“…Chẳng có thiên tai nào đáng để chê trách, nhưng nhân tai, thứ nhân tai thông báo xả lũ chỉ ba tiếng đồng hồ trước khi nhấn nút, mặc cho hàng chục con người chết trôi cùng với trâu bò heo gà chó mèo, thì xin bạn đọc cho phép tôi dùng hai chữ: Khốn Nạn...”
Khoảng một tháng trước khi bão Matthew có nguy cơ đổ vào bờ Đông lãnh thổ Mỹ, tức bão còn chưa đến, tôi đang sống giữa núi rừng San Bernandio, thuộc bờ Tây.
Trên tất cả các phương tiện truyền thông từ radio, đến truyền hình, từ các kênh YouTube, đến mạng xã hội nơi tôi ở, cách vùng bão gần năm ngàn cây số, tưởng như chẳng liên can gì, vậy mà vẫn ra rả phát thông điệp của chính phủ cập nhật tình hình bão, và thông báo người dân vùng chịu ảnh hưởng lên kế hoạch di tản.
Khoảng 2 tuần trước khi bão đến, chính phủ cho người đến từng nhà gõ cửa yêu cầu những hộ dân chưa chịu di tản phải ngay lập tức rời đi . Đồng thời chính quyền tiểu bang gởi một danh sách dài lên liên bang xin hỗ trợ khẩn cấp, từ trực thăng, xuồng cứu hộ, đến áo phao, đèn pin, máy bơm nước, và các thiết bị y tế. Chính quyền liên bang thông qua việc chuẩn thuận bằng thủ tục bỏ phiếu nhanh và kết quả có gần như trong ngày, dù nước Mỹ nổi tiếng là nhiêu khê đường giấy tờ, bầu bán.
Cá nhân tôi từng đọc những mẩu tin trên trang mạng rao vặt Craiglist “Chúng tôi có một xe bán tải, tôi và con trai rảnh cuối tuần này, nếu ai cần giúp di tản xin liên lạc với chúng tôi ở số điện thoại xxx.xxx.xxxx”
Khoảng một tuần trước bão đổ, chính quyền địa phương đến từng hộ gia đình còn cương quyết không chịu di tản, một lần nữa thông báo cho họ nơi tạm lánh, số điện thoại khẩn cấp, và yêu cầu cung cấp thông tin thân nhân cư ngụ ngoài vùng bão để có thể liên lạc ... giao xác trong trường hợp xấu nhất. Hầu như cho họ hiểu ở lại nghĩa là thiệt mạng. Đồng thời phát lời kêu gọi khẩn cấp trên toàn quốc, xin trợ giúp của các tổ chức thiện nguyện có kinh nghiệm liên quan đến bão lũ, và cá nhân có khả năng giúp đỡ đến để dọn dẹp lại bãi hoang tàn sau khi cơn bão đi qua.
Trong một diễn biến không mấy liên quan, người đàn ông trong hình đưa vợ mang thai đến bệnh viện sinh con trên một chiếc ghe chòng chành, cả mẹ và con đã bị lũ cuốn trôi. Bão sẽ tan, nhưng còn mất mát? Còn đớn đau?
Qua mỗi cơn bão, chính quyền liên bang, tiểu bang, các tổ chức, cá nhân thiện nguyện lũ lượt kéo về, cùng nhau dọn dẹp đống hoang tàn sau cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên, xây dựng lại những gì đã mất.
Sẽ có người bảo đừng so VN với Mỹ, rất chi là khập khiễng, một bên giàu có còn một bên nghèo khó. Tôi thấy đúng, chúng ta không nên so sánh, vô cùng kệch cỡm, Mỹ nghèo khó không có tiền đổ nhiều trăm tỉ đồng vào cái thứ festival Huế mỗi năm một lần mà thành phẩm năm nào cũng vừa loè loẹt, vừa nhạt nhẽo như năm nào.
VN giàu có nên sinh mạng con người ta méo mó bi thương nhường vậy. Tôi gọi đó là thứ giàu có ... rách rưới.
Trong khôn cùng nước mắt trộn vào nước lũ, có người trách con nước bạc, con nước vô tình, ừ, con nước triệu năm rồi vẫn rứa, còn con người, con người thế nào?
Chẳng có thiên tai nào đáng để chê trách, nhưng nhân tai, thứ nhân tai thông báo xả lũ chỉ ba tiếng đồng hồ trước khi nhấn nút, mặc cho hàng chục con người chết trôi cùng với trâu bò heo gà chó mèo, thì xin bạn đọc cho phép tôi dùng hai chữ: Khốn Nạn.
Đau đớn thay, ở xã hội ấy, cái khốn nạn này vẫn chưa phải là tận cùng.
Nancy Nguyễn Vy Hạnh
Nguồn: facebook.com/banh.ngot.319
No comments:
Post a Comment