Tờ New York Times vừa đăng một bài trong mục Opinion của tác giả Nicholas Kristof nhân kỉ niệm 35 năm “Sự Kiện Thiên An Môn”. Bài viết thể hiện quan điểm của Kristof, một phóng viên nước ngoài có mặt tại hiện trường vào thời điểm đó
***
Ba mươi năm trước vào một ngày mùa xuân năm 1989, khi đất nước đông dân nhất thế giới đang chập chững tại ngưỡng cửa của tự do, tôi bỗng nhận được một cuộc gọi vào buổi đêm khi đang trong căn hộ của mình ở Bắc Kinh: Quân đội Trung Quốc đang tấn công chính thủ đô của nước này.
Ba mươi năm trước vào một ngày mùa xuân năm 1989, khi đất nước đông dân nhất thế giới đang chập chững tại ngưỡng cửa của tự do, tôi bỗng nhận được một cuộc gọi vào buổi đêm khi đang trong căn hộ của mình ở Bắc Kinh: Quân đội Trung Quốc đang tấn công chính thủ đô của nước này.
Sinh viên và công nhân đã phong tỏa các tuyến đường bằng cách dựng rào cản để ngăn chặn bước tiến của quân đội. Do đó, tôi quyết định nhảy lên xe đạp của mình và chạy thật nhanh về hướng có tiếng súng nổ. Tôi đến được Quảng Trường Thiên An Môn chỉ một chốc trước khi quân đội đến, và tôi đã thấy những người lính xả đạn súng trường trực tiếp vào đám đông có tôi đứng trong đó.
Thời điểm đó, tôi đang là trưởng chi nhánh Bắc Kinh của báo The Times. Và tôi đã chạy khắp nơi suốt đêm hôm ấy, với quyển sổ trong tay đã ướt đẫm mồ hôi vì sợ hãi. Tôi cố gắng ghi lại hết sự khủng khiếp của đêm hôm đó, thứ vẫn còn in đậm trong ký ức tôi. Bạn không thể quên được hình ảnh những thanh niên – trong đó có cả những cá nhân sáng láng và xuất sắc nhất, đầy ắp hoài bão và lý tưởng – đã đương đầu với súng máy. Và bỗng chốc, họ ngã xuống, đầy máu và nằm bất động trên mặt đất.
Cho đến tận đêm hôm đó, hàng triệu người Trung Quốc đã có thể tuần hành rất tự do trong suốt bảy tuần tại hơn hàng trăm thành phố trên khắp cả nước. Họ lên án tham nhũng, kêu gọi mở rộng dân chủ. Những nhà điêu khắc thậm chí còn dựng lên bức tượng “Nữ Thần Dân Chủ” khổng lô, một phiên bản Trung Quốc của Nữ Thần Tự Do. Hy vọng đã tràn ngập khắp muôn nơi.
Nhưng binh lính đã đến, nổ súng không chỉ vào đám đông mà còn nhắm đến cả những gia đình đang chứng kiến trong hoảng sợ từ những lan can xung quanh. Quân đội bắn vào cả xe cứu thương đang chở người bị thương. Mùa đông bỗng bao phủ Trung Quốc, và nói như một thuật ngữ chính trị thì mùa đông không bao giờ kết thúc từ dạo đó.
Sự thật không thể chối cãi rằng Trung Quốc đã nhảy vọt thần kỳ về kinh tế, và những nhà bình luận như tôi cần phải cảm thấy khiêm nhường khi chứng kiến tuổi thọ của người Bắc Kinh ngày nay (82 tuổi) còn cao hơn cả cư dân ở Washington DC (77 tuổi). Những học sinh 15 tuổi trong nhóm 10% yếu thế nhất Thượng Hải còn đạt điểm toán cao hơn những bạn đồng trang lứa trong nhóm 10% có đặc quyền nhất toàn nước Mỹ.
Trung Quốc không phải là Liên Bang Soviet già cỗi, chế độ đã đàn áp và làm nghèo túng cả dân tộc. Trái lại, Trung Quốc đã cứu mạng rất nhiều người, xây thêm trường đại học với tốc độ mỗi tuần một trường, và đã giúp cho nhiều người thoát khỏi đói nghèo hơn bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử loại người. Nhưng như một người biểu tình đã nói vào năm 1989, mưu cầu đâu chỉ cơm ăn mà còn cả quyền của mình là một việc rất con người (“it is deeply human… to seek not just rice but also rights”)
Ký ức của tôi về cuộc thảm sát tại Bắc Kinh không chỉ xoay quanh sự tàn bạo của chính quyền, mà còn nằm ở lòng can đảm vô song đến từ những công dân khiêm nhường nhất. Tôi sẽ không bao giờ quên những người lái xe kéo, khi bất kỳ khi nào tiếng súng ngừng vang, là họ lại đạp chiếc xe đạp ba bánh có thùng của mình về hướng binh lính để cáng những người bị thương nhanh chóng đến bệnh viện gần nhất.
