Sunday, March 24, 2019

CÔNG BẰNG VỚI LỊCH SỬ

51987034_2311623329081439_8368881975418683392_n
                                                             Hình FB. Luân Lê

    Chính vì vấn đề không trung thực và đối xử bình đẳng với lịch sử mới đem tới những phẫn nộ của người dân.
Một đoạn trường lịch sử đau thương và hào hùng để chiến đấu bảo vệ tổ quốc trước cuộc xâm lăng của Trung Quốc, một cuộc chiến phi nghĩa và với nhiều mục đích chính trị, kinh tế riêng của Đảng cộng sản nước này. Nhưng khoảng lịch sử này lại vắng mặt trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, gần 40 năm bị lãng quên và không hiểu lý do nào khiến những xương máu của đồng bào chết cho quê hương, đất nước phải bị đối xử như vậy?
Nhiều thế hệ đã có một khoảng trắng trong cuộn phim lịch sử. Ngay những bia tưởng niệm các liệt sỹ trong cuộc chiến vệ quốc này cũng không ghi tên kẻ bá quyền xâm lược mà ghi “trong thời kỳ biên giới”, một khái niệm vô nghĩa về mặt định danh và liên kết, vì không có thời kỳ nào là thời kỳ biên giới, mà phải là một đại từ chủ thể chứ không thể thay thế bằng một danh từ địa giới. Đây là cuộc chiến lịch sử đau thương nhưng hào hùng, nhưng không được gọi tên và không được nhắc đến như một sự cấm kỵ. Không tài liệu, chứng tích nào được công khai và cũng không một nhân vật nào viết về giai đoạn này để truyền dạy, nhắc nhở con cháu tưởng nhớ, ghi ơn và làm bài học cho mình.
Sự đối xử không công bằng không chỉ đối với giai đoạn lịch sử đó, với những hy sinh và mất mát của đồng bào, với lãnh thổ có thể bị xê dịch, lấn chiếm, mà còn là đối với những giai đoạn lịch sử khác của chính dân tộc mình.

   Đó là những dòng sử luôn được hô vang và tự hào, ngợi ca một cách không ngơi nghỉ và bằng những cặp nghịch từ đối lập với đủ các sắc thái. Vừa tụng ca chiến thắng, vừa miệt thị, xúc phạm, sỉ nhục một nửa dân tộc trong chế độ cộng hoà ở phía Nam. Vừa ăn mừng chiến thắng kỳ diệu và thần thánh của chính mình, nhưng lại hạ bệ, rủa xả, nhạo báng những người ở bên kia chiến tuyến nhưng là người trong cùng một đất nước, một dân tộc. Những ngôn từ, thơ, ca, những dòng sử dạy trong các trường học gây chia rẽ, hận thù, hiềm khích, phỉ báng...vẫn được lặp đi lặp lại quá nhiều và liên tục không ngơi nghỉ, khiến bao nhiêu năm vết thương chiến tranh trong lòng dân tộc vẫn tổn thương, rỉ máu.
Không chỉ vậy, những dòng sử sỉ nhục, miệt thị thậm tệ nhất cũng được dành cho cả quân Mỹ, người Mỹ, với những tội ác không thể nào dung thứ, không thể nào man rợ hơn được nữa. Những kẻ viết sử, dạy sử, làm thơ, viết nhạc, vẫn kết tội Mỹ bằng những ngôn từ kinh hãi và ác độc nhất, họ vẫn đối xử với chính quyền Mỹ bằng một con mắt hằn học, đầy ác cảm, phẫn nộ, ghẻ lạnh. Họ không ngại chỉ mặt đặt tên và phán xét hoặc so sánh họ với những thứ ghê gớm nhất.
Trong khi đó, 40 năm như cố lãng quên lịch sử vệ quốc của dân tộc, đến nay họ còn không dám gọi tên một chính quyền đã hung hãn xâm lăng đất nước mình mà chẳng vì một lý do gì cụ thể. Họ kêu gọi hoà hợp, hoà giải với cả những mối quan hệ quốc tế, đặt vào trong tương quan hai quốc gia láng giềng chung biên giới, nhưng họ quên đi cuộc hoà giải vĩ đại nhất, đó chính là người trong cùng một dân tộc thông qua lịch sử đã từng bị phân chia trong quá khứ và với những nền văn minh phát triển vượt bậc khác.

Thử nhìn xem, những người lính đã hy sinh, những người dân lành vô tội, cả phụ nữ, người già và trẻ em, đều bị tàn sát một cách man rợ không thương tiếc. Những cảnh giết chóc, cướp bóc, cưỡng hiếp, trên chính mảnh đất máu thịt của quê hương, sau những luỹ tre, trên những đồi trống, hầm trú, nhà tranh, bờ ruộng, nương rẫy. Ở đâu cũng vấy máu và chất chứa tội ác của chúng. Nhưng ta không dám nhắc đến tên của kẻ xâm lăng cướp đi tương lai và bình yên, cuộc sống của hàng vạn người của dân tộc và trên lãnh thổ nước mình.

Những đám người này họ sợ gì vậy?
  Họ ám ảnh và nhục hèn với quá khứ hào hùng, với sự hy sinh cao cả và thiêng liêng của những người lính anh dũng, những đồng bào bất hạnh?
   Họ cần tình hữu nghị trong hiện tại được xây dựng trên những nấm mồ tập thể và dòng sông tang thương bị lãng quên và không được nhắc tới? 
  Thậm chí họ cần phải được bàn bạc và thảo luân với kẻ đã gieo rắc chết chóc cho dân ta trước rồi mới dám viết ra? Chúng đang mặc cả với lịch sử và hy sinh của đồng bào, của dân tộc.
Tình bạn nếu có, phải được xây dựng và giao tế bằng sự công bằng với cả hai, và dựa trên sự tôn trọng dành cho nhau, trong đó có cả quá khứ như nó phải là mà nó đã từng xảy ra.
Người Mỹ và Nhật vẫn cùng nhau tưởng niệm những người đã chết trong trận chiến Trân Châu Cảng năm 1941 cũng như cuộc thế chiến thứ 2 vô nghĩa được kết thúc bằng 2 quả bom nguyên tử của Mỹ và người Nhật vẫn cúi đầu thừa nhận lỗi lầm và tội ác do mình gây ra, và do đó, họ nhận được sự tôn trọng cao nhất và thiện tâm nhất từ người Mỹ. Và vào đúng ngày diễn ra sự kiện mỗi năm, người Mỹ lại cùng người Nhật tưởng niệm lịch sử đau thương này để răn mình và làm tốt đẹp hơn mối quan hệ của hai quốc gia trong hiện tại.
Nhưng thử hỏi: Trung Quốc đã khi nào cúi đầu xin lỗi người Việt chúng ta chưa?

Luân Lê
(quyenduocbiet)

No comments:

Post a Comment