"Các thế lực thù địch vẫn đang tìm mọi cách phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta; chúng ra sức xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước ta, đánh thẳng vào hệ tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, kích động, chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ gốc, từ bên trong, hết sức thâm độc và nguy hiểm."
Trên đây là đoạn có nội dung phản ảnh tâm trạng hoang mang cao độ nhất trong Bài viết của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân dịp kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2019) đã được phổ biến trên hệ thống báo-đài nhà nước.
Thù địch - diễn biến Hoà Bình
Nhưng “Các thế lực thù địch” là ai? Chưa bao giờ ông Trọng hay đảng CSVN dám chỉ đích danh. Chỉ biết bấy lâu nay, mỗi khi nói đến tình trạng chống đảng từ trong ra ngoài, ngành Tuyên giáo do Ủy viên Bộ Chính trị Võ Văn Thưởng đứng đầu thường cáo buộc có sự cấu kết trong-ngoài giữa “các phần tử phản động cực đoan người Việt ở nước ngoài” và “thành phần bất mãn, cơ hội” ở trong nước, nhưng chưa bao giờ nêu ra chứng cớ.
Lập luận này giống như kế hoạch tấn công của Tuyên giáo nhắm vào điều gọi là “diễn biến hòa bình” (DBHB) mà cơ quan này cáo buộc là của các nước Tư bản chủ nghĩa do Mỹ cầm đầu. Lãnh đạo Tuyên giáo nói mục tiêu của DBHB là vận động và thúc đẩy các mầm mống chống đối để loại đảng Cộng sản ra khỏi chính quyền, như đã xẩy ra ở các nước Xã hội chủ nghĩa và Nga trong giai đoạn 1989-1991.
Nhưng sự thật là đảng cầm quyền muốn dùng hai tấm “bình phong” này để phủ nhận cả hai “thế lực” đều xuất phát từ nội bộ đảng cầm quyền. Tai hại hơn dự liệu, dù đã xây dựng và chỉnh đốn từ khóa đảng XI (2011-2016), nhưng trận cuồng phong “suy thoái tư tưởng chính trị”, “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” nay không còn giới hạn trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên mà đã lây sang cả Quân đội và Cộng an, hai lực lượng rường cột bảo vệ đảng.
Chỉ thị theo dõi tư tưởng cán bộ, đảng viên, bộ đội, công an và nhân dân đã được học tập trong cả nước. Các biện pháp đề phòng, ngăn ngừa và phản ứng kịp thời, đặc biệt tại những “điểm nóng”, đã được chỉ đạo từ trung ương xuống cơ sở.
Đó là lý do ông Nguyễn Phú Trọng đã thừa nhận trong bài viết: "Công tác xây dựng Đảng vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhất là việc đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân…"
Để cứu đảng, ông Trọng khuyến cáo: "Trong điều kiện Đảng ta là đảng cầm quyền, hoạt động trong môi trường phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập; cán bộ, đảng viên giữ nhiều trọng trách, hằng ngày, hằng giờ tiếp xúc với hàng và tiền, gắn liền với lợi ích cá nhân, đối mặt với bao cám dỗ, với mặt trái của cơ chế thị trường, chúng ta càng phải chăm lo giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng. Nếu không nhận thức sâu sắc điều này, nếu cán bộ, đảng viên không tích cực và kiên trì rèn luyện thì rất dễ bị thoái hóa, biến chất. Vấn đề giữ vững bản chất của Đảng - là một Đảng Cộng sản, đảng cách mạng chân chính, hoạt động vì sự nghiệp của giai cấp công nhân, của dân tộc, vì lợi ích của nhân dân là vấn đề hết sức cơ bản và quan trọng."
Viết ra tư tưởng giáo điều như nước chảy của mình như thế, nhưng người đứng đầu đảng CSVN quên rằng sau lưng những ngôn ngữ tự bốc thơm mình như "đảng cách mạng chân chính, hoạt động vì sự nghiệp của giai cấp công nhân, của dân tộc, vì lợi ích của nhân dân" là một chuỗi dài giả tạo và mạo nhận.
Thành công hay thất bại?
Trước hết, nếu “chân chính” thì hãy can đảm hỏi dân xem họ có đồng ý như thế không. Bởi vì chân chính phải có đạo lý dân tộc. Nhưng lịch sử đã chứng minh đảng CSVN, do ông Hồ Chí Minh thành lập và lãnh đạo từ 1930 đến khi ông qua đời năm 1969, và về sau là trách nhiệm của người người thừa kế, đã đẩy dân tộc vào 2 cuộc chiến tranh dài 30 năm (1945-1975) , gọi là chống Pháp giành độc lập (1945-1954) và chống Mỹ cứu nước (1954-1975).
