Friday, November 2, 2018

Từ Nhân Văn Giai Phẩm đến giáo sư Chu Hảo


Nhân Văn Giai Phẩm 

“Nhân Văn Giai Phẩm” (NVGP) là phong trào đòi hỏi tự do dân chủ của các văn nghệ sĩ và một số người trí thức ở miền Bắc Việt Nam, khởi xướng từ đầu năm 1955 đến tháng 6 năm 1958 thì bị Việt Minh dập tắt. Vậy NVGP hình thành như thế nào?

Nhân Văn Giai Phẩm là những tờ báo yêu chuộng tự do dân chủ ở miền Bắc vào thập niên 1950. “Nhân Văn” là tờ báo văn hóa, xã hội, trụ sở tại 27 Hàng Khay, Hà Nội do Phan Khôi làm chủ nhiệm, Trần Duy làm thư ký toà soạn. Tạp chí “Giai Phẩm” thì Giai phẩm Mùa xuân, ấn hành vào tháng Giêng năm 1956, do nhà thơ Hoàng Cầm và Lê Đạt chủ trương, về sau bị tịch thu. Cả hai nhóm này đã hình thành nên “Văn nghệ sĩ NVGP”. 
 Nhân đây, tôi xin khái quát về một vài nhân vật danh tiếng trong “Nhân Văn Giai Phẩm”:
 1- Phan Khôi (1887-1959) quê Quảng Nam là cháu ngoại của Tổng đốc Hoàng Diệu là người tuẫn tiết tại Hà Thành vào năm 1882. Phan Khôi là nhà thơ, nhà văn, nhà báo tên tuổi. Ngày 20-9-1956, “Báo Nhân Văn” số 1 ra đời, ông có các bài phê phán giới lãnh đạo văn nghệ lúc đấy nên bị cấm sáng tác cho đến khi qua đời tại Hà Nội. Trong tờ Nhân Văn, Trần Duy đã viết: “Nếu muốn nhìn lại thì theo tôi, cần nhìn lại từ những ngày đầu tháng 3 năm 1955, thời gian mà Trần Dần, Hoàng Cầm, Tử Phác, Hoàng Yến ở Phòng Văn Nghệ Quân đội chủ trương phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Trong lúc ấy thì Xuân Trường trên báo Nhân Dân, Xuân Diệu trong hai số báo Văn Nghệ vào tháng 2-1955, lại tung hô hết lời khen tập thơ này. Ông Phan Khôi nói với tôi: Không ai cấm người làm thơ dở. Nhưng cái không may là người làm thơ dở lại làm người lãnh đạo!”

2- Học giả Đào Duy Anh (1904-1988) quê Thanh Hóa. Trong bài “Muốn phát triển học thuật” đăng ở Giai Phẩm Mùa Thu tập 3 năm 1956, ông đã thẳng thắn phân tích những sai lầm của Việt Minh làm đạo diễn việc dùng chính trị để lãnh đạo học thuật: “Tôi chỉ muốn nhấn mạnh 2 hình thức hạn chế tự do tư tưởng tác hại nặng nhất đối với học thuật là bệnh giáo điều, và biến chứng của nó là bệnh sùng bái cá nhân; ở nước ta thì các bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân lại còn trầm trọng hơn khiến người ta vô luận bàn về vấn đề gì đều cũng phải bắt dẫn những đề án của Marx, Angel và Lenin, hoặc những ý kiến của Stalin hay các lãnh tụ khác.”

3- Trần Đức Thảo (1917-1993) quê tỉnh Bắc Ninh, là nhà triết học, ông đỗ đầu vào trường Normal Supérieur ở Pháp năm 1936. Năm 1951 ông về nước, đến năm 1952 tham gia kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc. Năm 1956, ông tham gia phong trào NVGP, hai bài viết rất nổi bật của ông trong NVGP, đấy là: “Nội dung xã hội” và “Hình thức Tự Do” đã đăng trong Giai phẩm Mùa Đông, tập 1. có đoạn: “Người trí thức hoạt động văn hóa cần tự do như cần khí trời để thở, có tự do thì mới đẩy mạnh được sáng tác văn nghệ, nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật. Phát triển tự do là nhu cầu cần thiết đồng thời là nhiệm vụ số 1 của người trí thức cũng như của toàn dân.” Ông bị quy tội bởi viết về vấn đề về tự do, dân chủ trong Nhân Văn Giai Phẩm. Sau khi Nhân Văn bị cấm, Trần Đức Thảo vẫn tiếp tục hoạt động, ông mở diễn đàn tự do ở đại học để truyền bá tinh thần tự do dân chủ. Cuối đời, lời trối trăn của nhà triết học Trần Đức Thảo như kim chỉ nam: “Nếu không dám khui ra những sai trái lịch sử của “ông cụ” (HCM), không dám đưa ra ánh sáng tội lỗi của Marx thì không bao giờ thoát ra được tình trạng bế tắc chính trị độc hại như hiện nay ở nước ta.”

