Người dân Việt Nam trong hơn tháng qua kể
từ ngày Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan vào sâu trong vùng biển
đặc quyền kinh tế, mỗi người một cách biểu lộ phản ứng của mình. Đến
người hiền lành nhất cũng cảm nhận bị đe dọa bởi quân xâm lược. Ra chợ
sẽ thấy, những khuôn mặt lấm lem của người mua gánh bán bưng luôn loáng
thoáng nỗi lo âu chiến tranh và trong ngôn ngữ thường ngày người ta
không ít lần nghe đến hai chữ “giàn khoan” cùng hàng ngàn bàn tán.
Những bàn tán rất đời thường trong quán
cà phê, nơi công sở thậm chí ngay trong các bàn tiệc quan hôn tang tế lộ
ra một điều: mọi sự đã phơi bày trước bàn dân thiên hạ về ý đồ xâm lăng
của Trung Quốc. Khởi đầu thì người ta lo ngại, dần dà là sự tức giận và
cuối cùng là cay đắng, xấu hổ.
Lo ngại vì Trung Quốc mạnh và tham vọng
bá quyền. Tức giận vì Việt Nam gần như cô độc trong vùng, ngoại trừ
Philippines, số còn lại trong khối ASEAN hầu như im lặng không một lời
phê phán. Và cuối cùng là cay đắng, xấu hổ khi Trung Quốc công bố một
loạt những bằng chứng về Công hàm Phạm Văn Đồng ký năm 1958. Sách giáo
khoa địa lớp 9 của Việt Nam xuất bản năm 1974 rồi bản đồ thế giới do Cục
Đo đạc Bản đồ Việt Nam in năm 1972 công nhận Hoàng Sa – Trường Sa là
của Trung Quốc. Cả nước chết lặng, cổ đắng họng khan, nghẹn ngào khi
biết ra rằng cả một hệ thống cầm quyền từ xưa tới nay đã lạc vào mê hồn
trận do Trung Quốc sắp đặt.
Câu hỏi từ mấy năm qua:
sao không đem
Hoàng Sa – Trường Sa vào sách giáo khoa đã có lời giải. Một lời nguyền
thì đúng hơn, bởi nó chứa đựng một chính sách nhất quán sai lầm của
nhiều đời Tổng Bí thư. Ngay cả Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không nhận ra
lòng tham vô tận của người anh em mà ông ăn nằm và tin cẩn như ruột
thịt.
Ruột thịt ấy đã quay mặt với ông từ lâu
và đến hôm nay thì giọt nước cuối cùng trong chiếc ly đen tối mang tên
hữu nghị đã rơi xuống đất.
Kinh thánh Thiên chúa giáo có nhân vật
Giu Da cả gan bán Chúa cho quân Do Thái để lấy 30 đồng bạc sao mà giống
câu chuyện của Đảng cộng sản Việt Nam công nhận Hoàng Sa-Trường Sa là
của Trung Quốc đến thế.
Giu Da lập luận rằng Chúa của ông là
quyền năng vô tận không một thế lực nào có thể bắt và giết ngài, vì vậy
lừa bọn Do Thái để lấy 30 đồng bạc là một hành động thông minh có khi
còn được khen thưởng. Giu Da không ngờ ý Chúa đã muốn cứu chuộc nhân
loại và hành động của y như một bài học cho con người về sự phản phúc
chứ không thể xem là khôn ngoan.
Ông Phạm Văn Đồng rơi đúng vào trường hợp
này khi nghĩ rằng ký công hàm không phải là xác nhận chủ quyền vào tay
Trung Quốc. Chữ ký ấy chỉ có ý nghĩa làm vui lòng một thế lực đang giúp
Việt Nam chiến đấu chống Mỹ và do đó có thể cho là một sự khôn khéo của
ngoại giao.
Ông Đồng và Đảng Cộng sản Việt Nam đã đi
theo vết xe của Giu Da bán Chúa. Thay vì bán một thánh nhân thì ông và
Đảng cộng sản đã đem đất nước ra đặt cược với Trung Quốc. Từ tờ công hàm
ấy, Việt Nam trượt dài dưới áp lực của phương Bắc để có thêm hai hành
động mê muội theo sau khiến Trung Quốc không dại gì mà không khai thác.
Ba chi tiết dẫn đến mất nước ấy không ai có khả năng phản biện vì càng cố phản biện thì sự ngụy biện càng lộ rõ hơn.
Bây giờ thì mọi câu hỏi trong quá khứ đã
có lời giải thỏa đáng. Đảng và nhà nước Việt Nam ý thức công hàm Phạm
Văn Đồng là lưỡi gươm Damocles luôn lơ lủng trên đầu nên khi dân chúng
biểu tình chống Trung Quốc thì chính quyền đàn áp không thương tiếc.
Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập do nhà nước cố tình làm ngơ. Nhà thầu
Trung Quốc chiếm mọi cuộc thầu lớn nhỏ, nhập siêu của Trung Quốc mỗi năm
mỗi cao hơn…là những biểu hiện lấy lòng để Trung Quốc quên đi chuyện
cũ…
Thế nhưng Việt Nam mới là kẻ mau quên.
Quên Trung Quốc là một anh bạn lật lọng và sẵn sàng làm mọi chuyện để
đạt mục đích của họ. Nhường nhịn như vậy nhưng Việt Nam vẫn không bịt
được mồm của một kẻ quen thói lu loa nhất là lu loa để lấy hết biển Đông
thì dù có làm hơn thế trăm lần Trung Quốc cũng sẽ theo đến cùng cuộc
chiến tranh mồm mép.
Còn một chút niềm tin vào Chủ nghĩa Xã
hội cũng bị Trung Quốc dày xéo lên luôn, thế là Đảng và nhà nước Việt
Nam đành quay mặt vào… nhau tìm phương kế thoát ra tiếng xấu ngàn đời.
Báo chí rõ ràng không dám đổ tội cho Phạm
Văn Đồng, vì làm như thế là chấp nhận công hàm bán nước. Nhưng dù không
chấp nhận cũng khó mà tranh cãi giữa tòa án quốc tế, nơi bài học Giu Da
bán Chúa đã được các ông bà thẩm phán người phương Tây thuộc lòng từ
khi mới sinh ra.
Những bằng chứng ấy phải được can đảm
chấp nhận và biện pháp duy nhất giải độc nó là nhận lỗi trước nhân dân
cả nước về sai lầm này.
Nhận lỗi không phải để tiếp tục cầm quyền
mà phải rút lui ra khỏi cương vị hiện nay vì tất cả các ông/bà trong Bộ
chính trị không ai xứng đáng đại diện cho nhân dân Việt Nam cả. Liên
đới trách nhiệm buộc những người đang đi dưới lá cờ của Đảng cộng sản
Việt Nam phải thấy đó là sự sỉ nhục chung không thể bào chữa. Nếu còn
lương tri hãy vứt thẻ đảng để lo cứu nước còn hơn ôm một mớ ảo tưởng
ngồi đó chờ ngày người dân đến tước thẻ của mình.
Nếu sau chiến tranh đảng viên được cho là
những người có công với cách mạng, đất nước thì công hàm Phạm Văn Đồng
và sách giáo khoa, bản đồ do Việt Nam phát hành phải được xem là hành
động làm cho mất nước.
Người đảng viên đi dưới lá cờ của Đảng cộng sản
không thể vô can và vì vậy không được tiếp tục nhắm mắt đi theo đường
của đảng vẽ ra, kể cả con đường chống giặc Tàu nếu có.
Khi chữ Đảng không còn linh thiêng nữa
thì hãy trở về với lòng yêu nước còn sót lại hiếm hoi trong tim các vị.
Đã đến lúc phải chấp nhận rằng Đảng không còn chút giá trị gì khi nhận
vai trò lãnh đạo chống ngoại xâm. Chính Đảng mới là lực cản của toàn bộ
sức mạnh dân tộc.
Đảng không còn tỉnh táo để hướng dẫn bất cứ ai vì ngay người nắm vận mệnh của nó đã không còn đủ sáng suốt từ nhiều năm qua.
Hãy nhìn ông Nguyễn Phú Trọng thì thấy
ngay mặt trái của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Hơn ba triệu đảng
viên Cộng sản dưới quyền của ông Trọng đã có phát biểu nào cho ra hồn
khi chính ông thủ lĩnh không thèm nói một lời chống giặc?
Hay ông chờ cho tới ngày 15 tháng Tám khi
giàn khoan 981 rút đi vì bão tố, sóng dữ thì trở lại vai trò nhạc
trưởng, đưa chiếc gậy chỉ huy lên cho toàn đảng của ông cất lên bài ca
núi liền núi sông liền sông, Việt Nam luôn trọng tình hữu nghị?
Cánh Cò, Việt Nam 18/06/2014
(baotoquoc)
No comments:
Post a Comment