Kiến thức quân sự không có
Trong bất cứ thời đại nào, một người làm
tướng phải biết rõ hiệu năng tác dụng của tất cả mọi loại vũ khí cũng
như mọi loại khí tài được sử dụng trong quân đội. Rồi
phải biết khả năng hiệu dụng của con người đối với vũ khí và khí tài,
tức là phải biết người nào, đơn vị nào sử dụng vũ khí nào thì sẽ có hiệu
quả tối đa trong trường hợp nào.
Rồi phải biết tính toán trong trường hợp
nào phải đánh bằng cách nào hay vũ khí nào, cái nào trước, cái nào sau,
cái nào thực, cái nào giả, ai là nổ lực chính, ai là nổ lực phụ, trong
địa thế như thế nào và trong điều kiện thời tiết như thế nào…tất cả
những thứ này đòi hỏi phải qua trường lớp hoặc rút kinh nghiệm tại chiến
trường. Tuy nhiên nếu không có căn bản từ trường lớp thì cũng khó mà
rút kinh nghiệm được từ chiến trường.
Ngoài ra người chỉ huy trong quân đội cần
phải có khả năng phán đoán thật chính xác, biết tâm lý địch cũng như
biết tâm lý của quân mình để có thể quyết định được lệnh nào sẽ được thi
hành ra sao. Nếu không từng đi với người lính ngoài chiến trường thì
không thể đoán được trong 1 tiếng đồng hồ người lính đi được bao xa với
bao nhiêu ký trên lưng; dưới trời mưa, dưới nắng của sa mạc, trong đêm
mờ tối, khi bụng đói, khi phải rút chạy v.v…
Và cũng phải biết trong trường hợp nào
thì phải ra lệnh như thế nào, không thể nghe súng nổ thì bắt con người
ta nhào tới trước được; bản năng sinh tồn của con người cho phép người
lính có quyền từ chối những mệnh lệnh điên rồ.
Vậy mà Võ Nguyên Giáp từ một ông thầy
giáo dạy môn lịch sử đã nhảy một bước lên Đại tướng mà không cần qua một
trường võ bị nào, mà cũng chưa cầm quân một trận nào. ( Ông được phong
Đại tướng vào ngày 20-1-1948. Nhưng theo hồi ký của ông thì ông đánh
trận đầu tiên là trận Đông Khê vào ngày 15-9-1950 ).
Nhà quân sự Võ Nguyên Giáp
Thời vận của ông thầy giáo Võ Nguyên Giáp hoàn toàn biến đổi vào cuối năm 1944
khi Hồ Chí Minh đột ngột xuất hiện tại Pác Bó cùng với các nhà quân sự
thứ thiệt là 18 người mới tốt nghiệp trường sĩ quan Đại Kiều của Tưởng
Giới Thạch do Tướng Tiêu Văn cung cấp; trong số đó có các ông nổi tiếng
sau này như Hoàng Văn Thái, Hoàng Minh Thảo, Đàm Quang Trung, Vũ Lập,
Nam Long, Bằng Giang v,v…
Ngoài ra cùng về trong chuyến này còn có
những tay tổ trong nhóm Thiết Huyết như Vương Thừa Vũ, Bùi Đức Minh, Bùi
Ngọc Thành, Lê Tùng Sơn, Đặng Văn Cáp là những người tốt nghiệp trường
Võ bị Côn Minh.
Ngoài nhóm Thiết Huyết còn có Lê Thiết Vũ
từng tốt nghiệp trường Võ bị Hoàng Phố, Cao Hồng Lãnh tốt nghiệp trường
võ bị Thiểm Cam Ninh. Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm là những người tốt
nghiệp trường Hạ sĩ quan Pháp. Hồ Chí Minh giao cho Võ Nguyên Giáp tổ
chức nhóm người mới tới này thành đội ngũ để chuẩn bị tiếp nhận toán OSS
của Hoa Kỳ đến huấn luyện.
Nhà giáo dạy môn lịch sử Võ Nguyên Giáp
chính thức được xem là dân nhà binh khi ông vừa làm thông dịch, vừa làm
huấn luyện viên cho khoảng 100 tay súng thuộc đội “Vũ trang tuyên truyền
Giải phóng quân”, được toán tình báo OSS huấn luyện. Vô tình, dưới con
mắt của nhóm “Tuyên truyền giải phóng quân” thì Võ Nguyên Giáp trở thành một bậc thầy về quân sự, nhất là quân sự với vũ khí tân tiến của Mỹ.
Ngày nay hồ sơ lưu trữ của Quốc gia Hoa
Kỳ còn lưu lại những bức hình Võ Nguyên Giáp bận bộ đồ complet trắng
đứng chào Quốc kỳ Mỹ tại Tân Trào cũng như hình Võ Nguyên Giáp đang đứng
bên các sĩ quan tình báo Hoa Kỳ chỉ dẫn cho các học viên du kích về các
thao tác quân sự. Từ khóa huấn luyện này thì ông nhà giáo Võ Nguyên
Giáp đủ tư cách trở thành một nhà chỉ huy quân sự thuộc trường phái quân
sự Hoa Kỳ (!).
