Wednesday, December 12, 2018

KHỦNG BỐ LÀ MỘT CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆTCỘNG

“…Đó là nguyên tắc dọa nạt một số đông người nhưng thụ động bằng cách dùng một nhóm nhỏ người khủng bố họ. Tức là khống chế số đông thụ động bằng cách gieo rắc sự sợ hãi…
“Người lính gác trước Khách sạn Thanh Thế mệt mỏi hút một điếu thuốc lá. Anh ấy là một chàng trai trẻ có lẽ chừng 25 tuổi. Anh có một khuôn mặt hẹp, đầy vẻ sợ hãi. Ba đứa bé người Hoa đang ở trần chơi đùa trong cát bụi của đường phố trước những hàng rào kẽm gai. Một người phụ nữ trong chiếc áo dài màu đen dừng lại để xem chúng. Trời sắp mưa. Mặt trời chiếu những tia nắng của cái ngày nóng ẩm xuống quang cảnh đó. Thiên nhiên thở chậm rãi hơn vào giờ này.
Một nam thiếu niên có lẽ chừng 17 tuổi đứng cách đó vài trăm mét tại một góc đường với một con đường phụ. Có một chiếc xe đạp dựa vào tường nhà, rỉ sét, có lẽ đã từng được sơn màu kim loại. Một cái gói nhỏ lủng lẳng ở yên xe. Thiếu niên này đang đứng chờ. Em ấy chờ đợi điều gì? Em trông có vẻ căng thẳng và bồn chồn và sờ soạng tay lái chiếc xe đạp.
bomno_saigon
Ngày 9 tháng 1 năm 1952:
Đây là cảnh quảng trường trước nhà hát Sài Gòn sau khi bị Việt Minh khủng bố bằng một trái bom gài trong thùng một chiếc xe tải.
  Nơi đây vốn dĩ luôn đông người qua lại, hậu quả của việc khủng bố này là một người đàn ông bị thổi bay đôi chân (trên hình).
Người tài xế xe tải chết tại chỗ, chiếc Jeep mui vải bị cháy lan sau khi hứng chịu vụ nổ từ chiếc xe tải và kéo theo hàng loạt xe khác cháy theo khiến hơn 10 người thiệt mạng.
2 phút sau đó, một vụ nổ khác xảy ra ngay Tòa Thị Chính, đánh dấu sự trở lại và gia tăng bạo động của Việt Minh.

Bất thình lình, cái nóng dường như không còn có thể chịu đựng được nữa. Người lính gác nhìn sang mấy đứa bé đang ngồi trên đường. Anh ấy bồn chồn châm một điếu thuốc lá mới. Ca gác của anh ấy chắc hẳn là sắp kết thúc.
Một người đàn ông trung niên bước đến với chàng thiếu niên đó, nói nhanh điều gì đó với em ấy. Một người họ hàng mà em ấy đang chờ? Họ chia tay nhau. Người thiếu niên đó dắt chiếc xe đạp và chậm chạp bước đến chỗ người lính gác. Em toát mồ hôi. Người ta nhìn thấy những giọt mồ hôi trên trán em. Em ấy leo lên chiếc xe đạp và dừng lại ở một cái cây cách người lính gác hai mét. Em ấy bước xuống chiếc xe đạp. Người lính gác không chú ý tới em. Chỉ là một thiếu niên người Việt nhỏ bé.
Mười hai giờ, một tiếng còi vang lên. Những người sĩ quan và quân nhân đầu tiên bước ra khỏi khách sạn. Họ sẽ được một chiếc xe buýt đón vào lúc 12 giờ 15. Họ bước ra khỏi ngôi nhà có hơi sớm một chút. Người lính gác chào. Một viên đại úy không quan tâm đến em người Việt nhỏ bé đang đi bộ chậm rãi đó khi ông ta gặp em trong lúc đang bước đi theo chiều ngược lại.
Vài người Mỹ bước tới xem mấy đứa trẻ con đang chơi đùa ở bên kia đường. Bất thình lình, người lính gác hiểu được. Anh ấy hét to: “Attention!” Thái độ của em thiếu niên có một cái gì đó khiến cho anh ta chú ý.
