Thursday, December 6, 2018

Bài bản Việt Minh cướp chính quyền - 1945


Việt Minh đánh thành Đồng Hới 23-8-1945. 

Nhà cha mẹ tôi năm 1945 ở giữa thị xã Đồng Hới, phường Đồng Đình, số 37 đường Quan Thánh (đường Thanh Niên), cách cửa nam khoảng trên 200m theo đường thẳng, gần ngã tư (lúc đó), với đường Huỳnh Côn (đường Cô Tám) - ngã tư này có 3 ngôi chùa, ở góc đông nam là chùa Ông huyền thoại và cây Đa, mặt tiền hướng bắc.
Đó là 1 ngôi nhà cổ, có cột kèo, rầm thượng, 5 gian, như vậy kể là lớn thời ấy. 

Nhà bên cạnh là của ông Hương Cù, người Minh Hương. Con trai thì ông chỉ có 2 người. Anh lớn tên Nghĩa, dáng người vạm vỡ, làm gì đó không rõ. Người em tên Cương trạc tuổi tôi, học hành chẳng nhiều vì là người Hoa, buôn bán là chính song nhanh nhẹn và là bạn chơi đùa của tôi từ mấy năm nay.

Nhà bên cạnh nữa của 1 bà cụ, ở với người con tên Quốc, hiền lành, bơi rất giỏi, cũng là bạn. Rồi đến ngã ba, hết đường Quan Thánh, thời đó.

Tháng 8 năm 1945 giữa Đồng Hới thiên hạ an vui, ở vùng quê cũng vậy. Tôi thấy vậy vì cứ vài hôm tôi lại lên thăm Ngoại ở làng Đức Phổ, cách thị xã vài cây số về hướng núi. Đi vòng cổng Bình Quan, theo đường Lê Lợi hiện nay, qua một khúc đầm lầy 2 bên đường khoảng 500m, đến cầu Kẻ Nại là cầu vồng lót gỗ sơ sài, qua làng Diêm Điền (của Thượng Tọa Thích Trí Quang), qua đồng ruộng rồi một dốc ngắn gọi là Lòi (rừng nhỏ) thấy ruộng đồng, thôn xóm là đến làng Đức Phổ, một xã rất lớn của phủ Quảng Ninh. Nhà ngoại tôi ở xóm Đông, 5 gian, 2 chái, rất lớn, gần rào (sông nhỏ, sông Phú Vinh) bên kia rào là làng Phường Xuân, Trung Nghĩa, đường rầy xe lửa. 

Qua tháng 9 hết nghỉ hè tôi dự tính đi tàu hỏa vào Huế học lại.

Tối hôm đó tên Cương rủ tôi qua nhà bà cụ bên cạnh để nghe và học hát cho vui. Tôi qua theo. Có khoảng năm sáu người lạ mặt đang tập hát một bài ca rất là hay, gây xúc động thực sự:

"Đồng chí, bước gian nan. Bền vững cứ kiên gan.
Bặm môi nghiến răng ta cười. Tin ngày chiến thắng sau cùng.
Phấn đấu con anh hùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng. (Ré ré silasol. Solsiré silasol).
Tiến bước ra sa trường. Cờ giải phóng phất lên đường. (Ré ré silasol. Solsiré silasol).
Toàn thắng về chúng ta. Quyết nắm lấy chú Quày." (Sol mí solmí ré. Ré ré silasol.)

Hai dòng đầu 4 câu ngắn phải hát giọng trầm, bặm môi mới hay, tương tự như hát các câu "Vùng lên nhân dân Việt Nam anh hùng. Vùng lên xông pha vượt qua bão bùng" đảng ca của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam sau này, năm 1960.

Thực sự tôi không để ý đến các chữ "đồng chí, cờ giải phóng…" trong bài ca do lúc đó chính phủ Trần Trọng Kim vừa thu hồi độc lập, đang nắm quyền, trong nước thì các từ ngữ yêu nước, giải phóng, giữ nước là chuyện thường tình. 

Tôi cũng chưa hề nghe ai nói đến 2 chữ Việt Minh.

