi tổng công ty lương thực, thực phẩm miền Bắc và miền Nam. Nhưng các tổng công ty cũng không phải là nơi nông dân trực tiếp bán được lúa gạo, mà phải bán qua thương lái, như là một cánh tay nối dài của các công ty thu mua lương thực. Hai chiếc thòng lọng, công ty lương thực nhà nước và thương lái cùng xiết cổ người nông dân.
Các nhóm lợi ích trong nông nghiệp hiện nay bắt đầu nổi lên khá rõ. Gạo ở Việt Nam muốn đến tay người tiêu dùng thế giới đều phải “qua tay” các doanh nghiệp xuất khẩu. Lợi dụng sự hạn chế trong việc tiếp thu thông tin trên thị trường thế giới, cộng với yếu tố cuộc sống của người nông dân vẫn đang còn nhiều khó khăn, nhóm các doanh nghiệp đầu mối mặc sức ép giá gạo của người trồng lúa với lý do “gạo bán ra thế giới không được”. Trong mọi trường hợp, nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu không bao giờ bị lỗ vì họ mua gạo từ nông dân với giá thấp hơn nhiều.
Không chỉ bị ép giá bán, người nông dân còn đang rơi vào vòng luẩn quẩn “bán lúa mua gạo” vì chính sách tạm trữ lúa gạo của nhà nước mà qua đó lợi ích thuộc về các doanh nghiệp mua tạm trữ. Bởi theo quy định, nhóm này được vay nguồn vốn ưu đãi lãi suất 0% khi mua tạm trữ lúa gạo, nhưng lại không hề bị ràng buộc theo những cơ chế về lộ trình mua, giá cả… Chính vì vậy, nhóm này thường chọn mua lúa gạo vào đúng thời điểm bão hòa thị trường gạo, tức là khi người dân đã hết chỗ chứa lúa và hết tiền tái đầu tư. “Chiêu thức” này giúp nhóm doanh nghiệp mua dự trữ kiếm bộn tiền từ chính những chính sách ưu đãi của nhà nước.
Ông Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong thông điệp:
“Nhà nước phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường; kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh (…) Phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”.
Nhưng Hiến pháp 2013 đã mặc định doanh nghiệp nhà nước nắm “vai trò chủ đạo”, những lời của ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ là sự hô hào sáo rỗng, như gió bay vào nhà trống. Chế độ chẳng thể nào tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng. Người nông dân sẽ luôn luôn bị đặt vào “vị trí trung tâm” của nghèo đói và thua thiệt.
Tại cuộc hội thảo “Bức tranh nông thôn, nông dân Việt Nam nhìn từ cuộc điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình” tại Hà Nội hôm 27 tháng 6 năm 2015, ông Nguyễn Duy Lượng, phó chủ tịch trung ương Hội Nông Dân Việt Nam nói, nông dân Việt Nam sở hữu nhiều cái nhất: “Ðông nhất, nghèo khổ nhất, chịu nhiều thiệt thòi nhất, bất lực nhất, dễ bị tổn thương nhất”…
Bao đời nay, từ thời thực dân phong kiến tới thời xã hội chủ nghĩa, thân phận của người nông dân chẳng khác gì nhau:
Ngẩng đầu lên chẳng thấy mặt trời
Kiếp trâu cày chạy bữa đứt hơi
Gãy xương sống mòn vai cứ khổ
Con mới lớn đã còng lưng đi ở
Vợ đùm cơm chạy nợ nát bàn chân…
Kiếp trâu cày chạy bữa đứt hơi
Gãy xương sống mòn vai cứ khổ
Con mới lớn đã còng lưng đi ở
Vợ đùm cơm chạy nợ nát bàn chân…
Lê Diễn Ðức (RFA)
No comments:
Post a Comment