Thursday, November 26, 2020

Chứng chỉ, văn bằng để nuôi tham nhũng

Trường Đại Học Đông Đô bị phát hiện đã cấp nhiều văn bằng giả, tháng 11/2020. Ảnh: Cafef

Thủ tục giấy tờ rườm rà của các cơ quan nhà nước cộng sản trong một thời gian dài đã đè nặng lên đời sống dân chúng mỗi khi họ có việc đến cửa quan. Ngoài mục đích hành dân để kiếm chác, chuyện thủ tục văn bằng, chứng chỉ cũng đang làm điêu đứng nhiều người trong bộ máy hành chánh công quyền.

Tại những quốc gia tự do dân chủ và phát triển, giáo dục và đào tạo là hai lãnh vực được đưa lên hàng quốc sách, vì nó có tầm ảnh hưởng đến việc phát triển đất nước bền vững mọi mặt. Vì thế sự nghiệp giáo dục ở những quốc gia này rất được coi trọng, được tổ chức nghiêm minh, thực hiện công khai theo đúng quy định của luật pháp và có kiểm soát.

Hệ thống bằng cấp hay chứng chỉ ở những xứ sở này được coi như một nấc thang cần thiết, quy định khả năng đóng góp thực sự của con người khi tham gia vào bất cứ ngành nghề nào trong xã hội. Tuy nhiên ngay trong những quốc gia này, dù bằng cấp được tôn trọng nhưng người ta cũng không quá khắt khe với bằng cấp hay chứng chỉ, miễn là những người thực hiện chứng tỏ được năng lực bằng những thành tựu trong công việc được giao phó.

Ở Việt Nam thì lại khác. Với hệ thống giáo dục, đào tạo được tổ chức rất quan liêu và lỏng lẻo, người ta đào tạo ra những người có bằng cấp theo mô hình lãnh đạo độc tôn của đảng. Đó là giáo dục xã hội chủ nghĩa mà căn bản là nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lê xa rời thực tiễn đời sống đang cần sự tiến bộ đi lên.

Trong những hoạt động xã hội có liên quan đến chính quyền cộng sản, mọi thứ phải tuân theo hình thức xin-cho như một sự cưỡng bách đối với người bị trị. Chính quyền đặt ra quá nhiều những thủ tục giấy tờ nhưng chỉ có hình thức hào nhoáng bên ngoài, còn bên trong thì rỗng tuếch.

Có như thế Việt Nam mới nảy sinh ra tình trạng hàng trăm ngàn cử nhân tốt nghiệp lại ghi danh xin đi lao động chân tay ở nước ngoài, dưới mỹ từ “thực tập sinh.” Điều này cho thấy rõ ràng hơn một nền giáo dục chạy theo chỉ tiêu, cấp phát văn bằng cho đủ số, bất chấp khả năng sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm thích hợp. Trong khi nhân lực  là nguồn động lực phát triển quốc gia đem vung vãi ở nước ngoài thì lãnh đạo trong nước chỉ mơ lót ổ đón đại bàng.

Hầu hết những người muốn được nhận vào làm việc trong bộ máy hành chánh như một công chức bình thường, hoặc để được thăng quan tiến chức, người ta phải thỏa mãn những quy định được vẽ vời rất tỉ mỉ bởi các quan lại hành chánh ở các bộ. Nào là phải có bằng cấp này, chứng chỉ kia theo đúng ban bệ nơi mà người ấy đảm trách. Ngay cả một người gác kho cũng đòi hỏi phải có chứng chỉ kinh nghiệm gác kho.

Một bà đang làm kế toán nhiều năm trong một bệnh viện lớn, nay lên chức kế toán trưởng, quy định mới đòi hỏi phải có chứng chỉ ngoại ngữ cấp 4 và chứng chỉ tin học. Thế là phải cắp sách đến trường đi học để lấy bằng. Nhưng bận rộn công việc và học sao vô ở lứa tuổi quá cao. Thôi thì “noi gương” mọi người đi trước, bỏ tiền ra mua bằng cho tiện việc, lại theo đúng kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa.

Lại thêm một giáo sư đại học đã bao năm giảng dạy, nay được cất nhắc lên hàng “giảng viên cao cấp” liền bị đòi hỏi phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, dù trước đó đã có chứng chỉ giảng dạy đại học. Thế là vị giáo sư phải cắp sách đi học thêm cái chứng chỉ sư phạm để có thể tiếp tục hành nghề. Ông này chỉ biết than thở trên Facebook: “Sao nỡ lòng nào bắt giáo sư đi thi lấy chứng chỉ sư phạm nữa!”

Rốt cuộc, miệng thì nói chống tham nhũng, đơn giản hóa thủ tục hành chánh để phục vụ người dân nhưng đồng thời nhà nước cộng sản lại chế ra những quy chế, quy định văn bằng, chứng chỉ này nọ đến mức khó hiểu. 

 Phải chăng chỉ vì một lý do đơn giản, tạo ra những thứ này thì các quan chức cộng sản mới có ăn trong lúc đồng lương quá rẻ mạt. Ngày 23 tháng Mười Một vừa qua, Bộ Công An CSVN đã phát hiện trường Đại Học Đông Đô đã cấp 193 văn bằng giả tiếng Anh 2 với số tiền thu được là 18 tỷ đồng. 

 Trong số này người ta phát hiện có 55 người đã dùng bằng giả để lên chức, để lấy bằng tiến sĩ… Hết thuốc chữa!

Có thể kết luận, chứng chỉ hay văn bằng đặt ra không vì sự cải cách hành chánh hay gia tăng khả năng phục vụ của con người tốt hơn mà chỉ để nuôi sống cho bọn tham nhũng. Đó là hệ quả của một bộ máy công quyền dựa trên quy luật XIN – CHO còn ngang nhiên tồn tại đến ngày nay nhờ vào sự toàn trị của đảng độc tài.

Phạm Nhật Bình – Việt Tân

(chantroimoimedia)

No comments:

Post a Comment