Wednesday, March 10, 2010

Tại sao chúng ta lại phải cam chịu chấp nhận số phận như thế này trong một đất nước như thế?......




...... Tại sao chúng ta không thể lên

tiếng phản đối ? ?

Tại sao chúng ta không thể đứng lên đấu tranh cho

cuộc sống tốt đẹp hơn?

Tại sao chúng ta không làm gì đó cho đất nước,

thay vì chịu đựng hoặc bỏ sang nước ngoài và

không cần quan tâm đến VN nữa??

***

Những câu hỏi nhức nhối
của tuổi trẻ Việt Nam

Joyce Anne Nguyễn (Nguyễn Đắc Hải Di)

“…Nếu ta chỉ ngồi yên chờ đợi. Người này chờ người kia. Người kia chờ người nọ. Mọi người cùng chờ. Chờ đợi một điều hão huyền. Hoặc mong muốn một sự thay đổi nhưng ai đó sẽ làm thay mình, hoặc ai đó đi trước để mình đi theo. Mọi người cùng chờ. Và không điều gì xảy ra…”

Phạm Đỉnh: Trong xã hội Việt Nam ngày nay, những người trẻ được giáo dục theo khuôn mẫu phải biết sống “cúi đầu” và “câm nín”, hoặc là thờ ơ lãnh cảm với những gì đang thực sự diễn ra trên đất nước mình. Và có thể nhiều người lớn tuổi cứ tưởng rằng, từ môi trường giáo dục tha hoá, từ môi trường xã hội ru ngủ, những người trẻ không còn biết nghĩ gì về vận mệnh quốc gia dân tộc, không còn biết khát khao được tự do nói lên suy nghĩ độc lập của mình về con người và đất nước.
Photobucket - Video and Image Hosting
Joyce Anne Nguyễn là một thiếu nữ mới 16 tuổi, thuộc thế hệ 9X, nguyên là học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong, hoàn toàn thuộc về thế hệ sản phẩm của giáo dục và xã hội tha hoá cùng cực như thế. Thế nhưng, một loạt những trang viết của em trên
trang blog cá nhân của mình trong thời gian mấy tháng nay đã nói lớn cùng thế hệ cha anh rằng ý thức về xã hội không phải là độc quyền của ai đó, và không đợi tuổi. Chỉ cần cho tuổi trẻ một đường chân trời, họ sẽ bừng nở những hiểu biết về mình, về cuộc sống. Và họ sẽ nhận ra sự gắn kết giữa cá nhân mình cùng với xã hội, đất nước, và nhận ra chỗ đứng của mình trong cộng đồng thế giới.

Hôm nay,
Thông Luận trân trọng chuyển đến bạn đọc một chùm những bài viết ngắn của Joyce Anne Nguyễn (Nguyễn Đắc Hải Di) khi em được tận mắt nhìn thấy thế giới chung quanh, và nhận ra rõ nét “hai thế giới” mà em đã kinh qua từ trải nghiệm bản thân. Chúng ta dễ dàng nhận ra nhiều suy tư trăn trở của Joyce Anne khá gần với những suy nghĩ của Lê Thị Công Nhân và Phạm Thanh Nghiên, hai người thuộc thế hệ đàn chị đã từ những trăn trở của tuổi trẻ mà dấn thân vào công cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền cho một Việt Nam tương lai; một người vừa trở về từ nhà tù của chế độ, người kia thì còn đang bị giam tù. Từ những cảnh ngộ rất khác nhau, từ hai thế hệ khác nhau, những trăn trở của những thiếu nữ của thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay cùng phản ảnh trung thực những khát vọng cao cả của thế hệ chủ nhân tương lai đất nước.

Những trang viết của Nguyễn Đắc Hải Di có thể xem như là những câu hỏi nhức nhối mà tuổi trẻ Việt Nam hôm nay ném vào ý thức của thế hệ mình, và ném ra cuộc đời Việt Nam hiện tại, buộc toàn thể thế hệ cha anh và chính thế hệ tuổi trẻ phải nhìn lại mình. Có những câu hỏi nhức nhối cần phải được trả lời khẩn cấp và triệt để, có những câu hỏi cần những điều kiện cần của một môi trường xã hội dân chủ và tự do thực sự thì mới giải quyết được trọn vẹn. Đau xót thay, 34 năm qua, thế hệ cha anh đã lãng phí quá nhiều, đã phản bội lịch sử và phản bội thế hệ mai sau bằng sự vô cảm chưa từng thấy trong chiều dài lịch sử.

