Tuesday, November 3, 2020

Qua cơn hoạn nạn, mới hiểu tận lòng nhau

 

Trận lũ lịch sử và tình người trong hoạn nạn

Một trận lũ được gọi là lịch sử, nhấn chìm mọi làng mạc, mọi thứ có thể ở hạ lưu các con sông. Đời sống người dân vô cùng gian nan và khổ sở, tính mạng bị đe dọa từng ngày, từng giờ. Công lao xây đắp, vun vén của hàng vạn gia đình ở Miền Trung đã phút chốc trôi theo dòng nước, trâu bò lợn gà chết, hoa màu, cây cối bị hư hỏng, nhà cửa, tài sản bị ngâm trong dòng nước lũ đục ngầu.

Tất cả đã xảy ra trong vòng hai tuần từ đầu tháng 10 năm 2020.

Những tiếng kêu ai oán đã vang khắp miền trung với hàng trăm người chết và mất tích, hàng vạn ngôi nhà chìm trong lũ lụt, người dân sống cheo leo trên các mái nhà, các gác xép và nước dâng lên từng giờ. Những tiếng kêu cứu thất thanh trong đêm đã vẽ nên nỗi kinh hoàng của trận lụt lịch sử tại đây.

Những thông tin về thời tiết bất lợi, bão gió chồng bão gió, lũ chồng lũ liên tục đổ về Miền Trung làm cho những người ít quan tâm nhất cũng không thể vô cảm với những gì đã xảy ra ở Miền Trung những ngày qua.

Và một chiến dịch cứu trợ khẩn cấp cho người dân Miền Trung đã tự phát được hình thành và lan rộng khắp đất nước. Chính lúc này, tình yêu thương đồng bào, đồng loại của người dân Việt Nam được phát huy đến mức tối đa.

Những giáo xứ, giáo họ thuộc giáo hội Công giáo Việt Nam đã hầu như lập tức tổ chức các đợt cứu trợ, quyên góp cho đồng bào miên Trung đang ngày đêm dầm mưa và ngập lụt. Hội đồng Giám mục Việt Nam ngay từ rất sớm đã ra lời kêu gọi cùng chung tay giúp đồng bào Miền Trung qua cơn hoạn nạn. Giáo phận Hà Tĩnh đã phát đi văn bản kêu gọi hỗ trợ giúp đồng bào bị nạn.

Văn bản ghi rõ: “Thiên tai, bão lũ dường như đã thành thông lệ đau buồn thường niên đối với người dân Miền Trung. Những năm gần đây, ngoài thiên tai, còn có “nhân tai” là hậu quả của việc tàn phá thiên nhiên, chặt phá rừng, xây dựng những đập thủy điện, hồ chứa nước đầu nguồn và xả lũ một cách vô trách nhiệm… đã chất thêm sự khốn khổ lên dân nghèo nơi đây. Trong những ngày này, chúng ta lại một lần nữa xót xa nhìn cảnh Miền Trung tan tác, ai oán vì mưa lũ.

Cho dù vì nguyên nhân nào đi nữa, những người dân nghèo của Miền Trung giờ này cũng đang chờ đợi những tấm lòng hướng về họ, những bàn tay nhân ái chìa ra giúp họ trong cơn khốn quẫn này. Chúng tôi xin được làm cánh tay nối dài của Quý vị để chuyển sự trợ giúp đến những người dân nghèo khổ Miền Trung, không phân biệt địa giới hay tôn giáo”.

Và khắp nơi, các giáo xứ, giáo họ đã hưởng ứng lời kêu gọi này của chủ chăn Giáo phận và Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Hình ảnh những Đức Giám mục của Hội đồng Giám mục Việt Nam dù tuổi đã cao vẫn xông vào nơi lũ lụt đi cứu trợ giữa miền sông nước mênh mông, như một tấm gương yêu thương, bác ái cho các tín hữu noi theo cách sống theo Đức Kito với những anh em của mình.


