- “...Dân
chủ không phải là một khuynh hướng chính trị mà là một quyền. Và đã là
quyền thì chỉ có đòi hỏi chứ không thể thảo luận và nhân nhượng... Chúng
ta có quyền và họ chỉ có lỗi. Đừng đảo lộn vị thế. Chúng ta không có
bổn phận phải khiêm tốn, chính họ phải khiêm tốn...”
Bài viết đầu năm của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng giống nhưng bài
viết trước đây của ông và của các cấp lãnh đạo cộng sản khác. Nó là một
chuỗi những khẩu hiệu đã được nhắc lại quá nhiều lần, một sự liệt kê
lộn xộn những điều nên hoặc cần làm và những kể lể thành tích cường điệu
trái với sự thực và bất chấp sự thực, trong một bài mà nhiều chữ hoa,
chấm, phẩy, xuống dòng là những bôi bác đối với tiếng Việt.
Thí dụ:
"Đảng ta đã khẳng định Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực trong
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dân chủ cũng là xu thế khách quan trong tiến
trình phát triển của xã hội loài người. Từ chế độ nô lệ lên chế độ
phong kiến và từ chế độ phong kiến lên chế độ tư bản là những bước tiến
dài về dân chủ. Chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng phải
ưu việt hơn về dân chủ và Đảng ta phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ. Tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước cũng là nhằm phát huy
tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân. Dân chủ sẽ phát huy khả năng sáng
tạo của mỗi người, góp phần xóa bỏ mặc cảm, tăng cường gắn kết xã hội và
khối Đại đoàn kết toàn dân tộc". (1)
Hoặc:
"Phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 5,8%;
GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.100 USD; kim ngạch xuất khẩu tăng
khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; tốc độ tăng
giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội
bằng khoảng 30% GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước 5,3% GDP. Tỷ lệ hộ
nghèo giảm 1,7%-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho
khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới
4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%; thu nhập bình quân đầu người
tăng khoảng 20%". (1)
Tuy vậy thông điệp này đã được nhiều trí thức có tên tuổi bình luận một cách thuận lợi bởi vì nó nhắc nhiều lần đến "dân chủ" và "thể chế",
những khái niệm nhậy cảm hiện nay. Nhiều vị đánh giá nó là chuyên chở
một chỉ dấu chuyển động theo chiều hướng tốt. Có vị, như ông Tương Lai
nếu tôi không lầm, còn nhiệt tình đến mức độ cho rằng ông Nguyễn Tấn
Dũng đã nói mạnh dạn ở mức độ tối đa, ông không thể nói rõ hơn được vì
như thế ông sẽ không còn là thủ tướng. Họ phấn khởi với thông điệp này
và chờ đợi ông Dũng thể hiện những hứa hẹn bằng hành động.
Sự phấn khởi này, mà nhiều người bình tĩnh hơn không chia sẻ, có lý do
của nó: lý do tâm lý chủ quan. Chúng ta quá mong đợi dân chủ và thay đổi
thế chế, chúng ta thấy sự kéo dài của chế độ này quá vô lý, chúng ta
tin rằng không thể nào những người cầm đầu chế độ lại có thể mù quáng
đến độ không thấy rằng chế độ của họ phải thay đổi nhanh chóng. Từ đó
chúng ta mong ngóng mọi chỉ dấu xác nhận niềm tin của chúng ta và nhiều
trí thức đã đón nhận thông điệp của ông Nguyễn Tấn Dũng trong tâm lý đó.
Nhưng liệu họ có quá lạc quan và lấy ước mong làm sự thật không? Liệu
chúng ta có gán cho các cấp lãnh đạo cộng sản những "thiện chí" mà họ
không hề có không?
