Dồn dập đóng dàn khoan
Theo Báo điện tử Chính phủ, Trung Quốc đang huy động toàn lực để đóng giàn khoan Hải Dương 982 tại nhà máy đóng tàu Đại Liên trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc CSIC. Ngay từ trong thuyết minh thiết kế, Trung Quốc đã không hề giấu giếm mục tiêu hoạt động của nó là tại khu vực biển Đông. Thậm chí, dự án này còn được coi là một trong 10 chương trình trọng điểm của Trung Quốc và được đích thân ông Tập Cận Bình tới thị sát.
Cũng như Hải Dương 981, giàn khoan Hải Dương 982 là loại giàn nửa chìm thế hệ thứ 6. Hải Dương 982 được thiết kế để hoạt động ở độ sâu tối đa 1.524 m và khoan xuống độ sâu tối đa 9.144 m.
Theo các chuyên gia, được định vị bằng hệ định động học cấp 3 – cấp cao nhất – với 8 chân vịt lái, mỗi chân vịt được kéo bởi động cơ 4.600 CV, giàn khoan Hải Dương 982 có khả năng định vị trên biển mà không cần mỏ neo.
Giàn khoan Hải Dương 982 có khả năng chống mệt mỏi – vốn là căn bệnh cố hữu của nhiều giàn khoan trước tác động của thiên nhiên, đặc biệt là có thể chống chịu được cơn bão khủng khiếp nhất theo thống kê trong 200 năm qua tại biển Đông.
Ngoài Hải Dương 982, theo tờ Hải Dương (Trung Quốc), tháng 10/2013, Công ty TNHH Cổ phần dịch vụ mỏ dầu Trung Hải (COSL) thông báo rằng công ty này đã ký hợp đồng đóng thêm giàn khoan dầu Hải Dương 943 và Hải Dương 944.
Giàn khoan Hải Dương-943 được cho là có thể hoạt động ở độ sâu 400 m và khoan xuống độ sâu 10.668 m. Trong khi đó, Hải Dương-944 có khả năng hoạt động trong vùng đất mềm, ở độ sâu 400 m và khoan sâu tối đa xuống độ sâu 9.144 m.
Theo dự kiến, thời gian bàn giao 3 giàn khoan Hải Dương 943, Hải Dương 944 và Hải Dương 982 lần lượt sẽ là vào tháng 9, 10/2015 và tháng 8/2016.
Âm mưu thâm độc của Trung Quốc ở biển Đông
Bài viết của tác giả Việt Long đăng trên Vietnamplus nhận định: “Đích nhắm của Hải Dương-981 tiếp theo sẽ là Tư Chính, là 9 lô dầu khí ven bờ miền Trung Việt Nam mà CNOOC gọi thầu bất hợp pháp, là Bãi Cỏ Rong, Bãi Cỏ Mây, bãi Tăng Mẫu (bãi cạn James theo cách gọi của Trung Quốc), bất cứ nơi đâu trong phạm vi đường lưỡi bò, nhưng ưu tiên các vùng biển ven bờ các nước nơi khả năng khai thác dầu khí thương mại đã được khẳng định.”
Trả lời phỏng vấn TTXVN tại Pháp, tướng Daniel Schaeffer, nguyên Tùy viên quân sự Pháp tại Việt Nam và Trung Quốc, nguyên cố vấn của Bộ Quốc phòng Pháp, một nhà nghiên cứu về Biển Đông có uy tín nhận định, việc Trung Quốc khoan dầu Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là một bước đi mới trong tổng thể các hành động nhằm độc chiếm Biển Đông bằng đường lưỡi bò mà Trung Quốc đã đưa ra trước đó.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Thái Bình, kỹ sư đóng tàu thuộc Hội Khoa học Kỹ thuật Biển TP HCM, Thành viên Hội Đóng tàu Mỹ (SNAME) đã chỉ ra thêm rằng: “Chỉ với một 981, Trung Quốc đã thách thức chủ quyền của Việt Nam và rất nhiều quốc gia khác, thách thức an ninh khu vực và ổn định hàng hải quốc tế. Thêm một 982, dã tâm của Trung Quốc không còn phải che giấu…. Trung Quốc đang rất nóng lòng, họ muốn thực hiện càng sớm càng tốt cái giấc mơ Trung Hoa, ít nhất là với Biển Đông”.
Về phần mình, hãng tin Mỹ AP đã có bài vạch trần âm mưu thôn tính Biển Đông của Trung Quốc thông qua giàn khoan: “Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông. Hiện quốc gia này bắt đầu lên kế hoạch “hiện thực hoá” các công bố của mình bằng cách đưa giàn khoan vào tiến hành khoan dầu trong khu vực được cho là giàu tài nguyên khí đốt. Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là muốn thay thế Mỹ trở thành cường quốc quân sự chiếm ưu thế trong khu vực, đưa các nước láng giềng vào quỹ đạo kinh tế và văn hoá của họ.”
\
Theo Soha
No comments:
Post a Comment