Vậy có ai biết bao nhiêu xương máu của người Việt đã đổ ra để cho đảng CSVN dành được thắng lợi cuối cùng ngày 30/04/1975 bằng lương thực và vũ khí của khối Cộng sản Nga-Tầu?
Và liệu chiến thắng trên chiến trường có bù đắp được những tổn thương vì chia rẽ vùng, miền và hận thù dân tộc vẫn đang dai dẳng đeo đuổi từ thế hệ này qua thế hệ khác?
Theo ước tính của Thế giới, có khoảng từ 2 đến 4 triệu người Việt Nam đã bị thiệt mạng trong 2 cuộc chiến huynh đệ tương tàn do đảng CSVN chủ động. Tổn thất vật chất là vô kể, nhưng đỗ vỡ về tinh thần của dân tộc sẽ chẳng bao giờ có thể hàn gắn được chừng nào đảng CSVN vẫn tồn tại.
Đó là chưa kể đến tổn thất của hàng trăm ngàn con người và tài sản mà nhân dân Việt Nam phải gánh chịu trong hai cuộc chiến với Pol Pot-Khmer đỏ ở biên giới Tây nam và trên lãnh thổ Campuchea (1975-1989) và với quân Trung Cộng ở biên giới phía bắc từ 1979 đến 1990.
Thêm vào đó, còn có ước tính mấy chục ngàn con người vô tội đã bỏ mình ở Biển Đông trên đường chạy trốn Cộng sản để vượt biển tìm tự do, và gần 4 triệu người Việt khác đã phải sống lưu vong trên Thế giới từ sau ngày Quân Cộng sản chiếm miền Nam năm 1975.
Đó là lý do tại sao, từ mấy năm qua, vô số cán bộ, đảng viên đã phẫn nộ để “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” nhằm gửi một thông điệp cho lãnh đạo đảng. Trong nhiều trường hợp, lãnh đạo đảng nhìn nhận đã có rất nhiều đảng viên chán đảng, bỏ sinh hoạt đảng, tự ra khỏi đảng và công khai chống đường lối cai trị độc tài và độc tôn của đảng dựa trên nền tảng của Chủ nghĩa Cộng sản vô thần, ngoại lai. Trong khi tầng lớp thanh niên, lớp người từng được hy vọng là kế thừa của đảng cũng đã chán đảng và tìm cách không gia nhập đảng, đoàn.
Đó là hậu quả nhãn tiền sau 89 năm đảng Cộng sản có mặt trên đất nước hiền hòa và nhân hậu Việt Nam.
Nhưng đối với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, người cực kỳ giáo điều và cuồng tín Cộng sản thì vẫn cứ nói bừa trong bài viết kỷ niệm 89 năm có đảng rằng: "Thực tế gần một thế kỷ qua cho thấy, ở Việt Nam không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách cam go để đưa dân tộc đến bến bờ vinh quang, giành được hết thắng lợi này đến thành công khác."
Viết vung vít như thế nhưng ông Trọng có biết đảng của ông đang bị nhân dân lên án và nguyền rủa vì những hành động sai lầm đã gây thảm họa cho dân tộc nhường nào không?
Do đó khi ông khoe đảng Cộng sản đã "hoạt động vì sự nghiệp của giai cấp công nhân, của dân tộc, vì lợi ích của nhân dân" là ông muốn che đi mặt trái của đồng tiền giả vì lịch sử đã chứng minh đảng chỉ biết lo cho quyền lợi của mình và luôn luôn đặt lợi ích của mình trên quyền lợi của dân tộc.
Nếu không thì lại sao lại cấm dân ra báo để độc quyền dư luận? Không chấp nhận đảng đối lập để độc quyền cai trị. Không cho dân tự do ứng cử vào các chức vụ Đại biểu nhân dân mà chỉ duy trì chủ trương “đảng cử dân bầu” phản dân chủ?
Kiên định cái gì?
Và tại sao ông Nguyễn Phú Trọng lại kiên định Chủ nghĩa phá sản Cộng sản ngoại lai và buộc cán bộ, đảng viên giữ các chức vụ lãnh đạo then chốt phải làm theo để đầy đọa dân tộc?
Cũng vì ai mà ông kiện định “đổi mới nhưng không đổi màu”, “hội nhập mà không hòa tan” để duy trì chủ trương “đổi mới kinh tế” nhưng “không đổi mới chính trị” y hệt như chính sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình?