Ông Dũng nói tới "dân chủ" và "đổi mới thể chế", nhưng
điều này hoàn toàn không có gì mới. Các văn kiện của Đảng Cộng Sản Việt
Nam và thông điệp của các lãnh đạo khác cũng đều đã nói tới, thậm chí
hiến pháp của chế độ cũng đã đề cao dân chủ như một giá trị. Điều khác
biệt đã khiến một số người phấn khởi là ông Dũng đã nhắc lại nhiều lần
hai khái niệm này, dân chủ được lặp lại hơn 20 lần, đổi mới thể chế hơn
10 lần trong một bài viết khoảng 4000 chữ.
Nhưng nhắc lại như thế nào? Thật là đáng ngạc nhiên khi người ta có thể
bình luận bài viết của ông Dũng mà không đặt câu hỏi ông có sử dụng cùng
một ngôn ngữ với những người bình thường không. Những người tán thành
ông Dũng hình như cho rằng ông cũng có cùng một định nghĩa về "dân chủ"
và "đổi mới thể chế" như những người dân chủ; điều này hoàn toàn sai và
khiến tất cả những phát biểu lạc quan của họ trở thành lạc đề.
Đối với mọi người có chút hiểu biết về chính trị dân chủ là cách tổ
chức xã hội trên nền tảng nhà nước pháp trị phân biệt lập pháp, hành
pháp và tư pháp, trong đó ít nhất ba quyền tự do sau đây được tôn trọng:
1/ tự do ngôn luận và báo chí; 2/ tự do tham gia và thành lập các tổ
chức, gọi tắt là tự do kết hợp; 3/ tự do bầu cử và ứng cử vào các chức
vụ công quyền. Một thể chế dân chủ đầy đủ hơn phải tuân thủ bản
Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập và hai công ước đính kèm. Các văn kiện này
định nghĩa một chế độ dân chủ.
Người cộng sản có một cái nhìn khác hẳn về dân chủ. Đối với họ dân chủ
có nghĩa tất cả mọi quyền không phân biệt lập pháp, hành pháp và tư pháp
tập trung trong tay ban lãnh đạo của đảng cộng sản, tự phong là những
người đại diện chân chính của nhân dân dù không do nhân dân bầu ra. Cái
thứ dân chủ đó được bà phó chủ tịch Nguyễn Thị Doan đánh giá là ưu việt
gấp triệu lần dân chủ như chúng ta hiểu.
Có mọi triển vọng là trong thông điệp này ông Dũng vẫn hiểu dân chủ như ĐCSVN hiểu từ trước đến nay vì ông viết: "Thực hiện Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2014".
Như thế có nghĩa là lập pháp (quốc hội) và chính phủ (hành pháp) chỉ là
những công cụ trong tay ban lãnh đạo đảng cộng sản. Ở một đoạn khác ông
viết: "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước cũng là nhằm phát huy tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân".
Không thể rõ ràng hơn được. Dân chủ của ông Dũng và dân chủ của những
người dân chủ không chỉ khác nhau mà còn đối chọi với nhau. Điều mà ông
Dũng muốn là tăng cường hơn nữa quyền lực vốn đã ngột ngạt của đảng cộng
sản trong khi đối với mọi người Việt Nam bình thường dân chủ có nghĩa
là giảm quyền lực trước khi bãi bỏ độc quyền của đảng cộng sản. Phải cố
tình lạc quan mới có thể đánh giá bài viết của ông Dũng là thuận lợi cho
dân chủ.
Vả lại ông Dũng cũng không giấu "dân chủ" của ông là gì. Ông viết: "Dân chủ là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Vậy thì dân chủ theo ông Hồ Chí Minh là gì?
Nó cũng là thứ dân chủ bịp
bợm như đảng cộng sản hiểu hiện nay nhưng còn mang thêm đặc tính khủng
bố đẫm máu. Năm 1946, sau khi cướp được chính quyền ông cho tổ chức hai
đảng cuội, Đảng Dân Chủ và Đảng Xã Hội, với toàn bộ những người lãnh đạo
là đảng viên đảng cộng sản, còn những đảng khác -Việt Nam Quốc Dân
Đảng, Đại Việt, Duy Dân v.v. – ông thẳng tay tàn sát. Lúc đó không thể
đổ lỗi cho ai cả, chính ông Hồ Chính Minh là người có toàn quyền và
không ai có thể làm trái ý ông. Dân chủ của ông Hồ Chí Minh là như thế,
và đó là thứ dân chủ mà ông Nguyễn Tấn Dũng muốn phát huy. Ai đồng ý?
