Thursday, March 17, 2016

Trước khi quá trễ

“…Hiểm họa cho đất nước quá nghiêm trọng, nghiêm trọng gấp triệu lần việc chặt cây xanh tại Hà Nội năm trước. Đó là nguy cơ đất nước bị hủy diệt. Dứt khoát chúng ta không thể chấp nhận…”
Nước Nhật và thế giới vừa kỷ niêm 5 năm tai nạn Fukushima. Đây là dịp để chúng ta cùng nhìn lại một mối nguy quá nghiêm trọng đối với nước ta nhưng lại chưa được cảnh giác đúng mức.
     Nhắc lại, ngày 11/03/2011 nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi phát nổ sau khi bị sóng thần cao 15m tràn ngập. Cho đến nay sự thiệt hại được thống kê là gần 20.000 người thiệt mạng, 125.000 ngôi nhà bị phá hủy, gần 400.000 phải di tản, quá phân nửa vẫn chưa thể trở về nơi cư ngụ cũ. Thiệt hại được ước lượng là 120 tỷ USD. Tuy vậy những thống kê này chỉ là tạm thời. Chắc chắn sẽ còn nhiều nạn nhân được phát hiện sau này. Thiệt hại vật chất cũng chưa kể việc các nông phẩm của vùng phụ cận Fukushima, thí dụ như thịt bò, bị mất giá nặng mà cũng không bán được. Đặc tính chung của các tai nạn nguyên tử là chúng hủy hoại môi trường trong thời gian rất lâu và để lại di hại cho nhiều thế hệ.
     Một đặc tính chung khác của các tai nạn này là chúng đều không ngờ. Người ta không bao giờ có thể tiên liệu được hết những nguyên nhân đưa đến tai nạn. Nhật là nước nhiều kinh nghiệm nhất về động đất và sóng thần đồng thời cũng là nước đứng hàng đầu thế giới về sự chính xác; tuy vậy các chuyên gia đã không thể ngờ ngọn sóng thần cao 15m tháng 3 năm 2011.
   Vấn đề an toàn trong một nhà máy điện nguyên tử khác hẳn với khái niệm thông thường về sự an toàn. Một xác xuất tai nạn một phần ngàn, thậm chí một phần mười ngàn, là điều gớm ghiếc không thể tưởng tượng nổi. Xác xuất rủi ro xảy ra tai nạn quan trọng hiện nay được ước tính chung quanh mức độ 5/100.000 mỗi năm cho một lò điện nguyên tử. Xác xuất này được coi là quá lớn vì thế hầu hết các quốc gia đều quyết định bỏ điện hạt nhân. Nhưng đây là xác xuất trong những nước đã tiến bộ về mặt kỹ thuật và trong đó người dân có tinh thần trách nhiệm cao.
    Đối với Việt Nam, trong tình trạng đạo đức suy đồi, tham nhũng lan tràn và tinh thần trách nhiệm hầu như không có, xác xuất rủi ro còn cao hơn nhiều, rất nhiều. Hơn nữa Việt Nam lại chưa có kỹ năng điện hạt nhân và sẽ phải hoàn toàn dựa vào các công ty điện hạt nhân nước ngoài mà tất cả đều đang có nguy cơ phá sản. Một cách giản dị nước ta chưa thể có điện hạt nhân.
   Hai lý do của điện hạt nhân đều không còn đúng nữa. Người ta nghĩ rằng năng lượng hạt nhân là năng lượng sạch, không làm ô nhiễm mội trường, nhưng khi tại nạn xảy ra thì nó lại là một thảm kịch quá kinh khủng. Tại Việt Nam nếu một tai nạn tương tự như Fukushima hay Chernobyl xảy ra thì không phải là vài chục ngàn người mà vài triệu người sẽ chết, đất nước sẽ bị cắt làm đôi và sẽ phá sản vì không bán được thực phẩm nữa, đồng thời ngành du lịch cũng sẽ chết. Lý do năng lượng hạt nhân rẻ cũng không còn đúng nữa. Trái với sự lạc quan lúc ban đầu, khối lượng uranium rất giới hạn và ngày càng đắt trong khi giá dầu mỏ đã giảm hẳn. Thế giới ngày càng tiến tới đồng thuận là phải tiết kiệm năng lượng song song với việc tận dụng những nguồn năng lượng tái tạo.
  Dầu vậy Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định xây 14 lò điện hạt nhân và quốc hội bù nhìn đã biểu quyết với đa số 77% cho lập lò điện nguyên tử đầu tiên tại Ninh Thuận.
  Hiểm họa cho đất nước quá nghiêm trọng, nghiêm trọng gấp triệu lần việc chặt cây xanh tại Hà Nội năm trước. Đó là nguy cơ đất nước bị hủy diệt. Dứt khoát chúng ta không thể chấp nhận.
Trí thức Việt Nam phải làm nhiệm vụ của mình trước khi quá trễ.

Ban biên tập Tổ Quốc

No comments:

Post a Comment