Quan sát các vị đi sứ và các vị chính khách ở VN ra nước ngoài tôi có cảm tưởng họ thiếu một kĩ năng quan trọng mà tiếng Anh gọi là communication skills. Tôi chưa biết dịch chữ này sang tiếng Việt như thế nào, nhưng theo cách hiểu bằng tiếng Anh, “communication skills” không chỉ đơn giản là nói và viết mà còn kĩ năng biện luận. Các chính khách VN hình như thiếu kĩ năng tranh luận và hùng biện.
Không biết
ngoài xã hội thì sao, nhưng tôi thấy cư dân mạng bàn tán khá nhiều về
chuyến đi của ngài đặc phái viên Lê Hồng Anh sang Tàu. Không phải bàn về
nội dung thảo luận trong chuyến thăm, nhưng về hành động ông cầm tờ
giấy đọc trong buổi tiếp kiến với Tập Cận Bình. Thật ra, nhìn kĩ thì sẽ
thấy ngài đặc phái viên còn có một sấp giấy để một bên ghế salon. Phải
nói rằng trong cái bầu không khí khá thân mật, mà ông cầm tờ giấy đọc
thì bầu không khí trở nên trang nghiêm. Ngay cả hành vi đọc tự nó làm
cho khán giả nghĩ đến các sứ đọc sớ trước thiên tử là kẻ đang ngồi nghe.
Nó làm cho người nghe không còn muốn tranh luận hay trao đổi cái gì,
bởi vì người đang ngồi đối diện chỉ là người đọc những gì do ai viết ra
chứ không phải của chính anh ta. Nếu thế thì mình nên nói chuyện với tác
giả chứ đâu cần nói chuyện với người đưa tin. Nói gì thì nói, hành động
đọc đó không đẹp chút nào.
Nói chung, các chính khách VN đều
như ngài đặc phái viên, tức là họ thường cầm giấy đọc khi tiếp kiến với
đối tác ở nước ngoài. Khi ông Phạm Quang Nghị sang thăm Mĩ, ngoài món
quà đầy tai tiếng, chúng ta cũng thấy ông cầm theo một tờ giấy trắng,
chắc ghi chép những gì cần phải nói. Trước đó, cựu thủ tướng Phan Văn
Khải khi sang thăm Mĩ cũng cầm giấy đọc khi tiếp kiến đối tác ở Nhà
Trắng. Cái “truyền thống” cầm giấy đọc chắc là khà xa xưa. Tôi nhớ có
xem một video clip đâu đó khi ông cụ Hồ trả lời một phỏng vấn, ông cũng
cầm giấy đọc. Ngay cả trong nước, Bộ trưởng GDĐT cũng cầm giấy đọc, mà
hình như có khán giả phát hiện ông đọc nhầm một chỗ!
Tôi không
biết các bạn thì sao, chứ với tôi đi dự một hội nghị hay một buổi tiếp
xúc mà “diễn viên chính” cứ cậm cụi đọc tờ giấy nó rất chán. Chẳng
những chán mà còn khó chịu và xúc phạm. Khi người ta cầm tờ giấy đọc,
người ta không chú ý đến mình là khán giả, và thế là gây ra một khoảng
cách tinh thần giữa người đọc và người nghe. Hành vi đọc còn có thể diễn
giải như là một cách xem thường khán giả vì người đó chẳng quan tâm đến
truyền đạt thông tin nữa, và thế là khán giả cảm thấy mất thì giờ để
tham dự buổi họp. Khi người cầm giấy đọc thì lúc đó anh chị ta đã tự
biến mình thành một reader [người đọc] chứ không phải là một speaker
[người thuyết trình], và như thế thì người đó đã đánh mất vai trò của
mình.
Chuyện ngài đặc sứ cầm giấy đọc làm tôi nhớ đến một kinh
nghiệm cá nhân thời xa xưa. Nhớ lần đầu tôi đi trình bày về một nghiên
cứu quan trọng trong một hội nghị có đến 5000 người tham dự ở Mĩ, thầy
tôi rất quan tâm. Vì biết thầy quan tâm, nên tôi chuẩn bị sẵn một tờ
giấy mà tôi soạn ra tất cả những câu nói, kể cả câu mở đầu ra sao. Trước
ngày lên podium, ông ghé qua phòng khách sạn tôi và bắt buộc tôi phải
nói cho ổng nghe. Tôi loay hoay lấy tờ giấy và mới cầm lên chưa kịp đọc,
ổng hỏi “Mày làm gì vậy?” Tôi nói tỉnh queo là … tôi nói. Ổng đùng đùng
nổi giận nói: “Ngày mai, mày mà cầm tờ giấy đó đọc, thì tao sẽ giết
mày, nghe chưa con!” (Cách nói “I will kill you” là cách nói cho vui,
chứ có giết chóc ai). Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao mấy người khác đọc
slide đó, có sao đâu, tôi không rành tiếng Anh thì tôi cũng đọc. Ổng
giải thích ai đọc thì … “kệ cha” nó, nhưng mày là trò của tao, mày đến
từ Viện Garvan, mày phải có đẳng cấp, chứ đừng bắt chước cái đám linh
tinh đó. Ông bồi thêm: mày đọc như thế là tao mất mặt, mà khán giả còn
nghĩ rằng mày chỉ là cái máy, chứ chẳng biết gì cả. Ông giảng một hồi,
rồi nói “thôi được, mày cứ học thuộc lòng cái mày viết và nói như mày đã
viết, nhưng khi lên podium mày không được cầm giấy”. Từ cái kinh
nghiệm trên, sau này tôi hướng dẫn nghiên cứu sinh tôi đều nhắc là không
được cầm giấy nói, mà phải nói như là một người đang thuyết trình.