Nhân Ngày Phụ Nữ 08/03,
Thông Luận trang trọng gửi đến bạn đọc chùm bài viết của thế hệ phụ nữ hôm nay, xem như một dấu ấn của thế hệ Việt Nam mới, thế hệ những con người tự do không chấp nhận cúi đầu, cam phận như những con ngựa bị bịt mắt đi giữa một thế giới phẳng. Và hẳn nhiên đây là tiếng chuông đánh động những tư tưởng già nua lỗi thời của thể chế độc tài cộng sản.

Riêng với Joyce Anne Nguyễn,
Thông Luận gửi lời chúc trìu mến đến em, chúc em gìn giữ ngọn lửa ý thức mới của tuổi, và chuyển hoá năng lượng vào công phu rèn luyện cho một ngày mai. Dù ở ngoài hay trở về quê hương, tấm lòng của em đối với quê hương đã là những gì rất thật, và sẽ bền chắc.

I
Tin và không tin trong xã hội Việt Nam

“…Tại sao chúng ta lại phải cam chịu chấp nhận số phận như thế này trong một đất nước như thế? Tại sao chúng ta không thể lên tiếng phản đối? Tại sao chúng ta không thể đứng lên đấu tranh cho cuộc sống tốt đẹp hơn? Tại sao chúng ta không làm gì đó cho đất nước, thay vì chịu đựng hoặc bỏ sang nước ngoài và không cần quan tâm đến VN nữa?…”

Khi viết bài này trong chuyến tàu đi từ Prague đến Warsaw, tôi không có hy vọng sẽ tạo nên một sự thay đổi về quan điểm của người đọc, không hy vọng lớp trẻ VN đang sống tại VN có thể có cách nhìn khác hơn về hệ thống xã hội VN, đơn thuần là tôi viết chỉ để viết, viết quan điểm và cách nhìn của tôi. Tôi đã cố gắng để không bị xem là phiến diện nhưng quan điểm cần rõ ràng hoặc bên này hoặc bên nọ, không có thói quen đứng dạng chân cùng lúc trên hai quan điểm.

Không hẳn mọi điều ta cần phải tin đều là sự thật và chân lý. Cũng có khi đó chỉ là tuyên truyền. Tôi không tin vào điều tôi nghe và đọc, tôi không tin vào những lời người khác nói và ép buộc tôi phải nghe. Tôi chỉ tin vào những gì tôi đã tận mắt thấy, quan sát và trải nghiệm. Từ thực tế tôi tiếp nhận nhiều luồng và nhiều lối nghĩ khác nhau để rút ra kết luận riêng của mình. Dù là tuyên truyền hay không, đó cũng vẫn là cách nhìn và cách nói của những người khác, không phải của tôi.

Tôi sinh ra ở Sài Gòn, và lớn lên ở Sài Gòn. Và tôi rời Sài Gòn ngày 22/4/2009 (đến Na Uy ngày 23/4). Thời gian tương đối đủ để hiểu về cuộc sống của con người tại VN, để thấy những ngóc ngách khía cạnh khác nhau của xã hội VN mà nhiều người VN sinh tại nước ngoài chỉ về một vài lần không thể thấy hết được. Trong cách nghĩ của tôi, sống trong một thời gian dài và ghé thăm vài lần, mỗi lần vài tuần là 2 việc hoàn toàn khác nhau. Những người sống trong nước có thể không biết nhiều về chính trị nhưng thấy rõ những mặt xấu và những hạn chế trong môi trường mình đang sống.

Ở đây tôi nói về việc tin và không tin trong xã hội VN.

Khi tôi sinh ra và bắt đầu đến trường, tôi đã được dạy về Bác Hồ, được dạy đó là vị Thánh sống hoàn hảo không vợ không con cả đời hy sinh vì quốc gia dân tộc, không một xu trong tay rời khỏi nước tìm đường cứu nước.