Các chữ cuối trong bài ca: "Quyết nắm lấy chú Quày" nghe lạc điệu tức cười, song trong thị xã thời đó đúng là có chú Quày, người Hoa, có tiệm buôn lâu đời, khá lớn, ai cũng biết.

Sau nữa tôi mới rõ đó là câu "Quyết nắm lấy chính quyền", nhưng đổi ra chú Quày để bảo mật.

Hai hôm sau là ngày 22-8-1945. Đến chiều tối bạn Cương qua rủ tôi: 

- Tối này mình đi coi thanh niên tự vệ tập võ, múa gậy ở cầu Ngắn đi, lần này đông lắm!

- Đi lâu không, đem theo gậy hả? Tôi hỏi.

- Tám đến mười giờ, đi coi thôi, ưng về thì về, như ưng đem theo gậy để học cũng được.

Tôi chịu đi, để xem, không tập múa may gì. Mấy tháng nay từ ngày thu hồi độc lập, trong nước có phong trào thanh niên tiền tuyến do ông Phan Anh, bộ trưởng Thanh niên khởi xướng.

Ở mỗi nơi ít nhiều đều có tổ chức các đoàn dân quân tự vệ luyện tập quân sự, múa đao, đánh gậy đề phòng Pháp trở lại. Tôi biết điều này và có học Cương đi vài đường gậy.

Tối, 8 giờ, tôi và Cương đi theo quốc lộ 1, hướng nam, qua cầu Dài (bắc ngang một nhánh của sông Nhật Lệ) ngay tiếp là cầu Ngắn, một vài, bắc qua một con lạch nhỏ là đến bãi tha ma và đồng ruộng, nơi bãi tập, ở bìa thị xã, phía nam, cách xa nhà chúng tôi cũng trên một cây số.

Tôi đi chơi, về sẽ khuya mà không nói gì cho cha mẹ biết, vì tôi nghĩ chuyện không quan trọng, hơn nữa mấy lâu tôi đi Huế học, coi như xa nhà suốt năm thì cha mẹ luôn để tôi tự do.

Tôi và Cương đến nơi thì người ta đang buổi tập đánh gậy, hăng hái. Anh Nghĩa, à chú Nghĩa vì là người Hoa, võ nghệ giỏi, trông như là đoàn trưởng, đang chỉ bảo đoàn viên luyện tập. Chỉ bảo múa gậy mà thôi, nghiêm túc, không hề nói năng hô hào gì khác.

Tất cả khoảng trên một trăm con người ta, có cả một ít nữ và trẻ con ham vui, đi theo các anh chị. Đêm nay như vậy là đông, coi như tổng diễn tập, tụ họp nhiều thanh niên, tự vệ trong toàn thị xã ưa thích tập võ, múa gươm đao, gậy gộc. 

Mọi việc diễn tiến bình thường, vui vẻ.

Tuy nhiên dấu hiệu bất thường bắt đầu.

Đêm càng khuya càng thanh vắng. Đã 10 giờ hơn lại không có lệnh giải tán ra về như mọi khi, mà chú Nghĩa, người đoàn trưởng, láng giềng của tôi, đột nhiên ra nghiêm lệnh tất cả, trên trăm người lớn và con nít, giữ hàng ngũ chỉnh tề, ngậm tăm kéo lui về thị xã trên con đường nhựa (quốc lộ 1). Tứ bề vắng lặng, trên đường về đoàn người không gặp cản trở, chẳng ai nhập bọn. 

Đến sát cửa Nam, nơi có đồn lính Bảo an đóng ở góc đông nam trong thành thì đoàn người được lệnh dừng lại, giữ vị trí.


+1960 - Bản đồ Thị xã ĐH, giống trước năm 1945 duy có đường phố đổi tên cách mạng. 

Đường Quốc lộ1 bắc nam chạy xuyên qua thành cổ, rồi qua Cầu dài.

Dấu X màu đen chỉ nơi chúng tôi phục kích ngoài cửa Nam đêm 22 rạng 23-8-1945.

Dấu X màu đỏ ở giữa, chỉ nơi nhà cha mẹ tôi, mặt tiền hướng đông. 

