Thursday, February 6, 2014

Cộng sản Việt Nam nói có là không - nói không là có


“Báo cáo Quốc gia về thực hiện quyền con người ở Việt Nam” của Bộ Ngoại Việt Nam đọc trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 05/02/2014 ở Geneve, Thụy sỹ là một thảm kịch không những đã bôi nhọ danh dự của một Quốc gia mà cả Dân tộc Việt Nam vì nói dối nhiều quá. 

Phúc trình dài 20 trang của Việt Nam đã được gửi cho Ban Thư ký Hội đồng Nhân quyền ngày 31/10/2013, là một trong số 14 nước đến kỳ hạn phải báo cáo theo “cơ chế kiểm định kỳ phổ quát” (UPR, The Universal Periodic Review), chu kỳ II của Liên Hiệp Quốc. Chu kỳ I được tổ chức ngày 08/05/2009.

13 quốc gia khác phải báo cáo phần nước mình tại kỳ họp Kỳ 18 từ ngày 27/01 đến 07/02/2014 gồm New Zealand (Tân Tây Lan), Afghanistan, Chile, Cambodia (Cao Miên), Uruguay, Yemen, Vanuatu, The former Yugoslav Republic of Macedonia, Comoros, Slovakia, Eritrea, Cyprus và the Dominican Republic. 

Theo lời trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc thì: “Báo cáo này được soạn thảo theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 60/251 ngày 15/3/2006 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Nghị quyết số 5/1 ngày 18/06/2007 và Quyết định số 17/119 ngày 19/6/2011 của Hội đồng Nhân quyền nhằm kiểm điểm tình hình thực hiện các quyền con người trên lãnh thổ Việt Nam.”

Vậy Việt Nam báo cáo “hay ho và thật thà” như thế nào mà phải vận hành đến hết trí tuệ của các “chuyên viên về quyền con người” thuộc 16 Bộ, Cơ quan và 2 Ủy ban Quốc Hội để khoe với Thế giới? 

Bộ Ngoại giao Việt Nam trình với Liên Hiệp Quốc: “Việc soạn thảo Báo cáo được thực hiện bởi Nhóm Công tác liên ngành gồm các cơ quan thuộc Chính phủ và Quốc hội liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy các quyền con người: (1) Văn phòng Chính phủ, (2) Bộ Ngoại giao, (3) Bộ Tư pháp, (4) Bộ Công an, (5) Bộ Nội vụ, (6) Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, (7) Bộ Thông tin và Truyền thông, (8) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, (9) Bộ Y tế, (10) Bộ Giáo dục và Đào tạo, (11) Bộ Xây dựng, (12) Bộ Tài nguyên và Môi trường, (13) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, (14) Ủy ban Dân tộc, (15) Tòa án Nhân dân Tối cao, (16) Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, (17) Ủy ban Pháp luật và (18) Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối soạn thảo Báo cáo.” 

(Ghi chú: Đánh số thứ tự do Tác giả bài viết này thực hiện) 

Bộ Quốc phòng được miễn tham gia, nhưng có chắc “quyền con người” của trên 1 triệu người lính đã được tôn trọng tuyệt đối trong Quân đội? 
Nhưng đâu phải chỉ có chính quyền trung ương được tham gia ý kiến vào báo cáo quan trọng này mà còn có cả hàng hà sa số người khác cũng đã được hỏi ý để “đánh cho thật bóng” bảng hiệu “quyền con người” của Việt Nam. 

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nói: “Báo cáo được xây dựng một cách toàn diện nhờ sự đóng góp ý kiến của các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và người dân. Dự thảo báo cáo đã được đăng công khai trên website của Bộ Ngoại giao. Hình thức tham vấn được lựa chọn là lấy ý kiến đóng góp qua hộp thư điện tử và qua một số cuộc họp tham vấn về nhiều chủ đề cụ thể. Quá trình tham vấn là cơ hội đối thoại cởi mở, thẳng thắn giữa Nhóm soạn thảo và tất cả các bên liên quan. Các ý kiến đóng góp được Nhóm soạn thảo tổng hợp, bổ sung vào Báo cáo. Một hội thảo quốc gia được tổ chức sau đó, đã trở thành diễn đàn để các bên quan tâm cùng trao đổi, thảo luận về nội dung Báo cáo, giúp khẳng định rõ các bước phát triển mới trong việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, đồng thời chỉ rõ các thách thức cần giải quyết và các hướng ưu tiên nhằm đem lại sự thụ hưởng tốt nhất các quyền con người của người dân.”

