Tổ Quốc trên hết
Wednesday, March 5, 2014
Tận cùng của sự hèn hạ và bẩn thỉu
Trong hai ngày 27 và 28 Tháng Hai năm 2014 đã diễn ra lễ viếng đám tang của cụ bà Nguyễn Thị Lợi tại Hải Phòng.
Mất tại nhà ở tuổi 77 vì tai biến mạch máu não, cụ Nguyễn Thị Lợi là thân mẫu của cô gái Phạm Thanh Nghiên, một cô gái nhỏ bé nhưng chí lớn và can trường, đã chịu án 4 năm tù giam về việc một cái “tội” lãng nhách. Thanh Nghiên đã toạ kháng tại gia, treo băng rôn “‘Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, phản đối công hàm bán nước 14 tháng 9, 1958”, phản ứng trước hành động xâm lấn của Trung Quốc và dâng biển đảo cho Tàu của Hà Nội. Thanh Nghiên mới ra tù cách đây khoảng hơn một năm, hôm 18 tháng 9 năm 2012 và đang bị quản chế.
Ðiều kiện khắc nghiệt của nhà tù đã huỷ hoại sức khoẻ của Thanh Nghiên, nhưng khi ra tù các điều khoản đi lại hạn chế của lệnh quản chế 3 năm đã ngăn chặn khả năng chữa bệnh của Thanh Nghiên, làm cơ thể cô ngày một suy kiệt hơn, đặc biệt là hai mắt bị cận rất nặng.
Tuy nhiên, Thanh Nghiên vẫn nỗ lực tìm cách có thể để tham gia vào các hoạt động tranh đấu dân chủ, nhân quyền của anh chị em ở Hà Nội, Hải Phòng và Nghiên cũng được mọi người, giới văn sĩ, trí thức quan tâm, thăm hỏi. Thanh Nghiên cũng viết một số bài trên các trang mạng thể hiện khao khát dân chủ, nhân quyền và sự phẫn nộ trước mưu đồ bành trướng, xâm chiếm lãnh thổ của Trung Quốc.
Thế thôi. Cô gái nhỏ bé Thanh Nghiên chắc chắn không phải là một mối đe doạ nào cho chế độ. Bản thân Thanh Nhiên cũng ý thức được bản thân đang trong vòng quản chế. Những việc làm của Thanh Nghiên nằm trong khuôn khổ cho phép của luật pháp hiện hành của chế độ, trong mức giới hạn của quyền được tự do phát biểu và cũng là nghĩa vụ và trách nhiệm của một công dân.
Cụ NguyễnThị Lợi, khi còn sống, qua người con gái đã hiểu được nhiều hơn những điều đúng sai của xã hội. Bà đồng cảm và chia sẻ việc làm của con gái.
Tận tụy chăm sóc con gái những ngày tháng trong tù và đùm bọc yêu thương khi con gái ra tù. Thanh Nghiên đã từng nói “rất tự hào về mẹ”.
Trả lời phỏng vấn của BBC Việt ngữ lúc ra tù, Thanh Nghiên nói:
“Vừa rồi hai mẹ con ngồi ôn lại chuyện cũ trong ngày tôi bị bắt, tôi có hỏi là mẹ có nhớ là khi con bị bắt mẹ nói câu gì không. Mẹ tôi không nhớ, tôi có nhắc lại rằng chính câu nói của mẹ đã là một cái nâng đỡ tinh thần cho con rất lớn mạnh trong bốn năm xa cách. Ðó là khi mà tôi bị còng tay đó, mẹ tôi có nói với tôi là ‘con đã xác định rồi thì cứ đi đi, cố gắng giữ gìn sức khỏe, không phải lo gì cho mẹ’. Mẹ tôi có quay ra nói với những nhân viên an ninh, những kẻ bắt tôi, rằng như vậy ‘các anh đã bắt con tôi vì tội yêu nước‘”.
Trong bối cảnh bị nhà cầm quyền cố tình gây khó, hành hạ con gái, bà càng hiểu rõ rằng, nhân quyền là những quyền tự do tối thiểu, đơn giản nhất, bắt đầu từ ngôi nhà của mình.
Cũng chỉ vậy thôi mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cũng đã rất khó chịu, căm ghét, luôn tìm mọi cách cản trở, khủng bố trong sinh hoạt của gia đình bà và đã dở trò hèn hạ trong đám tang của bà.