Cũng đừng quên là ông Dũng đã làm thủ tướng từ 2006 và từ đó chính sách
đàn áp những người dân chủ đã hung bạo hẳn lên.
Những thanh thiếu niên
như Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh chỉ rải vài tờ rơi với
lời lẽ rất ôn hòa mà cũng bị xử 9 năm và 7 năm tù. Trần Huỳnh Duy Thức
16 năm. Vi Đức Hồi bị xử 5 năm tù chỉ vì chính quyền cộng sản cho rằng
anh có thể là một ngọn cờ. Thày giáo Đinh Đăng Định phản đối dự án Bôxit
Tây Nguyên bị xử 6 năm tù và hiện nay dù đang bị ung thư vẫn còn tiếp
tục bị giam cầm. Linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng trước tòa và tuyên
án 8 năm, hiện nay vẫn ở tù dù đã bại liệt. Hung bạo và ác độc. Nguyễn
Tấn Dũng không thể đổ lỗi cho guồng máy bởi vì ông là người nhiều quyền
lực nhất trong tám năm qua. Vả lại rõ ràng là những bản án năng nề một
cách quá đáng dành cho Cù Huy Hà Vũ và Trần Huỳnh Duy Thức đã do chính
ông quyết định. Năm 2007 sau khi Việt Nam gia nhập WTO đầu tư nước ngoài
đã dồn dập đổ vào Việt Nam, khối lượng đầu tư vào nước ta cao hơn tổng
số đầu tư vào các nước trong vùng. Những vụ án chính trị thô bạo này, và
sự phục tùng Trung Quốc quá rõ rệt, đã khiến vốn nước ngoài dần dần bỏ
đi.
Một điểm khác đã gây hứng khởi cho một số trí thức, xin nhắc lại là chỉ
một số mà thôi, là ông Dũng đã nhắc lại nhiều lần nhu cầu đổi mới thế
chế. Nhưng ở đây sự ngộ nhận còn khổng lồ hơn nữa bởi vì sự "đổi mới thể
chế" đã xong rồi! Cùng ngày với bài viết của ông Dũng một bản hiến pháp
mới vừa bắt đầu có hiệu lực với mục đích "thể chế hóa cương lĩnh của Đảng"
theo lời tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bản hiến pháp này buộc các lực
lượng võ trang phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng Sản Việt Nam. Nó
phủ nhận chủ quyền của dân tộc Việt Nam và định nghĩa ĐCSVN như một lực
lượng chiếm đóng. Đó chính là "đổi mới thể chế" mà ông Dũng nói tới vì
ông viết trong thông điệp này: "Hiến pháp sửa đổi năm 2013 vừa được
Quốc hội thông qua đã mở ra không gian Hiến định mới để chúng ta thực
hiện tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh" (1). Không thể minh bạch hơn. Vậy có gì để mong đợi ở thông điệp này của ông Dũng?
Những ai hy vọng ở một chút thành tâm của ông Dũng cũng cần nhìn lại cách đánh giá tình hình kinh tế xã hội của ông, theo đó:
"Kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, tăng trưởng cao hơn và lạm phát thấp
hơn năm 2012. Văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường có bước tiến bộ" (1).
Hãy thử hỏi một người dân thường xem đời sống của họ ra sao, khá hơn
hay kém đi, trong năm 2013 thì sẽ được ngay một câu trả lời dứt khoát.