Như vậy có phải là “quyền làm người và quyền công dân” của trên 90 triệu người Việt Nam đã được Nhà nước bảo đảm trong mọi lĩnh vực rồi phải chăng? 

Mặt trái - Mặt phải

Chưa hẳn đã được như thế vì vô số những vấn đề nêu trong Báo cáo là không có thật hay đã bị đổi “trắng thay đen” và ngược lại để đánh lừa những ai không biết gì về “cách ăn nói” của người Cộng sản Việt Nam. 

Sau đây là sự thật đã bị lật tẩy trong Báo cáo của Việt Nam: 

Thứ nhất, trong mục “Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền con người”, Báo cáo viết: “Xây dựng Nhà nước Pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và đảm bảo các quyền con người được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001). Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, quyền công dân được triển khai đồng bộ và xuyên suốt thông qua các chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội và các chính sách, cơ chế nhằm triển khai các Luật và văn bản luật này trên thực tế.”

Điều này hoàn toàn sai vì nhân dân đã bị áp đặt phải chấp nhận guồng máy cai trị không do dân bầu ra, không đại diện cho dân vì Nhà nước này là của đảng “duy nhất cầm quyền” Cộng sản Việt Nam dựng lên để phục vụ cho quyền lợi của Đảng.

Càng sai hơn khi Báo cáo khoe khống lên rằng: “Ưu tiên cao nhất của Việt Nam trong việc kiện toàn hệ thống pháp luật hiện nay là đẩy mạnh quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Mục tiêu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là đảm bảo sự đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị phù hợp với tình hình và những phát triển mới về dân chủ, tiếp tục ưu tiên phát huy nhân tố con người, thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.” 

Nhưng “dân chủ” có đồng nghĩa với “dân làm chủ” hay chỉ là chiếc bánh vẽ đã có trong tất cả 5 Bản Hiến Pháp 1946,1959,1980, 1992 và 2013? 

Vì vậy, khi ông Hà Kim Ngọc nói rằng “Dự thảo Hiến pháp sửa đổi dành toàn bộ chương II quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Ngoài ra, nội dung quyền con người cũng được quy định tại nhiều điều khác của dự thảo sửa đổi Hiến pháp” là ông không nói thật với Liên Hiệp Quốc. 

Bởi vì Điều 14 trong Chương này đã viết rằng: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”

Nhưng có ai giải thích được, hay đã có Luật nào của Việt Nam quy định thế nào là “lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”

Sang Điều 15 cũng “ấm ớ hội tề”, “lấp lửng con cá vàng” và “đánh bẩy” như thế này: 

1. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. 
2. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. 
3. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. 
4. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Thế nào là “lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”

Đến Điều 16 cũng “hoang tưởng” không kém, trong đó có 2 câu: 

1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 
2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. 

Vì Báo cáo của Việt Nam với Liên Hiệp Quốc không kèm theo bản dịch ra tiếng nước ngoài Hiến pháp 2013 nên không ai biết Đảng và Nhà nước CSVN đã “kỳ thị” những công dân theo đạo Công giáo và những Tôn giáo không chịu gia nhập “Giáo hội” của Nhà nước tồi tệ như thế nào. 
Họ cũng không sao hiểu được “mặt sau” của Điều 16 Hiến pháp viết: 

1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 
2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. 

Vì thực tế, sau ngót 40 năm chấm dứt cuộc chiến Tháng Tư năm 1975 và đất nước đã thống nhất, quy về một mối trong tay đảng CSVN, có người nước ngoài nào biết được số phận hẩm hiu của Quân và Dân miền Nam Việt Nam đã phải trải nghiệm cay đắng như thế nào? 

Cho đến ngày nay, có mấy người ngoại quốc biết rằng dù Nhà nước vẫn huyênh hoang “đoàn kết toàn dân, xóa bỏ hận thù, quên đi quá khứ” nhưng “những người bại trận và con cháu họ” từ Vỹ tuyến 17 vào tận mũi Cà Mâu vẫn còn bị ngược đãi khi vác đơn đi xin việc làm và đi học, dù có giỏi hơn con cán bộ chục lần, vẫn khó mà chui vào được biên chế Công chức của nhà nước?

