Trong Thông điệp đầu năm, ngày 1-1-2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh các điểm “Tập trung nỗ lực xây dựng Nhà nước Pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.”
Thủ tướng Dũng đưa ra 3 mục tiêu chính:
- Nhà nước pháp quyền,
- Phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân,
- Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa.
Các điểm trên sẽ được “triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ ‘trung và dài hạn’ nhằm tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững.” Một hình ảnh rất mơ hồ về thời gian thực hiện các mục tiêu này. Sau 4 tháng phổ biến thông điệp, chưa thấy một hành động nhỏ nào để chứng minh kết quả của thông điệp đầu năm. Hay đây chỉ là những ngôn từ làm vui lòng “nhân dân”, hầu tạo một chút uy tín cho cá nhân ông Dũng trên đường tạo dựng “sự nghiệp” trong những ngày sắp tới.
Nhà nước pháp quyền
Đảng CSVN vẫn “kiên định con đường đi lên xã hội chủ nghĩa, lấy chủ thuyết Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm chủ đạo”, trong khi các đảng viên cao cấp của đảng không hình dung được XHCN là gì, sẽ dẫn dắt dân tộc đi về đâu. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu nhận xét: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam nay chưa?”. Một câu hỏi đã có sẵn câu trả lời. Theo nhận xét của giáo sư Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng, “Đảng CSVN đã sai lầm khi chọn chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng của đảng.” Ông cũng đặt câu hỏi: XHCN là cái gì? Và kết luận, khái niệm về CNXH đưa ra để lừa gạt thiên hạ.
Về Nhà nước pháp quyền, ông Dũng nhấn mạnh: “Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo vệ được công lý và lẽ phải. Mọi hạn chế quyền tự do công dân phải được xem xét cẩn trọng… Người dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì mà luật pháp cho phép…”
Về quyền tự do ngôn luận của công dân được ghi tại điều 69 Hiến pháp 1992,
- Điều 69: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí có quyền được
thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.
Sau vụ PMU 18, để chấm dứt thông tin bất lợi có thể ảnh hưởng tới buổi họp của APEC tại Hà Nội vào tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 37/2006/CT-TTg ngày 29-11-2006, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí.
Trong chỉ thị này, Đoạn d của Điều 2 đã nhấn mạnh: “…Cương quyết không để tư nhân hoá báo chí dưới mọi hình thức và không để bất cứ tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào lợi dụng, chi phối báo chí để phục vụ lợi ích riêng, gây tổn hại lợi ích đất nước.” Do đó, từ trước đến nay, không có một tờ báo độc lập nào, ngoại trừ hơn 600 tờ báo cũng như hệ thống truyền thanh truyền hình trong nước đều là của đảng hay thuộc các cơ quan ngoại vi của đảng CSVN.
Trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013, Điều 25 có ghi:
- Điều 25: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chỉ, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
Mặc dầu các quyền của công dân được ghi trong Hiến pháp sửa đổi 2013, cũng như trong thông điệp của Thủ tướng về “Nhà nước pháp quyền” đọc trong dịp đầu năm 2014, nhưng các quyền này vẫn bị ngăn cấm. Chưa có một hành động nào của đảng và nhà nước CSVN nhận ra Chỉ thị số 37 đã “vi Hiến”, tước đoạt quyền lợi về tự do báo chí của công dân.
Trên thực tế, các chế độ cộng sản thường hay cố ý đánh lận ý nghĩa của hai chế độ pháp trị và pháp quyền. Trong khi đó phải hiểu sự khác biệt như sau:
- chế độ pháp trị (rule of law): không cho bất cứ cá nhân nay đảng phái chính trị nào đứng trên Hiến pháp.
- chế độ pháp quyền (rule by law): Một chế độ trong đó luật pháp được áp dụng nhưng không do quốc hội biểu quyết và ban hành.
Để những quyền tự do cá nhân được bảo đảm, trong các vấn đề lãnh đạo quốc gia của thế kỷ 21, quan trọng nhất là phải thúc đẩy tự do hiến định (1). Vì thiếu tự do hiến định, dân chủ sẽ trở lên lạm dụng quyền lực, mất dần thực chất dân chủ, chia rẽ sắc tộc và dễ tạo ra chiến tranh.
Phát huy mạnh mẽ quyên làm chủ của nhân dân
Ngay từ khởi đầu “cuộc cách mạng”, vấn đề chính danh lãnh đạo của đảng CSVN đã nhiều lần được đặt ra. Đảng CS được thành lập không qua một cuộc đầu phiếu do dân bầu để lãnh đạo đất nước, mà do sự chiếm quyền từ tay một chính phủ hợp pháp. Đảng CSVN chịu sự chỉ đạo của Quốc tế cộng sản và duy trì sự lãnh đạo bằng bạo lực.