Thực tế là kinh tế Việt Nam đã khủng hoảng nặng trong năm 2013 và đời
sống dân chúng đã sa sút bi đát. Trong cuộc thảo luận tại quốc hội không
đầy hai tháng trước đây, ngày 24/10/2013, ông bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu
Tư Bùi Quang Vinh đã phải kêu lên "doanh nghiệp bây giờ khó khăn, chết hết rồi!" (2).
Ông Dũng đã quá khinh thường người đọc. Giả dối hơn nữa là khi ông đưa
ra những chỉ tiêu đẹp đẽ cho năm 2014 trong phần chú thích đã được trích
dẫn ở đầu bài này nhưng cũng nên nhắc lại một lần nữa: "Phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 5,8%; (...) thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 20%"
(1). Theo lời ông Bùi Quang Vinh thì ông đã trình ông Dũng rằng chỉ
tiêu tăng trưởng 5,8% này không thể nào đạt được, nhưng ông Dũng vẫn ra
lệnh cứ để chỉ tiêu như thế bởi vì (ông Vinh nhắc lại lời ông Dũng) "ông mà bảo nó còn có 5,1-5,2 thì ông chết".
Nhưng ngay cả 5,1% cũng chỉ là một con số hoang tưởng. Thực tế là kinh
tế Việt Nam sẽ khủng hoảng nặng trong năm 2014, một trong những lý do là
đầu tư sẽ giảm mạnh. Ông Vinh nói "đầu tư phát triển đang giảm một cách mạnh mẽ, năm nay là năm giảm nhất trong lịch sử Việt Nam" (2) và ông báo động: "Chúng
ta còn đang lo lắng là chúng ta tụt hậu so với những nước mà trước đây,
bây giờ không dám so với Thái Lan, Indonexia, Malaysia đâu, tôi đang lo
rằng là cả với những nước Campuchia, Lào - những nước trước đây quá lạc
hậu so với chúng ta" (2). Con số tăng trưởng 5,8% giả dối một cách
lỗ mãng, ông Dũng biết như thế. Nhưng nếu ngay cả lấy nó làm giả thuyết
thì làm sao thu nhập bình quân đầu người có thể tăng 20% với tỷ lệ tăng
trưởng 5,8%? Trừ khi dân số Việt Nam giảm 15% trong năm 2014!
Thông điệp đầu năm của ông Dũng không chỉ không có gì mới, nó còn sai và
vớ vẩn. Điều duy nhất chắc chắn trong thông điệp này là giá điện sẽ gia
tăng, và tăng nhiều, trong năm nay.
Cũng nên lưu ý rằng thông điệp này - cũng như các phát biểu gần đây của
các cấp lãnh đạo cộng sản khác - hoàn toàn không còn nói đến chống tham
nhũng. Sau những kêu gào thống thiết như "quốc nạn" và "nội xâm"
tham nhũng đã chỉ tăng lên chứ không giảm đi. Các cấp lãnh đạo cộng sản
đã nhìn nhận rằng họ không thể đẩy lùi được tham nhũng. Lần này họ có
lý. Kinh nghiệm của mọi quốc gia đã chứng tỏ rằng không bao giờ có
trường hợp một chính quyền tham nhũng tự cải tiến để bớt tham nhũng cả,
giải pháp duy nhất đối với một chính quyền tham nhũng là thay thế nó
bằng một chính quyền khác. Giải pháp duy nhất cũng là giải pháp bắt buộc
vì nếu không chống được tham nhũng thì đất nước không có tương lai.
Vậy tại sao vẫn còn một số trí thức đánh giá bài viết của ông Dũng là
đáng chú ý? Đó là vì thời điểm mà nó được đưa ra. Ông Dũng đang đứng
trước những chọn lựa quan trọng cho cá nhân ông cũng như cho phe đảng
của ông. Theo nhiều nguồn tin đáng tin cậy bản hiến pháp vừa được ban
hành đã do chính ông và phe đảng của ông chủ xướng trước đại hội đảng
thứ 11, vào lúc mà ông Dũng tin chắc sẽ nắm được chức tổng bí thư đảng
kiêm chủ tịch nước. Nhưng tình thế đã không diễn ra như ông mong đợi.