Đến Điều 20 của “Chương II quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân” mà Báo cáo của Việt Nam đã “làm to chuyện” cho hoa mắt Liên Hiệp Quốc thì cũng hoàn toàn “phản bội trắng trợn” với những gì đã xảy ra cho “hàng chục người tù lương tâm” đang bị giam hãm với các điều kiện ăn uống, vệ sinh và y tế thiếu thốn và ngặt nghèo nhất.

Điều này viết: 

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. 

2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam giữ người do luật định. 

Thế còn những vụ đàn áp dã man bởi những tay anh chị Công an “vai u, thịt bắp”, Dân phòng và Côn đồ vũ phu chống người dân vô tội chỉ muốn bảo vệ quyền sống và quyền làm chủ tài sản, ruộng vườn đã và đang diễn ra ở khắp mọi nơi thì sao, có phải là vi phạm “quyền con người không?”

Bịp và Bợm 

Thứ hai, Báo cáo Việt Nam cũng khoe không biết ngượng mồm rằng: “Dự thảo Hiến pháp sửa đổi được đăng công khai để lấy ý kiến đóng góp của của các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân nhằm đảm bảo quyền làm chủ và phản ánh đầy đủ hơn tâm tư, nguyện vọng, chính kiến của mọi tầng lớp nhân dân. Việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân được bắt đầu từ ngày 02/01/2013 và tính đến tháng 8/2013, đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý cho Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, trong đó tập trung nhiều nhất vào nội dung Chương II về các quyền con người và quyền công dân. Các ý kiến đóng góp được tổng hợp đầy đủ, chính xác và được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nghiên cứu tiếp thu, giải trình nhằm hoàn thiện...”

Đoạn này được viết ra chỉ để “bôi tro, trát phấn” vào mặt Nhà nước mà thôi. Làm gì có chuyện lấy ý kiến để “đảm bảo quyền làm chủ và phản ánh đầy đủ hơn tâm tư, nguyện vọng, chính kiến của mọi tầng lớp nhân dân”?

Con số “hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý cho Dự thảo Hiến pháp sửa đổi” là son số không biết nói nhưng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng đã biết có bao nhiêu triệu cán bộ, đảng viên, binh lính và công dân đã “đành nhắm mắt đưa chân” cho khỏi bị làm rắc rối khi họ viết “đồng ý” trăm phần trăm?

Nhưng khi Báo cáo nói rằng góp ý của dân đã “tập trung nhiều nhất vào nội dung Chương II về các quyền con người và quyền công dân” là hoàn toàn bịp bợm không có “cầu chứng” tại tòa! 

Cũng thắc mắc tại sao Báo cáo không dám nói đến mấy triệu con người, trong đó có nhóm 72 Trí thức và các Giáo hội Công giáo, Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Tin Lành độc lập và Phật giáo Hòa hảo Thuần Túy (Cụ Lê Quang Liêm), Thanh niên, Sinh viên, Học sinh, cựu đảng viên và viên chức Nhà nước đã ký tên đòi hủy bỏ Điều 4 Hiến pháp cho phép đảng CSVN tiếp tục độc quyền lãnh đạo đất nước? 

Báo-đài của ai?

Trong lĩnh vực tự do ngôn luận, tự do báo chí, Báo cáo “quyền con người” của Việt Nam trắng trợn viết rằng: “Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam đã được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật; được đảm bảo ngày càng tốt hơn nhờ sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng. Các cuộc tranh luận, chất vấn, phản biện về chủ trương, chính sách tại Quốc hội, các cuộc tọa đàm, tranh luận, các thông tin đa chiều trên phương tiện thông tin đại chúng về mọi vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, với sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội và người dân là thực tiễn diễn ra hàng ngày trong đời sống của người dân Việt Nam. 

Việc Dự thảo Hiến pháp sửa đổi được đăng công khai và nhận được hơn 26 triệu ý kiến đóng góp là một minh chứng rõ nét về tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến của người dân đối với những vấn đề quan trọng của đất nước. Dự án Luật tiếp cận thông tin cũng đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII nhằm cụ thể hóa các quy định trong Hiến pháp về quyền được thông tin của công dân.”