Tôi đã được dạy xã hội VN tốt đẹp tự do và tôn trọng con người ra sao.

Tôi đã được dạy về những điều vĩ đại siêu việt của chủ nghĩa Marx- Lenin mà tôi phải học trong môn triết tại trường, được dạy về chiến tranh, về tinh thần đấu tranh bền bỉ bất khuất của con người VN đánh đuổi ngoại xâm.

Khi ấy tôi vẫn còn nhỏ và tôi tin những gì tôi đã học tại trường. Tôi không nghĩ người ta có thể lừa gạt con nít và nhồi nhét những điều dối trá cho trẻ thơ. Tôi đã nghĩ dân tộc VN là dân tộc hào hùng không bao giờ nhún nhường trước bọn xâm lược. Tôi đã nghĩ những điều ấy thật tuyệt vời và đáng tự hào. Tôi đã nghĩ…

trên đường phố Paris


Cho đến lúc này, thật khó để tôi có thể thẳng thừng tuyên bố về chiến tranh hay về con người Hồ Chí Minh.
Tôi có thể nói, nhưng như đã nói, tôi là một con người, một cá nhân, tôi không phải một con vẹt hay một cái máy cassette chỉ sáo rỗng lặp lại những gì tôi đã đươc đọc hoặc được nghe không qua kiểm chứng.

Tôi không thể nói về những gì tôi không tận mắt chứng kiến hoặc trải qua. Có rất nhiều bằng chứng còn sót lại nhưng vẫn rất khó để có thể thuyết phục mọi người, nên tôi quyết định sẽ không nói gì về chiến tranh và lịch sử, mẹ tôi đã trải qua, đúng, nhưng mẹ tôi là mẹ tôi, tôi là tôi, và tôi không muốn trả bài.

Tôi chỉ nhìn vào những gì đang diễn ra. Và nói về những gì đang diễn ra.

Tôi đã được học về sự ưu việt và tốt đẹp của chế độ cộng sản, về những lý tưởng cao cả của người cộng sản cùng với chủ nghĩa Marx- Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tôi đã nghe giáo viên phân tích về sự rệu rã của chế độ tư bản đang giãy chết bên bờ vực thẳm, bên ngoài giàu có đẹp đẽ nhưng bên trong đang chết dần chết mòn.

Nhưng rồi tôi được đến nước ngoài. Tôi sống tại Na Uy, tôi đi qua Pháp, qua Đức, qua Tiệp Khắc và sắp tới sẽ là Ba Lan.
Tôi phải tự hỏi, nếu chế độ cộng sản hoàn mỹ đến thế, tại sao nó lại sụp đổ ở hàng loạt các nước Đông Âu và trên thế giới chỉ còn lại 5 nước là VN, Lào, TQ, Bắc Hàn và Cuba theo chế độ này?

Tôi tự hỏi, nếu nhà nước cộng sản luôn lo cho dân và cho dân sự tự do, tại sao họ phải nổi dậy đấu tranh lật đổ, và bây giờ ở 5 nước này cũng có rất nhiều người đã chán ghét chế độ?
Tôi tự hỏi, xã hội ngày càng phát triển và tiến bộ, vậy tại sao từ năm 1975, sau 34 năm người dân VN vẫn tìm rất nhiều cách khác nhau để rời khỏi nước như vượt biên, lấy chồng ngoại, lao động hợp tác, môi giới lao động…?

Ở những nước Đông Âu đã từ bỏ chế độ cộng sản, tôi có thể thấy rõ cuộc sống của họ trở nên tốt hơn rất nhiều so với trước kia. Phát triển rõ rệt. Con người không dễ dàng bằng lòng chấp nhận số phận một cách thụ động mà chủ động đứng lên đấu tranh vì nhân quyền và tự do dân chủ, khi họ được quyền đến sự thật thay vì những lời tuyên truyền dối trá và được phản kháng và được cất lên tiếng nói của mình.

Và khi tôi được học về chủ nghĩa xã hội, tôi nhận ra xã hội VN không hề đi theo chủ nghĩa ấy. Theo chủ nghĩa xã hội, mọi thứ thuộc về nhà nước, sự phân chia giai cấp gần như không có, không có tư hữu.

Xã hội VN hay TQ có thể tiếp tục tồn tại vì họ từ lâu đã từ bỏ chủ nghĩa xã hội ban đầu - cái xã hội lý tưởng không giai cấp, và đi theo nền kinh tế tư bản. Rất nhiều người đã nói với tôi về công nghiệp hoá, hiện đại hoá định hướng xã hội chủ nghĩa và đất nước ta đang đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, thế nhưng họ đã bênh vực mù quáng mà không nhìn lại một chút để nhận ra sự tương phản 180° giữa mô hình chủ nghĩa xã hội và những gì nhà nước xã hội chủ nghĩa đang thực hiện.
Kêu gọi công nghiệp hoá, hiện đại hoá và khuyến khích mọi người làm giàu, ấy là tư bản. Đó là lý do TQ, VN có thể tồn tại.

Tôi tiếp tục tin và không tin trong xã hội VN.
Tôi sinh ra là một con người và tôi sống như một con người, không muốn làm con rối để bị giật dây.

Tôi đã được dạy về tinh thần yêu nước không khuất phục của con người VN. Nhưng khi cuộc biểu tình của sinh viên nổ ra chống đối TQ liên quan đến vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, họ bị đàn áp và bắt giữ.

Mẹ tôi cũng đã bị bắt vì biểu tình chống TQ. Chỉ vì yêu nước. Những công an bắt giữ mẹ tôi và những người khác nói rằng mẹ tôi bị bắt vì lý do tụ tập không xin phép (không dùng từ “biểu tình”), nhưng không nói được muốn tụ tập phải xin phép ở đâu.
Và từ sau đó họ bắt đầu chú ý đến gia đình tôi. Họ đọc mail, họ nghe điện thoại, họ theo dõi… một lần mẹ tôi nhận ra một con và bảo “Tôi trông anh quen lắm !”, con bảo “Không, làm sao quen được”. Không lâu sau khi chính thức gặp tại phường, người công an PA35 bước ra, chính là con , hỏi mẹ tôi “Sao, thấy quen không?”

Khi mẹ tôi bắt đầu viết blog, tình hình trở nên khác đi. Đôi khi công an đến nhà tôi và hỏi về giấy tờ và hộ khẩu, một cách bất thường. Và đôi khi công an gọi mẹ tôi thuyết phục, bảo biểu tình như thế là ảnh hưởng đến an ninh, đến quan hệ ngoại giao của VN và TQ. Một người công an khi ở quán cà phê cũng nói thẳng, thật ra những gì mẹ tôi viết là không có gì sai, nhưng không nên viết trên blog như thế cho người khác thấy, nếu bức xúc mẹ tôi có thể viết nhật ký.

Tình hình không đủ nghiêm trọng để ảnh hưởng đến việc học của tôi. Tôi vẫn được đến trường như bình thường và cũng không ai xuất hiện để dạy dỗ và gây khó dễ. Tôi cũng không nghĩ họ có nói gì với các giáo viên hoặc nhân viên trong trường. Không tới mức nghiêm trọng.

Nhưng mẹ tôi không thể tiếp tục làm việc. Công việc đang làm dở bị ngưng nửa chừng, không một lý do rõ ràng, chỉ vài lời giải thích nhập nhằng mơ hồ khoả lấp. Có một giai đoạn mẹ tôi hoàn toàn không có việc làm, và nợ càng lúc càng dồn. Mỗi khi mẹ tôi đến một nơi làm mới, họ đều đến nói đôi lời với tổng giám đốc để dặn dò.

Có lẽ người khác sẽ không tin và cho rằng đó là điều dối trá. Trong xã hội VN, người ta có câu:
“một điều dối trá nói trăm lần, ngàn lần sẽ trở thành sự thật”.

Những điều nhà nước bắt ta phải tin, dần dần ta tin không cần đắn đo suy nghĩ để kiểm chứng mức độ xác thực. Ta tin vì ta đang sống trong xã hội này, ta tin vì ta đang ở dưới chế độ này. Ta tin để tiếp tục sống.

Còn nhiều điều khó tin rút cuộc lại là sự thật. Những điều tôi vừa kể, nếu được nghe từ ai đó xa lạ, có lẽ tôi sẽ không bao giờ tin. Nhưng vì đó là những chuyện đang thực sự xảy ra và tôi đã tận mắt có mặt, chứng kiến và trải qua.

Tôi cũng đã thấy họ bôi nhọ danh dự mẹ tôi cùng những người bất đồng chính kiến khác bằng những lời bôi xấu trước báo chí hoặc trên chính báo chí.

Tôi đã được học trong chính nền giáo dục VN về xã hội phong kiến khi người phụ nữ không được nói lên suy nghĩ của mình, không được đặt câu hỏi thắc mắc và phản kháng. Nhưng ngày nay rút cuộc trong chính xã hội hiện tại, không chỉ phụ nữ mà tất cả mọi người nói chung không được phép tự do nói lên cách nghĩ của họ, không được phản kháng và biểu tình chống đối.

Chẳng hạn như về dự án bauxite, bất chấp bản kiến nghị của rất nhiều người không ủng hộ ký vào, nhà nước VN vẫn tiến hành dù biết rõ mức độ nguy hại của khai thác bauxite đến môi trường, đến đất và nguồn nước, đến cây cối xung quanh. Khai thác bauxite, không loài sinh vật nào dưới nước có thể sống được và con người mắc bệnh lạ,

TQ đã đóng cửa một loạt các nhà máy bauxite tại nước họ và sang VN tiến hành. Khai thác bauxite, các cây như chè, cà phê... đặc trưng ở vùng Tây Nguyên không thể trồng và mất vài trăm năm để có thể trồng lại. Chưa kể đến việc khi tiến hành dự án bauxite, nhà nước TQ đưa nhân dân TQ sang làm việc dẫn tới việc người dân VN thất nghiệp. Về kinh tế, bauxite trước khi thành nhôm sẽ được làm thành alumina, VN không đủ điện để từ alumina luyện thành nhôm, và theo giá thị trường, alumina rất rẻ so với nhôm

. Nhưng điều quan trọng nhất mọi người đều phải cảnh báo là vấn đề an ninh đất nước. Có thể quan điểm chính trị khác nhau, nhưng đa phần người VN đều căm ghét TQ (như cách TQ căm ghét VN). Nhìn những gì TQ đã làm với Tây Tạng và Tân Cương và tham vọng bá quyền lấn sang cả lục địa đen, tôi không nghĩ TQ có thể bỏ qua thẻo thịt thừa VN.

Nhà nước VN hoàn toàn không quan tâm đến bản kiến nghị. Vẫn đồng ý ký và tiến hành dự án bauxite.

Tôi đã được học về tinh thần đấu tranh bất khuất không nhún nhường và lòng yêu nước của người VN. Nhưng tôi đã thấy họ bắt giữ, đàn áp và gây khó dễ cho những người biểu tình chống TQ vì ảnh hưởng đến an ninh và ngoại giao giữa hai nước.
Tôi đã thấy nhà nước VN hăng hái lên tiếng ngay khi hai cảnh sát Mỹ đánh một sinh viên VN vì anh này không đủ tiếng Anh và hai bên không hiểu nhau. Họ lên tiếng và thổi phồng sự việc,
trong khi đó với những gì TQ đã làm với ngư dân VN, họ trì hoãn một thời gian trước dư luận và sự bức xúc của dân chúng mới rụt rè lên tiếng chút ít và sau đó tiếp tục giữ im lặng.

Tạp chí
Du Lịch khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa thuộc VN bị đình chỉ. Trong giờ học, khi các học sinh lên tiếng nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa và công hàm của Phạm Văn Đồng, giáo viên của tôi đã nói, theo cách các công an khác vẫn nói, đây là vấn đề “nhạy cảm” không nên bàn đến. Rất nhiều lúc họ chỉ trả lời vu vơ, “Đấy là vấn đề ‘nhạy cảm’ để nhà nước lo”. Nhưng rút cuộc tôi chẳng thấy chút hành động rõ rệt nào của nhà nước. Họ không cho phép người dân được quan tâm.

Tại Ba Lan


Tôi đã sống trong lòng chế độ như thế. Bây giờ tôi đang sống trong một nước khác và thời gian vừa qua may mắn tôi đã có cơ hội đến thăm một số nước tại Châu Âu. Tôi đã nhìn, đã thấy, đã quan sát và so sánh. Tại Na Uy, Pháp, Đức, Tiệp Khắc và Ba Lan, giáo dục đều miễn phí và học sinh không phải tốn một xu khi đến trường. Ở VN mọi người đều than thở chuyện học phí tăng càng lúc càng cao, dẫn đến việc bỏ học của nhiều học sinh nghèo vì không có điều kiện để đi học.

Tôi thấy người phương Tây tôn trọng mạng sống, tôn trọng dân họ. Tại Na Uy, người thất nghiệp không thể tìm việc làm, dân tị nạn, người điên, chậm phát triển, tàn tật, người già… đều được nhà nước cấp tiền nuôi. Có những trường hợp người bệnh, nhà nước bỏ tiền đưa người mẹ từ nước khác sang săn sóc con. Họ cấp tiền cho người tâm thần mua rượu và thuốc lá, nghe có lẽ hơi kỳ lạ, nhưng theo cách họ nghĩ, đó là nhu cầu bình thường của người tâm thần. Tôi đã từng cười việc họ thổi phồng, viết báo và phỏng vấn con gái một người đàn ông bị tù 3 ngày trong Thế chiến thứ 2, nhưng rút cuộc nó chỉ bắt nguồn từ nguyên nhân: họ tôn trọng dân họ, từng cá nhân trong đất nước họ, và số lượng người chết quá ít.

Tại một nước Bắc Âu, một lần một thị trưởng phải đứng lên xin lỗi nhân dân trong thành phố vì một con đập mở ra và đóng lại đều đặn mỗi ngày, một lần sớm hoặc trễ vài phút chẹt chết một con thiên nga, ảnh hưởng đến sinh thái.

Tại Pháp, mỗi khi giá cả xuống thấp, nông dân đi biểu tình và nhà nước đền bù một số tiền nhất định cho họ.

Tại Đức, một lần các ô-tô đều được thông báo về việc có trẻ con trên tuyến đường dành riêng cho xe ôtô chạy tốc độ cao, đây là một cậu bé 9 tuổi trễ xe buýt quyết định tự đi bộ đến trường, sau vài phút xe cảnh sát đến và đưa thẳng cậu bé đến trường học. v.v.

Còn tại VN? Cháy nhà. Sập nhà khi vừa thi công công trình. Lũ và dự báo thời tiết sai. Sập cầu. Cây đổ. Dây điện rớt. “Lô cốt” chắn đường. Tai nạn giao thông. Ung thư vì thức ăn kém vệ sinh và môi trường ô nhiễm. Vướng vào cột điện và ngắt điện quá trễ… Người ta có thể chết vì hàng trăm hàng nghìn cách khác nhau.

Ở đây tôi không muốn chê bai chỉ trích đất nước tôi và vọng ngoại tâng bốc nước ngoài. Đơn thuần tôi chỉ nói lên sự thật. Nói lên những gì tôi đã nhìn thấy, đã quan sát tận mắt. Và tôi tự hỏi, một nhà nước có tốt không khi mạng người xem như cỏ rác, bao nhiêu người chết họ không quan tâm, đôi khi vì số lượng quá lớn họ phải đứng ra nói vài lời sáo rỗng cho qua và đền bù vài triệu cho xong?
Nhà nước đó có tốt không khi họ hoàn toàn không quan tâm đến đời sống và quyền lợi của nhân dân họ?
Nhà nước đó có tốt không khi họ ký tiến hành một dự án nhân dân đã ký kiến nghị phản đối?
Nhà nước đó có tốt không khi sau dự án bauxite họ chuyển sang dự án điện hạt nhân? Nhà nước đó có tốt không khi họ đàn áp từ công nhân đến nông dân, từ Công giáo sang Phật giáo?
Nhà nước đó có tốt không khi họ phải theo dõi, bôi xấu, vu khống, chặn đường kinh tế, đàn áp và bắt giữ những người bất đồng chính kiến? Giới lãnh đạo đó có tốt không khi họ có thể tuyên bố trên báo chí họ là nô bộc của dân nhưng với báo chí nước ngoài họ bảo dân chúng là con cái nhà nước, con hư họ đóng cửa dạy riêng trong gia đình họ, không cần hàng xóm phải gõ cửa can thiệp?

Giới lãnh đạo đó có tốt không khi chủ tịch nước sang Cuba tuyên bố VN và Cuba đang thay phiên canh giữ hoà bình cho thế giới, nhưng bản thân họ không dám lên tiếng về việc các ngư dân bị bắt giữ và cướp bóc trên Biển Đông và không dám đề cập đến Hoàng Sa, Trường Sa với lời nói mơ hồ đó là vấn đề “nhạy cảm”, đừng bàn tới, đã có chính sách của nhà nước?

(Ở những nước khác theo quan niệm của họ, ban lãnh đạo là do nhân dân bầu ra và đóng thuế nuôi, họ phải đại diện cho dân và tôn trọng quyền lợi của dân, không thích, dân có quyền thay một ban lãnh đạo khác).

Nếu xã hội tốt, tại sao từ năm 1975 - được gọi là thống nhất, cho đến nay trong suốt 34 năm, mọi người đều muốn tìm cơ hội kéo nhau ra đi để tiếp tục sống bằng hàng trăm hàng nghìn cách khác nhau và người Việt ở khắp nơi trên thế giới?
Nếu xã hội tốt, tại sao những người ra đi đa phần đều không muốn về?
Tôi đã đi, đã gặp và trò chuyện với rất nhiều người Việt ở Đông Âu, và họ đều chỉ muốn về chơi chứ không muốn về sống. Và rất nhiều người VN tôi biết không muốn trở về.

Đó không phải là không yêu nước.

Nói thẳng thắn, tôi cũng không muốn về. Tôi không về được và cũng không muốn về. Đó không phải là không yêu nước. Đó không phải là không muốn góp phần xây dựng đất nước. Tôi đã từng viết một bài về vấn đề đó.
Mỗi người chúng ta đều muốn làm gì đó cho đất nước, nhưng rút cuộc công sức sẽ chỉ tan thành tro bụi và đổ sông đổ biển vì bạn có thể xây dựng được gì trong xã hội “một thằng xây chín thằng phá” này?

Ông thủ tướng đeo trên tay cái đồng hồ vài chục ngàn đô, trong khi nhân dân phải cực khổ làm việc mưu sinh để có đủ tiền cho con đóng học phí, các công nhân phải làm việc cực khổ chỉ có vài trăm ngàn một tháng, các nông dân bị chèn ép giá đất đến độ phải kéo đi biểu tình…
Đây không phải là xã hội xã hội chủ nghĩa như cái họ đang rao giảng nhồi nhét tuyên truyền cho mọi người, khi có những người làm việc cực khổ, nợ nần chất đống đến độ phải tìm những công ty môi giới tìm cách sang các nước Đông Âu làm việc cho nhà máy (tôi đã gặp họ) trong khi có những người có thể bay một chuyến từ Hà Nội vào Sài Gòn chỉ để ngủ một đêm để đổi không khí, có những người xài đồng hồ 800 đô, mỗi tuần thay một cái và đến sinh nhật tặng bạn bè mỗi đứa một cái!

Và tôi tự hỏi:

Tại sao chúng ta lại phải cam chịu chấp nhận số phận như thế này trong một đất nước như thế?
Tại sao chúng ta không thể lên tiếng phản đối?

Tại sao chúng ta không thể đứng lên đấu tranh cho cuộc sống tốt đẹp hơn?

Tại sao chúng ta không làm gì đó cho đất nước, thay vì chịu đựng hoặc bỏ sang nước ngoài và không cần quan tâm đến VN nữa?

Tại Ba Lan công nhân đình công và thổi bùng cách mạng với sự dẫn dắt của Giáo Hoàng John Paul II. Quân cờ domino đổ đầu tiên dẫn đến hàng loạt các quân cờ khác đổ một loạt tại các nước Đông Âu. Người dân biểu tình hoà bình vì nhân quyền và tự do dân chủ, và người lính hạ súng từ chối bắn vào nhân dân họ. Tại Đức, khao khát tự do người ta tìm cách vượt qua bức tường từ Đông sang Tây (như dân VN trước đây hàng loạt kéo nhau vượt biên gây chấn động Thế Giới) dẫn đến kết quả cuối cùng là giật đổ cả bức tường (vừa rồi tôi đã có cơ hội dự lễ tưởng niệm 20 năm bức tường Berlin sụp đổ).

Vì tự do. Vì quyền sống. Vì tương lai. Họ đã đứng lên. Nổi dậy. Phản kháng. Cất lên tiếng nói và đòi hỏi cho tự do dân chủ.


Nhưng liệu nhân dân VN sẽ tranh đấu cho cuộc sống tốt đẹp hơn hay tiếp tục cam chịu những mục ruỗng thối nát của chế độ với quan niệm đánh đồng yêu quê hương Tổ quốc và yêu nhà nước và suy nghĩ an ủi xã hội đang dần dần phát triển?
(Ồ vâng, xã hội đang tiến bộ, đứng thứ 169 trong danh sách về những nơi có điều kiện sống tốt trên thế giới, và cách đây vài năm một tờ báo chính thống của VN đã viết, VN mất 175 năm để đuổi kịp Singapore với điều kiện Singapore đứng yên - điều này là không thể có!). Nhân dân VN sẽ đứng lên tự quyết định cho số phận dân tộc, hay chỉ vô vọng chờ đợi sự can thiệp của Mỹ (Tại sao Mỹ phải can thiệp ? Hãy nhìn cách Obama không dám tiếp Dalai Lama chỉ vì sợ phật lòng TQ) và hèn nhát khiếp nhược (có lẽ sợ VN sẽ như TQ trong sự kiện Thiên An Môn đã cho xe tăng cán qua số sinh viên biểu tình ?) với lời nguỵ biện VN là nước nhỏ không đánh lại TQ nên phải cúi đầu? (Đài Loan, Singapore… có phải nước nhỏ không? Tại sao những nước này không sợ TQ ?)

Nhà nước này và những người tự nhận mình yêu nước hơn người khác chỉ vì bênh vực Đảng và chế độ luôn tìm ra cách giải thích và biện minh cho mọi sự kiện và vấn đề, nhưng tại sao thay vì tìm cớ, tìm cách giải thích khoả lấp cho qua chuyện, chúng ta không tìm giải pháp và làm gì đó để cải thiện những mặt không tốt ấy?

Tại sao thay vì chờ đợi cho một điều không bao giờ đến - sự can thiệp của một nước khác, chúng ta không tự quyết định cho số phận của chính mình?

Tại sao thay vì cam chịu sống cùng những mục ruỗng lũng đoạn của xã hội và những lời giải thích khập khiễng, chúng ta không đấu tranh cho cuộc sống tốt đẹp hơn ?

Tôi buộc phải tin. Tôi muốn tin. Nhưng khác nhiều người, máu phản kháng đã có sẵn trong tôi.

Tôi đọc những cách nghĩ khác nhau. Tôi so sánh. Tôi phân tích. Tôi đặt câu hỏi. Tôi nhìn vào thực tế.

Tôi xem xét vấn đề. Tôi kết luận.

Một tờ brochure giới thiệu về buổi triển lãm tội ác cộng sản tại Tiệp Khắc. “Museum of communism Dream Reality Nightmare”.

Những điều tôi đã nói, các bạn không tin và hỏi tôi bằng chứng thuyết phục đâu. Thế các bạn đã bao giờ thắc mắc và nghi vấn về những điều các bạn đã được dạy dỗ bao lâu nay chưa?
Các bạn có bao giờ nghi ngờ tính xác thực của những điều ấy hay trong quan niệm của bạn nhà nước không thể tuyên truyền áp đặt dối trá cho dân chúng và với bạn sống trong đất nước này, các bạn cần phải đặt lòng tin tuyệt đối vào nhà nước này và bạn tin (hoặc thuyết phục bản thân phải tin) rằng ban lãnh đạo đều đang cố gắng hết sức mình để làm những điều tốt đẹp nhất cho xã hội VN?

Hoàn thành ngày 17/11/2009 tại Warsaw, Ba Lan

Thông Luận 2010

No comments:

Post a Comment