- Ngôi nhà nhỏ mà ba mẹ bé Tôm khó nhọc chắt chiu trong thân phận khốn khổ của những cựu tù – tù nhân lương tâm, nghĩ tưởng sẽ là mái ấm cho Tôm lớn lên, thành người đã trở nên đống gạch vụn, bởi sự cưỡng chế tàn nhẫn của nhà cầm quyền đảng cướp phường 6, quận Tân Bình, Tp.HCM hôm mùng 04/01/2019 vừa qua.
Mười ba tháng tuổi, Tôm còn quá bé để ý thức và cảm nhận về những gì đang xảy ra và nỗi thống khổ bi đát của cư dân Vườn Rau Lộc Hưng đang phải chịu. Nhưng tiếng gào rú của những động cơ, tiếng những xích sắt của những chiếc máy múc, ủi, nghiến ken két khi đi chuyển, quật đổ những bức tường gây nên những chấn động khô khốc, tiếng những thanh sắt, mái tôn bị cào xuống quyện với tiếng người la hét, kêu gào trong nước mắt của người dân bị chà đạp lên quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc, vẫn tác động lên thần kinh còn yếu ớt, vẫn lạnh lùng rạch vào tâm hồn trong trắng của Tôm gây ra những thương tổn vô hình, chìm vào vô thức, tạo nên những yếu tố tác động nên tính cách của Tôm sau này.
Mười ba tháng tuổi, Tôm chưa hề biết về những gian nan thống khổ của những tháng năm tù tội nhưng cũng đầy tự hào, khí phách hiên ngang của ba mẹ, như các tù nhân lương tâm khác, như một cái giá phải trả cho những lao nhọc trăn trở, sự dấn thân và hy sinh, can trường lên tiếng và đấu tranh cho sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, tha thiết với tự do, dân chủ và quyền con người; và sau đó là những chuỗi ngày lầm than, sống lưu vong đầy khổ ải trên chính quê hương, như phản chiếu phần nào tình cảnh tăm tối lem luốc của dân tộc và sự bế tắc trước một tương lai mờ mịt, gây ra bởi nhà cầm quyền độc tài tàn bạo.
Mười ba tháng tuổi, Tôm chưa biết về những hy sinh mất mát của các bác hàng xóm Thương Phế Binh là những người không bao giờ quên và đo lường được thế nào là giá trị của Tổ quốc, của Danh dự và Trách nhiệm. Dù thân đã tàn, đời coi như phế ấy vẫn phải ngậm ngùi sống như những chứng nhân cuối cùng của một thể chế Công hoà với một xã hội tự do, tôn trọng phẩm giá và các quyền con người.
Tôm là người đem lại sự tươi tắn cho cuộc sống nhục nhằn, là mầm hy vọng nhỏ bé đế các bác ấy hướng vọng cho tương lai. Lý ra, ngôi nhà của bé Tôm nằm lọt thỏm trong cái xã hội tối tăm, bị chi phối và điều khiển bới quyền và tiền, là nơi Tôm được sống trong sự che chắn dịu ngọt của ba mẹ trong tình yêu thương của hàng xóm láng giềng, là những người vẫn trọng tình, nặng nghĩa, không chạy theo trào lưu suy đồi của xã hội. Nhưng Tôm và cư dân “Vườn Rau” thân thương ấy đã trở thành “người vô sản” đúng nghĩa của nó.
Bị tước đoạt mọi quyền, không được pháp luật bảo vệ, tài sản bị đập phá, trộm cắp, bị đuổi ra khỏi mảnh đất có bản đồ diện tích, nguồn gốc rõ ràng “thuộc quyền quản lý và sở hữu của bà con từ những năm 1954 do Giáo hội Công Giáo cấp, được bà con sử dụng đất ổn định và liên tục cho đến hôm nay” (2) Mảnh đất ấy, về mặt pháp lý, “chưa bao giờ thuộc quyền quản lý và sở hữu của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa VN”. “Bà con Vườn Rau có đầy đủ căn cứ pháp lý để được nhà cầm quyền “công nhận quyền sử dụng đất” cho các hộ dân sinh sống lâu đời trên mảnh đất cha ông của mình đã để lại (3)
Mười ba tháng tuổi, Tôm không thể hiểu và làm gì được, nhưng vẫn còn nhiều người chân chính và thiện tâm, đồng cảm với tình cảnh của cư dân “Vườn Rau”, quyết đưa ra sự thật với những chứng cứ chứng minh xác thực, để đòi lại công bằng, không chỉ cho Tôm và cư dân “Vườn Rau” mà còn cho những dân oan bị nhà cầm quyền cưỡng chế tài sản bất hợp pháp trên cả nước.
Trên hết là phải huỷ bỏ điều luật 4, luật đất đai năm 2013 quái đản “đất đai là sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” đi ngược với Thánh ý Thiên Chúa về quyền tư hữu (Docat số 90) Quyết không để Tôm phải sống tha hương trên chính quê hương đất nước mình. Và nếu ba mẹ Tôm không còn điều kiện để xây một mái ấm, thì chí ít, sẽ dựng một “túp lều” cho Tôm, một túp lều mà Tôm là chủ sở hữu hợp pháp.
(1) Bé Tôm là con gái anh Huỳnh Thanh Tú và chị Phạm Thanh Nghiên, tù nhân lương tâm.
(2) và (3) trích #GNsP (11.01.2019), “Vườn Rau Lộc Hưng nhìn dưới khía cạnh pháp lý”
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT
No comments:
Post a Comment