Saturday, April 2, 2016

“Thưa ông Nguyễn Tấn Dũng...

... ông chưa được tử tế vì làm quan và nay về làm dân nên ông phải cố làm người tử tế, phải không ông !.?.?"

000_9735P
Công nhân chuẩn bị treo một áp phích tuyên truyền cho cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 22 tháng 5 năm 2016.
AFP photo

Hòa Ái, phóng viên RFA

2016-04-01

     Trong mục “Trao đổi Thư Tín”, ý kiến của quý khán thính giả cùng độc giả chia sẻ với đài qua thư từ và trên trang Facebook sẽ do anh chị em trong Ban Việt ngữ đọc.

Tin tức quan trọng nhất tại VN hồi tuần qua mà dư luận trong cũng như ngoài nước đặc biệt quan tâm là thông tin về Quốc hội Việt Nam đề cử và bỏ phiếu kín bầu 3 chức danh lãnh đạo cao cấp nhất; bao gồm bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho vị trí Chủ tịch Quốc hội, ông Trần Đại Quang cho vị trí Chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc cho vị trí Thủ tướng Chính phủ. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân chính thức trở thành người phụ nữ đầu tiên làm Chủ tịch Quốc hội vào hôm 31 tháng 3 với 95,5% phiếu bầu. Tân Chủ tịch nước và tân Thủ tướng Chính phủ sẽ được lần lượt công bố vào ngày mùng 2 và mùng 7 tháng 4.
   Mở đầu chương trình hôm nay, Hòa Ái gửi đến các ý kiến của quý khán thính giả cùng độc giả gửi về đài RFA liên quan đến vấn đề vừa nêu:
Thính giả Phú Nguyễn nói rằng:
“Mỗi ngày nghị trường tốn 1 tỉ VNĐ để làm mấy chuyện mà người dân đã biết 3 tháng trước rồi”.
Một thính giả ở Sài Gòn viết trên Facebook Đài ACTD:
“Thật không ngờ những gì mà các trang mạng được cho là phản động đồn đoán mấy tháng qua cuối cùng đã dần dần là sự thật. Chẳng lẽ những trang mạng được cho là phản động này lại phản ánh đúng những gì đang diễn ra của xã hội VN? Chính phủ cứ làm như cả nước không có internet nên người dân không biết gì và cứ diễn trò bầu với chả bán”.
Thính giả Chau Tran đặt câu hỏi:
“Quốc hội Khóa 13 bầu thủ tướng, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội thì Quốc hội Khóa 14 sẽ có chức năng gì? Quốc hội là dân cử đại biểu của dân để đại diện nhân dân bầu cử các chức danh dân cử. Đảng chỉ đạo hết rồi, tổ chức bầu cử làm gì nữa cho tốn kém?”
Thính giả lấy tên Vô-tư Lười cũng thắc mắc:
“Đã cơ cấu sẵn rồi tự bỏ phiếu. Lấy cơ sở nào để gọi là thắng cử vậy?”
Thính giả Dinh Lai nêu lên ý kiến của mình:
“Thôi thì mọi người hãy xem Quốc hội VN diễn tuồng cho vui. Đàng nào cũng mất tiền rồi”.
Thính giả Nhan Danh nhắc lại hai câu thơ của Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến:
“Khen ai khéo vẽ trò vui thế
Vui thế bao nhiêu, nhục bấy nhiêu!”
Thính giả Hùng Nguyễn ở Hoa Kỳ chuyển lời đến Tổng Bí thư Đảng CSVN:
“Nhà cầm quyền Miến Điện, tức những tay tài phiệt đã nghe những lời nói của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Đảng CSVN là Miến Điện cần phải cởi mở, cần phải có tự do dân chủ thì bây giờ người Miến Điện đã được hưởng tự do dân chủ và nhân quyền. Quân phiệt cai trị đất nước Miến Điện 6-7 chục năm, nay họ đã biết nghe lời Thủ tướng Cộng sản Nguyễn Tấn Dũng. Vậy tôi muốn nói bây giờ ông Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng làm ơn lắng tai nghe cựu Thủ tướng của Đảng CSVN của mấy anh là muốn cho VN được tự do dân chủ thì ông Nguyễn Phú Trọng đang cầm quyền đưa những thủ tướng, chủ tịch mới và quốc hội mới thì nên mau mau cởi trói cho VN để người dân được nhờ”.