4- Nguyễn Hữu Loan (1916-2010), bút hiệu: Hữu Loan, quê Thanh Hóa. Năm 1943, ông gầy dựng phong trào Việt Minh ở quê mình và khi “Cuộc cách mạng tháng tám” nổ ra, ông làm Phó Chủ tịch “Ủy ban Khởi nghĩa” huyện Nga Sơn. Trước năm 1945, ông từng là cộng tác viên trên các tập san Văn học, xuất bản tại Hà Nội. Trong thời gian 1956-1957, ông tham gia Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm. Sau khi phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm bị dập tắt, nhà thơ Hữu Loan bị đi “cải tạo” mấy năm, tiếp đó bị giam lỏng tại địa phương. Bài thơ “Màu tím hoa sim”, ông đã sáng tác trong thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp, bài thơ nổi tiếng này đã xuất hiện lần đầu tiên trên tờ Trăm Hoa của Nguyễn Bính.

5- Trần Dần (1926-1997), quê Nam Định. Năm 1948, ông tham gia kháng chiến ở Ban Chính trị Trung đoàn 148 Sơn La, sau này là Sư đoàn 316. Khi Giai phẩm Mùa Xuân bị tịch thu, ông bị bắt giam ở nhà lao hỏa lò Hà Nội. Trần Dần lấy dao cứa cổ tự vẫn nhưng không chết. Mấy tháng sau, đảng CSVN phát động phong trào sửa sai, ông được thả và hội Văn nghệ phải viết bài tự kiểm thảo đăng trên các báo. Trong bài tự kiểm thảo về hoạt động của mình, Trần Dần lại viết quyết liệt hơn: “Những sáng tác của tôi đều là cái loại đả kích vào các chính sách của đảng cả. Nếu đọc cả một đống như thế, người ta sẽ cảm thấy sự lãnh đạo của đảng là một sự ngột ngạt không thể nào sống nổi. Người sáng tác phải có quyền và có gan như nhà viết sử thời xưa, vua chém đi sáu người, đến người thứ bẩy vẫn chép sử đúng như sự thật, vua đành chịu vậy.”

6- Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt (1922-2010), quê huyện Việt Yên, Bắc Giang. Năm 1940, ông đỗ Tú tài toàn. Năm 1944, ông tham gia hoạt động “Thanh niên Cứu quốc” của Việt Minh. Cuối năm 1947, ông thành lập đội Tuyên truyền văn nghệ, đây là đội văn công quân đội đầu tiên. Năm 1952, cử ông làm Trưởng đoàn văn công Tổng cục Chính trị. Ông nổi tiếng vở kịch thơ: Hận Nam Quan, Kiều Loan và các bài thơ: Lá diêu bông, Bên kia sông Đuống.

7- Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997) quê Hà Nội là một luật sư, nhà giáo dục Việt Nam. Năm 23 tuổi (1932), ông đỗ liên tiếp hai bằng Tiến sĩ tại Pháp, trong bài:“Chúng tôi phỏng vấn về vấn đề mở rộng tự do và dân chủ” đăng ở số ra mắt của báo Nhân Văn ngày 20-9-1956, ông viết:

a- Đảng viên Lao động và cán bộ thi hành chính sách thiếu tinh thần dân chủ. Do đó xa lìa quần chúng, và tạo ra tình trạng đối lập quần chúng với mình. Để sửa đổi, cần xây dựng quan điểm quần chúng cho đảng viên và cán bộ, yêu cầu Trung ương Đảng và Chính phủ đảm bảo sự thi hành triệt để các tự do dân chủ.

b- Quần chúng chưa thấm nhuần tinh thần chủ nhân trên đất nước do đó chưa tranh đấu đòi thực hiện dân chủ. Để sửa chữa ta cần xây dựng ý thức dân chủ cho quần chúng. 

Trong bài: “Kẻ bị mất phép thông công” của luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã vạch trần sự đàn áp của chế độ độc tài: “Giới sĩ phu Việt Nam, nhất là ở Hà Nội, đa số là những người cầm bút và còn quan tâm đến tự do và liêm sỉ của người trí thức, kể cả những nhà văn còn trong Bộ đội. Bộ đội, như đã từng được biết là thành trì của tinh thần Cách mạng trong sáng và chính thống; đồng tâm đứng lên theo tiếng gọi của dân chủ và tố cáo sự bạo ngược đối với những sinh hoạt trí thức... Ở Việt Nam, người ta bắt đầu vụ xử án liên quan đến những người viết văn, làm báo, thầy giáo mà lý do duy nhất là họ dám giễu cợt trên cái kỳ quặc và nực cười của những người Cộng sản. Họ bị kết án là đã bắn mũi tên vào trí tuệ của lãnh đạo... Những kẻ cứng đầu ngoan cố này bị kết án là chống Đảng và làm nhiễm độc Cách mạng. Nhưng trong kho công cụ trấn áp lại không có loại văn bản nào nói về mấy tội trên... Nhưng văn bản để áp dụng biện pháp trị tội lại không thể có hiệu lực hồi tố. Như trong thời kỳ Thượng cổ, luật pháp là điều bí mật mà các Pháp sư là quan toà nắm độc quyền. Không còn gì kinh hoàng hơn là Nhà nước Cộng sản đã vực dậy những thứ đã thành quá khứ từ hàng ngàn năm nay, để nhảy xổm lên trên Luật pháp và dùng nó duy nhất là để cô lập, tiêu diệt những người mà họ nghi là có tư tưởng xét lại chống Đảng, cóc cần biết đến cái gì là công lý và công bằng! Tại sao mọi người phải quan tâm đến chuyện văn bản trong khi quyền lực chỉ ở trong tay một kẻ độc tài?!” Sau đấy, luật sư Nguyễn Mạnh Tường bị Việt Minh trả thù bằng cách: Vu khống, mạ lỵ và đàn áp.

Các bài viết của các nhân sĩ đã thẳng thắn nói về tự do, dân chủ đã bị Việt Minh đàn áp dã man, Báo Nhân Văn ra được 5 số báo, đến số 6 thì bị cấm in, cấm phát hành. Báo Giai Phẩm ra được 4 số, vào các tháng: Ba, Tư, Mười và tháng Chạp năm 1956. Đến ngày 15-12-1956, Ủy ban hành chính Hà Nội ra thông báo đóng cửa hoàn toàn. Ngày nay, Giáo sư Chu Hảo thì sao?

Giáo sư Chu Hảo 

Giáo sư Chu Hảo sinh năm 1940, ông từng du học tại Liên Xô và tại Pháp. Ông từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ. Đến năm 2005, Giáo sư Chu Hảo nghỉ hưu. Sau đấy, ông làm Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri Thức, ông lập tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới tại Việt Nam. Vậy nguyên nhân nào Giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật bởi Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN)?

Ông Chu Hảo cầm cuốn sách "Dân chủ và Giáo dục' của tác giả John Dewey do Nhà xuất bản Tri thức phát hành (HOANG DINH NAM/GETTY IMAGES)

Giáo sư Chu Hảo bị CSVN đàn áp kỳ quặc, oái oăm! Khi ông giữ chức Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, đã cho xuất bản những cuốn sách nổi tiếng từ nước ngoài được dịch sang tiếng Việt như: “Bàn Về Tự Do, Đường Về Nô Lệ... những sách này đều mang giá trị nhân bản sâu sắc, đề cao giá trị tự do dân chủ, nên CSVN cho là đi ngược lại chủ trương của Chủ nghĩa Cộng sản độc tài của họ; vì nội dung của những cuốn sách ấy đã lột trần chế độ Cộng sản hay phân tích sai lầm của chủ nghĩa xã hội. Thế nên, Giáo sư Chu Hảo bị Đảng Cộng sản Việt Nam trù dập là điều khó tránh. 

Nhìn chung “Từ Nhân Văn Giai Phẩm Đến Giáo Sư Chu Hảo” đều mong mỏi đồng bào được sống tự do, dân chủ và đất nước được phát triển nhưng những tâm huyết ấy gặp phải “Nhà nước” tối tăm và hà khắc nên không thể thực thi điều tốt đẹp cho dân cho nước. Trường hợp này, giống như bối cảnh lịch sử của ông Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) đã viết nhiều bản điều trần gửi lên triều đình, đề nghị canh tân quốc gia, phải khẳng định rằng: “Nguyễn Trường Tộ đã có tiên kiến, đã vượt lên trên trình độ của các tầng lớp trí thức và nho sĩ đương thời.” Thế nhưng, triều đình Huế lúc ấy vua quan thủ cựu nên nước ta vẫn chậm tiến! Trong khi ấy, cùng thời gian với Nguyễn Trường Tộ, giáo sư Fukuzawa Yukichi (1835-1901) của Nhật Bản, sau khi Yukichi tiếp thu nền văn minh Tây phương, đề nghị cần phải canh tân đất nước thì được đại đa số người Nhật, từ Nhật Hoàng đến người dân nhiệt liệt hưởng ứng, nhờ vậy nước Nhật đã phát triển mạnh mẽ đem về thành công rực rỡ. Ai muốn xem đầy đủ về Nguyễn Trường Tộ thì mời vào link: https://vietbao.com/a252416/trang-su-viet-nguyen-truong-to

Cuối cùng, tôi xin chúc mừng Giáo sư Chu Hảo đã ra khỏi Đảng CSVN là ra khỏi chế độ độc tài và ruỗng nát. Giáo sư đã tạo được kỳ công là gây cho làn sóng từ đảng ạt ạt, còn cảnh tỉnh những đảng viên còn trong đảng xem xét lại chính mình đang lầm đường lạc lối. 

Ngày 1-11-2018
 

No comments:

Post a Comment