Sunday, August 12, 2018

Bùi Tín - Nhà báo chân chính




















- Ba tôi sinh trước nhà báo Bùi Tín 14 năm.

Một hôm, như thường lệ, ba tôi trở về nhà sau một buổi "sinh hoạt đảng" - vào những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước - với vẻ mặt buồn buồn, ông dựng chiếc xe đạp cũ kỹ sát vào vách tường loang lổ vết vôi tróc.

- Có gì vậy ba? Tôi hỏi.

- Nhà báo Bùi Tín đi rồi! Ông trả lời với giọng hiu hắt.

- Chết à? Tôi hơi sửng sốt.
    - Không! Đi Pháp rồi. Ông thở hắt ra và đi vào bếp...

Lúc bấy giờ, những thông tin "cỡ như vậy" hoàn toàn là một điều vô cùng bí mật và ít người biết được, trong bối cảnh xã hội cách đây gần 30 năm về trước. Có thể gọi đó là may mắn của tôi, khi biết sớm về những "tin động trời" lúc đó.

Không ai có thể ngờ, một nhà báo "đỏ từ đầu đến chân" lại... dứt áo ra đi như thế. Cũng ít người biết - đặc biệt thế hệ trẻ ngày nay - nhà báo Bùi Tín là con trai của Thượng Thư Bộ Hình triều Nguyễn - Bùi Bằng Đoàn, với tài năng và lòng yêu nước thương dân vẫn được nhắc nhớ trong lịch sử.

Nhà báo Bùi Tín, với nhân thân, với gia thế và với cả quá trình "theo Cộng Sản" như vậy, ắt hẳn ông có một cuộc sống, nếu không là "đế vương" cũng chẳng việc gì phải ngượng ngùng để gọi rằng: Ông được sinh ra trong một gia đình "Danh Gia Vọng Tộc". Tiếc thay! Những kẻ suy đồi nhân cách, bán rẻ lương tri đến mức "cha truyền con nối" đã làm hoen ố!

Những năm đầu lưu vong trên xứ người, nhà báo Bùi Tín vất vả như tất cả những ai phải đành lòng ly hương, trốn chạy chế độ Cộng Sản.

Ở Ông, sự đau đớn đến khôn cùng về tâm cang khó kể hết - như tôi đã từng nghe ba tôi kể, bởi đơn giản, ông từng là... "một người Cộng Sản". "Lai lịch" đó như chiếc roi làm bằng đuôi cá đuối: dài, bén và... ngọt lịm mỗi khi vung lên và quất xuống. Quất thẳng tay vào lưng, vào mặt và vào... đầu, từ nhiều phía, kể cả những "cây viết" dữ dội nhất, nhẫn tâm nhất. Thế cho nên, ba tôi từng nói rằng: "Chữ nghĩa có thể giết người thật êm ái"!

Nhà báo Bùi Tín từng phải cúi đầu, sau khi nhận một bãi nước bọt phun thẳng vào mặt, từ một người Việt hải ngoại, khi họ vô tình nhìn thấy ông, tựa như phát hiện ra một tên tội đồ đã phá nát hết cuộc đời họ!

Nhà báo Bùi Tín vẫn kiên trì lặng lẽ mài giũa từng con chữ cho quê hương này. Ông vẫn khắc khoải trong từng suy tư cho dân tộc Việt Nam, suốt gần 30 năm xa xứ. Trên hết, ông vẫn đau đáu và trông ngóng đến một ngày, được ngồi trên chuyến bay đưa ông về lại cội nguồn.

Nay, nhà báo Bùi Tín đã ra đi trong lặng lẽ, sau 91 năm "làm kiếp con người".

Trịnh Công Sơn từng "thí dụ về cái chết" nghe thật ngậm ngùi, trong cõi nhân sinh!

"Thí dụ" tôi có dịp cất giọng hát khàn đục này, tôi sẽ hát cho Ông nghe:

Thí dụ bây giờ tôi phải đi
Tôi phải đi
Tay chia ly cùng đời sống này
Có chiều hôm đưa chân tôi
Về biên giới mới
Nghe ra
Quanh tôi đêm dài
Có còn ai trong yên vui về yêu dấu
Ngồi rơi lệ ru người từ đây...

Ở Việt Nam, cho tôi thầm thì vĩnh biệt Nhà Báo Chân Chính bằng nhạc phẩm "Rơi Lệ Ru Người" như một nén nhang lòng... cho Ông - Bùi Tín! 

"Xin được, xin nằm yên
Đất đá hân hoan một miền"




Nhạc phẩm "Thí Dụ" (còn có tựa là "Rơi Lệ Ru Người") của cố nhạc sĩ Trịnhg Công Sơn 

No comments:

Post a Comment