Nhưng thực ra đây là một khóa cấp tốc đào
tạo các chiến binh Biệt kích thuộc Lực lượng Đặc biệt của Hoa Kỳ, họ
chỉ dạy cho cách bò lết dưới hỏa lực và sử dụng các loại vũ khí cũng như
lựu đạn, mìn bẩy; không dạy về chiến thuật bởi vì môn này chỉ dạy cho
sĩ quan.
Trong khi khóa huấn luyện mới được 6 ngày
thì có tin Nhật đầu hàng Đồng Minh, ông chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp
vội dẫn khoảng 100 người đang được tình báo Hoa kỳ huấn luyện, tiến về
Hà Nội nhưng đến Thái Nguyên thì đụng phải Quân Nhật.
Toán tình báo HK và toán tuyên truyền
giải phóng quân do Đàm Quang Trung chỉ huy phải trụ lại Thái Nguyên.
Ngày 23 tháng 8, nghe tin dân chúng Hà Nội đã cướp chính quyền từ ngày
19, Võ Nguyên Giáp để lại đội Tuyên truyền giải phóng quân cho toán
tình báo HK, dẫn 2 tiểu đội chạy về Hà Nội.
Tổng tư lệnh quân đội Việt Minh
Tuy nhiên lúc về đến Hà Nội thì dưới con
mắt của dân chúng Võ Nguyên Giáp vẫn là một ông thầy giáo dạy Sử, dân
Hà Nội không được biết về việc ông đã được các chuyên viên tình báo Hoa Kỳ huấn luyện trong 6 ngày về cách sử dụng vũ khí cũng như cách bò lết dưới hỏa lực (sic).
Vì vậy sau khi cướp chính quyền xong,
Trường Chinh và Trung ương Đảng đề ra danh sách chính quyền lâm thời thì
để Chu Văn Tấn làm bộ trưởng Quốc Phòng, dầu gì ông Tấn cũng là cựu
thượng sĩ trong quân đội Pháp. Chứ nếu để Võ Nguyên Giáp thì người ta
cười cho.
Nhưng khi được biết mình sẽ làm Bộ trưởng
Bộ Quốc phòng thì Chu Văn Tấn dẫy nẩy, ông ta là người dân tộc Tày và
thất học cho nên đâu có trình độ văn hóa mà làm Bộ trưởng, ông sợ người
ta cười. Trường Chinh bèn giải thích là Chu Văn Tấn chỉ làm bộ trưởng
trên danh nghĩa mà thôi, còn mọi việc cứ để Võ Nguyên Giáp làm. Vì vậy
Võ Nguyên Giáp trở thành người điều động lực lượng quân sự của Việt Minh
dưới danh nghĩa “Chủ tịch ủy ban kháng chiến”.
Tháng 9 năm 1946
Hồ Chí Minh phong cho thầy giáo Võ Nguyên Giáp làm Tổng tư lệnh quân
đội Việt Minh. Tuy nhiên ông Tổng tư lệnh mà chưa qua một trường đào
tạo quân sự nào thì khó ăn nói với báo chí cho nên ông Bộ trưởng Bộ
thông tin Trần Huy Liệu mới nghĩ ra cách nói phao lên rằng thầy giáo Võ
Nguyên Giáp là “Thiên tài quân sự” bẩm sinh.
Tháng 12 năm 1946, quân Pháp đã thành
công trong việc đổ quân tái chiếm Việt Nam, kể cả tái chiếm Hà Nội. Họ
bắt đầu dở trò khiêu khích để lấy cớ mà thanh toán lực lượng quân sự của
Võ Nguyên Giáp.
Biết rằng trước sau cũng phải rút khỏi Hà
Nội, ngày 19-12-1946, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp bất thần cho quân bảo
vệ Hồ Chí Minh và chính phủ Việt Minh di tản lên miền rừng núi Phú Thọ,
giao việc cản đường quân Pháp cho 8 ngàn tự vệ Hà Nội và 6 ngàn tự vệ
Nam Định, những người này không có súng, chỉ được phát cho vài quả lựu
đạn để cầm chân quân Pháp; nhằm giúp Võ Nguyên Giáp có đủ thời gian đưa
Hồ Chí Minh chạy thoát.
Đây là kế hoạch quân sự đầu tay của Võ
Nguyên Giáp. Được đúng 1 năm sau, vào ngày 20-1-1948, Hồ Chí Minh phong
cho thầy giáo Võ Nguyên Giáp chức Đại tướng, cho tới lúc này ông cũng
chưa đánh một trận nào, cho dù là một trận rất nhỏ. Đó là tất cả con
đường binh nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
BÙI ANH TRINH
No comments:
Post a Comment