Đảng CSVN điều hành đất nước theo đường lối: “Đảng lãnh đạo-Nhà nước quản lý-Nhân dân làm chủ”, nhưng trên thực tế, Đảng là trung tâm quyền lực, Nhà nước chỉ là thành phần chịu trách nhiệm đại diện đảng để điều hành và Nhân dân là một tập thể phục vụ cho quyền lợi của đảng qua nhà nước.
Vì theo “chế độ pháp quyền”, nên đảng và nhà nước CS thường không tuân thủ Hiến pháp, biến Hiến pháp thành chỗ dựa theo nhu cầu của đảng. Do đó, các Nghị định, Nghị quyết, Chỉ thị đảng đưa ra nhà nước phải thừa hành và nhân dân phải thi hành. Vì theo nhu cầu từng giai đoạn của đảng, các ‘nghị quyết, nghị định, chỉ thị…’ thường đi ngược lại Hiến pháp, và không có một văn bản chính thức nào để vô hiệu hoá các điều khoản đi ngược lại quyền lợi của công dân như về tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo… được ghi rõ trong Hiến pháp.
Vì theo đường lối trên, “tam quyền” đã không “phân lập” và phải chịu dưới sự chỉ đạo của đảng. Vì vậy, quốc hội mang tiếng là đại diện của nhân dân, nhưng dưới chính sách “đảng cử dân bầu”, quốc hội đã trở thành “cánh tay nối dài quyền lực của đảng” bao trùm lên mọi hoạt động của quốc gia. Các đại biểu quốc hội hầu hết là đảng viên, đại diện đảng để thi hành lệnh của đảng, nên hành động thông qua Hiến pháp được ghi nhận là “bấm nút”, đạt tỉ số tuyệt đối 97,59%.
Hoàn thiện thể chế “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”
Khái niệm “định hướng XHCN” có mặt hầu hết tại mọi ngành, như pháp quyền XHCN … đã tạo ra hình ảnh thật mơ hồ. Ông Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư, phát biểu: “Về ‘Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN’, là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Sau 20 năm đổi mới, nước ta đã chuyển đổi thành công từ thể chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung quan liêu, bao cấp trước đây sang thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN”.
Trái với lập luận của ông Nông Đức Mạnh, giáo sư Trần Phương đã nhận định: “Đổi mới là lùi lại chế độ tư hữu (2), trở lại nền kinh tế thị trường, từ bỏ cái mô hình CNXH do Mác đưa ra.”
Thực ra, khi ghép cái đuôi ‘định hướng XHCN’ vào nền kinh tế thị trường, đã khiến kinh tế Việt Nam trở thành một “loại kinh tế” nửa vời, làm chậm bước tiến phát triển của đất nước. Chúng ta nhận ra rằng, Việt Nam thoát khỏi tình trạng nghèo đói là nhờ chuyển qua kinh tế thị trường, chứ không phải vì ‘định hướng XHCN’.
Hơn nữa, từ sau ngày “mở cửa và đổi mới”, kiều hối đã đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển đất nước. Theo đài VOA (17-4-2014), Việt Nam đã nhận được 11 Tỉ Mỹ kim trong năm 2013, nâng tổng số kiều hối lên 84 tỉ Mỹ kim trong khoảng thời gian 1993-2013 (*), một ngân khoản không hoàn trả, rất cần thiết cho các quốc gia kém mở mang đang cần phương tiện để phát triển. (* theo thống kê từ các cơ quan tài chính Việt Nam).
Chúng ta ai cũng biết Việt Nam là quốc gia còn nghèo. Để biết vị thế của Việt Nam, chúng ta hãy so sánh sự phát triển với một số quốc gia trong vùng.
- Thời điểm 1960: (*)
1/ Singapore: 395 US$, 2/ Malaysia: 299 US$, 3/ Philippine: 257 US$
4/ South VN (VNCH): 223 US$, 5/ S. Korea : 155 US$, 6/ Thailand: 101 US$
7/ China: 92 US$, 8/ India: 84 US$, 9/ North VN: 73 US$
*VNCH nhiều hơn Nam Hàn – hơn gấp đôi Thái Lan – gấp 2,4 lần Trung quốc -
gấp 2,7 lần Ấn Độ - gấp 3 lần VNDCCH (Bắc VN)
- Thời điểm 2013:(*)
Các quốc gia trong vùng không khởi hành cùng ở mức 0, mà ở vị trí khác nhau trên trục tung (Y=biểu diễn chỉ số GDP - trục hoành thể hiện về thời gian tính bằng năm). Chẳng hạn Việt Nam có tọa độ 1.660 US$, Singapore ở tọa độ 50.899 US$
Riêng phần Việt Nam, vì vận tốc gia tăng thấp hơn mọi quốc gia, nên tiếp tục ở hạng chót, không những không đuổi kịp bất cứ nước nào mà ngày càng tụt hậu, càng nghèo nếu so với các nước trên.
(*) Nguồn: Trần Đăng Hồng, PhD.
Phát triển đất nước
Về phương diện phát triển đất nước, ông Dũng cũng nhấn mạnh: “dân chủ sẽ phát huy khả năng sáng tạo của mỗi người… Thế hệ trẻ đang và sẽ đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển cũng như vận mệnh của đất nước…”
Các mục tiêu phát triển trong thông điệp của Thủ tướng Dũng, mới chỉ là hướng đi dự trù cho năm 2014, chưa thấy một văn bản nào để thực thi những điều trên. Về việc phát huy những nghiên cứu khoa học đã gặp nhiều trở ngại vào thời gian trước đây. Trong khi mời gọi thành phần trí thức hải ngoại về giúp phát triển đất nước, đảng lại “khoanh vùng” các nghiên cứu khoa học trong nước. Như trường hợp của Viện Nghiên cứu Phát triển (Institude of Development Studies – IDS) do Tiến sĩ Nguyễn Quang A điều hành, một Trung tâm Nghiên cứu đầu tiên của một số chuyên gia, có hoạt động vô vị lợi tự đứng ra thành lập, không do nhà nước tài trợ, nhằm góp ý cho nhà nước và các cơ quan công quyền trong tinh thần xây dựng để sửa chữa sai lầm.
Ngày 24-7-2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành quyết định số 97/2009/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-9-2009, để hạn chế và kiểm soát các nghiên cứu của giới trí thức trong nước.
Để phản đối quyết định kiểm soát các nghiên cứu ảnh hưởng tới sự phát triển, Viện Nghiên cứu IDS đã tự nguyện tuyên bố giải thể. Ông Nguyễn Quang A, Viện Trưởng IDS, đã nhận định: “Nhà nước có vai trò quan trọng, nhưng nhà nước không phải là tất cả. Nếu họ chỉ nghĩ đến quyền lực của mình mà gây khó khăn cho hoạt động của người dân, thì cũng không thể cản được sự phát triển không thể cưỡng lại của đất nước.”
Theo ông Vũ Quang Việt, mục đích của quyết định số 97/2009/QĐ-TTg là nhằm ngăn chặn tất cả những nghiên cứu trong tương lai. Như vậy, nền khoa học của Việt Nam làm sao có thể phát triển, đặc biệt là những nghiên cứu khoa học mang tính xã hội. Nếu nhà nước muốn áp dụng đúng quyết định này, thì tất cả mọi sự phản biện sẽ bị dẹp bỏ hết.
Sau sự giải thể của Viện Nghiên cứu IDS, chưa thấy một tổ chức khoa học tư nhân bất vụ lợi nào xuất hiện. Chưa có một văn bản nào để vô hiệu hoá quyết định 97, hầu phục hồi hoạt động nghiên cứu khoa học. Điều này đặt ra một câu hỏi, liệu đảng CSVN có thực tâm mời gọi sự đóng góp của các chuyên gia hải ngoại? Hay đó cũng chỉ là một hành động tuyên truyền để chứng tỏ sự cởi mở của nhà nước CSVN.
Việc truy cập trên mạng thông tin toàn cầu (Internet) cũng bị hạn chế, gặp trở ngại vì “bức tường lửa” hay bị cản trở, phá hoại bởi đám “công an mạng” của nhà nước. Sự ngăn chặn truy cập thông tin trên mạng, chứng tỏ đảng CSVN vẫn dè chừng những biến động có thể ảnh hưởng tới sự an toàn của đảng. Nhưng trước nhu cầu phát triển, Nhà nước bắt buộc phải mở rộng thông tin và mạng thông tin toàn cầu (Internet). Mọi sự ngăn chặn gần như bất lực trước giới trẻ hay các chuyên gia kinh nghiệm về kỹ thuật thông tin mạng, và là dịp để họ phát hiện mặt trái của các thông tin dưới hình thức tuyên truyền xuyên tạc của chế độ.
Thông điệp đầu năm của ông Dũng đưa ra những chính sách cần phải thực hiện trong năm 2014, mặc dù những vấn đề này đã được các vị lãnh đạo tiền nhiệm của đảng nói tới nhiều thập niên trước đây. Nhưng việc giải quyết cho các ưu tiên này vẫn “dậm chân tại chỗ”, chỉ nói mà không làm. Trong khi đó những “việc nhỏ” về mặt an ninh xã hội ảnh hưởng trực tiếp đời sống hàng ngày của người dân bị bỏ quên. Tình trạng mất an ninh ngày càng nghiêm trọng. Để minh chứng điều này, Đại biểu Bùi Đặng Dũng phát biểu: “Tôi băn khoăn khi đọc báo cáo của chính phủ về tình hình tội phạm và thực tế, chưa bao giờ lòng dân bất an như lúc này. Cử tri nói ra ngõ gặp kẻ cướp. Thậm chí chúng còn vào tận nhà, sờ từng người để lấy trộm, uy hiếp lột tài sản.”
Đại biểu Nguyễn Văn Luật cho rằng, khi người dân phải đứng ra tự giải quyết những tệ nạn xã hội, chứng tỏ họ đã mất niềm tin. Vi phạm pháp luật ở lãnh vực nào cũng có. Đáng lo ngại hơn cả là việc bảo kê, bao che của các cấp chính quyền.
Tội ác gia tăng khắp nơi. Những vụ cướp đất đai tài sản của người dân do chính quyền địa phương liên kết với xã hội đen, càng làm xấu thêm hình ảnh, vốn dĩ không tốt đẹp gì, của đảng CSVN, mà Thủ tướng Dũng cố công tô vẽ trong thông điệp đầu năm 2014.
Dù phải đánh vật với “Cơm, Áo, Gạo, Tiền” trong đời sống khó khăn hàng ngày, hình ảnh “Vinashin, Vinalines” và nhiều thứ lỉnh kỉnh khác nữa luôn ám ảnh, khiến tương lai người dân nghèo vốn đã bấp bênh lại phải thêm một lần “thắt lưng, xiết bụng”.
Kết luận
Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc ngày đầu năm 2014 vẫn chỉ là những hứa hẹn xuông, chưa thấy một hành động nào chứng tỏ có thiện chí để đáp lại sự mong đợi của người dân. Mùi thơm “Dân chủ” thật hấp dẫn. Mặc dù người dân được khoác danh hiệu “Nhân dân làm chủ”, nhưng “cổ họng và dạ dầy” nằm trong “bàn tay thép” của đảng và nhà nước. Tất cả “quyền sống tối thiểu” của người dân Việt vẫn bị chòng chéo trong hành động “xin-cho”, đã trở thành “lúc còn khi mất” tuỳ theo nhu cầu của đảng.
Mô hình “đảng cử dân bầu” đã thể hiện nếp sống dân chủ mà đảng CS vẫn tự hào là “đỉnh cao trí tuệ”, là “thành quả sáng tạo”, để đưa đất nước tiến lên “xã hội chủ nghĩa”, mặc dù giới lãnh đạo đảng vẫn chưa hình dung ra thế nào là XHCN, vẫn lần mò tìm kiếm cái đích không bao giờ tới, vì bản chất của XHCN là “hoang tưởng”.
Với hiện tình đất nước, người dân Việt chỉ nhìn thấy khẩu hiệu “Quan giầu Đảng mạnh”, trong khi người dân ngày càng nghèo vì còng lưng lao động đóng thuế cho các quan hưởng thụ.
Thủ tướng Dũng, cũng như quý vị lãnh đạo đảng, có bao giờ nhẩm tính tài sản hiện có là bao nhiêu? Do đâu và bằng cách nào mà chỉ trong một thời gian ngắn đã đạt tới hàng số dài không nhớ hết? Quý vị nên nhớ, đồng tiền vốn là đồng “bạc”, rất dễ “đổ sông đổ biển”.
Người Việt đã chán ngấy thứ “bánh vẽ dân chủ” mà đảng đưa ra từ hồi đầu cách mạng dưới “triều đại Hồ Chí Minh”, vốn chỉ là vỏ bọc của khủng bố và độc tài.
Thủ tướng Dũng nên lượng sức, hãy thực tâm làm những chuyện nhỏ nhưng thiết thực đối với đời sống của người dân. Hãy trả tự do cho những người bị bắt giam vì có lòng yêu thương đất nước trước nạn ngoại xâm. Trả lại nhân dân quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo… đã ghi trong Hiến pháp. Khi đã thực hiện được những chuyện nhỏ thì vinh quang sẽ tới. Hãy đứng về phía nhân dân để có chỗ dựa an toàn khi phải đối diện với “lực lượng thù địch” đang hoành hành trong đảng.
© Trần Nhật Kim
© Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment