Mạng xã hội tuần qua chia sẻ mạnh hình ảnh của 11 con bò tót lai bị bỏ đói, gầy trơ xương ở Ninh Thuận khiến nhiều người xót xa cho những con bò và cả cho tiền thuế của nhân dân vì đã chi ra 5 tỷ đồng cho dự án này.
Tính ra mỗi con bò được đầu tư khoảng 500 triệu đồng trong một dự án Đề tài cấp nhà nước với tên gọi “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận – Lâm Đồng – Khánh Hòa” với kinh phí gần 5 tỷ đồng được triển khai.
Tuy nhiên đến tháng 6/2019 thì kết thúc đề tài. Kể từ đó đến nay những con bò tót lai bị bỏ rơi, thiếu thức ăn nên cơ thể suy kiệt, gầy trơ xương.
Đó chỉ là chuyện mở đầu cho hàng loạt khoản mục chi tiêu tiền ngân sách vô tội vạ đến mức cười ra nước mắt, chủ yếu là từ các cơ quan đầu não Đảng Cộng sản ở các địa phương để phục vụ cho các đại hội Đảng bộ.
Vừa qua trên báo chí, mạng xã hội, đã có nhiều thông tin về việc tại Đại hội Đảng bộ của tỉnh này, tỉnh kia còn có việc mua sắm gây bức xúc dư luận như mua cặp da, máy tính bảng… Có nơi thì lên cả gói thầu để mua cả quần áo vest, đèn bàn… cho đại biểu.
Trong khi nhân dân nhiều vùng thiếu thốn, trẻ em đói ăn thiếu mặc thì thông tin chi tiền ngân sách mua tặng mỗi đại biểu một chiếc áo vest vải và phụ kiện đều nhập khẩu đắt giá lên đến 6 triệu đồng một chiếc, khiến dư luận đang bàn tán xôn xao.
Tỉnh uỷ Quảng Ninh cũng mới mời thầu trang bị “350 máy tính bảng Samsung Galaxy Tab S6 Lite” với tổng dự toán hơn 3,2 tỉ đồng để tặng các đại biểu dự Đại hội đảng bộ tỉnh Quảng Ninh vừa diễn ra. Tính ra mỗi máy tính bảng giá hơn 9 triệu đồng, trong khi đó giá máy công khai có nơi chỉ 7,5 triệu.
Tỉnh ủy Quảng Trị cũng mới chào thầu gói thầu mua “Bình hút tài lộc cao cấp“, là các bình gốm sứ (trị giá khoảng 500-600 ngàn đồng/chiếc) để tặng đại biểu dự Đại hội Đảng bộ của tỉnh này.
Truyền thông trong nước cho biết, văn phòng Tỉnh ủy Tuyên Quang đang mời thầu trong nước 2 gói thầu, gồm: “May trang phục đại biểu các huyện dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, Nhiệm kỳ 2020 – 2025” (gói số 1) và “May trang phục đại biểu thành phố và các Đảng ủy Trực thuộc Tỉnh ủy dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, Nhiệm kỳ 2020 – 2025” (gói số 2).
Theo đó, gói thầu số 1 sẽ may 203 bộ trang phục với dự toán là 1,218 tỷ đồng. Gói thầu số 2 sẽ may 225 bộ trang phục với dự toán 1,350 tỷ đồng. Tức mỗi bộ giá 6 triệu đồng.
Tất cả 428 bộ trang phục này đều yêu cầu có chất liệu CASHMERE (Italy), nguyên phụ liệu: Cúc áo, khóa quần, chỉ may nhập của Đức; chất liệu vải lót trong của Nhật.
Mỗi bộ sẽ được may theo số đo cụ thể của từng đại biểu. Nhà thầu sẽ phải cung cấp sản phẩm tới tận nhà của từng đại biểu.
Theo báo Dân Tộc hôm 30 Tháng Chín, tỉnh Tuyên Quang có 61 xã và 699 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Tờ báo cho biết thêm, tỉ lệ hộ nghèo ở tỉnh này giảm từ 27.81% vào đầu năm 2016 xuống còn 11.8% vào cuối năm 2019. Giới chức tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu hết năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10%.
Một số tỉnh nghèo như Cao Bằng được ghi nhận mời thầu mua 400 cặp da tặng đại biểu dự đại hội đảng bộ tỉnh với kinh phí 1 tỷ đồng. Tỉnh Ủy Đắk Lắk thì chi hơn 1.4 tỷ đồng mua cặp da, đồng hồ, bút bi, bình gốm tặng cho đại biểu…
Từ các con số nêu trên, mạng xã hội dấy lên ý kiến rằng nếu kiểm toán đụng đến kinh phí mua sắm liên quan việc tổ chức đại hội của đảng bộ cả 63 tỉnh thành và sáu đảng bộ trực thuộc trung ương, bảo đảm “phần chìm của tảng băng” sẽ còn ghê gớm hơn vụ mua complet của tỉnh Tuyên Quang.
Mới đây, tỉnh nghèo Quảng Bình cũng dự chi 2,2 tỷ đồng để mua cặp đựng tài liệu cho khách mời và đại biểu, tính ra mỗi chiếc cặp có giá 3.7 triệu đồng, trong khi đó giá bán online mỗi chiếc cặp chỉ khoảng 300 ngàn đồng.
Hà Tĩnh cũng chi hơn 2 tỉ đồng mua cặp da phục vụ tổ chức đại hội.
Để phục vụ công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã chi hơn 2 tỉ đồng mua 700 chiếc cặp da đựng tài liệu, giá mỗi chiếc cặp gần 3 triệu đồng.
Một thông tin khó tin là có thật vì quá sức khôi hài, đó là UBND Quận Ba đình nơi trung tâm đầu não lại quyết định chi 3 tỷ đồng cho cán bộ HĐND đi Buôn Ma thuột và Đà lạt để học tập kinh nghiệm. Thật không hiểu nổi từ nơi văn minh như Hà nội lại phải đi Tây nguyên học kinh nghiệm và ngân sách phải chi ra 3 tỷ đồng. Đó là quyết định số 275/QĐ-VP của UBND quận Ba đình ký ngày 05-10-2020 phê duyệt nội dung mời thầu cho cán bộ đi học tập kinh nghiệm ở Tây nguyên. Nội dung văn bản này được nhà báo Trương Châu Hữu Danh đưa lên Facebook cá nhân hôm 5-10-2020.
Mạng xã hội xuất hiện nhiều lời bình luận vừa mỉa mai vừa xót xa cho những đồng tiền xương máu nhân dân bị vung vãi vô tội vạ.
Trên Facebook cá nhân có trên 200 ngàn người theo dõi, nhà báo Bạch Hoàn viết:
“428 đại biểu tham dự đại hội đảng bộ tỉnh và thành phố Tuyên Quang, mỗi người được may một bộ trang phục dự đại hội, dâng tặng tận nhà.
Tất cả quần áo may cho đại biểu đều dùng vải của Ý. Cúc áo, khoá quần và chỉ may là hàng nhập từ Đức. Thậm chí, vải lót phải của Nhật.
Thế cho nên, mỗi bộ trang phục có giá 6 triệu đồng.
Vậy là, để may quần áo đắp lên người 428 đại biểu đã tốn 2,568 tỉ đồng và nó được nhét vào hạng mục “chi thường xuyên”.
Một tỉnh có đến gần 30% hộ dân đang thuộc diện nghèo; một tỉnh năm nào cũng phải ngửa tay xin tiền trung ương vài ngàn tỉ đồng, như năm 2020 dự kiến khoảng 7.300 tỉ đồng, mà lãnh đạo tỉnh lại sính ngoại, đắp lên người cán bộ quần là áo lượt, mỗi bộ tới 6 triệu đồng.
Đây là một sự thử thách giới hạn chịu đựng của người dân ở cái đất nước khốn khổ này.
Mỗi bộ quần áo cán bộ Tuyên Quang mặc dự đại hội như một cái tát vào mặt nhân dân, một lời thách thức.
Hà Tĩnh mình thương quyết chi hẳn 2,2 tỉ đồng mua 700 chiếc cặp da Trung Quốc tặng đại biểu dự đại hội đảng bộ tỉnh.
Mỗi chiếc cặp trị giá gần 3 triệu đồng, bằng nửa tấm áo quan Tuyên Quang, tức giá trị tương đương 39kg lợn hơi.
Để dễ hình dung, có thể quy đổi mỗi đại biểu đi đại hội khi về có nửa con lợn, 700 đại biểu đi đại hội khi về có thêm 350 con lợn.” Nhà báo Bạch Hoàn nêu nhận định.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Chu đưa ra chủ đề “CHỐNG LÃNG PHÍ PHẢI BẮT ĐẦU TỪ ĐẠI HỘI ĐẢNG” với bài bình luận như sau:
Để chuẩn bị cho Đại hội đảng toàn quốc, thì phải bắt đầu từ cấp xã, huyện, tỉnh. Quá trình này kéo dài cả năm. Không tính cấp chi bộ, chỉ tính cấp xã trở lên, cả nước có tất cả bao nhiêu Đại hội đảng?
Hiện cả nước có 10 614 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm: 8 295 xã, 1 714 phường và 605 thị trấn.
Cả nước hiện nay có 713 đơn vị hành chính cấp huyện. Trong đó bao gồm: 69 thành phố trực thuộc tỉnh, 50 thị xã, 49 quận và 545 huyện.
Cả nước hiện có 63 đơn vị hành chính cấp, bao gồm: 58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc trung ương.
MẤT BAO NHIÊU TIỀN CHI PHÍ CHO ĐẠI HỘI ĐẢNG?
Mất bao nhiêu tiền chi phí cho việc tổ chức các Đại hội đảng trên toàn quốc?
Số liệu này chắc Bộ Tài chính có. Nhưng có thể ước lượng thô như dưới đây.
– Chi phí liên quan đến Đại hội cấp xã khá khác biệt nhau. Ở các xã nghèo chỉ ở mức trong khoảng 50 – 100 triệu đồng.
Nhưng cấp phường ở các thành phố lớn trực thuộc trung ương thì có thể chi phí đến cả tỷ bạc.
Lấy mức ước lượng thấp bình quân là 100 triệu đồng , thì trên toàn quốc chi phí cho Đại hội cấp xã tốn đến 1.061 tỷ đồng.
– Chi phí liên quan đến Đại hội cấp quận – huyện cũng khác nhau, nhưng đều tính bằng tỷ đồng. Các quận ở các thành phố lớn có thể chi phí gấp năm bảy lần các huyện nghèo. Lấy trung bình mức thấp cho chi phí cấp huyện là 2 tỷ đồng, thì tổng chi phí trên toàn quốc cho Đại hội cấp huyện là 1 426 tỷ đồng.
– Chi phí liên quan đến Đại hội cấp tỉnh – thành rất lớn.
Một tỉnh nghèo như Tuyên Quang mà đã dùng 2,5 tỷ đồng để sắm quần áo cho đại biểu thì tổng chi phí của Đại hội đảng của tỉnh Tuyên Quang phải không dưới 10 tỷ đồng.
Các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thì chi phí liên quan đến Đại hội sẽ rất lớn. Tính bình quân chi phí phục vụ cho Đại hội cấp tỉnh – thành là 15 tỷ đồng, thì tổng chi phí trên toàn quốc cho cấp tỉnh sẽ là 945 tỷ đồng.
– Chi phí liên quan đến Đại hội đảng toàn quốc là rất lớn. Nếu kể cả các Hội nghị Trung ương phục vụ cho mục đích Đại hội, những chuyến đi công tác của các Bộ ở trong nước và nước ngoài phục vụ cho Đại hội đảng toàn quốc, và cả bộ máy chuẩn vị văn kiện cho Đại hội đảng toàn quốc…thì con số sẽ lớn vô kể – không dưới vài ngàn tỷ đồng. Hãy chỉ tính một ngàn tỷ đồng.
Với mức tính khiêm tốn nêu trên, thì tổng chi phí liên quan đến Đại hội đảng các cấp trên toàn quốc lên đến 4.432 tỷ đồng.
Thực ra con số này còn thấp hơn con số thực chi khi tính đúng tính đủ. Nhưng 4.432 tỷ đồng mua được 886.400 tấn thóc (không dưới 531 840 tấn gạo), nuôi được 3.409.230 cán bộ suốt 1 năm với tiêu chuẩn 13kg/người /tháng ở những năm thập niên 60-80 thế kỷ trước.
Trong trường hợp thật khiêm tốn nữa, lấy cận dưới của ước lượng ở mức 50% chi phí nêu trên thì con số cũng đạt đến 2.216 tỷ đồng- là một tài sản rất lớn.
Số liệu ước lượng thô ở trên đã không đưa vào một mảng rất lớn Đại hội đảng ở các bộ ban ngành trung ương, các quân khu, các tổng công ty, cấp sở phòng, các trường đại học, và hàng chục vạn chi bộ cấp cơ sở. Mà nếu tính đúng tính đủ cũng lên đến cả ngàn tỷ đồng.
Sẽ có người viện dẫn nguồn kinh phí từ Đảng phí để tổ chức Đại hội. Có chăng chỉ một bộ phận ở cấp chị bộ cơ sở – mà đã không đưa vào con số ở trên. Nhưng điều quan trọng nhất là chống lãng phí. Nguồn tiền nào cũng không được lãng phí.
CÒN BAO NHIÊU CHI PHÍ NGẦM?
Có một dòng chi phí ngầm cho Đại hội nhiều lần lớn hơn các chi phí nhìn thấy. Đó là dòng tài chính chi cho các ghế chức vụ – là dòng tài chính chạy chức chạy quyền. Chống chạy chức chạy quyền là một trong những mục tiêu quan trọng nhất mà lãnh đạo Đảng và nhà nước đã nhiều lần kêu gọi phải thực thi bằng được.
Có người nói Đại hội này là Đại hội không chạy chức chạy quyền? Có đúng như vậy không?
Giống như tham nhũng, không ở đâu thấy tham nhũng, mà tham nhũng xẩy ra khắp mọi nơi. Giống như xin việc, không nơi nào thấy mất tiền, mà mất tiền khắp mọi nơi. Mỗi ghế chức vụ ở phường – xã, quận – huyện, tỉnh – thành và ở trung ương đều có giá. Giá rất cao. Giá được nhiều người biết.
Những người sành về giá có thể nêu ra con số cụ thể cho mỗi vị trí. Rồi tổng hợp cho cả nước. Đó là một con số kinh hoàng làm “vỡ mật” cả những người dũng cảm nhất.
Đã 75 năm kể từ ngày dành được độc lập, nhưng vẫn còn nhiều đồng bào ‘không có cơm ăn áo mặc’. Không thể tự cho vì dân khi đang hoang phí mồ hôi nước mắt của dân. Chống lãng phí phải bắt đầu từ Đại hội đảng.
Ai là người có lỗi lớn nhất khi đã để xẩy những lãng phí to lớn này?” TS Nguyễn Ngọc Chu kết luận với một câu hỏi lớn.
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
No comments:
Post a Comment