Em thiếu niên đó đã đi xa cho tới mức thật ra không ai nghĩ rằng chiếc xe đạp bị bỏ lại đó là của em ấy. Người lính gác chắc phải nhìn thấy em ấy như thế nào đó, vì ngay trong khoảnh khắc đó anh ấy đã nổ súng. Anh bắn không trúng em thiếu niên đó. Anh ấy đã hiểu được sự việc quá chậm.
Anh ấy không còn có thể bóp cò thêm lần thứ nhì nữa, vì anh ấy đã nằm trong vũng máu của mình ở phía sau những cái bao cát. Anh không còn thở nữa. Một mảnh từ chiếc xe đạp đã xé nát cổ anh. Người lính gác đã phản ứng muộn mất một vài giây.
Với tiếng súng cuối cùng từ loạt đạn tiểu liên đã có một tiếng nổ thật lớn. Mấy đứa trẻ con gào thét, chúng cũng lăn lộn trong vũng máu của chúng. Những người khác im lặng – câm nín mãi mãi.
Một người lính Mỹ nằm trắng nhợt một cách kỳ lạ trên đá lát vỉa hè. Chỉ còn một cái mụn trên gương mặt anh là còn một ít màu sắc. Không ai sẽ còn cảm thấy khó chịu vì điều đó nữa. –
Tiếng còi báo động vang lên ngay sau đó. Nhiều người cầm súng lao ra đường. Nhưng đã quá muộn. Những gói bông băng được xé ra, vết thương được băng bó tạm, xe cứu thương đến, quân cảnh đến. Một cảnh hoạt động náo nhiệt, bài ca cầu hồn của khủng bố. Hai người lính, một người phụ nữ và hai đứa trẻ con không còn sống nữa. Họ đã chết dưới ánh nắng duy nhất của cái ngày ẩm ướt này.
Lại thêm năm mạng sống nữa đã tìm thấy một cái kết cuộc vô nghĩa vào buổi trưa này. Những trái tim trẻ trung, khỏe mạnh đã ngưng đập. Con người có thể chịu trách nhiệm cho sự khủng bố này hay không?”
Phải trích dẫn thật dài như vậy từ hồi ký của một người bác sĩ Đức đã làm việc trên con tàu bệnh viện Helgoland tại Việt Nam[i] để bạn đọc có thể cảm nhận được phần nào không khí đáng sợ lúc bấy giờ. Khủng bố có thể có mặt ở mọi nơi, mọi lúc. Nó có thể lấy đi mạng sống của đàn bà, con nít vô tội bất cứ lúc nào, bất cứ ở nơi đâu.
khungbo_saigon
Quảng trường Tòa Đô Chánh sau vụ VC ném lựu đạn làm 7 người chết,
47 người bị thương trong dịp mừng lễ Quốc Khánh 26-10-1962.
Một bác sĩ người Đức khác, ông Heimfried–Christoph Nonnemann, bác sĩ trưởng đầu tiên của con tàu bệnh viện Helgoland, cũng viết: “Việt Cộng treo cổ những người già nhất trong làng lên, những người mà lần bầu cử họ đã được các nhà quan sát quốc tế tuyên bố là hoàn toàn không thể chê trách gì được. Việt Cộng dùng súng liên thanh bắn vào đám đông đàn bà và con nít, cho nổ mìn trong chính những đám đông người đó, bắn súng cối vào nơi họp chợ, nơi nhiều nhất là có một người lính về phép giúp vợ mình đi chợ. Khủng bố trực tiếp.”[ii]
Nhân dịp được vào thăm một trại tù binh ở Quảng Ngãi, một nhân viên của ông Nonnemann đã hỏi những người tù binh Việt Cộng tại sao họ lại tiến hành những hành động khủng bố đó chống lại phụ nữ và trẻ em, chống lại chính những người cùng quê hương với họ. Câu hỏi đó không được trả lời.
Nhưng thật ra câu trả lời hết sức đơn giản: Đó là nguyên tắc dọa nạt một số đông người nhưng thụ động bằng cách dùng một nhóm nhỏ người khủng bố họ. Tức là khống chế số đông thụ động bằng cách gieo rắc sự sợ hãi. Điển hình là vụ đánh bom gài trong thùng xe ngày 9 tháng 1 năm 1952 trước quảng trường nhà hát Sài Gòn. Đây là một nơi đông người đi lại. Vụ nổ bom này đã khiến cho 10 người thiệt mạng[iii]. Hay vụ đánh bom nhà hàng Mỹ Cảnh đêm 28 tháng 6 năm 1965, giết chết ít nhất 31 người và làm cho 42 người bị thương.
Trong một cuộc chiến tranh du kích, sự sống còn của phe yếu phụ thuộc vào sự chịu đựng và hy sinh của người dân. Ranh giới của sự chịu đựng này là ở đâu, điều đó không thể nhìn thấy trước được. Vì vậy mà Việt Cộng cần phải dùng đến những biện pháp đàn áp và khủng bố để khống chế dân chúng không cho người dân nổi dậy chống họ, ép buộc cung cấp lương thực và bảo đảm cho mình một chỗ dựa nhất định mà nếu mất nó thì coi như sẽ thua cuộc chiến. Và khi mọi sự đe dọa, cảnh cáo vẫn không mang lại kết quả, Việt Cộng cũng không ngần ngừ khi phải giết người: trong thời gian từ 1957 cho tới 1972 có khoảng chừng 37.000 người bị giết chết và 58.000 người bị bắt cóc dẫn đi mất – đó là còn chưa tính tới một con số lớn những nạn nhân còn chưa biết tới[iv]. Ở Huế năm 1968, có chừng 3000 người có tên trên danh sách đã bị thảm sát và độ chừng 3000 người nữa bị bắt đi mất[v].
Các trại tỵ nạn và các ngôi làng thân với chính phủ bị Việt Cộng thường xuyên pháo kích để trừng phạt hoặc để chứng tỏ rằng người Mỹ và quân đội VNCH không có khả năng che chở cho họ. Được biết tới nhiều nhất là vụ bắn hỏa tiển vào ngay trung tâm Sài Gòn ngày 1 tháng 11 năm 1966, trong lúc hàng ngàn người dân thường và quân đội Đồng Minh đang chuẩn bị đón mừng Quốc Khánh.
khungbo_saigon01
vụ bắn hỏa tiển vào ngay trung tâm Sài Gòn ngày 1 tháng 11 năm 1966, trong lúc hàng ngàn người dân thường và quân đội Đồng Minh đang chuẩn bị đón mừng Quốc Khánh.
Khủng bố cũng là một phương pháp nhằm để giành dân, giành đất, giành một ngôi làng. Việt Cộng giết chết nhân viên của chính phủ Sài Gòn, giết chết trưởng làng và thầy giáo – là những người có tiếng nói và thường được người dân làng tin theo – nhằm tiêu diệt quyền lực của chính phủ và rồi thay thế những người đó bằng người của mình. Tính cho tới năm 1968, Việt Cộng đã giết chết 13.000 người già nhất  làng và nhân viên nhà nước trong 15.000 ngôi làng, họ hành quyết thầy giáo nhiều tới mức trong khoảng thời gian từ 1959 tới 1961 chính phủ đã phải đóng cửa tổng cộng là 636 trường học[vi]. Trong một thống kê khác, từ 1958 cho tới mười tháng đầu của năm 1966, Việt Cộng đã ám sát 11.200 người dân thường và bắt cóc mang đi 39.750 người khác[vii]. Họ cũng không ngần ngừ khi tiến hành một cuộc thảm sát để răn đe. Ví dụ như cuộc thảm sát người Thượng ở Đắc Sơn (Bình Phước) ngày 5-12-1967[viii]. Đắk Sơn là một làng với chừng 2000 người Thượng do chánh phủ kiểm soát ở tỉnh Phước Long. Khi có chừng 800 người Thượng từ những ngôi làng bị Việt Cộng chiếm chạy trốn về Đắk Sơn, du kích đã quyết định lấy Đắk Sơn để làm gương đe dọa nhằm ngăn chận những đợt chạy trốn khác ra khỏi các vùng đất do Việt Cộng kiểm soát. Ngày 5 tháng 12 năm 1967, dưới sự che chở của đêm tối, một nhóm quân du kích Việt Cộng và quân đội Bắc Việt đã thâm nhập vào làng Đắk Sơn đốt phá và bắn giết nhiều người. Kể cả khi chạy trốn vào trong hang động, họ cũng đã bị đốt cháy hay chết ngạt bằng súng phun lửa. Người ta tìm thấy hơn 200 xác chết sau đó, phần lớn là thân thể của phụ nữ và trẻ em. Nhiều người mất tích, được cho rằng đã bị bắt cóc mang đi mất.