Quá nhiều vụ bê bối mà ông phải chịu trách nhiệm đã bị phanh phui và ông
đã không nắm được chức tổng bí thư. Sau cùng thì bản hiến pháp này trở
thành một đe dọa đối với ông bởi vì chức vụ thủ tướng của ông bị mất hết
nội dung và mọi quyền lực từ nay thuộc về chủ tịch nước Trương Tấn
Sang. Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn nuôi hy vọng phản công trong đại hội đảng
thứ 12 sắp tới. Và muốn như thế ông cần hậu thuẫn của dư luận. Một sự
kiện mà những người dân chủ phải ý thức thực rõ rệt là đảng cộng sản đã
phân hóa tới độ không phe nào làm chủ được tình thế cả, dư luận xã hội
vì thế có ảnh hưởng ngày càng lớn trong những tranh giành nội bộ. Bài
viết của ông Dũng phản ánh tình trạng mới này và là một động tác nhắm
tranh thủ cảm tình của nhân dân Việt Nam trước đại hội 12.
Nhưng còn hai năm nữa mới tới đại hội 12. Từ đây tới đó có thể còn nhiều
thay đổi lớn và dự liệu tương lai không phải là sở trường của ông Dũng.
Sự tự tin của ông trước đại hội 11 là một thí dụ. Một thí dụ khác là
cuối năm 2007 trong chuyến công du Hoa Kỳ ông đã tới chiêm bái Alan
Greespan để ngưỡng mộ một thiên tài kinh tế; vài tháng sau đó Greenspan
được nhìn như là thủ phạm chính của cuộc khủng hoảng lớn nhất và dài
nhất trong lịch sử thế giới. Người ta cũng có thể kể việc ông bỏ tiền ra
mua đô la Mỹ vì sợ nó sẽ quá mất giá so với đồng bạc Việt Nam, hay
chuyện gói kích cầu 8 tỷ USD năm 2009 v.v... Mỗi lần ông Dũng và bộ tham
mưu của ông dự đoán điều gì thì điều ngược lại xảy ra. Lần này ông hy
vọng sẽ giành được thắng lợi trong đại hội 12 bằng những động thái tranh
thủ nhân tâm như bài viết này và ông lại lầm to. Năm 2014 và năm 2015
sẽ là những năm cực kỳ đen tối, đời sống nhân dân sẽ suy sụp thê thảm,
phẫn nộ sẽ lên rất cao và Nguyễn Tấn Dũng sẽ bị nhìn như là người chịu
trách nhiệm. Ông sẽ mất hết uy tín trước đại hội 12, nếu đại hội này vẫn
diễn ra. Phe đảng của ông cũng sẽ tan rã vì nó chỉ là một kết hợp quyền
lợi và sẽ bốc hơi nhanh chóng khi không còn quyền lợi để chia chác.
Nguyễn Tấn Dũng và những người thân cận của ông sẽ trở thành những con
dê tế thần lý tưởng để xoa dịu sự phẫn nộ của quần chúng. Ông sẽ chỉ có
hy vọng thoát hiểm nếu dám nhanh chóng và táo bạo đứng hẳn vào hàng ngũ
dân chủ, đáp ứng một cách quả quyết nguyện vọng dân chủ của nhân dân để
được nhìn như nhịp cầu cần thiết bắc sang kỷ nguyên dân chủ.
Một giai đoạn mới vừa mở ra trong đó sinh hoạt kinh tế xã hội suy thoái
dần, đời sống nhân dân liên tục sa sút, bất mãn tăng cao, đảng cộng sản
chao đảo và tranh chấp trong nội bộ chế độ ngày càng gay gắt. Cuộc vận
động dân chủ đang đứng trước một vận hội không thể bỏ lỡ để những khó
khăn mà đồng bào ta đang và sẽ còn phải chịu đựng không vô ích.