Thính giả Phạm kể lại vụ việc vừa mới xảy ra tại địa phương liên quan đến cuộc bầu cử Quốc hội Khóa XIV:
“Cô phụ trách dân phố hỏi lý lịch và năm sinh của mọi người trong khu phố, mình hỏi ‘để làm gì vậy’? Cô ta nói là để chuẩn bị bầu cử. Mình mới nói rằng ‘bầu làm chi cho mất công khi đã biết được hết ai ngồi ghế nào’. Cô ta nói: ‘trong Ủy ban ai cũng nói vậy hết, ông nào ngồi ghế nào biết hết rồi nhưng vẫn phải làm cho đúng quy trình”.
“Tôi là Đỗ Ngọc Thạch. Xin phép cho tôi được phát biểu về vấn đề bầu cử tại VN. Lâu nay tại VN chỉ có ‘đảng cử dân bầu’ nhưng hôm nay tôi được nghe thấy ở cả 2 miền Nam-Bắc có số ứng cử tự do đạt tiêu chuẩn quá 90 người. Nhân dịp này, tôi xin đề nghị với Chính phủ VN, hãy mở rộng và tổ chức những buổi truyền thông để cử tri hiểu biết được sự minh bạch những ứng cử viên nào tỏ bày lập trường và chiều hướng làm việc của mình với tinh thần yêu nước vì tôi thấy rằng trong đây có người có lòng nhiệt huyết yêu quê hương, yêu đất nước nhưng lâu nay người dân không biết. Do đó, tôi mong muốn VN phải cho báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình phổ biến thông tin người dân chất vấn các ứng cử viên đó để đưa ra tiếng nói và cùng góp ý xây dựng đất nước. VN cần phải nên tổ chức như vậy”.
Trong tuần qua, những thông tin trong nước cũng gây chú ý cho dư luận như là Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đến thăm và làm việc với Bộ Quốc Phòng VN trong lúc Thái Lan bắt giữ 7 tàu cá và 38 ngư dân Việt; tại Sài Gòn những hộ dân ở Quận Bình Tân thuộc dự án phát triển đô thị không được bồi thường thỏa đáng tiếp tục bị cưỡng chế; thông báo quyết định của chính quyền TP.HCM chặt hạ, di dời 300 cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng cũng như chi ra 1000 tỉ đồng để lót đá hoa cương cho vỉa hè Quận 1 khiến người dân hoang mang. Hòa Ái ghi nhận nhiều khán thính giả và độc giả của Đài ACTD từ trong nước lên tiếng kêu gọi các cấp chính quyền nên làm việc công khai minh bạch để có sự đồng thuận của người dân trong các dự án phát triển đô thị
.
000_983CS-400
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội tại Hà Nội ngày 31 tháng 3 năm 2016. AFP photo
Một thính giả viết rằng:
“Mấy ông cán bộ Nhà nước ơi, làm việc công khai minh bạch một chút nhé! Đừng có úp úp mở mở rồi ăn chặn và gây lãng phí ngân sách. Các ông đừng dùng quyền lực để áp đặt người dân mà nên làm người tử tế như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dặn dò”.
     Liên quan đến phát biểu của Thủ tướng VN đương nhiệm trong phiên họp của chính phủ vào hôm 26/3, ông Nguyễn Tấn Dũng nói lời từ biệt trước khi kết thúc chức vụ vào ngày mùng 6 tháng 4 tới đây và cũng chúc 15 đồng chí của ông trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN rằng “ráng giữ gìn sức khỏe, làm công dân tốt, đảng viên tốt, làm người tử tế”, thưa quý vị, những lời tâm tình cuối cùng này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Chính phủ VN tạo nên sự chú ý đặc biệt cho dư luận với câu hỏi tựu trung
“Vậy là từ trước đến nay chưa có lãnh đạo nào sống tử tế hay sao?” 