Hình ảnh những hoàn cảnh neo đơn được đến cứu trợ và giúp đỡ đã gây xúc động mạnh từ chuyến cứu trợ của Giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp đã là nguồn động lực và cảm hứng cho nhiều giáo dân, giáo xứ tiếp sức đồng bào vùng lũ.

Những chuyến hàng cứu trợ đổ về Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đã liên tục lên đường, bất chấp nguy hiểm, chẳng ngại gian lao… miền là họ hành động để người dân Miền Trung sớm thoát được cơn nguy hiểm và đói khổ.

 Các linh mục khu vực bị lũ lụt, đã phát huy hết mọi khả năng của mình, để cứu giúp không chỉ giáo dân mình, mà còn tổ chức hướng dẫn, tiếp nhận và phân phối các hàng cứu trợ đi những nơi cần thiết nhất theo nhu cầu, hoàn cảnh của từng nơi mà qua hệ thống Ban Hành giáo, qua các giáo dân họ đã nắm được.

Những chuyến hàng cứu trợ với nước ngọt, với lương khô, với những nhu yếu phẩm cần thiết nhất của các Linh mục quản xứ Tam Tòa, Diên Trường, Hướng Phương… đến những nơi bất kể người công giáo hay ngoài công giáo đã là hình ảnh đẹp đẽ về tình yêu thương và sự đoàn kết của người dân không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng ngay trong hoạn nạn.

Không chỉ việc cứu trợ được phát động trong Giáo hội Công giáo, cả xã hội đã bước vào cuộc chạy đua với lũ lụt bằng những biện pháp có thể và cần thiết không phân biệt công việc, nghề nghiệp, hoàn cảnh hoặc bất cứ điều gì ngăn cản.

Những cô ca sĩ, người mẫu, MC, những văn nghệ sĩ, các nhà sư, những người buôn bán lớn nhỏ, những người nội trợ… hầu hết mọi thành phần xã hội đã cùng đau nỗi đau của người dân Miền Trung trong lũ lụt, lo nỗi lo cho tính mạng và tài sản của họ.

Cô ca sĩ Thủy Tiên, một cô ca sĩ với thân hình bé nhỏ, những ngay lập tức đã kêu gọi và kết quả thật không ngờ. Chỉ mấy ngày bão lụt cô đã huy động được 150 tỷ đồng, tương đương hơn 6 triệu đola Mỹ. Một con số không thể nghĩ đến với một cá nhân đi kêu gọi quyên góp, hỗ trợ.

Cuộc cứu trợ được phát động không chỉ ở các thành phố, mà từ miền núi đến thôn quê, từ vùng không bị lũ lụt tới những vùng lũ lụt ít hơn.

Và những chuyến cứu trợ, viếng thăm đã thật sự động viên, giúp đỡ, an ủi nhiều nạn nhân trong bão lụt lần này.

Ở chiều ngược lại, nhà nước đã làm gì?

Chúng tôi gọi điện thoại đến các nạn nhân trận lũ lụt vừa qua ở Quảng Bình, để tìm hiểu về những điều gì đã xảy ra trong trận lũ vừa qua. Linh mục Pet. Trần Văn Thành, quản xứ Tam Tòa, thành viên Ban Bác ái Giáo phận Hà Tĩnh cho chúng tôi biết:

“Trận lũ lụt này là trận lũ lịch sử, tôi chưa bao giờ thấy trận lũ lớn như vậy ở vùng này. Nhiều vùng bị ngập đến mức không còn gì, trâu bò lợn gà chết ngổn ngang, mức độ thiệt hại hết sức lớn so với trận lũ trước đây.

Khu lưu vực sông Gianh, các hộ buôn bán bị ngập nhiều nhưng nước rút nhanh hơn. Phía Lệ Thủy và Quảng Ninh bị ngập lụt nhiều nhất.

Nguyên nhân là lượng mưa quá lớn, rừng đầu nguồn bị chặt phá hết, nên nước ngập rất nhanh và rất sâu.

Chúng tôi hết sức ngạc nhiên với tinh thần của người dân khắp nơi đối với những nạn nhân lũ lụt tại Miên Trung. Đặc biệt, tỉnh Nghệ An đã hết mình đến cứu trợ bất chấp những khó khăn.

Nhưng, điều đáng buồn là các sự điều hành, giúp đỡ đoàn cứu trợ đến với người dân đã không tốt, do vậy nếu chính quyền có chương trình điều phối những đoàn cứu trợ về thông tin hoặc chủ động về thuyền bè chở hàng cứu trợ thì sẽ tốt hơn cho người dân.

Tôi thấy qua việc này, nhà cầm quyền đã bỏ lơ và phó mặc người dân tự cứu giúp nhau mà không có trách nhiệm”.

Điều mà linh mục Pet. Trần Văn Thành vừa nói không có gì sai. Ngay khi bão lụt đã nhấn chìm các tỉnh từ Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình thì Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng chính phủ cùng với các lãnh đạo khác của đảng và nhà nước vẫn tưng bừng tham dự đại hội đảng các tỉnh. Nguyễn Phú Trọng vẫn tham dự Đại hội đảng bộ Hà Nội và nói những lời “tự sướng” mà không hề chú ý hàng trăm người, có cả tướng, tá, binh sĩ đã bỏ mạng tại Miền Trung và hàng triệu dân lành đang ngâm da ngâm xương trong bão lũ.

Thậm tệ hơn, kể từ đó cho đến nay, Nguyễn Phú Trọng hầu như không hề ra mặt nói một lời động viên tinh thần hoặc thăm hỏi những người dân lành của ông ta có trách nhiệm trong vai trò chủ tịch nước. Thậm chí, chỉ đến khi Mặt trận Tổ quốc phát động cứu trợ cho Miền Trung vào ngày 17/10, nghĩa là 11 ngày sau khi lũ lụt tại Miền Trung, ông ta chỉ nhắn gửi lời thăm hỏi mà chẳng biết có thật hay không, đến đồng bào Miền Trung.

Thế rồi, Mặt trận Tổ Quốc kêu gọi không mấy người hưởng ứng, dù ai cũng biết cái cách của Mặt Trận đi kêu gọi như thế nào. Sau màn mấy ông cán bộ bỏ bì thư, thì báo chí tuyên truyền chuyện em bé đập lợn đất lấy tiền cứu trợ bão lụt, rồi chuyện bà già gần trăm tuổi mang mấy ón ăn đi cứu trợ, truyền hình, báo chí kích động lấy nước mắt thiên hạ. Rồi đến đoàn thể vác sổ đi từng nhà, cơ quan trừ lương cán bộ để ủng hộ dù muốn hay không…

Thế nhưng, cả đợt kêu gọi bằng mọi cách như vậy, huy động cả hệ thống chính trị, tuyên giáo vào cuộc vẫn chỉ thu được mấy chục tỷ đồng.

Trong khi đó, chỉ mình cô ca sĩ Thủy Tiên, đã được sự ủng hộ đến 150 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm, từ các mạnh thường quân khắp nơi trong cả nước.


Và vậy là một chiến dịch được tung ra rằng Thủy Tiên làm vậy có vi phạm Nghị định 64/2008, một cái nghị định mà chục năm có lẻ chẳng ai quan tâm. Chỉ vì nó được chế tạo ra, nhằm dồn tất cả mọi mối cứu trợ vào một mối là các cơ quan nhà nước.

Thế rồi, báo chí công bố việc Huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị có công văn hỏa tốc yêu cầu các nguồn tiền, hàng cứu trợ phải đưa về Ủy ban huyện để phân bổ.

Nhưng, những bài học về việc cứu trợ qua cơ quan, tổ chức nhà nước đâu có ít để người dân không rút kinh nghiệm cho mình

Vậy là các lãnh đạo Mặt trận, Hội Chữ thập đỏ và nhiều quan chức khác thay vì lo lắng cho sự mất lòng tin của mình, lại đi lo lắng cho cô ca sĩ Thủy Tiên khó quản lý được một số tiền lớn như vậy, và khuyên cô này nên… nộp lại cho mặt trận để rồi vẫn được giữ tên của mình.

Mặt khác, thậm chí khi chính phủ đã cấp cho mỗi tỉnh bị bão lụt 100 tỷ đồng tiền ngân sách, nghĩa là cũng tiền dân, rồi hàng ngàn tấn gạo và lương khô… nhưng, cho đến chiều ngày 28/10/2020, khi chúng tôi gọi điện hỏi thăm, thì hầu hết dân chúng không hề được một chút tiền, hàng cứu trợ nào từ chính phủ.

Chỉ có ở Giáo xứ Diên Trường, khi được hỏi, thì linh mục quản xứ cho biết chiều nay, một thôn đông đúc được 4 suất cứu trợ bão lụt, báo hại những người dân quê khốn khổ lại mất đoàn kết vì ai ăn ai nhịn.

Lòng tin và hành động

Trong khi kêu goi cứu trợ Miền Trung từ những người dân vốn đã mỏi mòn và cạn kiệt, chỉ còn có lòng cảm thông và chia sẻ với nhau, còn đời sống mỗi người đang hết sức chật vật và gian nan sau những năm tháng dài dịch bệnh đe dọa.

Ngược lại, những dòng người cứu trợ đổ về Miền Trung đã nhiều khi gặp phải những cuộc hạch sách và gây khó của chính quyền địa phương, của những người không mấy thiện cảm với việc cứu trợ “ngoài nhà nước”. Và hẳn nhiên, ai cũng biết những người này là ai.

Trong khi đó, nhà cầm quyền vẫn tưng bừng mở đại hội, hoa hòe và cờ xí khắp mọi nơi trên đất nước, các tỉnh, các huyện, xã và nơi nơi đổ không biết bao nhiêu tiền dân cứ như đốt lá rừng không hề thương tiếc.

Câu hỏi được người dân đặt ra là: Tại sao không bớt đi vài phần nhỏ trong số cờ hoa, những cuộc văn nghệ chào mừng, các cổng chào và bao nhiêu thứ để tiêu tiền cho đại hội đảng từ quà tặng đến xe cộ… mà cứu lấy người dân?

Nhưng, đảng đã bỏ ngoài tai tất cả. Tất cả đang lao vào cuộc đấu đá giành ghế chiếm chức và nơi nơi hể hả “thành công rực rỡ”.

Điều mà người ta nhìn nhận ra sau vụ lũ lụt vừa qua, đó là lòng tin vào chính quyền, vào các cơ quan nhà nước, những cánh tay nối dài của đảng cộng sản như Mặt trận, Hội chữ thập đỏ, các cơ quan chính quyền… đã chạm tận đáy. Nhận thấy điều đó không khó khăn lắm. Chỉ cần nhìn từng đoàn cứu trợ dồn dập đến Miền Trung, từng khoản đóng góp đổ vào những nhân vật đứng ra nhận cứu trợ cho đồng bào, và những đồng tiền eo uột qua các cơ quan nhà nước, các tổ chức của đảng… thì chúng ta thấy rõ điều này.

Và điều nhìn rõ ràng hơn, đó là hành động của chính quyền, của nhà nước đã vô cảm như thế nào.

Và điều đó, đã chứng minh câu nói của người xưa: Rằng qua cơn hoạn nạn, mới hiểu tận lòng nhau.

Ngày 29/10/2020

J.B Nguyễn Hữu Vinh 

(rfavietnam)

No comments:

Post a Comment