Friday, August 29, 2014

Cảm nghĩ về một nụ cười

"...Đào Hiếu tin tưởng điều gì và mong ước điều gì khi ca tụng Võ Thị Thắng? Đào Hiếu quên hay không biết rằng, có những tấm ảnh không cần nụ cười vẫn nổi tiếng thế giới như tấm ảnh cha Lý bị bịt miệng trước tòa?



Trước đây 46 năm, Võ Thị Thắng còn mỉm cười được vì bà được xử ở một phiên tòa công khai, nhân bản. Ngày hôm nay có bao nhiêu phiên tòa bỉ ổi, hèn hạ, xử kín - những người dân yêu nước như Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Phương Uyên, Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Xuân Nghĩa... những người không hề có một tấc sắt trong tay, chỉ tranh đấu cho quyền tự do, dân chủ, hay tranh đấu, đòi hỏi quyền lợi cho công nhân hoặc biểu lộ lòng yêu nước một cách ôn hòa theo đúng hiến pháp mà nhà cầm quyền Hà nội công bố, với những bản án thật nặng nề..."



*

Buổi tối, sau khi đọc 2 bài báo, một của J B Nguyễn Hữu Vinh tường thuật về vụ xử Bùi Thị Minh Hằng và 2 người yêu nước khác là Nguyễn Văn Minh, Nguyễn thị Thúy Quỳnh, bài thứ hai của Đào Hiếu, Một Nụ Cười Khác nói về Võ Thị Thắng, nữ biệt động thành bị bắt và xử án ở Sài Gòn 46 năm trước, tôi bị mất ngủ.

Mất ngủ vì nụ cười vừa kiêu hãnh của kẻ chiến thắng hoặc có cảm giác chiến thắng, vừa có vẻ khinh miệt, cùng với những lời ca tụng của Đào Hiếu viết về Võ Thị Thắng như điệp viên thượng thặng James Bond 007, mất ngủ vì căm giận, vì sự liên tưởng giữa 2 phiên tòa.

Phiên tòa xử Võ Thị Thắng cách đây 46 năm là phiên tòa công khai, bằng chứng tội phạm của Võ Thị Thắng cũng rõ ràng là khẩu súng đi hành quyết một nhân viên của chính quyền VNCH. Việt công gọi hành động thô bỉ đó là đi trừ gian. Phiên tòa công khai có sự hiện diện của phóng viên quốc tế, nhưng bên ngoài tòa án hoàn toàn không thấy có dân chúng hiếu kỳ.

Võ Thị Thắng nổi tiếng thế giới với nụ cười trên mặt sau khi bị tuyên án 20 năm tù, hình ảnh được một phóng viên Nhật chụp.

Phiên tòa thứ hai mới cách đây ít ngày, cũng được gọi là công khai, nhưng lại xử hoàn toàn kín, không cho thân nhân người bị buộc tội, phóng viên báo chí, kể cả phóng viên ngoại quốc được tham dự, không cho cả nhân chứng mà tòa án thấy bất lợi cho chuyện kết án vào trong phòng xử.

Bên ngoài tòa án, hàng trăm dân chúng từ khắp nơi trên đất nước tuôn về tham dự, ủng hộ Bùi Thị Minh Hằng; Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh.

Hàng trăm công an, nhiều xe bít bùng được huy động để bắt giữ, ngăn cản người dân đến tham dự phiên tòa. Tin mới nhất cho hay rất nhiều người tìm cách tham dự phiên tòa đã bị bắt đi đâu không rõ.

Gần 3 giờ sáng, trằn trọc, không ngủ được, tôi ngồi dậy, mở laptop đọc lại bài của Đào Hiếu viết về người phụ nữ với nụ cười khinh mạn và câu nói nổi tiếng tại phiên tòa cách đây 46 năm:

- Liệu chính quyền các ông có tồn tại được tới ngày tôi mãn tù không?

Đúng! Chế độ kết án Võ Thị Thắng đã không tồn tại được quá 7 năm sau.

Nhưng chế độ XHCN được thành lập sau đó với niềm tin, sự đóng góp công sức của Võ Thị Thắng và những người đồng chí của bà như Đào Hiếu, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Tiêu Dao Bảo Cự, Lê Hiếu Đằng... như thế nào? Có tốt đẹp, công bằng, nhân ái, tự do, dân chủ như chế độ họ đã phá nát trước đây hay tàn tệ, gian ác, độc tài hơn gấp trăm, ngàn lần?

Là đại biểu quốc hội nhiều nhiệm kỳ, Võ Thị Thắng không thể không biết những chuyện cướp đất trắng trợn của chế độ với người dân ở khắp các miền trên đất nước, kể không xiết như Văn Giang, Cồn Dầu, Dương Nội, Tiên Lãng...

Võ Thị Thắng cũng không thể không biết những vụ công an đánh chết người trong đồn rồi loan tin họ tự tử xảy ra liên tục, khắp nơi trong nhiều năm qua. Trong 21 năm của 2 nền cộng hòa miền Nam, với tự do báo chí, có bao nhiêu người dân tự tử trong đồn cảnh sát? Đem so với chế độ công an trị của cộng sản hiện nay, tỉ lệ có lẽ chưa tới 1/100.

Sinh năm 1945, lớn lên ở Long An miền Nam Việt Nam, được ăn học, hưởng thụ những điều nhân bản trong môi trường giáo dục của 2 chế độ cộng hòa, điều gì đã khiến Võ Thị Thắng cũng như những người cùng thời với bà là Đào Hiếu, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân... thản nhiên nhúng tay vào tội ác?

Dù cả hai chế độ cộng hòa ở miền Nam có những điều chưa hoàn thiện, nhiều điều cần phải thay đổi nhưng hai chế độ đó không có những chương trình giáo dục sắt máu, ngay từ lớp 2, lớp 3.. đã có những bài toán cộng, trừ kích động lòng căm thù, tiêm nhiễm vào đầu óc trẻ thơ sự bắn giết, chết chóc... như chế độ CS Hà Nội đã và đang làm từ nhiều thập niên qua.

Hậu quả như thế nào? Không cần phải nói. Cứ nhìn vào thực tế xã hội Việt Nam hiện nay thì thấy rõ.

Nếu cho rằng đó là kết quả của sự tuyên truyền, nhồi sọ thì không đúng. Võ Thị Thắng, Đào Hiếu, Nguyễn Đắc Xuân, Tiêu Dao Bảo Cự, Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm... không sống ở miền Bắc, phải thấy sinh hoạt trong xã hội miền Nam từ năm 1954 đến 1975 như thế nào. Sau này Tiêu Dao Bảo Cự còn viết một bài đăng trên Danchivietinfo.com tựa đề Giải Mã Một Thế Hệ Dấn Thân với những lý do tào lao, tầm phào để biện hộ, bào chữa cho hành động của mình thời tuổi trẻ.

Tôi không muốn viết những lời lên án cay nghiệt về hành động của Võ Thị Thắng trong quá trình phá hoại, kích động, ám sát các viên chức trong chính phủ VNCH trong thập niên 60... bởi bà đã chết. Lên án người chết chẳng có lợi gì lại mang thêm tiếng giữ mãi hận thù, nhưng trong đầu óc tôi cứ băn khoăn câu hỏi: Tại sao Võ Thị Thắng, một biệt động thành lì lợm, can đảm, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của đảng, vào sự chiến thắng của chế độ, lại bị săn đuổi bởi những chính người đồng chí của mình trong chế độ mà bà đã góp công xây dựng?

Trong chế độ cộng sản, việc thanh toán, giết hại giữa các đồng chí thân thiết với nhau để tranh giành địa vị, quyền lực hoặc để bịt miệng, không cho lộ bí mật... là chuyện thường ngày ở huyện. Dương Bạch Mai uống chai nước ngọt lăn đùng ra chết tại phiên họp quốc hội, Trung tướng công an Phạm Quý Ngọ đang khỏe mạnh, đột ngột chuyển sang từ trần cũng không gây sửng sốt cho ai.

Tuy nhiên, Võ Thị Thắng ngồi ở chức vụ Bộ trưởng Bộ Du Lịch, dù lớn, cũng quan trọng nhưng không có nhiều va chạm quyền lợi với các lãnh đạo khác. Vậy đồng chí của Võ Thị Thắng tìm cách giết bà với mục đích gì?

Sự việc như vậy, chỉ có thể đoán là những bí mật liên hệ đến các hoạt động ngày trước của Võ Thị Thắng với các đồng chí. Chi tiết mà Đào Hiếu tiết lộ trong bài là khẩu súng bị rỉ sét được cấp phát cho Võ Thị Thắng khi thi hành nhiệm vụ cũng là một nghi vấn.

Chi tiết này chắc chắn phải do Võ Thị Thắng tiết lộ, Đào Hiếu mới biết vì chính Đào Hiếu xác nhận là trước năm 1975 hai người không hoạt động chung.

Cho dù Đào Hiếu có James Bond hóa sự việc, tôi tin rằng có thể Võ Thị Thắng bị như thế thật. Đào Hiếu nói đến một nụ cười khác của Võ Thị Thắng, nụ cười không được ghi nhận lại bởi một phóng viên hay một máy ảnh nào nhưng lại được Đào Hiếu tán dương rằng nếu được ghi lại, có thể sẽ nổi tiếng hơn nhiều lần bức ảnh trước (sic).

Đào Hiếu tin tưởng điều gì và mong ước điều gì khi ca tụng Võ Thị Thắng? Đào Hiếu quên hay không biết rằng, có những tấm ảnh không cần nụ cười vẫn nổi tiếng thế giới như tấm ảnh cha Lý bị bịt miệng trước tòa?

Trước đây 46 năm, Võ Thị Thắng còn mỉm cười được vì bà được xử ở một phiên tòa công khai, nhân bản. Ngày hôm nay có bao nhiêu phiên tòa bỉ ổi, hèn hạ, xử kín - những người dân yêu nước như Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Phương Uyên, Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Xuân Nghĩa... những người không hề có một tấc sắt trong tay, chỉ tranh đấu cho quyền tự do, dân chủ, hay tranh đấu, đòi hỏi quyền lợi cho công nhân hoặc biểu lộ lòng yêu nước một cách ôn hòa theo đúng hiến pháp mà nhà cầm quyền Hà nội công bố, - với những bản án thật nặng nề.

Nếu trước khi chết, Võ Thị Thắng có cơ hội so sánh những phiên tòa đó với phiên tòa xử mình, và nếu là người còn lương tâm, liêm sỉ, lòng tự trọng, nhân ái, chắc Võ Thị Thắng sẽ không thể mỉm cười mà phải bật khóc, khóc cho sự ân hận, sự lầm lạc, khóc cho tuổi trẻ của mình đã cống hiến cho một chế độ phi nhân nhất trong lịch sử loài người, đồng thời Đào Hiếu cũng sẽ không có dịp bốc thơm, ca tụng một cách vô liêm sỉ.






No comments:

Post a Comment