Tất cả những vụ khủng bố này không phải là bộc phát, những mục tiêu của nó không phải là ngẫu nhiên mà đều được chọn lựa và chuẩn bị trước một cách kỹ lưỡng. Ví dụ như trong vụ khủng bố nhà hàng Mỹ Cảnh khiến cho 42 người chết và hơn 80 người bị thương, “Phi Long đã phải điều nghiên kỹ địa hình và thói quen đi lại, chơi bời, ăn uống của địch”[ix].
Và nó cũng không phải mới bắt đầu trong cuộc chiến này, trong những năm này mà khủng bố đã có từ trong cuộc chiến tranh chống người Pháp:
“Trong khi đó, ở thị trấn và thành phố, người Pháp cố gắng chống lại các cuộc tấn công khủng bố – bom ném vào các quán cà phê đông đúc, súng bắn các quan chức. Những sự cố như vậy là một phần của sự bình thường mới: Tại một buổi tiếp tân của thị trưởng tại Hải Phòng, khách khứa đã bị giật mình bởi một vụ nổ súng ở gần đó, nhưng cocktail và trò chuyện lại tiếp diễn khi biết rằng một người của Việt Minh đã bị bắn chết sau khi ném lựu đạn một đồn cảnh sát. Trong một cuộc tấn công thành công bất thường và tàn nhẫn, du kích tấn công vào một bữa tiệc tối được tổ chức tại một nhà người Pháp ở Vũng Tàu, gần cửa sông Sài Gòn. Với lựu đạn và súng Sten cũ của Anh, họ đã giết chết tám sĩ quan, hai phụ nữ, sáu đứa con và bốn người hầu Việt.[x]
Ngay từ ngày ấy đã có những vụ xử tử các trưởng làng không tuân theo “cách mạng”:
“Việt Minh xử tử các trưởng làng không tuân theo ý muốn của họ, thường bằng cách chôn cất sống trước mặt những người nông dân, sau khi bị họ tra tấn theo kiểu thời trung cổ. Khi Việt Minh giết chết một người lính Việt bị bắt phục vụ cho Pháp, một du kích đã mượn một cái kìm từ một ngôi nhà gần đó, và hắn đã lấy đi phần vàng của người đàn ông đó. Một nhân chứng trẻ em viết: ‘Em đã thấy nhiều xác chết bị chặt đầu, bị chặt ra làm nhiều khúc, bị mổ ruột, thậm chí bị lột da đầu, nhưng chẳng có gì ghê tởm hơn là nhìn thấy tên du kích đang cầm hai cái răng vàng, mặt hắn rạng rỡ.'[xi]
Khủng bố bao giờ cũng cần những hiệu ứng gây khủng khiếp để đạt tới những ý định của nó. Những cuộc tập kích nhỏ bé không đủ sức lay chuyển tâm lý và tinh thần chiến đấu của địch quân. Lính Mỹ cần phải nhận rõ được thông điệp rằng họ không thể nghĩ đến khả năng bị bắt làm tù binh, mà họ phải đối diện với một kẻ thù không bắt sống ai làm tù binh cả. Cả điều này cũng đã được Việt Minh tiến hành trong những năm 50.  Peter Scholl-Latour trong quyển “Cái chết trên ruộng lúa” đã thuật lại việc nhìn thấy các xác chết không toàn thây của ba công binh Pháp bị Việt Minh thả trôi sông ở Hải Phòng năm 1946[xii]. Những người Mỹ bị tách rời khỏi đơn vị trong lúc bị phục kích đều bị tra tấn và chặt chân tay. Để dọa nạt, khủng bố tinh thần những người lính khác, thân thể họ được mang ra trưng bày ra ở một nơi dễ nhìn thấy – bị lột da, mổ bụng, bị chặt tay, chặt chân, bộ phận sinh dục bị cắt mất. Báo cáo về những vụ việc này trong thập niên 1960 nhiều cho tới mức không thể gọi đó là những hành động riêng lẻ[xiii]. Người cộng sản không bắt tù binh Mỹ, ngoại trừ phi công. Thậm chí khi quay trở lại vào đêm hôm sau để lấy xác đồng đội, họ bắn chết tất cả những thương binh Mỹ còn nằm lại đó. Những việc này đã được tường thuật trong nhiều hồi ký, ví dụ như trong “We were soldiers once… and young” của Harold G. Moore và Joseph L. Galloway.
Tất cả những điều đó cho thấy khủng bố là một chiến lược của người cộng sản. Khủng bố để đe dọa tinh thần, gây sợ hãi nhằm thống trị số đông, để giành dân, giành đất, giành ảnh hưởng, cố gắng làm mất tinh thần chiến đấu đối phương càng nhiều càng tốt. Chiến tranh nào cũng xảy ra tội phạm chiến tranh, không chỉ trong cuộc Chiến tranh Việt Nam. Nhưng đó là những hành động riêng lẻ của một vài người, một vài đơn vị trong những tình huống ngoại lệ. Chiến tranh du kích thì ngược lại, lấy sự khủng bố làm một chiến lược để bù đắp lại cho thế yếu của mình. Cuộc chiến tranh Việt Nam ở đây không phải là ngoại lệ.
Phan Ba
Tham Khảo:
[i]Wagner, Klaus: Vietnam in jenen Tagen …, R. G. Fischer Verlag, Frankfurt, 1992, trang 158 – 160.
[ii]Nonnemann, Heimfried–Christoph: Chúng tôi không hỏi họ từ đâu đến, Phan Ba dịch, CreateSpace Independent Publishing Platform, 2014, https://phanba.wordpress.com/chung-toi-khong-hoi/
[iii]Báo LIFE, số tháng 1 năm 1952
[iv]Greiner, Bernd: Krieg ohne Fronten – Die USA in Vietnam, Verlag des Hamburger Instituts für Sozialforschung, Hamburg, 2013, trang 47.
[v]Greiner, Bernd: Krieg ohne Fronten – Die USA in Vietnam, Verlag des Hamburger Instituts für Sozialforschung, Hamburg, 2013, trang 48.
[vii]Trích dẫn theo James S. Robbins, This time we win – Revisiting the Tet offensive, 2012, trang 146.
[ix]Huỳnh Phi Long và trận đánh nhà hàng Mỹ Cảnhhttps://phanba.wordpress.com/2017/06/25/huynh-phi-long-va-tran-danh-nha-hang-my-canh/
[x]Max Hastings: Vietnam – An epic tragedy, 1945-1975, HarperCollins Publishers, New York, 2018, trang 22
[xi]Max Hastings: Vietnam – An epic tragedy, 1945-1975, HarperCollins Publishers, New York, 2018, trang 23
[xii]Peter Scholl-Latour: Der Tod im Reisfeld, Deutsche Verlags-Anstalt, Stuttgart, 1979, trang 43. Bản dịch của Phan Ba: https://phanba.wordpress.com/cai-chet-tren-ruong-lua/
[xiii]Greiner, Bernd: Krieg ohne Fronten – Die USA in Vietnam, Verlag des Hamburger Instituts für Sozialforschung, Hamburg, 2013, trang 51.

No comments:

Post a Comment