Tôi có cảm tưởng là các vị chính khách VN cộng sản kém kĩ năng thông
tin hơn các chính khách cộng hoà. Nhìn qua cách trả lời phóng viên nước
ngoài của các chính khách VN thời nay tôi thấy họ có vẻ không tự nhiên,
không thoải mái, còn ngoại ngữ thì có phần kém hay quá kém. Nhìn cái
‘body language’ (ngôn ngữ cơ thể) chúng ta thấy họ có vẻ như đang chịu
một cực hình. Ngay cả ông cụ Hồ là người lão luyện mà khi trả lời phỏng
vấn của kí giả Pháp ông có lúc lúng túng. Nhưng nhìn qua cách trả lời
phỏng vấn của các nhân vật như cựu TT Nguyễn Văn Thiệu, cựu phó TT
Nguyễn Cao Kỳ, ông Hoàng Đức Nhã, v.v. chúng ta thấy họ nói chuyện với
phóng viên nước ngoài rất thoải mái, tiếng Anh và tiếng Pháp lưu loát,
và họ xuất hiện một cách tự tin về những gì họ phát biểu. Họ có vẻ biết
“luật chơi” và văn hoá phương Tây nên thỉnh thoảng còn chơi chữ với
phóng viên.
Tôi nghĩ một phần của sự khác biệt giữa chính khách
ngày nay và thời VNCH là trình độ học vấn.
Thời đó, các vị ấy đều học
đàng hoàng, thi cử nghiêm chỉnh, chứ không phải bát nháo như hiện nay.
Do đó, các chính khách VNCH đều là những người có thực học, từng xuất
dương du học, đã học ngoại ngữ từ lúc ở VN, và khi ra ngoài học một thời
gian họ có thể giỏi ngoại ngữ gần như người bản xứ.
Còn ngày nay, dù
các chính khách có rất nhiều người có bằng tiến sĩ và ngoại ngữ nhưng
chẳng ai biết thực học của họ ra sao, chỉ đến khi tiếp xúc với người
nước ngoài thì sự thật mới hiện ra.
Một phần khác nữa tôi nghĩ
có thể là do “tổ chức”. Chính khách VN trước khi ra ngoài họp chắc chắn
đã được dặn phải nói cái gì và không nên nói cái gì. Do đó, cho dù họ có
chính kiến, họ cũng không dám bước ra khỏi cái hộp của tổ chức vì trên
đầu họ còn lơ lửng cái vòng kim cô ý thức hệ. Do đó, chúng ta không ngạc
nhiên khi thấy trong các hội nghị quốc tế, các chính khách VN rất ít
nói, trong khi đó chính khách các nước trong vùng như Thái Lan, Mã Lai
và Phi Luật Tân thì họ nói như … két. Kể ra sự tiết kiệm lời nói như thế
cũng gây ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước và con người VN. VN hay
nói đến “hội nhập quốc tế”, nhưng trong thực tế thì các chính khách và
quan chức chưa thể hiện sự hội nhập quốc tế chút nào.
Tôi nghĩ
một phần khác có lẽ là do giáo dục. Chúng ta lớn lên với nền giáo dục
nửa phong kiến, nửa hiện đại. Học trò không được khuyến khích có chính
kiến riêng và không được học kĩ năng tranh luận. Rồi khi lớn lên một số
bị cái guồng máy đoàn – đảng nhào nặn thành một con người khác chứ không
phải là chính mình nữa. Nói cái gì cũng phải theo lập trường chính trị,
chủ trương tập thể, và cái cá nhân bị đè bẹp trong môi trường đó. Ngược
lại, một trong những kĩ năng quan trọng mà hệ thống giáo dục ở các nước
phương Tây như Mĩ và Úc rất quan tâm là rèn luyện kĩ năng communication
và khuyến khích có chính kiến riêng. Học trò tiểu học đã được khuyến
khích tranh luận các vấn đề xã hội. Có trường sáng tạo bằng cách chia
lớp học ra hai đảng, một đảng cầm quyền và một đảng đối lập, và học trò
giả bộ làm đại biểu hai bên để tranh luận về một vấn đề thời sự. Đến khi
lên trung học và đại học, các em đã quen với phát biểu chính kiến, và
cảm thấy thoải mái với thói quen đó. Do đó, khi trưởng thành họ đã quá
quen với văn hoá tranh luận.
Tôi nghĩ các chính khách VN rất cần
kĩ năng communication, kể cả kĩ năng nói và thuyết phục đối tác. Họ cần
phải học chứ không thể tự nhiên mà có được. Nhưng không phải học từ Bộ
Ngoại giao vì chính những người trong Bộ Ngoại giao cũng có vấn đề về kĩ
năng communication. Họ nên học kĩ năng communication từ các chuyên gia
từ phương Tây, đặc biệt là Mĩ. Chỉ khi nào các chính khách xuất hiện
trong hội họp nước ngoài không còn cầm tờ giấy thì lúc đó công chúng mới
an tâm.
Gs Nguyễn Văn Tuấn
No comments:
Post a Comment