Cụ thể ông nói: "Đảng ta kiên định chỉnh đốn để đổi mới, xây dựng, chứ không phải “đổi màu”, không làm thay đổi bản chất của một Đảng cách mạng chân chính. Đây là công việc rất quan trọng, cơ bản, lâu dài, đầy khó khăn, phức tạp, nhưng chúng ta phải kiên trì, kiên quyết làm, không lúc nào nghỉ ngơi, vì đây là nhân tố quyết định bảo đảm cho sự thành công, thắng lợi của cách mạng nước ta." (theo báo Quân đội Nhân dân, ngày 30/01/2019)
Do đó, sẽ chẳng ngạc nhiên khi thấy ông tự ca thành công về kinh tế trong năm 2018 là do biết đoàn kết trong đảng, và vì giữ được: "Truyền thống trung thành vô hạn với lợi ích của dân tộc và giai cấp, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là truyền thống giữ vững độc lập, tự chủ về đường lối; nắm vững, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin..."
Nhưng cũng chính ông Trọng đã nói với tổ soạn thảo hiến pháp vào ngày 23-10-2013 rằng: "Đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ Nghĩa Xã Hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?"
Sự hoài nghi của ông Trọng đã nói lên nhiều điều, trong đó quan trọng nhất là ông cũng lơ-tơ-mơ về cái đích mà chính đảng của ông đã định mốc cho toàn dân đi theo. Chẳng hạn như đảng cứ lải nhải mãi câu kinh kệ “chủ trương nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa”, nhưng Kinh tế Cộng sản đã ngã gục trước Kinh tế Tư bản từ lâu rồi.
Vì vậy ông quên viết khi kỷ niệm 89 năm có đảng là các nước láng giềng phồn thịnh châu Á như Nam Hàn, Nhật Bản, Mã Lai Á, Tân Gia Ba, Thái Lan có cần phải theo Chủ nghĩa Cộng sản đâu mà nhân dân họ vẫn hạnh phúc và kinh tế vẫn phát triển phồn thịnh.
Bằng chứng như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tại buổi chia sẻ tầm nhìn 2019 ngày 30-01-2019 rằng: "Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, bình quân đầu người đứng 138/188 quốc gia và vùng lãnh thổ, tức chỉ ngang bằng GDP bình quân đầu người của Malaysia cách đây 20 năm, của Thái Lan cách đây 15 năm và Indonesia cách đây 10 năm."
Ông nói thêm: "Đất nước ngày càng lớn mạnh nhưng so với quốc tế chưa thấm gì. Cách đây 40 năm Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan đều như Việt Nam, nhưng đến nay họ đi nhanh hơn và phát triển như vũ bão. Ta vẫn ở mức độ thường thường bậc trung." (theo báo Tuổi Trẻ, ngày 30/01/20129)
Trong khi đó ông Trọng lại khoe chủ trương “đốt lò” đẹp tham nhũng của ông đã đạt nhiều thành công như: "Tính từ sau Đại hội XII của Đảng (tháng 1/2016) đến nay, trong vòng chưa đầy 3 năm, hơn 60 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có 5 Uỷ viên Trung ương Đảng đương nhiệm và 3 đồng chí trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương, thậm chí có 1 Uỷ viên Bộ Chính trị đã bị khai trừ ra khỏi Đảng và lĩnh án 30 năm tù; 11 đồng chí nguyên là Uỷ viên Trung ương Đảng đã nghỉ hưu cũng bị xử lý kỷ luật. Đây là bước đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy nhà nước và của toàn hệ thống chính trị, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng."
Nhưng vào ngày 29/01/2019, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International, TI) công bố: "Chỉ số cảm nhận tham nhũng (Corruption Perceptions Index – CPI) năm 2018, cho biết: "Việt Nam chỉ đạt 33/100 điểm, xếp hạng 117/180 toàn cầu.
Theo TI, các chỉ tiêu minh mục của Việt Nam năm 2018 giảm 2 điểm so với năm 2017. Điểm số CPI 2018 của Việt Nam được tính dựa trên cơ sở 8 nguồn dữ liệu là những khảo sát quốc tế độc lập, theo công bố của tổ chức Hướng tới Minh bạch (Towards Transparency-TT) cũng hôm 29/1, cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam."
Tuy về mặt thống kê, việc giảm điểm này của Việt Nam được xem là không đáng kể, nhưng, xét trên thang điểm từ 0 – 100 của CPI, trong đó 0 là rất tham nhũng và 100 là rất trong sạch, thì tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được xem là “rất nghiêm trọng.” (Theo tin VOA, ngày 01/02/2019).
Vì tin của Tổ chức Minh bạch Quốc tế không có lợi cho lời khoe của ông Trọng nên báo đài nhà nước đã bị cấm không đăng.
Như vậy thì dân tin đảng “làm láo báo cáo hay”, hay tin vào những người “nói thật mất lòng” khi câu hỏi 89 năm có Đảng được nêu lên thì mấy mươi năm nhân dân đã máu đổ thịt rơi? -/-
(02/06/019)
No comments:
Post a Comment