 Tiếp theo trong chương trình, Hòa Ái trích đăng một vài ý kiến của quý thính giả quan tâm:
“’Ráng làm người tử tế’, có ai hiểu bản chất câu nói này không?”
“Câu nói này phân tích thì khá hay nhưng tóm lại ráng làm người tử tế khi không còn giữ chức vụ gì nữa”.
   “Thưa ông Nguyễn Tấn Dũng, ông chưa được tử tế vì làm quan và nay về làm dân nên ông phải cố làm người tử tế, phải không ông?
“Làm quan mà tử tế khó lắm vì bản chất tham lam, tham nhũng, dối trá, phe cánh, bè đảng, lãnh cảm trước nỗi khổ đau của người dân”.
“Làm lãnh đạo ở VN muốn tử tế cũng không được vì Chế Lan Viên đã nói:
‘Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp.
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Ðêm vui’”.
“Về hưu ráng làm người tử tế…Ôi, đất nước VN tôi vẫn còn có nhiều quan chức thật thà như chính Ngài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng!”

**
Trong thời gian còn lại của chương trình, Hòa Ái trả lời các tin nhắn sau:
“Kính chào quý đài, tôi gọi từ California. Tôi xin cần quý đài giúp liên quan trong gia đình, về một đứa trẻ được sinh ra trên đất Mỹ. Suốt hai mươi mấy năm qua tôi cố gắng đi tìm nhưng tôi không tìm được. Tôi có những lời tâm sự về con mình. Tôi xin quý đài có thể giúp cho tôi. Tôi tên Đức, họ Trương. Số điện thoại của tôi…Cảm ơn quý đài”.
Quý thính giả Trương Đức thân mến, nghe hết tâm tình của ông qua tin nhắn rằng ông đã thất lạc vợ con từ khi đến Mỹ sau thời gian dài trong trại tị nạn ở Philippines khiến Hòa Ái vô cùng xúc động. Có lẽ đây không chỉ là một trường hợp thất lạc người thân của riêng ông mà còn là câu chuyện đau buồn của nhiều gia đình người Việt trong hành trình đi tìm tự do kể từ 41 năm về trước. Dù chưa từng được nhìn thấy mặt con mình nhưng ông vẫn cố gắng tìm kiếm đứa con trai tên Trương Vũ Nguyên với tên tiếng Anh là Peter Nguyễn và luôn khắc khoải mong đợi giây phút trùng phùng. Dù biết Đài ACTD không có mục “Tìm người thân” nhưng ông vẫn liên lạc qua mục “Trao đổi Thư tín” với hy vọng người con trai sẽ nghe được tiếng nói của cha mình. Hòa Ái không biết nói gì hơn là cầu chúc cho ước nguyện hội ngộ cùng con trai của ông sẽ thành hiện thực trong một ngày sớm nhất. Hòa Ái hy vọng có thể giây phút hội ngộ sẽ đến trong tháng 4 này, một thời điểm lịch sử không bao giờ phai nhòa trong ký ức của những người con dân đất Việt. Kính.
“Alo…Alo…Alo…Alo. Không có dấu hiệu gì hết”.
Hòa Ái xin được nhắc lại, khi quý vị gọi vào hộp thư thoại của Ban Việt ngữ Đài ACTD tại số 202-530-7775, quý vị sẽ không nói chuyện trực tiếp với nhân viên của đài mà quý vị chỉ có thể nhắn tin lại bằng giọng nói sau khi nghe tiếng “bíp”. Quý thính giả có thể nhắn lại nội dung muốn trao đổi với đài hoặc có thể để lại tên và số điện thoại và chúng tôi sẽ liên lạc lại với quý vị.
   Hòa Ái cũng xin được lưu ý, trong thời qua, có nhiều thính giả ở VN, nhắn tin vào hộp thư thoại yêu cầu đài gọi lại nhưng rất tiếc chúng tôi không liên lạc được với quý vị qua những số điện thoại quý vị đã cung cấp.
Mục “Trao đổi Thư tín” đến đây xin tạm dừng. Hòa Ái kính mong quý khán thính giả và độc giả tiếp tục liên lạc với đài cũng như đóng góp ý kiến về các vấn đề quý vị quan tâm.
    Quý vị có thể liên lạc qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775.

No comments:

Post a Comment