Tôi đặc biệt nhớ đến một tài xế xe kéo to lớn. Lúc đó anh đang đạp hộc tốc chở hai người đang chảy máu trên chiếc xe kéo của mình, với đôi chân như căng ra. Anh thấy tôi và đánh lái về hướng tôi như thể để tôi chứng kiến được sự tàn bạo của nhà cầm quyền. Khi đang đi lướt ngang qua tôi, anh lên tiếng thỉnh cầu: Hãy báo với thế giới!
Và nước mắt tuôn rơi trên mặt anh.
Có lẽ anh ta chỉ là một nông dân ít học bình thường tại vùng quê nào đó, và có thể anh còn chẳng định nghĩa nổi thế nào là dân chủ – nhưng anh ta đang liều lĩnh mạng sống của mình cho chính dân chủ.
Cũng trong cái đêm hôm đó, ở phía đông thành phố, một tài xế xe bus trung niên đã dùng chiếc xe bus của mình để chặn đường không cho đoàn xe tải chở quân vào tấn công các sinh viên đang biểu tình. Viên sĩ quan quân đội liền rút súng ra và chĩa vào đầu người tài xế và ra lệnh: Dời xe bus mau!
Người tài xế với tay lấy chìa khóa và vứt thật xa vào những bụi cây bên đường.
Ba mươi năm đã trôi qua kể từ cái đêm đẫm máu đó. Bắc Kinh đã trám hết các lỗ đạn dọc Đại Lộ Trường An (1) và sửa chữa lại những hư hỏng do xe tank gây ra tại Quảng Trường Thiên An Môn. Hệ thống tuyên truyền Trung Quốc đã hoàn toàn xóa sạch phong trào dân chủ và vụ thảm sát ra khỏi lịch sử, để cho thế hệ trẻ Trung Quốc không còn biết rằng Đảng Cộng Sản đã từng tàn sát nhân dân.
Chủ tịch Tập Cận Bình có lẽ đang cảm thấy yên lòng. Chủ nghĩa toàn trị đang nở rộ khắp thế giới. Tổng thống Hoa Kỳ thì bào chữa cho lãnh tụ độc tài Nga, tay Hoàng Thân Điên Rồ của Saudi, tên cai trị ở Philippines và cuộc chiến bẩn thỉu của hắn, kẻ toàn quyền ở Hungary và nhiều nhân vật khác nữa.
Nhưng những người đã chứng kiến Mùa Xuân Bắc Kinh như chúng tôi thì lại tin tưởng rằng cuối cùng, bằng một cách không ngờ, làn sóng tự do sẽ lại trỗi dậy. Trớ trêu đó là khi chính Đảng Cộng Sản hiện đang ươm những mầm mống cho sự thoái vị của mình bằng việc nuôi dưỡng sự lớn mạnh của một tầng lớp trung lưu có học thức, khó bị lừa phỉnh, bắt nạt, mua chuộc, quy phục.
Họ Tập có thể nghĩ rằng hắn đã thành công bằng cách chôn vùi lịch sử, bịt miệng Hong Kong, đàn áp tôn giáo, bóp chết internet, bắt bớ luật sư và nhà báo, và xóa sạch sự thật mà tôi đã chứng kiến ba thập niên trước. Nhưng các học giả Trung Quốc thường hay dẫn lại lời của Lỗ Tấn về một cuộc thảm sát khác trước đây (2): “Lời nói dối ghi bằng mực há bao giờ lu mờ sự thật viết bằng máu” (Lies written in ink can never disguise facts written in blood)
Tôi tin rồi sẽ có một ngày, ta sẽ được chứng kiến tự do đến với đất nước đông dân nhất thế giới này. Trong trí tưởng tượng của mình, tôi hình dung một đài tưởng niệm được dựng lên ngay tại Quảng Trường Thiên An Môn để nhớ về những người anh hùng của năm 1989. Có thể, đài tưởng niệm sẽ mang hình ảnh của một anh tài xế xe kéo đang khóc và một sinh viên đang bị thương.
Lê Nguyễn Duy Hậu ( Biên dịch )
(1) Đại Lộ Trường An có nghĩa là đại lộ của sự bình an bất tận
(2) Ý nói cuộc thảm sát 18 tháng 3 năm 1926 khi chính quyền quân phiệt Bắc Kinh bắn vào sinh viên biểu tình.
(2) Ý nói cuộc thảm sát 18 tháng 3 năm 1926 khi chính quyền quân phiệt Bắc Kinh bắn vào sinh viên biểu tình.
No comments:
Post a Comment