Wednesday, March 12, 2014

Con buôn Trung Quốc tự do lừa nông dân Việt Nam hám lợi


HÀ GIANG 2-3 (NV) - Con buôn Trung Quốc tự do lừa gạt nông dân hám lợi muốn kiếm tiền nhanh chóng mà không hiểu hậu quả nghiêm trọng cho cả mình lẫn nền kinh tế cả nước.

conbuon tc thaoqua 1Cây thảo quả với những chùm quả chín đỏ chờ hái ở một khu vườn ở tỉnh Điện Biên. (Hình:dienbientv).

Vụ mới đây nhất, theo báo Thanh Niên hôm Chủ Nhật, bắt đầu từ ngày 10 Tháng Hai, thương lái Trung Quốc tung tin thu mua mầm thảo quả với giá gần 50,000 đồng/kg, trong khi giá bán cao nhất vào dịp giáp Tết chỉ từ 16,000 đến 18,000 đồng/kg ở khu vực các xã giáp biên giới tỉnh Hà Giang như Tùng Vài, Tà Ván, Cao Mã… mà họ đang ồ ạt thu mua với giá cao bất bình thường.

   Theo nguồn tin, ở trong điều kiện bình thường, người trồng thảo quả vẫn tỉa mầm ở những diện tích có mật độ ra mầm lớn mang bán để chế biến thành các món ăn. Tuy nhiên, nếu chủ vườn lại chặt mầm ồ ạt thì thiệt hại kinh tế là rất lớn.

Tờ Thanh Niên thuật lời ông Nguyễn Đức Vinh, giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang, xác nhận, ngoài huyện Quản Bạ, tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua mầm thảo quả đúng vào thời kỳ sinh trưởng cao gấp nhiều lần so với giá bình thường được phát hiện ở các địa bàn giáp biên ở huyện Yên Minh.

Nguồn tin cho biết tỉnh Hà Giang và nhiều địa phương biên giới phía Bắc, thảo quả là “cây xóa đói giảm nghèo” vì có giá trị kinh tế cao. Mùa vụ năm 2013, giá mua thảo quả tại Hà Giang phổ biến 29,000 đồng/kg, nếu chăm sóc tốt, năng suất thảo quả có khả năng đạt khoảng 2.5 tấn/ha.

Thảo quả là loại cây trồng lâu năm, để thu gom 1 kg mầm tương đương với khoảng 20 cây bị chặt mất mầm, sẽ làm giảm khả năng đẻ nhánh, sinh trưởng phát triển thậm chí có thể tàn lụi và chết đi.

conbuon tc thaoqua 2Mầm và hoa thảo quả. (Hình: thiennhien.net)

Thảo quả vừa có giá trị dinh dưỡng và cũng được dùng phổ biến trong đông y. Trong cách gọi thông thường, thảo quả còn được gọi là đò ho hay tò ho, có tên khoa học là "Amomum Aromaticum Roxb," trồng nhiều ở các khu vực đất đồi các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu.

Cụm hoa có màu đỏ nhạt mọc từ gốc, dài 13-20cm. Trên mỗi bông có từ 8-17 quả, khi chín màu đỏ nâu bóng nhẵn, vỏ ngoài dày 5mm. Trong quả chia thành 3 ngăn, mỗi ngăn có khoảng 7 hạt có áo hạt hình tháp ép vào nhau mùi rất thơm.

Trong thảo quả có tinh dầu với tỷ lệ 1-1.5%. Tinh dầu màu vàng nhạt, mùi thơm ngọt, vị nóng cay dễ chịu. Với ngành đông y, thảo quá có vị cay, tính ấm có tác dụng táo thấp kiện tỳ, khu đàm tiệt ngược, tiêu thực trừ hàn. Thảo quả là thuốc chữa đau bụng đầy trướng, ngực đau, nôn oẹ, tiêu chảy, trị sốt rét, lách to, ngâm nước chữa hôi mồm, ho, chữa đau răng, viêm lợi. Liều dùng 3-6g dạng thuốc bột, thuốc sắc hoặc thuốc viên. Thảo quả cũng được dùng làm gia vị ăn liền với thịt, cá (khi nấu để cả quả, nhưng sau đó lấy ra vì nồng) và dùng để thêm vào một số bánh kẹo.

Những năm gần đây, có những cá nhân hoặc nhóm con buôn Trung Quốc sang Việt Nam thu mua đủ thứ rất quái đản với số lượng lớn. Người nông dân nghèo ở Việt Nam dễ mắc bẫy vì thấy số tiền được đem nhử quá lớn đối với họ cho những việc rất dễ dàng. Chính mình bán của mình rồi thấy kiếm tiền kiếm lời nhanh bèn trở thành những người “đại lý” thu mua của những người khác.

Móng chân trâu bò, đỉa, lá điều khô, lá sắn, lá khoai lang, ốc bươu vàng, mèo, rễ tiêu, cây huyết đằng, đậu bắp xanh, lá ớt v.v...Hầu hết những thứ này đều được thương lái Trung Quốc thu mua từng đợt và làm giá đợt sau cao hơn đợt trước, có khi gấp đôi gấp ba, để kích thích lòng tham của những người nông dân Việt Nam nghèo khổ và kém hiểu biết.

Nhưng sau một thời gian, khi tới một mức cao “ngất ngưởng” nào đó, những người đại lý thu gom các loại hàng độc bất thường nói trên là những người “ôm đầu máu” vì không thấy kẻ đặt hàng đâu hết. Hàng thu gom chất đầy nhà đầy kho trở thành vô giá trị vì những thương lái Trung Quốc hào phóng biến mất hoàn toàn. Người ta không biết rằng chính những tên đó đã qua một số trung gian, bán những lô hàng độc đó cho người thu mua với giá cao, kiếm được tiền lời.

conbuon tc lasanKhông ít người nông dân phá cả ruộng sắn (khoai mì) nhà mình đi, hái lá để bán nhưng thương lái Trung Quốc đã không quay lại lấy. (Hình: Đất Việt)

Theo một bài viết trên tờ Pháp Luật TP hôm Chủ Nhật “thông tin từ các cơ quan hải quan cửa khẩu đưa ra thì số lượng thực tế các loại nông sản 'dị biệt' mà thương lái Trung Quốc thu mua không hề được xuất qua biên giới. Chỉ có rất ít các mặt hàng như rễ sim, cây ngâu...được xuất sang nhưng nếu so với số lượng mà thương lái Trung Quốc thu mua thì chênh lệch lớn”.

Một số chuyên gia trong nước đã nhiều lần cảnh cáo trên mặt một số báo về thủ đoạn lừa gạt của những con buôn, thật sự là những thương lái Trung Quốc rất giỏi thủ đoạn. Không những họ làm cho một số nông dân mất nghiệp mà trong nhiều trường hợp, gây hại cho cả nền kinh tế và tàn hại môi trường.

Dù vậy, trò lường gạt với bài bản chuyên nghiệp rất giống nhau này tái diễn rất thường, nếu không ở địa phương này thì lại ở địa phương khác mà không hề thấy chính quyền từ trung ương tới địa phương có các biện pháp đối phó hầu bảo vệ người dân và cả nền kinh tế. (TN)

1 comment:

  1. Khổ cho Dân tôi , khoai mì , khoai lang mà cắt hết lá thì lấy đâu ra Củ để bán ,để ăn ..!!

    ReplyDelete