Bà Nguyễn Thị Lơi không phải là công chức nhà nước, vậy mà cái “nhà nước” nhố nhăng đã xuất hiện, những vị khách không mời mà đến, đã làm áp lực và đưa ra những đòi hỏi vô lý. Các cán bộ của đảng dưới danh nghĩa Hội Phụ Nữ, Phụ lão, Mặt Trận… đã đến đòi làm trưởng ban, lập ban lễ tang với nhân sự toàn người của họ. Họ còn đòi viết và đọc điếu tang! Thật là ngang ngược, phi lý không thể nào tưởng tượng nổi!
Tuy nhiên Phạm Thanh Nghiên đã đấu tranh rất quyết liệt, khước từ mọi yêu cầu của họ. Vậy mà rốt cuộc họ vẫn vác mặt trơ trẽn tới đám tang, không ngoài mục đích giám sát.
Không được tham gia “tổ chức” lễ tang, nhà cầm quyền đã chuyển sang những thủ đoạn hèn hạ khác.
Họ đã lén lút cắt nước sinh hoạt của gia đình Phạm Thanh Nghiên. Theo tin của tờ điện tử Dân Làm Báo, “bên ngoài nhà lúc nào cũng túc trực từ 3 đến 5 xe gắn máy với một đám công an đứng canh, lượn qua lượn lại và theo dõi mọi động tĩnh trong nhà cũng như những ai đến thăm viếng”.
Tờ Dân Làm Báo viết:
“Vào chiều Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014, bà Nguyễn Thị Nga, vợ của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đang bị đảng bỏ tù vì phản đối tàu cộng xâm lược đã đến viếng thăm. Bà mang theo một số vòng hoa phúng điếu của Hội Phụ Nữ Nhân Quyền, Ðài Ðáp Lời Sông Núi nhờ chuyển. Khi xe vừa xuống lập tức công an đã xông đến, giật xé những dòng chữ ghi tên các hội, nhóm – chỉ chừa lại 2 chữ “Kính viếng”.
“Ngay từ chiều ngày 27 Tháng Hai năm 2014 đích thân giám đốc công an thành phố Hải Phòng đã trực tiếp đến chỉ đạo. Lực lượng công an đã triển khai rất nhiều chốt chặn để kiểm tra bất kì những người nào qua lại. Mục đích của họ là kiểm tra những người đến viếng đám tang mẹ chị Nghiên. Khi phát hiện ra người lạ đến viếng, họ lập tức khống chế và dùng những ‘biện pháp nghiệp vụ’ để ngăn chặn, sách nhiễu bạn bè, người quan tâm đến chia buồn”.
Ðám tang bà cụ Nguyễn Thị Lợi gợi lại cho chúng ta những gì đã xảy ra với những đám tang của các nhà bất đồng chính kiến, ông Hoàng Minh Chính, tướng Trần Ðộ và ông Lê Hiếu Ðằng.
Những trò đểu giả, đê tiện, phi nhân tính tương tự cũng đã được áp dụng, gây phẫn nộ cho dư luận, bị phê phán và chỉ trích mạnh mẽ.
Thế nhưng, đánh chết cái nết không chừa. Dường như nó là bản chất của một chế độ cai trị độc tài. Ðể tồn tại, chế độ này bất chấp đạo lý, nhân phẩm và cách cư xử tử tế nhỏ nhất của con người.
Vì giữ sự cai trị bằng bạo lực, độc quyền thông tin tuyên truyền, dối trá và mờ ám nên chế độ sợ hãi mọi thứ, tất cả, ai cũng có thể là thế lực thù địch, ai cũng có thể mang lại nguy cơ cho chế độ, thậm chí cả những người đã chết.
Dân gian Việt Nam có câu “nghĩa tử là nghĩa tận”. Nhưng với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, không có chỗ cho sự lòng nhân bản và tận nghĩa của tình người, mà với chúng chỉ có tận ác, tận hèn và tận đểu cáng, bẩn thỉu – những hành vi hạ cấp nhất của lũ côn đồ, lưu manh chuyên nghiệp.
Vì thế, khi biết nhà bị lén lút cúp nuớc, ngay trong lúc tang gia bối rối, cô Phạm Thanh Nghiên đã phải thốt lên: “Hèn bẩn như cộng sản là hết cỡ”.
Lê Diễn Ðức -
(hennhausaigon2015)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment