Wednesday, May 7, 2014

Ông thủ tướng lại không yên?

Blogger Nguyễn Ngọc Già gửi RFA

2014-05-07

Giàn khoan HD 981 của Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp
Giàn khoan HD 981 của Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp (Nguồn nguyentandung.org)
(Nguồn nguyentandung.org)


    Việc nhà đương cục Trung Quốc kéo giàn khoan thăm dò dầu khí vào trong vùng biển Đông - cách đảo Lý Sơn của Việt Nam chỉ trên 200km, hôm 02/5/2014 - trở thành sự kiện vô cùng nghiêm trọng đối với Việt Nam, dù không mấy ai ngạc nhiên, với cung cách "giao thiệp bên ngoài" của nước CHXHCNVN. Nó nghiêm trọng không chỉ vì Trung Quốc tỏ rõ tham vọng xâm lược biển đảo Việt Nam, mà còn ở chỗ, chỉ cách 3  hôm sau "người ta" bắt ông Nguyễn Hữu Vinh - chủ trang web nổi tiếng Basam.info - người có quan điểm chống giặc phương Bắc quyết liệt.
Nhiều người gắn kết hai việc này với nhau, trong đó một số coi như là hành động "mềm nhũn" trước ngoại xâm phương Bắc từ phía nhà cầm quyền nước CHXHCNVN.

Vụ bắt Anh Ba Sàm
Xin phép gọi ông Nguyễn Hữu Vinh vừa bị bắt bằng bút danh để tránh lẫn lộn hay nhầm lẫn với ông J.B Nguyễn Hữu Vinh (một người Công giáo, một blogger). Nêu rõ việc này, vì dạo qua một số diễn đàn, trong đó có những diễn đàn không mấy thiện cảm với phong trào dân chủ - nhân quyền, không biết vì vô tình hay hữu ý, một số ý kiến lầm lẫn giữa người này thành người kia bởi có cùng họ tên, nhưng nhân thân hai nhân vật này hoàn toàn khác nhau.
Trên trang CAND,  bản tin với giọng điệu cộc lốc [1] cho biết blogger Anh Ba Sàm và cô Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt, với cách gọi trống không "họ tên" của hai vị này. Vô lễ hơn, khi tờ CAND gọi họ bằng chữ "đối tượng" - một cách miệt thị, cách gọi này vi phạm Quyền Con Người. Cần nhớ, cho tới nay hai người này vẫn còn nguyên vẹn quyền công dân cho tới khi nào, (ít nhất) có quyết định khởi tố bị can, lúc đó cũng chỉ nên gọi hai công dân này là: Bị can. Giới công an nói riêng và giới cầm quyền nói chung phải dẹp bỏ cách gọi như thế từ trong suy nghĩ hỗn xược đối với dân, từ lâu ăn sâu vào "tâm khảm".
   Không những thể hiện văn hóa rất kém, tờ CAND còn tỏ ra thiếu hiểu biết tối thiểu pháp luật, bằng cách viết: "...Theo cơ quan An ninh điều tra, hai đối tượng trên đã có hành vi đăng tải các bài viết trên mạng Internet nội dung xấu, thông tin sai lệch làm giảm uy tín, mất lòng tin trong nhân dân về cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, công dân, quy định tại Điều 258 – Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...". Một tờ báo không được phép "kết tội" bất kỳ ai, cho dù là "kết tội" ăn... "theo cơ quan An ninh điều tra", bất chấp đó là báo CAND - "cơ quan của đảng ủy công an trung ương và bộ công an".
Hơn nữa, khi báo CAND cho biết ý kiến trên là của "cơ quan an ninh điều tra", chứng tỏ "cơ quan này" đã tiết lộ bí mật công tác (theo quy định tại điều 286, 287 Luật hình sự), bởi mới vừa bắt khẩn cấp với những dấu hiệu ban đầu được cho là phạm vào điều 258, chưa điều tra, kết luận rõ ràng lại vội vàng công bố cho một tờ báo. Như thế nó càng thể hiện tính tùy tiện, bất chấp pháp luật của giới công an bấy lâu nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (nguyentandung.org)
   Thêm vào đó, khái niệm "bắt khẩn cấp" sử dụng khi nào? Theo điều 81 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:
Điều 81. Bắt người trong trường hợp khẩn cấp
1. Trong những trường hợp sau đây thì được bắt khẩn cấp:
a) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;
c) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.
Đối chiếu với những gì mà báo CAND đăng so với khoản 1 điều 81 Luật TTHS, cho thấy việc bắt blogger Anh Ba Sàm và cô Nguyễn Thị Minh Thúy không thỏa đáng:
   1- Nếu bị quy kết phạm vào điều 258, tức không thuộc khái niệm "tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng" - mục a.
   2- Không có "người bị hại" nào với tư cách "chủ thể bị xâm phạm" và càng không có "người có mặt" nào "chính mắt trông thấy và xác nhận" việc hai người này làm điều gọi là "tội phạm" - mục b.
   3- Cả blogger Anh Ba Sàm và cô Minh Thúy không cho thấy "dấu vết" gì cả, bởi vì khi dùng chữ "dấu vết", tức đồng nghĩa người bị nghi phạm tội đã "bỏ trốn" hay chứng cớ đã "phá hủy" xong và còn rơi rớt "chút ít" gì đó, trong khi những bài điểm tin, những câu bình luận (nếu có) đầy trên basam.info (trước đây) từ lâu. Thêm vào đó, họ vẫn ở sờ sờ tại Hà Nội với địa chỉ rõ ràng do chính báo CAND chỉ ra, tức là họ không việc gì phải "trốn" và càng không thỏa đáng với cụm từ "tiêu hủy chứng cớ" đặt trong điều kiện cần và đủ với cụm từ "...người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn...". Với thời buổi internet hiện nay, nếu có thể gọi là "chứng cớ" - nó vẫn còn nguyên đó, ngay trên basam.info. 
Thậm chí giả sử việc bắt 2 người này có liên quan đến trang Dân Quyền và Chép Sử Việt, giới công an cần phải bằng mọi cách, khôi phục ngay lập tức 2 trang đó để chứng minh cái gọi là "chứng cớ" có liên quan.
Ai đã phá và ngăn chận hai trang này, ngay trong hôm bắt giữ 2 blogger nói trên?

Ông Nguyễn Hữu Vinh - chủ trang web Basam.info
Ông Nguyễn Hữu Vinh - chủ trang web Basam.info
Anh Ba Sàm
Với nhân thân từ lâu mọi người đều biết và thường gọi thuộc thành phần "con của công thần", Anh Ba Sàm được nhìn với tư cách [2] "...cực kỳ hiểu biết, thông minh, có học và không háo danh, không cơ hội..." như nhà báo Đoan Trang nhận định.
Anh Ba Sàm còn là người [2] "...hành xử như một trí thức, một công dân có trách nhiệm với tương lai của đất nước. Chỉ riêng trong lĩnh vực báo chí, anh đã có một sự nghiệp mà không mấy nhà báo Việt Nam nào làm được...." - nhà báo Huy Đức nhận xét.
Blogger Anh Ba Sàm xuất hiện nhiều lần trong các cuộc biểu tình chống giặc phương Bắc tại Hà Nội cũng như theo dõi, đưa tin sát sao, nóng bỏng về các cuộc biểu tình tương tự tại Sài Gòn.
Hôm 09/12/2012, cuộc biểu tình chống Trung Cộng diễn ra tại Sài Gòn, nhà thơ Đỗ Trung Quân cho biết [3]:
"...an ninh thường phục xuất hiện ngay bên cạnh “ anh Q ! tôi nói chuyện “ trong tíc tắc tôi nghĩ thầm an ninh sài gòn cực giỏi ,góc khuất thế, sau tấm rèm che mà vẫn túm được tôi...".
Sau đó, nhà thơ Đỗ Trung Quân hiểu ra sự "cực giỏi" của công an [3]: "...Giờ đọc anh Ba Sàm tôi mới than trời biết được cái lý do mình bị phát hiện nhanh đến thế .ối anh Ba Sàm ôi ! anh đưa tin thế này có khác gì chỉ chỗ tôi khi họ vẫn theo dõi web của anh từng phút hôm nay: Nhà thơ Đỗ Trung Quân từ KS Continental-Saigon điện thoại cho biết...".
Anh Ba Sàm, ngoài nhận định như nhà báo Đoan Trang và Huy Đức, cũng được biết từng là thiếu tá an ninh A25 được đào tạo bài bản, lăn lộn nhiều năm cùng với việc mở công ty thám tử tư và từng được mời dự các hội thảo do phía cầm quyền tổ chức như [4]: Hội thảo “Tác động của truyền thông xã hội lên tác nghiệp báo chí” vào ngày 24-12-2012 và hội thảo "Bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử của các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, hải đảo và chủ quyền quốc gia thời hiện đại" ngày 9-3-2014.
Vụ bắt bà Bùi Thị Minh Hằng
Trang Dân Luận dẫn bài của facebooker Trần Thị Cẩm Thanh [5], tường thuật việc con trai bà Bùi Thị Minh Hằng tổ chức kêu gọi mọi người ký tên để kêu oan cho mẹ mình, bị bắt giữ vô pháp kể từ hôm tháng 2/2014 đến nay. Trong đó, cho thấy một tấm ảnh với những dòng chữ: "Ủng hộ xăng cho Bùi Hằng", "Bùi Thị Minh Hằng là rác rưởi xã hội". Những "bảng hiệu" này do vài thanh niên trẻ với vẻ mặt tự tin xuất hiện trước ống kính không e dè. Nơi diễn ra vụ việc là tại Hà Nội vào sáng ngày 04/5/2014.
Trong bài tường thuật cho biết, lực lượng công an xuất hiện rất nhiều và vẻ như vô tình ngó lơ việc nhiều kẻ mặc thường phục, công khai uy hiếp, mắng nhiếc và đòi hành hung con trai của bà Hằng. Hành vi này cùng những "bảng hiệu" khiêu khích đầy tính "kích động bạo lực" nói trên, khiến người ta liên tưởng đến cụm từ "bảo kê" hoặc "dung dưỡng" ngay giữa lòng Thủ đô Việt Nam, khiến người quan sát không thể không nhắc lại tính chất "cát cứ địa phương" - một đặc tính tồn tại dai dẳng bao năm qua trên hầu hết các tỉnh thành nước CHXNCNVN.
Bà Bùi Thị Minh Hằng cũng từng bị "di lý" từ Sài Gòn ra Hà Nội, từ đó bị nhốt tù oan 5 tháng và sau đó được trả tự do. Liên quan đến việc trả tự do không rõ ràng, bà Hằng theo đuổi vụ kiện Nguyễn Thế Thảo một cách kiên trì [6]: "...Tôi sẽ kiện cho đến ngày hoặc là TÔI hai là Nguyễn Thế Thảo không còn có mặt trên cõi đời này nữa...".
Trước đó, việc bắt bà Hằng vô cớ và trả tự do vô duyên, được blogger Anh Ba Sàm cho hay [7]: "...Dấu hỏi về vụ bắt giữ này, liệu có phải là một cái tát của đối thủ chính trị muốn làm mất mặt ông thủ tướng (?), đã được làm rõ hơn khi chỉ ít lâu sau, đích thân thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công an phải làm thủ tục trả tự do cho Bùi Hằng “vô điều kiện”. Không những ông thủ tướng đich thân ra lệnh, mà thông tin quanh mệnh lệnh của ông, rồi chính quyền Hà Nội có vẻ như cố tình trì hoãn, lại như còn được “rò rỉ” một cách nhanh chóng và khác thường ra bên ngoài qua một đài phương Tây nữa".
Từ bấy đến nay, không biết chứng cớ nào có thể làm cho blogger Anh Ba Sàm khẳng định "đích thân thủ tướng" yêu cầu thả bà Hằng?
Ông Thủ tướng lại không yên?
Hà Nội - Thủ đô của nước CHXHCNVN - với giàn lãnh đạo chủ yếu: ông Phạm Quang Nghị (về mặt đảng) - ông Nguyễn Thế Thảo (về mặt chính quyền) - ông Nguyễn Đức Chung (về mặt công an). Nơi đây, vừa qua vợ chồng ông Nguyễn Bắc Truyển bị hành hung công khai, khi đến Đại sứ quán Úc để trình bày về vi phạm nhân quyền của giới cầm quyền Lấp Vò - Đồng Tháp.
Tại địa phương này, như Anh Ba Sàm cho biết "...đích thân thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công an phải làm thủ tục trả tự do cho Bùi Hằng", người ta cũng biết Viện Toán cao cấp vẫn đang phải tốn kém đi thuê địa điểm làm văn phòng, bất chấp Thủ tướng yêu cầu Hà Nội có nhiệm vụ cấp đất cho Viện Toàn này làm dự án từ hơn 3 năm qua.
Nơi đây cũng đang tranh chấp đất đai với nhà thờ Thái Hà mà Nguyễn Đức Chung - Giám đốc công an Hà Nội, cho biết vẫn còn rất nhiều "đất đẹp" do tình hình bất động sản đóng băng. Từ đó ông Chung gợi ý phía Nhà Thờ làm đơn xin đất để giải quyết cho vấn đề "mượn rồi không trả" thuộc về lịch sử người cộng sản "để lại", nên giờ này rất khó để "trả", cho nên các vị Linh Mục cần chuyển từ "đòi" qua "xin" sẽ hợp "đạo lý" hơn (!). Trong khi chờ đợi, Nhà thờ Thái Hà vẫn hay bị "kiểm tra hành chính" [8], ví như vào tháng 2/2014. Việc "kiểm tra" lại không có lý do, nên người ta gọi là "quấy phá" chốn linh thiêng.
Hôm 29/4/2014, với tình hình giải ngân vốn rất chậm chạp cho tất cả các dự án trên toàn quốc, báo Thanh Niên cho biết [9]: "...Thủ tướng cũng phê bình lãnh đạo Hà Nội là địa phương có nhiều dự án chậm bàn giao mặt bằng, khi báo cáo xong không ở lại nghe ý kiến chỉ đạo của Chính phủ”.
Không lẽ "rừng nào cọp đó" vẫn tồn tại trong thế kỷ 21, tại Việt Nam - nơi mà  "rừng vàng" không còn và "biển bạc" gần như mất  với cả nghĩa đen và nghĩa bóng?
Kết
Đối mặt với:
- Phiên đối thoại Nhân quyền Việt - Mỹ ngày 12/5/2014,
- Hơn 200 yêu cầu từ kỳ UPR vừa qua, chờ hồi đáp vào tháng 6/2014,
- Nhu cầu được gia nhập TPP,
- Một số tù nhân lương tâm vừa được trả tự do,
- Nền kinh tế có nguy cơ vỡ nợ,
- Lòng dân ngày càng mất hẳn tin tưởng vào chế độ với nhiều biểu hiện vùng lên tự phát,
- Áp lực thế giới cùng người dân trong nước và người Việt hải ngoại đòi xã hội tự do dân chủ,
- Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng và chủ yếu nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. 
Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch".
- Đặc biệt,  việc Trung Quốc kéo giàn khoan thăm dò vào biển Đông...
..."bắt khẩn cấp" blogger Anh Ba Sàm và Nguyễn Thị Minh Thúy, có vẻ tỏ ra "nóng vội", thiếu tỉnh táo với "điều 258" - tội danh không có gì là nghiêm trọng, nó trở nên quá khẩn trương trong tình hình "giữa muôn trùng vây" - đó chẳng lẽ là cách mà chính phủ nên "ưu tiên" hành động "khẩn"?
Có lẽ do vậy mà người ta đang bàn tán xôn xao về kế sách "tá đao sát nhân"? Tuy nhiên, với nhận định cá nhân, người viết cho rằng 2 kế sách "Sấn đả hỏa kiếp" và "Man thiên quá hải" có vẻ phù hợp hơn trong việc bắt giữ 2 blogger nói trên?
Vụ việc vẫn còn quá sớm để đưa ra nhận định xác đáng hơn, cho đến khi nào "quyết định khởi tố" được biết, thay vì thông tin "cụt ngủn" và bí ẩn như báo CAND?
Nguyễn Ngọc Già
[1] http://www.cand.com.vn/vi-VN/bandoc/2014/5/230207.cand

No comments:

Post a Comment