Ngày 8-3 năm 2014, trong một cuộc họp báo bên lề kỳ họp thứ hai
của Quốc hội khoá XII nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Ngoại trưởng
Vương Nghị tuyên bố: “Lập trường của Trung Quốc là kiên định và
rõ ràng trong vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, đó là: không
phải của Trung Quốc một tấc cũng không lấy; nếu là của Trung
Quốc, một tấc cũng quyết bảo vệ.”1
Mới nghe qua, chúng ta thấy lập trường này rất hợp tình, hợp lý. Thế
nhưng, có một câu hỏi được đặt ra: nếu Trung Quốc (tức là Trung Hoa cộng
sản) không lấy một tấc đất nào không phải của mình, cớ sao họ lại chiếm
của Việt Nam phần lớn cồn Pò Thoong và một nửa thác Bản Giốc?
Bài viết này giới thiệu một số tài liệu của thời Pháp thuộc nhằm chứng
minh thác Bản Giốc hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam:
I. Những tài liệu sớm nhất (cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20):
Nguồn tài liệu này khá phong phú, nhưng lâu nay rất khó tiếp cận. Sau đây, chỉ xin giới thiệu một số tài liệu tiêu biểu:
1) Cuốn sách về biên giới Quảng Tây của thiếu tá P. Famin:
Tài liệu sớm nhất có đề cập đến thác Bản Giốc có lẽ là cuốn Ở Bắc Kỳ và trên vùng biên giới Quảng Tây (Au Tonkin et sur la frontière du Kwang-Si) của thiếu tá P. Famin xuất bản tại Paris vào năm 1895.2
Giá trị lớn nhất của tài liệu này là ở chỗ nó được viết bởi một “người
trong cuộc”, bởi vì tác giả từng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban cắm mốc biên
giới Việt-Trung năm 1894 (Vice-président de la commission d’abornement
des frontières sino-annamites en 1894).3
Trong cuốn sách này, tác giả đã viết về dòng sông Qui Thuận (tức Quây
Sơn) và thác Tu Tong (tức thác Bản Giốc) như sau: “Dòng sông Qui-Thuan
(Qui-Thuận) xinh xắn – phụ lưu trực tiếp của sông Si-Kiang (Tây Giang)
chảy ngang qua phần phía bắc (của Khu quân sự thứ hai)4.
Dòng sông này rộng 60 mét, đi vào đất Bắc Kỳ qua cửa Ai-Lung và rời
khỏi Bắc Kỳ ở gần đồn Nam-Ton của Trung Hoa, sau khi đã tưới một thung
lũng rộng lớn rất phì nhiêu. Hai ki-lô-mét trước khi rời đất Bắc Kỳ, nó
vượt qua một bậc thềm đá và tạo thành một dòng thác tuyệt đẹp cao 40
mét. Cột nước khổng lồ rơi ầm ầm xuống bồn nước thứ nhất, từ nơi đó lại
nảy lên thành những chùm tia sủi bọt trên những bậc thang bằng đá vôi
nhẵn bóng. Vào mùa mưa, dòng thác đó bày ra một dáng vẻ tuyệt vời, tiếng
động của thác nước nghe vọng từ xa và dội lại trong vùng núi với một
tiếng sấm, trong khi những đám hơi nước hình thành ở vùng lân cận và tan
ra thành một cơn mưa nhỏ.” (sđd, tr. 12-13)
Trong cuốn sách này, Famin cũng dành hẳn một chương (chương X: Une
colonne dans la région de Cao-Bang) để trình bày các cuộc hành quân
trong năm 1892 nhằm bình định vùng “Đệ nhị quân khu” – trong đó có hạt
Cao Bằng (cercle de Cao-Bang), chống lại một băng cướp vũ trang đông đến
400 tên từ Trung Hoa tràn sang.
Tại trang 142-143, có một đoạn đáng chú ý như sau: “Ngày 15, vừa mới bắt
đầu sáng, nhóm thứ nhất khởi hành và đến được dòng sông gần Ban-Juoc
(Bản Giốc) – bằng cách đi theo một con đường rất xấu; những trạm gác
được thiết lập ngay lập tức trên tất cả các đỉnh cao của bờ bên phải.
Trạm gác tận cùng bên phải nằm gần các thác nước Tu Tong (chutes de
Tu-Tong) - ngay trên đường biên giới, trạm gác bên trái thông thương về
phía Dong-Mon với các trạm gác của trung úy Bellion. Như vậy, toàn bộ bờ
phải của sông Quei-Chum (Qui Thuận, hay Quây Sơn) đã được chiếm đóng.
“
Hình 1: Bản đồ hành quân của quân Pháp chống toán cướp từ Trung Hoa sang.
Những chấm tròn màu đen là vị trí các trạm gác của quân Pháp
Nhìn vào tấm bản đồ kèm theo, chúng ta thấy “trạm gác tận cùng ở bên
phải” là một điểm nằm cạnh bờ sông, ở hạ lưu của thác Tu Tong - tức thác
Bản Giốc (hình 1). Đây chính là nơi mà dòng sông Quây-Sơn trở thành
đường biên giới giữa hai nước. Trạm Bản Giốc (Famin phiên âm là Ban Juoc,
phát âm theo tiếng Pháp rất giống với Bản Giốc trong tiếng Việt) về sau
trở thành đồn Bản Giốc như thường thấy trong các bản đồ sau này. Căn cứ
vào hình vẽ thác nước và cồn đất trên bản đồ, chúng ta thấy cồn Pò
Thoong và toàn bộ thác nước thuộc về phía nước ta. Để độc giả có thể so
sánh, tôi phóng to một phần của tấm bản đồ trong cuốn sách của Famin và
đặt nó bên cạnh tấm bản đồ mà theo lời Giáo sư Nguyễn Ngọc Giao, đã được
tìm thấy tại Vụ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp.5
Mặc dù giữa hai tấm bản đồ có những nét tương tự, chúng ta có thể thấy
tấm bản đồ của Famin rõ ràng hơn, chứng minh đường biên giới không hề
chia thác nước ra làm hai phần (hình 2). Đó cũng chính là lý do khiến
cho các chính quyền ở Trung Hoa lục địa từ thời nhà Thanh cho đến thời
Dân quốc không hề có chút “thắc mắc” gì về chủ quyền của nước ta đối với
thác Bản Giốc cũng như cồn Pò Thoong.
2) Cuốn hồi ký của bà Isabelle Massieu (1901):
Cuối thế kỷ 19, một phụ nữ người Pháp tên là Isabelle Massieu đã thực hiện một chuyến du lịch đến vùng Trung-Ấn (Indo-Chine) 6. Đến Sài-gòn vào thượng tuần tháng 10 năm 1896, bà đã thực hiện một hành trình kéo dài gần 8 tháng, đi qua một số địa điểm ở Cambodge (Kampuchea), Thái Lan , Miến Điện, Lào và Việt Nam. Trong chặng cuối của cuộc hành trình, bà đã thực hiện một chuyến du hành ở vùng thượng du phía Bắc nước ta – giáp biên giới Trung Quốc.
Cuối thế kỷ 19, một phụ nữ người Pháp tên là Isabelle Massieu đã thực hiện một chuyến du lịch đến vùng Trung-Ấn (Indo-Chine) 6. Đến Sài-gòn vào thượng tuần tháng 10 năm 1896, bà đã thực hiện một hành trình kéo dài gần 8 tháng, đi qua một số địa điểm ở Cambodge (Kampuchea), Thái Lan , Miến Điện, Lào và Việt Nam. Trong chặng cuối của cuộc hành trình, bà đã thực hiện một chuyến du hành ở vùng thượng du phía Bắc nước ta – giáp biên giới Trung Quốc.
Trong cuốn hồi ký xuất bản tại Pháp năm 1901 nhan đề Tôi đã đi khắp vùng Trung-Ấn như thế nào? (Comment j’ai parcouru l’Indo-Chine),
bà đã dành một chương (chương 3 của phần IV) để trình bày về các khu
quân sự (territoires militaires) ở phía bắc nước ta – bao gồm các tỉnh
sát biên giới Trung Hoa, nơi mà người Pháp vừa mới hoàn thành quá trình
“bình định” (pacification). Về thác Bản Giốc, bà viết:
“Chỉ riêng trong khu vực Trùng Khánh Phủ, ba dòng sông lớn tạo thành
những thung lũng rộng – có người ở và được trồng trọt tốt, tô điểm thêm
những thác nước tuyệt đẹp; những thác này sẽ rất nổi tiếng nếu nằm trong
vùng núi Alpes. Tôi còn nhớ : vào ngày hôm sau khi tôi đến đó, trong
một chuyến đi dạo khoảng 50 ki-lô-mét, ở rất gần Pak-Muong, tôi đã rất
xúc động khi đứng trước dãy thác của sông Quei-Cheum (sông Quây Sơn) –
chắn ngang quang cảnh nơi này. Ngoài ra, trên con đường đi Bancra, thác
Bản Giốc với hình bán nguyệt, nằm trong một thung lũng xanh tươi và
những ngọn núi đẹp như tranh vẽ, với những đám bọt trắng xóa xếp thành
tầng trên một chiều cao 60 mét. Nó tạo thành năm hoặc sáu dòng thác
riêng biệt xếp chồng lên nhau nhiều lần và được trang trí bằng những dải
thực vật nhiệt đới. Nếu nằm ở nước Anh, những thác nước đó sẽ được ca
ngợi trong những tạp chí minh họa; còn ở Bắc Kỳ, thác Bản Giốc – một
trong những thác nước đẹp nhất và có khung cảnh đẹp nhất mà chúng ta có
thể tìm thấy, chỉ được các sĩ quan trong vùng biết đến.”7
Hình 3: Bà Isabelle Massieu và bìa cuốn sách viết về chuyến du lịch bán đảo Trung-Ấn
Chương nói trên cũng đã được tách riêng để đăng trên Tạp chí Địa Lý (Revue de géographie)
do Ludovic Drapeyron sáng lập, tập XLVIII, tháng 1-tháng 6 năm 1901
dưới nhan đề “Những khu quân sự tại Bắc Kỳ” (Les territoires militaires
du Tonkin). 8
Có thể coi Isabelle Massieu là một trong những “du khách” ngoại quốc sớm
nhất đã đặt chân đến vùng thung lũng sông Quây Sơn và để lại cho chúng
ta một tài liệu mang tính khách quan, chứng minh thác Bản Giốc hoàn toàn
thuộc về phía Việt Nam, sau khi đường biên giới Việt-Trung đã được phân
định rõ ràng.
3) Cuốn sách viết về người dân vùng núi Bắc Kỳ của đại tá Diguet (1908):
Từ tháng 9 năm 1907 đến tháng 1 năm 1908, tờ Revue coloniale (Tạp chí
Thuộc địa) đăng tải một loạt bài của đại tá Edouard Diguet viết về các
sắc dân miền núi ở phía Bắc nước ta. Năm sau (1908), loạt bài này được
in thành một cuốn sách nhan đề là Người miền núi ở Bắc Kỳ (Les montagnards du Tonkin).9 Mục đích của cuốn sách là trình bày về các sắc dân thiểu số tại vùng Thượng du Bắc Kỳ. Tại trang 3, tác giả viết như sau:
“Đó là cao nguyên Ba Châu (Quảng Uyên, Trùng Khánh Phủ và Hạ Lang) – nằm
ở độ cao 400 hay 500 mét. Đó là xứ sở của các hang động – nơi mà toàn
bộ dân cư của các tổng trú ngụ trong những thời kỳ rối ren, vùng đất của
những dòng sông bị chìm mất hút dưới những dãy núi đá để rồi lại hiện
ra ở những nơi xa hơn, xứ sở của những thác nước mà trong đó cần phải kể
đến những thác nước tuyệt vời ở Bản Giốc.” Trong số các ảnh chụp, có
một tấm ảnh của thác Bản Giốc (hình 4).
Hình 4 :Thác Bản Giốc (trong sách của Diguet)
Hình 5: Thân binh vùng biên giới Trung Hoa tại đồn Trà Lĩnh
Ngoài ra còn có một số tấm ảnh chụp các đồn canh của quân Pháp tại vùng
biên giới tỉnh Cao-Bằng, như tấm ảnh chụp một số sĩ quan Pháp đang điểm
binh tại đồn Trà Lĩnh (hình 5). Các binh sĩ người địa phương trong ảnh
được gọi là partisans (thân binh). Điều đó cho thấy vùng biên
giới giữa Bắc Kỳ và Trung Hoa thời đó được canh phòng rất cẩn mật, nhất
là để đề phòng các toán cướp từ biên giới tràn sang.
4) Luận án tiến sĩ của đại úy Paul Marabail:
Song song với tác phẩm của đại tá Diguet là một luận văn tiến sĩ do Paul
Marabail – một đại úy bộ binh thuộc địa (capitaine d’infanterie
coloniale) thực hiện. Luận án này sau khi đệ trình lên Khoa trưởng Khoa
Văn tại đại học Paris vào tháng 5 năm 1907 đã được phép in thành một
cuốn sách dày hơn 500 trang vào năm 1908.10
Trong công trình nghiên cứu này, tác giả mô tả về dòng sông Quei-Cheum
(tức Quây Sơn, Qui Thuận) như sau: “Sông Quei-Cheum bắt nguồn từ một địa
điểm không xa Kouei-Tchouen, tưới chợ Hang-Hoa và đi vào Bắc Kỳ phía
trước lô-cốt Pac-Muong. Đó là một dòng sông có dòng chảy mạnh và bị cắt
ngang bởi nhiều thác nước; nó nhận một phụ lưu từ phía bên phải – phụ
lưu này sinh ra ở phía nam Quei-Cheum và nhập vào dòng chính cách đường
biên giới của chúng ta vài ki-lô-mét về phía bắc. Vượt qua khỏi
Pac-Muong, sông Quei-Cheum tưới một phần của khu vực Trùng Khánh Phủ,
trở lại đất Trung Hoa để tưới vùng đất An-Binh và Tai-Ping Chau, rồi
chảy theo hướng gần như từ bắc xuống nam và nhập vào sông Tso-Kiang (Tả
Giang) ở phía thượng lưu của Tai-Ping-Chau (Thái Bình Châu).” (trang
195-196). Cần lưu ý: Tả Giang là một nhánh của sông Tây Giang
(Si-Kiang), Tây Giang lại là nhánh lớn nhất của Châu Giang (tức sông
Quảng Đông).
Hình 6: Bản đồ các khu rừng và núi đá có rừng (Nguồn: Paul Marabail)
Ở một đoạn khác, ông viết: “Đồn Trùng Khánh Phủ được nối liền với
Tra-Linh (Trà Lĩnh), như chúng tôi đã ghi nhận trong đoạn trước. Từ điểm
này, nhiều con đường mòn dẫn đến nhiều lô-cốt nằm rải rác dọc theo biên
giới. Sau cùng, một con đường khác đi về phía Đông dẫn đến Ban-Gioc
(Bản Giốc); từ Po-Tau, nó đi theo thung lũng Song-Quei-Cheum (sông Quây
Sơn) cho đến tận Bản Giốc, băng ngang qua một trong những phần đẹp nhất
của hạt (Cao Bằng).11
Từ Bản Giốc đến Ban-Cra, trên một đoạn của dòng chảy, sông này tạo
thành một thác nước tuyệt đẹp cao hơn 35 mét. Ba ki-lô-mét sau đồn
Ban-Cra, con đường sử dụng một thứ đường hầm do thiên nhiên tạo ra, dài
250 mét, rộng 20 mét và cao từ 3 đến 4 mét, trong đó người ta chỉ có thể
đi qua dưới ánh sáng lù mù của những ngọn đuốc mà các cư dân vùng lân
cận mang đến.” (trang 485-486)
Điều đáng lưu ý là tại trang 167, có một tấm sơ đồ về rừng và núi đá có
rừng (schéma des forêts et rochers boisés) vẽ với tỷ lệ 1/861.111 (xem
hình 6). Phóng to phần có liên quan đến thác Bản Giốc, chúng ta có thể
thấy rõ thác này nằm ở thượng lưu của đoạn sông làm thành biên giới
Việt-Trung và hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Việt Nam:
Hình 7: Ảnh phóng lớn khu vực thác Bản Giốc (Nguồn: Paul Marabail)
II - Những tài liệu về sau (1910-1950):
Kể từ thập niên 1910 cho đến ngày người Pháp hoàn toàn rời bỏ Đông
Dương, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều tài liệu chứng minh thác Bản
Giốc hoàn toàn là “tài sản quốc gia” của Việt Nam chứ không phải là sở
hữu chung của hai nước Việt Nam và Trung Hoa. Trong bài này, chỉ xin nêu
một số tài liệu để làm dẫn chứng:
1) Niên giám tổng quát của Đông Dương thuộc Pháp (Annuaire général de l’Indo-Chine francaise):
Trong các cuốn Niên giám của Đông Dương trước năm 1907 (vd: từ 1901 đến 1906), Bản Giốc chỉ được ghi nhận như một đồn quân sự (poste militaire). Nhưng từ Niên giám 1907
trở đi (vd: từ 1907 đến 1914), phần nói về sông ngòi tỉnh Cao Bằng đã
ghi chi tiết hơn về sông Quây Sơn và thác Bản Giốc. Lấy ví dụ: Niên giám 1911 ghi như sau:
“Hệ thống sông ngòi của vùng này thuộc về lưu vực Si-Kiang (Tây Giang) hay còn gọi là sông Quảng Đông (rivière de Canton).12
Hướng chung của các sông là Tây-Bắc – Đông-Nam, nghĩa là cùng hướng với
các sông khác ở Bắc Kỳ đổ nước vào vịnh Bắc Kỳ. Hai con sông chính tưới
khu quân sự này một cách không đều nhau: (1) Sông Bằng Giang đến từ
Trung Hoa và đi ngang qua Sóc-giang, Nước-hai (từ nơi này sông có thể
lưu thông được), Cao Bằng và Tà-lùng. Các phụ lưu chính bao gồm: ở hữu
ngạn có sông Tse-Rao (Giẻ Rào hoặc Dẻ Rào) chảy đến Nước-hai và
Song-Hiem (Sông Hiến) chảy đến Cao Bằng; ở tả ngạn có sông Trà Lĩnh và
Song-ba-Vong (Sông Bắc Vọng) đổ nước vào gần Ta-lung (Tà Lùng). (2)
Song-kuei-Chum (Sông Quây Sơn): đáng chú ý do có nhiều thác nước, mà một
trong số đó là thác Bản Giốc, đạt đến độ cao 30 m, và là một trong
những “kỳ quan” của vùng này; sông này làm thành biên giới với Trung Hoa
trên một đoạn 20 km của dòng chảy. Sau đó, sông đổ nước vào sông
Tai-Ninh ở Trung Hoa.” (Annuaire général de l’Indo-Chine francaise 1911, p. 294)
2) Các sách hướng dẫn du lịch Đông Dương:
Sách hướng dẫn du lịch Indochine du Nord của Madrolle, xuất bản năm 1932, phần lộ trình từ Cao Bằng đến Ban-Cra ghi :
Hình 8: Trích trang 97, sách hướng dẫn của Madrolle
“82 km, Bản Giốc, nằm cạnh các thác nước Tu-tong (2km) mà mức
chênh lệch là 34 mét. Các thác nước hùng vĩ trong mùa mưa (từ tháng 6
đến tháng 9). Lòng sông tạo thành biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Hoa cho
đến tận đồn Li-ban. Nhà trọ (bungalow) trong đồn gác cũ.”13
Nếu so sánh cuốn hướng dẫn du lịch này của Madrolle với một cuốn được
xuất bản trước đó (năm 1924), chúng ta có thể thấy một số thay đổi: nếu
vào năm 1924, Bản Giốc còn là một đồn lính (poste militaire) thì đến năm
1932, đồn này đã bị hủy bỏ, cơ sở cũ của đồn lính được sử dụng để làm
nhà trọ (bungalow) cho du khách. Một chi tiết khác cũng được điều chỉnh:
mức chênh lệch (dénivellement) về cao độ được ghi là 25m (1925) về sau
được ghi là 34 m (1932).
Cần chú ý chi tiết “lòng sông nơi đây làm thành biên giới (le lit de la
rivière constitue ici la frontière…). Điều này có nghĩa là lòng sông từ
phía hạ lưu của thác làm thành đường biên giới, chứ không có hề có
chuyện biên giới giữa hai nước bắt đầu từ cồn Pò Thoong hay thác Bản
Giốc. Việc chia cồn Pò Thoong ở thượng lưu của thác để lấy đó làm căn cứ
chia đôi thác Bản Giốc chỉ là sản phẩm của các nhà ngoại giao thời cộng
sản nhằm che giấu chuyện Trung Hoa cộng sản xâm chiếm thắng cảnh thiên
nhiên này.
Trong một cuốn sách hướng dẫn du lịch khác của Taupin (Guide touristique général de l’Indochine - Guide alphabétique Taupin, Édition G. Taupin & Cie, Hanoi 1937), chúng ta thấy thác Bản Giốc được giới thiệu như sau:
Hình 9: Trích trang 18, sách hướng dẫn của Taupin
- Bản Giốc (Tỉnh Cao Bằng, Đệ nhị quân khu) - BẮC KỲ: 150 dân. Khoảng cách:
Bancra, 11km; Cao Bằng, 78 km; Trùng Khánh Phủ, 26 km. (Đường bộ ô-tô
có thể đi được). Dịch vụ ô-tô hàng ngày đi Cao- Bằng, Trùng Khánh Phủ -
qua ngả Quang-Yen (đúng ra là Quảng Uyên). Không có khách sạn nhưng đồn
cũ ở Bản Giốc có thể cung cấp một chỗ trọ tuyệt hảo. Xem: Bản-Giốc (hang động và thác nước), xưa kia là nơi trú ẩn của dân khi bị bọn cướp vây hãm. Du ngoạn:
Các hang động dài 4 km, dòng nước ngầm, nhũ đá (thạch nhũ,
stalactites), măng đá (stalagmites), cách 3 km, đường mòn dành cho lừa
ngựa. Thác “Song-Kouei-San” (sông Quây Sơn) rộng 65 m, cao 40 mét (cách
Bản Giốc 2km). [sđd, trang 18]
Ngoài ra còn có một số chi tiết về tỉnh Cao Bằng (thuộc Đệ nhị quân khu) có liên quan đến Bản Giốc:
“Săn bắn: Vùng này có nhiều thú săn, ngoại trừ vùng phụ cận tiếp
giáp (thị xã) Cao Bằng là nơi mà thú rừng bị săn quá mức; nhưng địa hình
hiểm trở thường khiến cho việc săn bắn trở nên cực nhọc. Vùng thuận lợi
nhất là Trùng Khánh Phủ - Bản Giốc: có rất nhiều gà, chim trĩ, đa đa.
Có những thú dữ như gấu – khá nhiều trên khắp cả vùng này, beo và một ít
cọp ở Pia-Ouac. Cá: Những dòng sông có nhiều cá, ngoại trừ vùng
mỏ là nơi mà các nhà máy rửa quặng làm ô nhiễm dòng nước. Cá nói chung
là tuyệt hảo. Phương pháp đánh cá bằng chim cốc (pêche au cormoran) được
thực hành trên sông Bằng Giang. Sông Quây Sơn - ở vùng phụ cận của Bản
Giốc, có một loài cá được sưu tầm đặc biệt và được đánh giá rất cao vì
thịt ngon và thơm – nhờ vào một vài loại cỏ mà theo lời thổ dân, chỉ mọc
ở nơi này.” (sđd, trang 49)
3) Tài liệu của Chính quyền Bảo hộ tại Bắc Kỳ (Protectorat du Tonkin):
Trong Báo cáo về tình hình hành chính, kinh tế và tài chính của Bắc Kỳ trong giai đoạn 1934-1936,
có một đoạn đề cập đến các biện pháp bảo vệ các di tích, thắng cảnh
thiên nhiên: cấm dán các bích chương hay các bảng quảng cáo, khai thác
hầm mỏ hay mỏ đá và nói chung là tạo ra một sự sửa đổi nào đó đối với tự
nhiên hay tình trạng của các địa điểm đã được xếp hạng - trong đó có
các hồ Ba Bể, vịnh Hạ Long, các hang động và thác ở Bản Giốc. Các biện
pháp này đã được thiết lập bởi sắc lệnh ký ngày 15-11-1930 của Toàn
quyền Đông Dương và được áp dụng vào lãnh thổ của Bắc Kỳ bởi một nghị
định của Thống sứ Bắc Kỳ (Résident Supérieur du Tonkin) ký ngày
30-5-1932. (Rapport sur la situation administrative, économique et financière du Tonkin durant la période 1935-1936, Imprimerie d’Extrême-Orient, Hanoi, 1936, p. 25)
4) Tài liệu tiếng Việt:
Hội Giáo dục hỗ tương Bắc Kỳ (Société d’enseignement mutuel du Tonkin)
là một hiệp hội được thành lập trong thập niên 1920. Hội này còn có tên
tiếng Việt là Hội Trí tri, Chủ tịch là học giả Phạm Quỳnh. Hội có xuất
bản một tập san có tên là Bulletin de la Société d’enseignement mutuel du Tonkin, phát hành 3 tháng một lần, trong đó đăng các bài viết bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Việt.
Bắt đầu từ số 3 tập IV (tháng 7-tháng 9 năm 1923) cho đến số 4 tập V
(tháng 10-tháng 12 năm 1924), tập san này đăng một loạt bài viết nhan đề
“Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ” của ba tác giả Đỗ Đình Nghiêm , Ngô Vi Liễn và
Phạm Văn Thư. Trong phần nói về tỉnh Cao Bằng, có đề cập đến sông Quây
Sơn và thác Bản Giốc.14
Loạt bài viết nói trên về sau được xuất bản thành một tập sách, được
Hội đồng duyệt sách duyệt y cho phép dùng trong các trường Pháp-Việt.
Đoạn trích sau đây dựa trên cuốn Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ của ba
tác giả nói trên, bản in lần thứ tư (nhà in Lê Văn Tân, Hà Nội 1930, 144
trang), với lời tựa của Phạm Quỳnh – chủ bút tạp chí Nam Phong:
“Sông ngòi: Trong tỉnh có hai con sông là: (1) Sông Bằng Giang ở
bên Tàu chảy sang qua Sốc Giang, Nước-Hai và Tà-Lùng. Chi lưu sông ấy
thì về tả ngạn có sông Tse-Lao chảy về Nước-Hai, và sông Hiến chảy về
Cao Bằng, về hữu ngạn thì có sông Trà Lĩnh và sông Bắc Vong. (2) Sông
Quây Sơn, có nhiều thác lắm mà cái lạ nhất là thác Bản-Giốc, cao 30
thước tây. Con sông ấy phân địa giới với nước Tàu trong một khoảng dài
đến 20 km rồi chảy vào sông Tai-Ninh bên Tầu.”15 (sđd, trang 122)
Ngoài ra, sách còn liệt kê 8 thắng cảnh (7 hang động và một thác nước)
của tỉnh Cao Bằng, trong đó có hai thắng cảnh thuộc khu vực thác Bản
Giốc: “(I) Hang Bản-Giốc: Ở cách Trùng Khánh Phủ 23 km. Hang dài 4 thước
tây, có nhũ đá đẹp lắm; (II) Thác Sông Quây Sơn: Thác này bề ngang đo
được 65 thước tây, cao 40 thước tây, cách đồn Bản-Giốc 2km.” (sđd, trang 125).
5) Báo chí: Thác Bản Giốc đã được đề cập nhiều trên báo chí. Chỉ xin nêu vài tài liệu tiêu biểu sưu tầm được:
5.1. Les Annales politiques et littéraires (Biên niên chính trị và văn học):
Từ số 2312 đến số 2315 (năm 1928) có đăng bài du ký nhiều kỳ
“L’Indochine en zigzags” của nhà văn Pierre Billotey. Trong phần cuối
của bài viết đăng trên số 2315 (1er Août 1928) có đoạn tả cảnh thác Bản
Giốc (trang 118) và kèm theo là một tấm ảnh chụp thác Bản Giốc (trang
119).
Hình 10 : Tạp chí Les Annales politiques et littéraires số 2315 :
trang bìa, đoạn văn tả thác Bản Giốc và tấm ảnh chụp thác Bản Giốc
5.2. Tạp chí của hãng hàng không Air France:
Chúng ta đều biết Air France là hãng hàng không lớn nhất của nước Pháp. Tạp chí Air-France Revue số
mùa xuân năm 1950 đã được dành để giới thiệu tài nguyên và thắng cảnh
của các nước nằm trong Lãnh thổ hải ngoại (Territoires d’Outre-Mer) của
Liên hiệp Pháp (Union française). Trong bài viết “L’économie
indochinoise” (Kinh tế Đông Dương) của André Surmer (trang 157-161), có
đăng tấm ảnh chụp thác Bản Giốc (xem hình 11).
Thay lời kết:
Tất cả những tài liệu vừa giới thiệu trên đây được tìm thấy trong Thư viện Quốc gia Pháp (Bibliothèque nationale de France, BNF) – thư viện lớn nhất của nước Pháp. Nhờ Thư viện số hóa Gallica16,
ngày nay ở bất cứ nơi nào trên thế giới, chúng ta cũng có thể tiếp cận
được các tài liệu quý giá này. Những tài liệu này được xuất bản từ cuối
thế kỷ 19 (sau khi đã phân giới cắm mốc dựa theo các công ước
Pháp-Thanh) cho đến năm 1950, chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với
toàn bộ thác Bản Giốc. Chúng ta có thể tin rằng: các chính phủ Trung Hoa
suốt từ thời nhà Thanh cho đến thời Trung Hoa Dân quốc không hề có chút
yêu sách nào đối với thác Bản Giốc. Vì vậy, mâu thuẫn về chủ quyền đối
với thác Bản Giốc và cồn Pò Thoong thật sự chỉ xảy ra giữa hai đảng cộng
sản Trung Quốc và Việt Nam – khi hai đảng này nắm chính quyền ở lục địa
Trung Hoa và miền Bắc Việt Nam.
Từ đó nảy sinh một số câu hỏi: (1) Tại sao từ chỗ “thác Bản Giốc hoàn
toàn thuộc về Việt Nam” lại dẫn đến sự tranh chấp khiến cho ngày nay
Việt Nam mất phần lớn cồn Pò Thoong và một nửa thác Bản Giốc? (2) Tại
sao phía Việt Nam “thừa bằng chứng lịch sử” để chứng minh chủ quyền đối
với thác Bản Giốc rốt cục lại “thiếu bằng chứng pháp lý” trong cuộc đàm
phán về biên giới trên bộ, dẫn đến việc mất một nửa thác Bản Giốc về tay
ngoại bang?
Trong phạm vi của bài viết này, tôi không đi sâu phân tích hai vấn đề
nêu trên, mà chỉ muốn chứng minh một sự thật khách quan là: thác Bản Giốc hoàn toàn nằm trong lãnh thổ của nước Việt Nam, thuộc quyền sở hữu của nhân dân Việt Nam.
Bất cứ ai làm mất một phần thác Bản Giốc về tay ngoại bang đều phải
chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước các thế hệ người Việt trong tương
lai.
Mặt khác, những tài liệu đó cho thấy lời nói của ông Bộ trưởng Ngoại
giao Vương Nghị là hoàn toàn giả dối, không đáng tin cậy. Bởi lẽ nếu
“Trung Quốc không giành một tấc đất nào không thuộc chủ quyền của Trung
Quốc” thì tại sao một nước lớn như Trung Quốc lại thèm thuồng một cái
thác nhỏ như thác Bản Giốc – thậm chí một nửa thác cũng quyết giành lấy?
Hay chúng ta phải hiểu lời nói của ông Vương Nghị theo cách khác: Trung
Quốc không thèm giành một tấc đất nào của nước khác nếu tấc đất ấy
không có giá trị; nhưng đối với những mảnh đất có ý nghĩa lịch sử, có
giá trị về kinh tế hay quân sự thì dù chỉ là một tấc, Trung Quốc cũng
quyết tâm giành cho bằng được.
Áp dụng ý tưởng ấy vào trường hợp của Biển Đông, chúng ta lại càng thấy
rõ hơn: Trung Quốc (tức Trung Hoa cộng sản) sẵn sàng làm mọi cách để
giành được không phải chỉ “một tấc lãnh hải hay hải đảo”, không phải chỉ
“quần đảo Hoàng Sa” hay “bãi đá ngầm Gạc Ma” mà còn đang âm mưu khống
chế toàn bộ Biển Đông. Nếu không giành được bằng mưu ma chước quỷ thì họ
sẵn sàng dùng chính sách pháo hạm (gunboat diplomacy) – cái chính sách
mà suốt thế kỷ 20 họ đã nhân danh “phong trào giải phóng dân tộc”, nhân
danh “thế giới thứ ba” lớn tiếng tố cáo từ “chủ nghĩa thực dân cũ” cho
đến “chủ nghĩa thực dân mới”.
Cho hay: lịch sử càng diễn biến thì người ta càng nhìn rõ: đâu mới thật
sự là “chủ nghĩa thực dân giấu mặt”? Đâu mới thật sự là “sự thống trị
của nước lớn đối với các nước nhỏ”?
Đà Lạt ngày 19-3-2014
1 Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói về vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, china.com 9-3-2014: http://vietnamese.china.com/news/china/808/20140309/46568.html
2 Le commandant P. Famin, Au Tonkin et sur la frontière du Kwang-Si, Ed. Augustin Challamel, Paris, 1895.
3
Pierre Paul Famin (1855-1922) được phong quân hàm thiếu tướng (général
de brigade) vào năm 1902 và trung tướng (général de division) vào năm
1905.
4 Vào lúc này, Khu quân sự thứ hai bao gồm hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và một phần của tỉnh Thái Nguyên.
5 Nguyễn Ngọc Giao, “Từ Nam Quan đến Bản Giốc”, Diễn Đàn số 129, tháng 5/2003.
6
Từ Indo-Chine theo nghĩa rộng có nghĩa là bán đảo Trung-Ấn, dùng để
chỉ toàn bộ vùng Đông Nam Á, nằm giữa Ấn Độ và Trung Hoa. Theo nghĩa
hẹp, Indochine dùng để chỉ Đông Dương thuộc Pháp (Indochine française),
bao gồm ba nước Việt Nam, Lào và Kampuchea.
7 Isabelle Massieu, Comment j’ai parcouru l’Indo-Chine, Librairie Plon, Paris 1901, pp. 338-339.
8 Revue de géographie, tome XLVIII, Janvier-Juin 1901, pp. 283-299.
9 Colonel E. Diguet, Les montagnards du Tonkin, Ed. Agustin Challamel, Paris 1908.
10
Paul Marabail, Étude sur le cercle du Cao-Bang, Thèse de doctorat
d’université présentée à la Faculté des Lettres de Paris, Ed. Émile
Larose, Paris 1908.
11
Vào thời đó, vùng thượng du Bắc Kỳ được chia thành các khu quân sự
(territoire militaire), mỗi khu quân sự bao gồm một số hạt (cercle), mỗi
hạt lại được chia thành các khu vực (secteur). Cao Bằng là một hạt
(cercle de Cao-Bang) nằm trong Khu quân sự thứ hai. Trong tiếng Việt
thời đó, khu quân sự thường được dịch là Đạo quan binh.
12 Thật ra, Si-Kiang (Tây Giang) chỉ là một trong ba nhánh của sông Châu Giang (tức sông Quảng Đông) – mặc dù là nhánh lớn nhất.
13 Indochine du Nord, Guides Madrolle, 3è édition, Société d'éditions géographiques, Paris 1932, p. 97.
14 Bulletin de la Société d’enseignement mutuel du Tonkin, Tome V, No 4, Octobre-Décembre 1924, pp. 557-560.
15
Trong bản này, nhiều tên sông đã được hiệu đính - so với bản in trên
tạp chí. Riêng tên Tse-Lao, một số tài liệu khác ghi là Tse-Rao, người
Việt gọi là sông Giẻ Rào hay Dẻ Rào.
16 Gallica - Bibliothèque numérique : http://gallica.bnf.fr/
No comments:
Post a Comment