Dấu X màu tím ở dưới, chỉ nơi thanh niên tự vệ tập luyện gươm, gậy, quá Cầu dài. 

Cổng Bình Quan thuộc phường Đồng Đình. Chợ Đồng Hới thuộc phường Đồng Hải, lớn hơn. 

Lệnh ban ra, ai nấy giữ nguyên hàng ngũ, tự ý ra về phải chém. Chẳng ai hiểu mô tê và cũng chẳng ai dại dột bỏ về để bị chém!… để bảo mật, chẳng phải dọa xuông.

Chú Nghĩa cầm gươm đi lui tới canh chừng, lầm lì chẳng nói năng, dặn dò, khuyến khích gì. 

Vạn vật chìm trong im lặng. Tôi cũng biết thân phận, lo tự động đứng vào hàng ngũ, ở đoạn đuôi, hối hận đi cả đêm mà không cho cha mẹ biết, gây lo lắng.

Dù quen chú Nghĩa, tôi trong bụng chẳng dám đứng lên xin được về nhà trước. 

Nhìn quanh quất không thấy tên Cương, tuy nhiên ban đêm khó thấy. 

Coi ra ai cũng sợ sệt, ngơ ngác, mù tịt. Không có băng cờ, biểu ngữ, chẳng hiểu chuyện gì, tay cầm gậy gộc mà chẳng ai dám hé môi hỏi han, chuyên trò, thắc mắc.

Đêm còn dài kẻ đứng, người ngồi rệu rã, trên con đường nhựa, bên hông nhà bungalow, khách sạn hai tầng to lớn, chờ trời sáng. Chờ cửa thành mở hay chờ chuyện gì nữa? Liệu rồi cửa thành có mở và cho đám người đứng sắp hàng chầu chực suốt đêm kéo vào không! Mà kéo vào để làm gì?? Chẳng ai cho biết! Cứ chờ, im lặng!

Rồi cũng đến sáng bạch, cửa Thành bỗng mở hé. Chờ một lát sau cửa thành mở toang. Chúng tôi đang còn ngơ ngác thì chú Nghĩa, đoàn trưởng, lên tiếng dõng dạc tuyên bố:

"Lính trong Thành điều đình xong đã chịu buông súng mở cửa thành đầu hàng. Ta không phải tấn công Thành. Lệnh giải tán, cho phép ai nấy về nhà."

Câu nói này sáng hôm đấy, nguyên văn, đã 70 năm trôi qua, đến bây giờ vẫn còn văng vẳng trong tai tôi từng chữ một.

Hầu như tất cả đều như vịt sổng chuồng, chưa sứt sẩy, ồ ạt tẩu tán, càng xa càng tốt.

Thế là Đồng Hới đã bị chúng tôi đánh chiếm trong tảng sáng, không nổ một phát súng. 

Tôi về đến nhà, trong nhà đã thức dậy. Cha mẹ tôi không hỏi tôi điều gì. Tôi có bị nghi ngờ oan là lén đi theo Việt Minh không? Chắc không! Tôi ít đi ra suốt ngày hôm đó, mấy hôm sau cũng chẳng đi đâu nhiều. Cả thị xã nín lặng, ngóng đợi, không nghe loa kêu gọi gì.

Nghĩ lại, giá dụ cửa thành không chịu mở thì lệnh tấn công phá cửa thành đóng kín với gậy gộc có được ban ra không? Mà súng đạn thì vô tình.

Thành cổ Đồng Hới chứa các cơ quan đầu não hành chính của tỉnh, ban đêm các cổng luôn đóng cửa, kiên cố, thời bình cũng như thời chiến. Đồn lính giữ thành thì đóng tại góc Đông Nam, trấn giữ cửa Nam thông ra phố xá đông đúc. Ngoài cửa Bắc, nhà cửa thưa thớt, chỉ một vài tiệm buôn vặt sát thành nhưng có nhà Bưu điện, tại ngã ba (lúc đó) Quốc lộ và đường rẽ lên ga tàu hỏa, toàn đất ruộng 2 bên. Ngoài cửa Đông không có dân cư ở.