Những đánh giá khác nhau về thông điệp của ông Dũng chứng tỏ rằng những
người dân chủ cần thống nhất với nhau về một thái độ chung, và đúng, đối
với đảng cộng sản và những cấp lãnh đạo của nó để đừng buộc tội lẫn
nhau là nhu nhược, hoang tưởng hay cực đoan.
Nhưng thái độ nào?
Trước hết phải khẳng định dân chủ mà chúng ta muốn là dân chủ theo nghĩa
mà thế giới văn minh hiểu, nghĩa là dân chủ đa nguyên chứ không phải
dân chủ theo ông Hồ Chí Minh hay bà Nguyễn Thị Doan. Chúng ta có thể
thỏa hiệp về một giai đoạn chuyển tiếp trong một thời gian vừa phải
nhưng mục tiêu phải được khẳng định ngay từ đầu là xóa bỏ độc quyền
chính trị của đảng cộng sản. Phải khẳng định thái độ đối lập với chế độ
độc đảng, đối lập ôn hòa nhưng công khai và quả quyết.
Phải thẳng thắn và dứt khoát. Chúng ta có thể ủng hộ một khuynh hướng
trong ban lãnh đạo cộng sản nếu họ thực sự chủ trương dân chủ hóa đất
nước và chia sẻ cùng một khái niệm dân chủ như chúng ta, nhưng chúng ta
không có bổn phận phải nghe ngóng từng dấu hiệu thiện chí nào của họ,
càng không nên cố tình hành hạ lý luận để tưởng tượng ra những thiện chí
mà họ không có. Chính họ phải rất minh bạch nếu muốn được ủng hộ. Những
người từng được một địa vị nào đó trong chế độ phải nghĩ rằng cuộc sống
của họ đáng lẽ còn vinh quang hơn nếu không có đảng cộng sản. Trừ một
thiểu số tay sai hãnh tiến không ai phải mang ơn và do đó phải bảo vệ
đảng cộng sản cả.
Phải dõng dạc và quyết liệt. Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập và hai công
ước đính kèm của nó định nghĩa một chế độ dân chủ. Dân chủ và nhân quyền
chỉ là cùng một khái niệm nhìn dưới hai góc khác nhau; dân chủ là nhân
quyền dưới góc nhìn xã hội trong khi nhân quyền là dân chủ dưới góc nhìn
cá nhân.
Dân chủ không phải là một khuynh hướng chính trị mà là một quyền.
Và đã là quyền thì chỉ có đòi hỏi chứ không thể thảo luận và nhân
nhượng. Những người lãnh đạo cộng sản kế tiếp nhau đã lạm quyền quá lâu
và chúng ta đã chịu đựng quá nhiều. Chúng ta có quyền và họ chỉ có lỗi.
Đừng đảo lộn vị thế.
Chúng ta không có bổn phận phải khiêm tốn, chính họ
phải khiêm tốn. Nhất là khi thành tích của họ chỉ là khiến nước ta tụt
hậu thê thảm so với thế giới. Họ vẫn có chỗ đứng trong lòng dân tộc,
nhưng không thể đòi chỗ đứng trên đầu dân tộc.
Chúng ta không chỉ có quyền mà còn có thế. Họ bơi ngược dòng thác tiến
hóa của nhân loại. Chế độ của họ đang sống những ngày cuối cùng và sắp
sụp đổ. Chúng ta là tương lai tất nhiên phải đến và sắp đến. Họ cao ngạo
chỉ vì chúng ta quá khiêm tốn.
Cuộc đấu tranh giành tự do và dân chủ hiện nay không giống những cuộc
đấu tranh khác trong lịch sử. Vũ khí của nó là trí tuệ và nhân cách vì
thế nó phải xuất phát từ trí thức và do trí thức lãnh đạo. Và trí thức
trước hết là một thái độ.
(01/2014)
_____________________________________
(1) Nguyễn Tấn Dũng - Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của
Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển
nhanh và bền vững (thông điệp ngày 01-01-2014)
No comments:
Post a Comment