Đoạn viết trên đây “hoàn toàn che lấp một sự thật” là các báo, đài của nhà nước đã không dám đăng Bản Dự thảo Hiến pháp Dân chủ của nhóm 72 Trí thức, không dám đăng những ý kiến chỉ trích Điều 4 Hiến pháp và Ủy ban Soạn thảo Dự thảo Hiến pháp cũng không dám công khai các “ý kiến trái chiều” xem người dân có còn muốn đảng CSVN cầm quyền nữa hay không? 

Ngược lại báo-đài chính phủ đã được lệnh “tấn công tàn mạt” những ai chỉ trích bản Dự thảo Hiến pháp. 

Tưởng nói nhiêu đó cũng đủ ngượng rồi, không ngờ Báo cáo còn hồ hởi phang thêm: “Báo chí đã trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân, là công cụ quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của xã hội, các quyền tự do của nhân dân và trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt về quyền con người. Mọi người dân đều có quyền đề đạt nguyện vọng, bày tỏ chính kiến, đóng góp ý kiến về tất cả các vấn đề chính trị, kinh tế xã hội, văn hóa thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều cơ quan báo chí đã chủ động, tích cực trong việc phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, vi phạm quyền con người, quyền công dân và các biểu hiện tiêu cực khác.” 

Viết “phấn khởi và trôi chảy” như thế tưởng rằng đã che mắt” được Liên Hiệp Quốc khi ai cũng biết các “tổ chức xã hội” là của đảng, không phải của dân vì người dân Việt Nam chưa bao giờ được phép lập hội và biểu tình như quy định trong Hiến pháp!

Và mọi người trên Thế giới đều biết Việt Nam cấm tư nhân ra báo thì tự do báo chí có còn là của dân nữa không? 

Ngay cả các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược đất liền và biển đảo của Việt Nam còn bị đàn áp dã man vì Nhà nước sợ những người cầm quyền ở Bắc Kinh hơn sợ dân thì quyền bảo vệ Tổ quốc có phải là “quyền con người” Việt Nam hay quyền của ai?

Tự do Tôn giáo - Tín ngưỡng

Sang lĩnh vực Tôn giáo của dân, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bịp Liên Hiệp Quốc như thế này: “Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, với sự hiện diện của các tôn giáo được truyền vào từ bên ngoài như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo… và các tôn giáo được hình thành trong nước như đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa... Nhiều tôn giáo có bề dày lịch sử và cũng có những tôn giáo mới hình thành. 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, trong đó trên 24 triệu người là tín đồ của các tôn giáo khác nhau (so với khoảng 20 triệu người năm 2009). Tính trên cả nước có khoảng 25 ngàn cơ sở thờ tự và 45 trường đào tạo chức sắc tôn giáo. 

Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; coi trọng chính sách đoàn kết và hòa hợp giữa các tôn giáo, đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật.”

Trên cơ sở đánh giá thực tiễn hoạt động tôn giáo tại Việt Nam, tháng 11/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 92/2012/NĐ-CP quy định chi tiết về biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo với nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh hoạt tôn giáo của người dân.”

Sự thật về sinh hoạt của các Tôn giáo không chịu chui vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bị kỳ thị và áp chế như thế nào thì các Tổ chức Tôn giáo và Nhân quyền trên Thế giới, cũng như Liên hiệp Châu Âu, Liên Hiệp Quốc và Chính phủ và Quốc hội Mỹ đều đã biết rõ, không cần phải “tô son điểm phấn” làm gì cho rát mặt thêm. 

Còn khi khoe Nghị định 92/2012/NĐ-CP hay ho ra sao thì chỉ cần hỏi ba Giáo hội Công giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất và Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy xem họ đã phản đối như thế nào từ hai năm qua sẽ tìm ra ngay bộ mặt trái lem luốc và quỷ quyệt của nó.

Như vậy thì cuộc điều trần của Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc về “thực hiện quyền con người ở Việt Nam” với Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc có thay đổi được bộ mặt son phấn lòe loẹt của Đảng và Nhà nước Việt Nam không, hay ông chỉ làm cho mặt mũi Việt Nam xấu xí hơn và làm cho Dân tộc Việt Nam xấu hổ lây? 


(02/014) 

No comments:

Post a Comment