Năm 1945 tại thị xã Đồng Hới, nhà cửa, phố xá, dân cư ở tập trung dọc quốc lộ 1 và phía đông của quốc lộ ấy cho đến bờ sông. Phía tây của quốc lộ 1 coi như đầm lầy, đất cằn, bỏ không. Nói vây chứ nơi đây cũng có một lò heo gọi là "ba toa" (abattoir) gần cổng Bình Quan đi tới, trên con đường đất cũng dẫn đến làng Thuận Lý, ga Thuận Lý, tên cũ của ga Đồng Hới. Thời đó thị xã có gần 4 vạn dân, 7-8 ngàn nóc nhà. Hiện nay thì nhà cửa tứ phía, thành phố mở rộng diện tích.

Tôi nghĩ đêm đó, tối ngày 22, rạng ngày 23 tháng 8, toán chúng tôi phục kích ở cửa Nam là toán độc nhất trong thị xã được sử dụng uy hiếp tinh thần các quan chức, binh lính trong thành. 

"Vô Trung Sinh Hữu" không có mà làm thành có, có ít mà hư trương ra nhiều, đó là kế thứ 7 trong "Tam thập lục kế", mượn đầu heo nấu cháo tài tình. 

Trong đám thanh niên, dân quân, tự vệ, con nít gậy gộc tụ tập thị uy ở ngoài cổng thành có tôi. Như vậy tôi đã tham dự đánh thành Đồng Hới, thành công. Song sau đó tôi cũng chẳng được ai gọi đến nhận ban khen tặng thưởng gì. 

Phải chi chú Nghĩa đoàn trưởng dẫn tất cả vào thành đã mở rộng cửa để mọi người, bõ công đứng ngồi thấp thỏm suốt đêm, đến bao vây tòa tỉnh, đồn lính… tiếp thu thành quả thắng lợi, và được giấy ban khen, đãi ngộ, tưởng thưởng xứng đáng, ghi vào lý lịch! 

Nào ngờ, cửa thành vừa mở rộng thì lệnh ban ra cho chúng tôi giải tán!

Cách Mạng (?) thành công, mấy hôm sau tôi nghe tin ông Hoàng Văn Diệm lên làm chủ tịch ủy ban hành chánh tỉnh. Tôi biết ông này, chủ tiệm bán thuốc tây, trữ dược viên, không xa chợ. Ở thị xã Đồng Hới thời đó chưa có dược sĩ. Tôi thỉnh thoảng đến mua gói thuốc tím, thuốc đau bụng. Thấy ông người cũng trắng trẻo, ra vẻ trí thức, hòa nhã, vui vẻ. 

Một người nữa tên Chiếu, anh của một người bạn học tên Thắng, có lẽ họ Nguyễn, Nguyễn Toàn Thắng, tôi hay đến nhà chơi. Anh Chiếu này đi cà nhắc vì bị một chân teo khá nặng, do lúc nhỏ bà mẹ, một nữ y tá, tiêm thuốc vào mông cho con, đụng nhằm gân, nghe nói thế. Anh Chiếu trước có đi Huế học, tuy đi cà thọt nhưng ưa thích đánh bóng chuyền đồng thời xổ tiếng Anh câu ngắn (let’s go, hurry up…). Ấy vậy mà anh Chiếu, con người tàn tật lại lên làm trưởng công an tỉnh. Tôi cũng úy kỵ, không dám đến chơi nhà nữa, thấy nét mặt anh thông minh nhưng nghiêm khắc, ít cười nói, mà từ lâu, có thể do mặc cảm tật nguyền, oán hờn, thù hận.

* * *

Mới đây do tìm tòi, vào trang mạng Internet, tôi tưởng vui thích đọc được một số bài viết nói về trận đánh Việt Minh cướp chính quyền ở Đồng Hới năm 1945, song kinh ngạc vì sự việc được các tác giả, viết mới đây, trình bày bịa đặt hoang đường hoàn toàn khác hẳn:

+ Quảng Bình, 410 năm phát triển (1604-2014) - … Ngày 17-8-1945, Tỉnh bộ Việt Minh đã tổ chức hội nghị để quán triệt lệnh tổng khởi nghĩa do đồng chí Tố Hữu phái viên của Trung ương vào truyền đạt. Hội nghị bàn kế hoạch lãnh đạo và quyết định lấy ngày 23-8-1945 làm ngày khởi nghĩa chung toàn tỉnh…

Đêm 22 rạng ngày 23-8-1945, các tầng lớp nhân dân ở vùng ven và quanh khu vực thị xã Đồng Hới với băng cờ, gươm, giáo mác, gậy gộc tập trung đông đảo quanh thành Đồng Hới đợi lệnh tổng khởi nghĩa. Mờ sáng ngày 23-8-1945, lệnh tổng khởi nghĩa được ban bố. 

Dân chúng từ các nơi đổ về cửa thành, bao vây toà sứ, trại lính. Lực lượng tự vệ nhanh chóng chiếm giữ các vị trí xung yếu trong nội thị, sẵn sàng đánh trả mọi hành động chống cự của địch. 8 giờ ngày 23-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa làm lễ ra mắt và tuyên bố thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng….

(Nguồn: "Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ”. Apr 15, 2014 và “Quảng Bình dưới chế độ phong kiến triều Nguyễn và thực dân Pháp". Thứ sáu 5-9-2014 Website Quảng Bình, Email: banbientap@quangbinh.gov,vn (2).

+ Đặc Điểm Cách Mạng Tháng Tám Năm 1945 ở Quảng Bình. 

...Sau hội nghị Tỉnh bộ Việt Minh (17-8-1945), không khí chuẩn bị khởi nghĩa dấy lên như sóng dậy từ thành thị đến nông thôn. Truyền đơn, biểu ngữ, khẩu hiệu cách mạng xuất hiện khắp nơi. Mít tinh, biểu tình, tuần hành thị uy được tổ chức rộng rãi, lôi cuốn hàng vạn người tham gia. Làng quê, ngõ xóm rộn ràng tiếng tù và, tiếng chuông trống, tạo nên không khí cách mạng sôi sục trong các tầng lớp nhân dân Quảng Bình.

Ngay sau khi nhận được lệnh khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã diễn ra sôi nổi và đều khắp ở các phủ, huyện, thị. 

Tại Đồng Hới, đêm 22 rạng sáng ngày 23 tháng 8 năm 1945, lực lượng tự vệ Võ Xá, Trung Thuần và công nhân xe lửa, cùng với quần chúng nhân dân tiến vào trung tâm thị xã. Được quần chúng trong phố hưởng ứng và lực lượng Việt Minh trong các công sở tiếp ứng, đội tự vệ chiếm giữ nhanh chóng nhà bưu điện, kho bạc, đường giao thông, cầu thị xã. Đội tự vệ của công nhân có lính bảo an làm nội ứng bao vây đồn Bảo an binh. Sau đó, quần chúng kéo đến bao vây dinh tỉnh trưởng.

Tỉnh trưởng Nguyễn Thơ cùng một số quan lại của chính quyền tay sai đầu hàng và bị bắt giữ. Đối với quân đội Nhật, Tỉnh bộ Việt Minh gửi thư nói rõ chính sách của Việt Minh nên án binh bất động, không có hành động kháng cự. Trong một thời gian rất ngắn, toàn thị xã và dinh thự của tỉnh trưởng Quảng Bình lọt vào tay quân cách mạng. Ngay sau khi chiếm xong thị xã, quần chúng nhân dân tiến về tập trung trước dinh tỉnh trưởng để tham dự cuộc mít tinh chào mừng chính quyền cách mạng tỉnh... (ThS. Đỗ Mạnh Hùng. Trường Đại học Sư phạm Huế).

Ôi thôi, đọc các tài liệu trên của ban Tuyên giáo tỉnh và Thạc Sĩ Đỗ Mạnh Hùng viết về ngày 23-8-1945 VM khởi nghĩa ở Đồng Hới mà tôi chưng hửng, ngao ngán vì tất cả thông tin là sản phẩm trí tưởng tượng siêu phàm bệnh hoạn. 

Đối lại, những gì tôi tường thuật là vô cùng trung thực, đã xảy ra cho bản thân tôi.

Thời đó tôi tuy còn niên thiếu, song rất tinh khôn, là học sinh trung học được cha mẹ gởi vào Huế học, điều cũng khá hiếm ở Đồng Hới. Suốt kỳ nghỉ hè, từ Huế về tôi ở giữa thị xã và thường xuyên lên xuống làng Đức Phổ quê ngoại, cũng như có nhiều bà con ở huyện Lệ Thủy, quê nội ra Đồng Hới ghé thăm mà có nghe ai nói bất ổn lộ liễu gì đâu, mọi nơi yên tĩnh. 

Có gì động tĩnh bất thường, truyền đơn, biểu ngữ, khẩu hiệu, mít tinh tuần hành thị uy trước đó... dù nhỏ, huống chi đã lôi cuốn đến hàng vạn người tham gia, là tôi biết liền... và tôi cũng chẳng khờ khạo gì chịu đi xem thanh niên tự vệ quốc gia tập múa gậy gộc đêm hôm ấy, tối 22, rạng 23 -8 ở bãi tha ma, đồng ruộng quá cầu Ngắn để rồi đút đầu vào rọ, cuốn theo chiều gió.

Lúc tôi đi Huế học cha mẹ vẫn luôn dặn dò lo học, tránh xa chỗ tụ tập đông đảo, bất ổn.

Điều có thực mà tôi thấy là Việt Minh có chuẩn bị sắp đặt trước khéo léo tuy bá đạo. 

Các nhân vật có tên “Nghĩa, Cương, Diệm, Chiếu”, buổi tập hát ở nhà bà cụ bên cạnh tối 20 và sự kiện Việt Minh lừa gạt, ép buộc nhân dân gậy gộc đi phục kích ở cửa nam thành cổ tối 22 rạng ngày 23-8 mà họ không hiểu để làm gì, xác nhận điều này.

Lịch sử phải là một công cụ của Đảng!

Các ông Tuyên giáo bắt buộc phải bịa đặt, lâu ngày quen tánh: "Dân chúng từ các nơi đổ về cửa thành, bao vây toà sứ, trại lính. Lực lượng tự vệ nhanh chóng chiếm giữ…"

Dân chúng đổ về cửa thành nhưng cửa thành đóng thì làm sao bao vây tòa sứ, trại lính?

Việt Minh đánh chiếm thành Đồng Hới là một sự kiện lịch sử có thật. Cùng ngày 23-8 1945 họ cũng đánh chiếm Huế và nhiều nơi khác tiếp sau ngày 19-8 họ nói thành công ở Hà Nội.

Thực tình tôi không hẳn trách cứ các ông Việt Minh đã lừa gạt. "Binh bất yếm trá" việc chiến tranh thì không ngại việc lừa dối, mặc dầu ý nghĩa là lừa dối địch.

Lừa dối nhân dân là không thể chấp nhận.

Tôi cũng lại nhớ các ông cộng sản tường thuật cuộc khởi nghĩa ở Nam Kỳ năm 1940 – và nhiều cuộc khởi nghĩa khác- cũng một luận điệu láo khoét tương tự:

“Ngày 23/11/1940 nhân dân đánh trống mõ, phèng la, thùng thiếc…vang dội kéo ra đường tuần hành thị uy, hô vang khẩu hiệu, rải truyền đơn… đội quân khởi nghĩa gồm các thanh niên nam nữ tự trang bị giáo mác, dao, rựa, búa, phảng, cuốc xẻng, xà beng, tầm vông vát nhọn, dây trói…tấn công vào các bót địch...”

Dân chúng khởi nghĩa cuốc xẻng chống súng đạn là như vậy đó. Là xúi nhân dân, đưa vào chỗ chết là tội ác tày trời. Các cuộc khởi nghĩa Cần Vương, Đề Thám, Yên Bái, Đò Lương v.v... nghiêm túc, không bao giờ làm vậy.

Buồn bã thay! thời vàng son CS độc quyền ăn nói một mình một chợ nay là dĩ vãng.

Bây giờ Cộng Sản nói gì cũng chẳng ai tin. 

No comments:

Post a Comment